Truyền Giáo Và Thời Đại Mới

1.Vấn đề truyền giáo

Thế giới đang chuyển mình và ở trong thời đại toàn cầu hóa với biết bao nhiêu kỹ thụật cao và tiến bộ hàng ngày. Ở các nước tây phương, một sinh viên ra trường với cấp bằng cử nhân, kỹ sư…gì đó chẳng hạn, trong vòng ba năm hay tùy theo ngành nghề mà mình không làm cái nghề mình đã học hay nếu chẳng may không có việc làm thì cái bằng của mình coi như quá hạn, cổ lỗ sĩ. Chuyện quá hạn như đồ ăn, thức uống, thuốc men hậu quả ra sao, ai cũng biết nên khỏi cần bàn bạc ở đây. Ngay cả một nguời đang làm đúng công việc mình đã học thì vẫn phải có những khóa tu nghiệp học hỏi thêm để cập nhật năng khiếu, kỹ thuật thời đại.

Chuyện đời là vậy nên chuyện đạo cũng không khỏi những ảnh hưởng dây chuyền. Chuyện xảy ra ở một góc biển chân trời nào đó, trong giây lát ở mút chân trời bên kia đều biết, xem được hình ảnh, nghe được tiếng nói. Khó lòng mà bưng bít, chỉ cần một cú gọi, người ta có thể nói hết mọi sự. Đó có phải là những khó khăn hay là những tiện dụng cho công cuộc truyền giáo, cho người truyền giáo?

Nhưng truyền giáo là gì và làm sao tìm ra được hướng đi đúng nếu nói mạnh hơn là khuôn mẫu của truyền giáo? Và nếu tìm ra khuôn mẫu ấy thì liệu lộ trình nó có còn thích hợp với thời đại mới của chúng ta chăng? Thật là nhiều vấn nạn nếu cứ đòi hỏi, muốn đặt ra, muốn làm khó cho chính sự việc.

2. Đi tìm những phương cách

Trông vào Phúc âm, truyền giáo chỉ còn đơn giản là rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Tin mừng ấy, nghĩa là ngôn hành đồng nhất. Lời nói đi đôi với việc làm hay hành động chứng thực hay “kiểm chứng” cho hành động. Những bài nghiên cứu sâu xa, những kiến thức bác học, trường qui cũng cần thiết thực nhưng chưa phải hành trang cần và đủ cho sứ giả truyền giáo. Phêrô, một ngư dân tầm thường, kiến thức ở đâu mà giảng một bài giảng sau đó mấy ngàn người trở lại? Hấp lực bài giảng của Phêrô không phải là kiến thức mà chính là nói sự thật và can đảm làm chứng cho sự thật mà Phêrô đã sống. Nó hấp dẫn là ở chỗ nầy. Thu hút người nghe không phải là ở những từ ngữ to lớn, kêu, mới lạ, nhưng là những gì đi vào tấm lòng con người. Ta nghe một bản nhạc thấy thật thấm thía, ru hồn, chính vì điệu nhạc và lời ca đi vào tâm tư mình, nó hòa nhập với tâm tư làm cho mình sống với điệu nhạc và lời ca ấy.

Truyền giáo chắc hẳn cũng không phải là chuyên giảng kinh thánh. Có những giáo phái họ rất giỏi về kinh thánh, họ còn biết rõ câu nầy đoạn kia ở đâu, tinh tường lắm nhưng làm sao thuyết phục được người ta? Đó là việc Chúa làm. Không, Chúa không làm vì Chúa sai các môn đệ, sai chúng ta đi truyền giáo. Chúa muốn chuyển tải sứ điệp Tin mừng, tình yêu thương của Ngài cho nhân loại qua chúng ta, những sứ giả truyền giáo bằng những gì chúng ta có, bằng những gì chúng ta hiểu, bằng những gì chúng ta học được, cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Ngài qua tất cả những giai đoạn của mầu nhiệm cứu độ. Thiên Chúa thật gần gũi và cũng thật cao xa mà có lần một phi hành gia vũ trụ bay ra ngoài tầng khí quyển đã nói ông không tìm thấy Thiên Chúa hay như một triết gia nọ nói rằng Thiên Chúa đã chết sau bao nhiêu lý luận hay biện chứng. Thiên Chúa thật gần gũi, tâm tình khi chúng ta biết cầu nguyện, khi chúng ta nhìn thấy sự đời, cuộc sống thật vô thường.Đứng trước sự chết, mắc phải chứng bệnh nan y, hiểm nghèo hay trôi lênh đênh, bềnh bồng giữa đại dương, sóng to biển cả, con người thật bé nhỏ, tự nhiên thấy có nhu cầu cầu nguyện và họ cầu nguyện rất thiết tha như đối thoại với một đấng vô hình thiêng liêng đang lắng nghe, kế cận, nâng đỡ họ.

