“Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
Như chúng ta đã biết, Mùa vọng có hai đặc tính:
– Mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh: Giáo Hội kính nhớ Con Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất.
– Qua việc kính nhớ này Giáo Hội hướng lòng các tín hữu trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế.
Vì thế, Mùa Vọng được coi là mùa sốt sắng và hân hoan mong đơị. Trong tâm tình đó, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để sống Mùa Vọng thế nào với Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.
Đối với niềm tin kitô giáo, Đấng Cứu Thế cũng gọi là Đấng Mesia đã đến lần thứ nhất rồi. Chắc chắn Người đã đến, đến trên đất nước Palestina cách đây trên hai ngàn năm. Người đã chết trên thập giá để cứu độ nhân loại. Người đã sống lại và đã về trời. Người sẽ đến lần thứ hai khi thế giới này chấm dứt. Chắc chắn Người sẽ đến.
Đối diện với những thực tại: Người đã đến lần thứ nhất, Người đến với mỗi người chúng ta khi chúng ta chết. Rồi Người sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Thái độ chúng ta thế nào để chuẩn bị cho những lần đến đó?
Thánh Gioan Tẩy giả đã cho chúng ta một kinh nghiệm và một lời đáp. Đối với Gioan Tẩy giả, tất cả những chi tiết của cuộc đời ngài đều hàm chứa một giá trị mới, một ý nghĩa sâu xa:
– Trong rừng vắng, Ngài cảm nhận sâu sắc: rừng vắng của dân Israel đầy kinh hoàng và cay đắng của cảnh nô lệ, cần phải vượt qua và cần phải tìm đến nơi Chúa hứa, và tìm đến tự do.
– Cũng trong rừng vắng ấy, Gioan mặc áo nhặm của một vị khổ tu, bằng lòng ăn món ăn châu chấu để tưởng niệm cảnh đau buồn thời kỳ nô lệ Ai Cập, một thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Israel.
– Tuy nhiên, Gioan lại ăn cả mật ong, điều đó muốn ám chỉ một thời kỳ sung sướng khôn tả khi được đến miền Đất Hứa.
Như vậy, Gioan đã biết nối kết giữa quá khứ và tương lai của dân thánh. Cái quá khứ đau khổ “áo nhặm và châu chấu”, với cái tương lai “mật ong”: “Nơi sẽ chảy sữa và mật”.
Dù biết nối kết như vậy, nhưng Gioan cũng đành bó tay, không thể làm được vai trò của Đấng Mesia Cứu Thế. Tuy nhiên, Gioan vẫn có thể làm được một việc rất tốt, đó là giúp mọi người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài là tiếng hô trong hoang địa: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi, con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”. Nói tóm lại, tiếng kêu đó mời gọi mọi người hãy thống hối để được ơn tha tội.
Thống hối bao hàm nhiều ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa căn bản nhất vẫn là trở về. Trở về từ trong con tim, trở về với Bí tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Trở về cũng là những cố gắng của người kitô hữu đi theo Chúa cần phải có để chiến thắng những vật cản làm chúng ta không đến được với Thiên Chúa Tình Yêu. Những vật cản đó như là những núi đồi.
– Núi đồi của tính kiêu căng tự phụ:
– Đánh giá mình tài giỏi mà hạ thấp anh chị em,
– Đánh giá mình có thể làm được tất cả, đánh giá mình là nhất không ai dám động đến, rồi muốn làm gì thì làm.
– Còn thung lũng của cõi lòng là gì? Đó là sự nhút nhát và sợ hãi, đó là mặc cảm và thất vọng. Tất cả những thứ đó rất dễ đánh lừa con tim chúng ta. Đừng, đừng sợ hãi! Chúa đã phán: “Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Thời nô lệ đã chấm rứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi”.
Tuy nhiên, núi đồi và thung lũng mà Thiên Chúa đã dựng nên lại có vẻ đẹp thơ mộng. Thành phố Rôma là thành phố được xây dựng trên 7 quả đồi. Thành Phố Rôma đẹp lắm, đẹp đến nỗi được gọi là Thành Phố muôn thuở. Áo, là quốc gia của những núi đồi và thung lũng. Núi đồi và thung lũng nhưng rất thơ mộng. Cũng từ những núi đồi và thung lũng ấy mà Áo quốc hôm nay là đất nước của những cây cỏ. Thế giới hôm nay biết tôn trọng thiên nhiên. Dù là núi đồi và thung lũng thiên nhiên, người ta vẫn có thể làm đẹp khi bắc thêm cho thung lũng và núi dồi đó một cây cầu. Vậy thì tại sao người ta không biết làm đẹp cho tâm hồn mình, mà cứ để cho núi đồi cõi lòng mọc lên nhiều đến thế?