Sứ giả truyền giáo chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa bằng tâm tình, bằng con tim, bằng lời nói chân thành chứ không phải là thứ ngôn ngữ chính trị, ngoại giao hay mị dân, xu thời kiểu ngã theo chiều gió để tìm lợi ích cho riêng mình và bằng cuộc sống đơn giản, hài hòa. Chúa bảo các môn đệ đi truyền giáo vào thành không mang theo quá nhiều hành trang dự phòng, không đòi hỏi cao lương mĩ vị hay tiện nghi vật chất xa xỉ, ai cho gì ăn nấy nghĩa là sống nhập thế, hội nhập, sống với người ta, sống hòa đồng. Chính Đức Kitô là mẫu gương tuyệt hảo cho sứ giả truyền giáo, sống giữa trần đời để chuyển tải một sứ điệp cao cả là Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc nhân loại. Ngài rất bình thường vì là con ông Giuse thợ mộc đến nỗi người ta ngạc nhiên tự hỏi cậu Giêsu có phải là con ông Giuse thợ mộc chăng? Có sống, có nhập thế, hội nhập thì mới thấu hiểu những khúc mắc, những ẩn khuất, những nan giải đôi khi tình ngay lý gian v.v… thì lời, tâm tình sứ giả truyền giáo mới thấm sâu, mới đi vào tâm tư con người.

Tiến sĩ, thạc sĩ, cao học, cử nhân, học vị cao, bằng cấp đầy mình mà không có con tim, tâm hồn, không đi song hành với đời sống sứ giả truyền giáo, lúc đó bằng cấp chỉ còn là phô trương, lòe thiên hạ. Trong Phúc âm các kinh sư, biệt phái, luật sĩ v.v…rành rẽ lắm, thông minh có thừa nhưng không nhận ra Đấng Thiên sai đang kề cận bên mình vì tâm hồn họ muốn chẻ sợi tóc làm đôi chớ không thấy cái lỗi của mình tức cần sự cảm thông, tha thứ.

Mẹ Théresa Calcutta nổi tiếng thế giới, nói được là vị thánh sống trước khi giáo hội tuyên phong, không phải vì tài nghệ làm từ thiện hay học vị cao, diễn văn dài, nói những lời đanh thép, hùng hồn, viết những quyển sách uyên bác, những bài nghiên cứu sâu xa, chuyên môn v.v…nhưng là con người mảnh khảnh, nói lời nhỏ nhẹ. Mẹ Théresa đã để cho đời một nhà dòng noi gương mẹ, một tấm gương sáng về tình thương đặc biệt đối với người nghèo chính hiệu, người nghèo bị bỏ rơi bên lề xã hội ở Ấn độ, một tâm hồn chan chứa yêu thương và tin tưởng mãnh liệt vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Sứ giả truyền giáo là biết ra đi, là được sai đi. Ra đi đã đành nghĩa là mình đi nơi khác, không phải chỗ phồn hoa đô hội, không đi tìm các nhà đại gia, những người quyền quí cao sang,thế lực, nhưng đi ra khỏi chính mình mới quan trọng. Bỏ cái tôi, chấp nhận người khác như là bạn hữu, như là anh chị em theo như hoàn cảnh họ đang có hay đang gánh chịu, lắng nghe nhiều hơn là nói. Sứ giả truyền giáo là nơi để người khác nói, khi tạo được một nhịp cầu cho dòng tâm sự tuôn chảy thì mọi rào cản, ngăn trở hay chướng ngại kể như đã phá vỡ. Cửa ngõ tình thương nói được đang rộng mở và tình yêu Thiên Chúa sẽ chuyển hóa. Còn cái tôi, còn bản ngã, còn chấp nhất, còn câu nệ, còn tìm lợi ích, hảo danh…là chưa đi ra khỏi chính mình, là còn muốn tạo vinh quang hay hào quang trống rỗng cho riêng mình. Nhìn gương các vị thừa sai ngày trước qua nước ta, các ngài bỏ tất cả sự sung sướng, thoải mái tiện nghi vật chất bên trời tây qua tới quê hương chúng ta rừng thiêng nước độc, lạ nước lạ cái, bị bách hại, mong được gì? Chỉ mong sao Tin Mừng được rao giảng, nhiều người trở lại với Thiên Chúa. Ôi một tấm gương sáng chói và cao cả biết bao.

Sứ giả truyền giáo ra đi miệt mài, nhẹ nhàng mà sâu lắng, không như những màn làm từ thiện quảng cáo quay phim, chụp hình, nào xe cộ, người đẹp người mẫu, quà cáp… thật là xôm tụ, rôm rả cả một góc trời. Phúc âm nói họ đã được lãnh công rồi vì khi các con làm việc bác ái thì đừng để tay mặt biết tay trái làm gì nghĩa là âm thầm, không khoe khoang, phô trương, tự đắc…vì Cha các con ở trên trời thấu rõ những điều thầm kín trong lòng. Sứ giả truyền giáo ra đi để lại trong tâm lòng người dân một hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương, một tin mừng là mỗi người được Thiên Chúa biết đến gọi bằng chính tên của mình, yêu thương và cứu chuộc họ hay ít là một câu hỏi thông thường nơi người dân: họ là ai mà làm những việc từ tâm từ thiện như vậy? Một câu hỏi để mở ra cho con đường trở về với Thiên Chúa như Saolê ngã ngựa trên đường đi Damascus vậy.

Sứ giả truyền giáo như Môisen, lắng nghe và truyền đạt lời Chúa. Có lẽ ước ao lớn nhất của Môisen là được cùng dân vào đất hứa, nhưng ông cũng chỉ “thấy” đất hứa trước mặt. Kẻ gieo, người gặt khác nhau. Điều quan trọng là mỗi người đều làm đúng, làm trọn vẹn bổn phận của mình. Đòi phần thưởng ư? Đòi đền đáp, trả công những gì mình đã làm ra chăng? Hay như sự thường là mong muốn nhìn thấy kết quả của công việc mình đã gieo hay chăm bón chăng? Công cuộc truyền giáo cứ tiếp nối từ thời nầy qua thời khác, không bao giờ dừng, chính vì thế mà Đức Kitô dạy chúng ta cầu nguyện: xin cho nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời và khi có “trời mới đất mới” như sách Khải huyền mô tả hay như trong thị kiến của tiên tri Isaia (nhân loại như sống thời địa đàng) thì may ra sứ mạng truyền giáo mới ngưng nghỉ.

Nói như thế không có nghĩa là sứ giả truyền giáo như một loại tằm nhả tơ. Không chút nào vì không ai cho cái mình không có. Sau khi các môn đệ trở về sau chuyến truyền giáo, chúng ta có thể tạm quảng diễn rộng ra là ông thì khoe mình làm cái nầy cái kia; ông khác lại mách mình làm được phép lạ; người nọ hãnh diện được nhiều bà Veronica, con cái Đức Mẹ hay ngay cả các đại gia thương yêu, chìu chuộng, đãi ngộ tốt v.v…thôi thì đủ thứ. Đức Kitô chỉ lắng nghe và rồi Ngài khuyên nhẹ các ông ra nơi vắng vẻ nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhẹ nhàng và thâm thúy biết bao. Ngài ngầm bảo các ông ngoài nghỉ ngơi lấy lại sức, nhìn lại những gì mình đã làm, đã nghe, đã thấy và đã tiếp nhận, soi dọi chính mình để biết cầu nguyện thiết tha hơn. Đây là bài học tĩnh tâm, bài học tu nghiệp, bài học thường huấn, tập huấn hay tu đức. Đây là lúc “recharge battery” (sạt lại bình điện), cập nhật lại mọi khía cạnh, kín múc lại nguồn suối ân sủng thiêng liêng nơi Thiên Chúa. Đây cũng chính là lúc điều chỉnh lại la bàn hay địa bàn hoặc hướng đi truyền giáo sứ vụ của mình, điều chỉnh lại bài học, những từ ngữ, cách sống hay cách ứng xử của mình với người địa phương. Bao lâu mà mình chưa biết điều tiết thích hợp là mình còn phải học, phải tu đức, phải khiêm hạ. Đây cũng là lúc correctio fraterna, anh em trong nhà chỉ bảo lẫn nhau, nói cho nhau nghe, chia sẻ tình huynh đệ ngọt bùi trong kinh nghiệm truyền giáo mà Đức Kitô đã ao ước và cầu nguyện xin “cho chúng nên một” sau nầy.