Ngược lại, núi đồi và thung lũng của cõi lòng thật đáng kinh tởm. Nếu là núi đồi và thung lũng của cõi lòng thì cần phải san phẳng. Có thể chúng ta đang sống ở đồng bằng tự nhiên nhưng tầm hồn lại chứa đầy những núi đồi và thung lũng:
Nếu tâm hồn chúng ta có những núi đồi và thung lũng đó, thì hãy làm cho nó trở thành bình nguyên! Bình nguyên của đồng cỏ xanh và suối mát. Bình nguyên của bình an và phó thác trong tay Chúa. Dù bất cứ bối cảnh nào của cuộc sống, dù có phải thăng trầm đầy thử thách, nếu phó thác vào Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ luôn thanh thản, hân hoan tin tưởng Chúa sẽ đến với chúng ta. Đó mới là tinh thần chuẩn bị tốt cho Noel sắp tới!
CẦN LẮM MỘT CON ĐƯỜNG THẲNG!
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta không ngừng được nhắc đến một con người, con người đó chính là Gioan Tẩy Giả. Sự xuất hiện của Gioan mang một âm hưởng rất đặc biệt. Sự khác thường này được nhận thấy rất rõ bởi cách sống và lời rao giảng.
Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy sự đặc biệt này nơi thánh Gioan.
- Lựa chọn ưu tiên cho sứ vụ
Chân dung của Gioan được Máccô trình bày rất ly kỳ, tác giả viết: hồi ấy, trong hoang địa Giuđê, xuất hiện một người, người đó có tên là Gioan: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1, 6), đồng thời rao giảng rằng: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3).
Ông lựa chọn lối sống hết sức đạm bạc giống như những người nghèo. Cuộc sống của Gioan giản dị qua cách sống, ăn mặc cũng như nơi chốn. Gioan đã khước từ một cuộc sống sung túc mà đáng lẽ một người con của gia đình tư tế được thừa hưởng.
Khi lựa chọn mặc áo lông da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng trong sa mạc, Gioan muốn nêu gương về lối sống siêu thoát hầu thi hành sứ mạng tiền hô của Đấng Cứu Thế cho được tốt nhất. Mặt khác, khi lựa chọn cuộc sống đạm bạc, Gioan được trở thành người tự do để rao giảng Tin Mừng.
Từ cuộc sống khổ hạnh như vậy, danh tiếng của ông được loan xa. Vì thế, nhiều người thuộc mọi giai tầng trong xã hội thời bấy giờ đã đến để xin ông chỉ giáo và tỏ lòng sám hối khi muốn ông làm phép rửa cho mình.
Qua lối sống và lời rao giảng, Gioan xứng đáng được hưởng những lời tán dương mà dân chúng tung hô. Tuy nhiên, ngài đã không nhận và quy hướng về Đức Giêsu. Vì thế, ông nói: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi,
tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8).
- Sứ điệp Gioan rao giảng
Quả thật, Gioan đã đến và ông đã thực hiện đúng những gì đã tiên báo về mình trước đó: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1) và “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is 40,3).
Như vậy, vai trò của Gioan chính là chuẩn bị, dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Đường ở đây rất quan trọng. Nếu không có đường, chúng ta không thể đến được với nhau. Không có đường, mọi sự giao thương trực tiếp bị gián đoạn. Tuy nhiên, nếu có đường mà đường không tốt, có thể gây nguy hiểm hay cản trở công việc, hoặc đôi khi không có tác dụng. Chẳng hạn như đường mà bị ngập lụt thì kể như không có. Đường mà bị đất hay đá lở phủ lên thì mọi phương tiên cũng chẳng qua lại được. Đường lồi lõm, ổ trâu, ổ voi, quanh co…, nếu tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm, bởi không chừng có thể gây nên những tai hại nguy hiểm có thể chết người…!
Chính vì vậy, người ta muốn phát triển kinh tế hay văn minh…, một trong những điều cần thiết, đó là phải khai thông những con đường.
Con đường vật lý cần như thế đó! Nhưng có một con đường khác còn cần hơn gấp bội, con đường đó chính là con đường tâm linh, thiêng liêng, con đường của lòng người với người, của con người với Thiên Chúa.
Hôm nay, Gioan đã chỉ ra cho người đương thời với ngài và ngay cả chúng ta những việc cần làm ngay để đón Chúa đến, đó là:
Hãy san bằng những đỉnh đồi kiêu ngạo; bạt cho bằng lòng tự ái ghen tương; lấp cho đầy những tham sân si cũng như những hố sâu của sự chia rẽ, tiền bạc, danh vọng, nhục dục; uốn cho ngay những quanh co, dối trá, vu khống, nói hành, nói xấu….
Đây chính là những đề nghị mang tính trọng tâm của sứ điệp mà Gioan đã chỉ cho dân chúng để họ thi hành mà được cứu rỗi.
- Thi hành lời dạy của Gioan
Cùng một sứ điệp, vì thế, trong Mùa Vọng này, lời của Gioan vẫn vang vọng và không hề giảm nhẹ tính cần thiết khi mời gọi mỗi chúng ta cũng hãy làm như những gì mà ngài đã đề nghị cho dân chúng khi xưa.
Nhìn vào cuộc sống tâm linh, nhiều người trong chúng ta sẽ giật mình, bởi vì con đường thiêng liêng của mỗi người sao nhuốc nhơ, dơ bẩn, và lồi lõm, quanh co đến thế! Nào là gồ ghề, lởm chởm của sự kiêu ngạo. Nào là ổ gà, ổ trâu, hố voi của những tham sân si, ích kỷ ghen tương. Nào là quanh co của sự dối trá….
Là người Kitô hữu thực thụ, chúng ta cần phải có một tư cách đứng đắn của người công chính, thánh thiện, đạo đức. Tư cách đó chính là phong cách trưởng thành của người quân tử. Không hai mặt, hai lòng; không tiểu nhân; không vu vạ cáo gian; không thêm điều bịa đặt: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ” ( Mt 5, 37 ). Bởi vì: “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (x. Cn 21, 29 ), và “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1, 9 ); “Ngài ghê tởm tâm địa quanh co” (x. Cn 11, 20).
Muốn uốn cho thẳng con đường thì cần thiết lắm một sự khiêm nhường. Điều này đòi hỏi chúng ta phải lột xác, bởi vì ai cũng muốn phình to bản ngã, đề cao cái tôi và ham muốn danh vọng, quyền lực, tiền bạc….
Nếu không có sự khiêm nhường thực sự, mỗi người sẽ phá hoại chương trình của Thiên Chúa trên cuộc đời ta, đồng thời sẽ làm cho sứ vụ của mình bị phản tác dụng khi ngôn hành bất nhất.
Điều nguy hiểm nhất, đó là: nếu không khiêm nhường, chúng ta sẽ là đồ đệ của qua quỷ, bởi vì chúng ta đang làm cho mục đích của chúng hiện hữu trong lời nói và hành động của mình.
Muốn trở nên một con đường tốt để ta đến với Chúa và Chúa đến với ta cũng như ta đến với tha nhân và ngược lại, thì:
Trước hết, noi gương Gioan, hãy vào sa mạc để gặp gỡ Thiên Chúa. Sa mạc ở đây chính là canh tân đời sống nội tâm, suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện sâu xa.
Chỉ có như thế, chúng ta mới nhận ra sự yếu hèn của mình và mới dám đối diện với sự lồi lõm, gồ ghề cũng như thung lũng của con đường tâm linh nơi mình.
Thứ đến, noi gương Gioan, tập sống một cuộc sống giản dị, đơn sơ…, để được thanh thoát, bình an và nhẹ nhàng.
Nếu lối sống đạo quá cầu kỳ những chuyện bên ngoài, chúng ta sẽ đánh mất hay giảm nhẹ giá trị tâm linh cũng như vẻ đẹp đơn sơ của tâm hồn.
Tiếp theo, noi gương Gioan về đời sống khổ chế, nhằm chế ngự thân xác, hãm dẹp những bản năng xác thịt, ngõ hầu tinh thần được thanh cao và thanh thoát, để hướng về Chúa cách trọn vẹn và nhạy bén với người nghèo cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết chuẩn bị cho Chúa những con đường thật đẹp, thẳng và rộng rãi để Chúa đến với chúng con và cũng để chúng con đến với tha nhân được thuận lợi.
Xin cho chúng con biết sống đơn sơ, giản dị và thanh khiết, nhất là biết khiêm nhường để Chúa được vinh danh hơn. Amen.
Hãy Dọn Đường Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bước vào Chúa nhật II Mùa Vọng với chủ đề : Populus Sion… (Này hỡi Dân Sion…) Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy… ” (Ca nhập lễ) làm cho tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Khơi dậy trong ta một lịch sử của sự tha thứ và khám phá ra lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với con người. Lịch sử ấy có những đòi hỏi như Gioan Baotixita mách bảo chúng ta : “Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”, nghĩa là : hãy hoán cải tâm hồn đón chờ Chúa đến.
Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia phán như một sự trấn an Dân Chúa trước cảnh nô lệ và tội lỗi: “Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! …Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi” (Is 40, 2). Và hơn thế nữa, Chúa truyền cho Isaia: “Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ” (Is 40, 9-11).
Để được như vậy, Dân Chúa phải thực hành không trì hoãn khi nghe thấy tiếng kêu trong hoang địa: “Hãy dọn đường Chúa… Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi” (Is 40, 3).
Hố sâu và đồi núi gồ ghề sẽ gây cản trở người đi lại, khiến người ta khó đến với nhau. Lấp hố sâu và bạt núi đồi là dẹp bỏ lòng tự mãn kiêu căng của chính mình, là cản trở lớn nhất trên đường Chúa đến với chúng ta. Khi chúng ta thực hành nét đẹp của khiêm nhường và hạ mình xuống, chúng ta sẽ khám phá ra sự kiêu ngạo ẩn sâu trong lòng ta. “Hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” ((Is 40, 3).
Gioan Tẩy Giả được Marcô (1, 2-8) trình bầy như vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, ví ông như “Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi” (Mc 1,2; Ml 3,1) từ trong hoang địa, cất lời rao giảng “phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (Mc 1, 4). Lời giảng tuy nghiêm nghị nhưng thu hút “cả miền Giuđêa và Giêrusalem” (Mc 1, 5). Gioan đã xuất hiện với những người đương thời như là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Rất ít người nhận ra sứ vụ đích thực của ông là để “dọn đường cho Chúa”.
Gioan Tẩy Giả đi trước dọn dường cho Chúa Giêsu đến. Ông xuất hiện như Tiếng kêu trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, và chúng ta đã có thể nghe được tiếng người hô lớn: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mc 1, 3).
Có một số người tin rằng Gioan chính là Đấng Mêssia. Gioan đã nói như các vị tiên tri xưa, kêu gọi con người bước ra khỏi vũng lầy của tội lỗi, trở về với Chúa hầu thoát cảnh trừng phạt và được Chúa thương xót. Đây là sứ điệp cho con người ở mọi nơi mọi thời, Gioan tuyên bố rất khẩn trương. Thế là cả dân miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan để nghe ông rao giảng (x.Mc 1, 5).
Tại sao ông Gioan lại thu hút người ta đến như thế? Chắc chắn ông đã lên án Hêrôđê và các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái, hành động can đảm này đã thu hút người dân. Ông cũng không ngần ngài nói với dân chúng cách mạnh mẽ rằng : Ai có tội cần phải thống hối ăn năn. Và, xưng thú tội lỗi, ông làm phép rửa cho họ tại sông Giorđan. Đó là lý do tại sao Gioan Baotixita thu hút họ, họ hiểu sứ điệp sám hối đích thực mà ông rao truyền. Một nghĩa cử sám hối ăn năn thật lòng cái có giá trị hơn một lời xưng thú nhận tội lỗi! Sự sám hối ăn năn dựa trên niềm tin rằng chỉ Thiên Chúa mới tha thứ và tẩy xóa tội khiên, tha bỏ những nợ nần, làm cho đời sống luân lý của ta nên công chính.
Lời của Gioan vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay. Kêu mời thay đổi nội tâm, bắt đầu từ việc thừa nhận và xưng thú tội lỗi của mình.
Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận ân sủng mà Chúa Kitô đã mang đến trong thế gian cho mọi người hưởng nhờ. Bốn tuần của Mùa Vọng là như “tiền đường” để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, sẵn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!
Ước gì Mùa Vọng và việc chờ đón “Hoàng Tử Bình An” đến, giúp chúng ta suy gẫm Lời Chúa. Hãy tránh ngủ quên, và cương quyết dọn đường cho Chúa, là nguồn mạch bình an, niềm vui, tình yêu và hy vọng, là Ðấng không ngừng đến để an ủi dân Người. Chúng ta hãy đặt tay ta vào tay Mẹ Maria, Trinh Nữ của sự chờ đợi, để Mẹ dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu Con Mẹ. Amen.