3.Gương mẫu truyền giáo

Đức Maria và Đức Kitô là mẫu gương tuyệt hảo trọn vẹn cho sứ giả truyền giáo. Sau tiếng Fiat, xin vâng không lâu, Đức Maria đã vội vã lên đường, ra đi đem tin mừng cho người chị họ của mình và lời đối đáp của ngài: Magnificat chan hòa, thấm đậm tình yêu Thiên Chúa trải dài từ Cựu ước sang Tân ước. Magnificat nên là kinh nhât tụng, là ca khúc cầu nguyện hàng ngày của sứ giả truyền giáo. Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu chỉ tu trong dòng kín, qua đời tuổi còn xuân xanh mà được tôn phong là bổn mạng của các xứ truyền giáo. Sinh thời ngài đã có lần ước ao đến Việt nam truyền giáo và một tiểu chủng viện ở miền nam (Long xuyên) mang tên ngài.

Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu. Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao mà:

– Giáo phận Đàng Trong được sớm đón nhận Tin Mừng trong cả nước Việt nam.

– Giáo phận Đàng Trong sau nầy là Qui Nhơn lưu dấu biết bao nhiêu bước chân cao cả của các vị thừa sai đầu tiên thuộc dòng Tên, dòng Đa minh, Hội thừa sai Paris v.v…

– Các thánh tử đạo địa phương như Anrê Phú Yên, Stêphanô Thể, Anrê Kim Thông, Huỳnh Thị Lưu v.v…anh dũng tiến lên pháp trường.

Hạt giống Tin Mừng vẫn còn đang nẩy mầm và sinh hoa kết quả trĩu cành. Có thể thấy đâu đó trong khắp giáo phận Qui Nhơn còn lưu dấu vết tích của các nhà truyền giáo. Đền Nước Mặn ở Tuy Phước cũng là một lưu dấu của công cuộc truyền giáo Tin Mừng ở Qui nhơn. Chứng tích hào hùng tử đạo thì có Đền thánh Stêphanô Thể, Vĩnh Thạnh, hồi trước 1975 còn có trường Huỳnh Thị Lưu và nghe đâu tại nhà thờ Kim châu, Bình định cái chuông ghi tên Anna Lưu không rõ do dâng cúng hay do tưởng nhớ, Đền thánh Anrê Kim Thông ở Gò thị, Anrê Phú Yên ở giáo xứ Mằng lăng; còn nơi yên nghỉ của nhiều vị thì kế cận Chủng viện Làng sông, gần giáo xứ Tân dinh, Tuy phước. Tiếc rằng nơi yên nghỉ của các cố, các dì thời xa xưa, thời kỳ Đại chủng viện Đại an (khoảng năm 1920 ?) nằm trong đất thánh của giáo xứ Đại an đã hốt cốt, không còn lưu dấu công cuộc truyền giáo, đào tạo chủng sinh, linh mục của các ngài tại địa phương.

Mong thay công cuộc truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn vẫn luôn khởi sắc và nhiều người đáp lại lời mời gọi truyền giáo bằng nhiều cách thiết thực trong đời sống và hoàn cảnh riêng của mỗi người. Dù thời đại có thiên biến vạn hóa với biết bao nhiêu kỹ thuật tối tân để phục vụ nhu cầu con người, nhưng rồi con người đang thấy mất đó là tình yêu đích thực, tình yêu trọn vẹn mà tình yêu nầy chỉ có thể tìm thấy nơi Tin Mừng Phúc âm. Sứ giả truyền giáo là người thể hiện tình yêu thương tin mừng ấy trong cuộc sống của mình.

Nguyễn Thanh Huân
Trích nguồn: https://gpquinhon.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube