Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY_C

Lm. Bosco Dương Trung Tín

 

Sống giản dị thì nên công chính.

Ăn ở khiêm nhường thì được cứu độ.

“Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính.

Có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10).

Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối. Mùa Chay đã về và Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình ăn năn sám hối. Thế nhưng ăn năn sám hối là gì? Theo Giáo Lý Công Giáo thì: “Ăn năn tội là đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm; dốc lòng chừa, từ nay không phạm tội nữa” (x.GLCG, số 1451). Có hai cách ăn năn tội. Cách trọn và cách chẳng trọn.

Khi chúng ta ăn năn vì yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì gọi là ăn năn cách trọn. Việc ăn năn tội này xóa bỏ các tội nhẹ và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu chúng ta quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt(x. GLCG, số 1452).

Còn cách ăn năn chẳng trọn là nó xuất phát từ việc thấy sự xấu xa của tội lỗi hoặc sợ hình phạt trầm luân đời đời, cũng như hình khổ khác mà kẻ tội lỗi phải chịu. Việc ăn năn tội cách chẳng trọn tự nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha tội trong bí tích thống hối.(x. GLCG, số 1453).

Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã nói: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mc1,15).

Theo tôi, Sám hối và tin vào Tin Mừng chỉ là hai mặt của một đồng tiền; hay nói theo thời nay, đó là “2 trong 1”. Nghĩa là Sám Hối là tin vào Tin Mừng và Tin vào Tin Mừng là Sám Hối. Làm sao ta ăn năn sám hối nếu ta không tin vào Tin Mừng, không tin vào Lời Chúa; không tin vào lòng thương xót của Chúa ? Và làm sao nói được là ta tin vào Tin Mừng mà chẳng thấy nên tốt lành và thánh thiện gì? Chẳng lẽ ta chỉ tin ngoài môi miệng thôi sao?

Thánh Phao-lô nói thật là chí lý: “Có tin thật trong lòng mới được nên công chính. Có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ”. Có thể nói:

Có tin vào Tin Mừng ta mới được nên công chính.

Có ăn năn sám hối ta mới được cứu độ.

Để được cứu độ ta phải có lòng ăn năn sám hối. Theo thánh Gio-an Kim Khẩu, Giám Mục, thì có đến 5 con đường để ăn năn sám hối: một là lên án tội lỗi mình; hai là tha thứ lỗi lầm cho người thân cận; ba là cầu nguyện; bốn là bố thí và năm là ăn ở khiêm nhường. (Trích Bài đọc 2 Kinh Sách Thứ ba, tuần 21 Thường niên, trang 105).

Năm chủ đề này, tôi sẽ khai triển trong các Chúa Nhật Mùa Chay, từ Chúa Nhật thứ I đến Chúa Nhật thứ 5.

Trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay này, tôi sẽ khai triển chủ đề thứ năm, đó là Sống giản dị và ăn ở khiêm nhường. Theo thánh Gio-an Kim Khẩu, “Cách sám hối này tiêu diệt tội lỗi tận căn. Người thu thuế đã làm chứng điều đó. Anh ta không kể ra được những việc lành, nhưng thay vào đó, anh đã dâng lên lòng khiêm tốn của mình và trút được gánh nặng tội lỗi”. Nói cách khác, mọi tội lỗi đều do lòng kiêu ngạo mà ra. Nên, nếu mà ta sống giản dị và ăn ở khiêm nhường thì ta sẽ tiêu diệt được tội lỗi trong ta. Có thể nói:

Sống giản dị thì nên công chính.

Ăn ở khiêm nhường thì được cứu độ.

Lần dở lại dụ ngôn người Pha-ri-siêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, ta sẽ thấy được cách sám hối này (x. Lc 18 9-14).

“Người Pha-ri-siêu, đứng thẳng và cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn chúa vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần; con dâng cho Chúa một phần mười hoa lợi của con” (câu 11-12).

“Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (câu 13). Hết sức ngắn gọn và chính xác.

Và Chúa kết luận: Tôi nói cho các ông biết, người thu thế này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người Pha-ri-siêu kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (câu 14).

Quả thực, hạ mình xuống và sống khiêm tốn không phải dễ, có mấy ai sống được như vậy. Có tập cả đời không biết trên trần gian này có được mấy người. Hạ mình là coi người khác hơn mình và khiêm tốn là yêu thích âm thầm; yêu thích những gì hèn mọn, những việc nặng nhọc, dơ bẩn, khó khăn,….; không chơi trội, không kể công, không khinh khi người khác,….

Ta hãy học gương hạ mình và khiêm nhường của Đức Giê-su trong bài Phúc Âm hôm nay (Lc 4,1-13). Đức Giê-su là Chúa, thế mà Ngài lại để cho ma quỉ cám dỗ. Dầu vậy, Ngài đã hạ mình và khiêm cung dùng Lời Chúa để đối phó với sự ma mãnh của ma quỉ.

Khi Chúa bị ma quỉ cám dỗ nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho hòn đá này hóa bánh đi”(Lc 4,3). Một lời khích bác !!!!

Nhưng Đức Giê-su bình tĩnh trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Có nghĩa là không cần phải làm chuyện đó. Người ta sống còn nhờ vào những điều khác nữa, như rau củ, trái cây, mì gói, bún bò, bún mắm, bún riêu, vv….. Và cũng chẳng cần phải truyền làm chi, cứ bỏ công bỏ sức ra làm việc; rồi có tiền; rồi lấy tiền đó mà mua cơm hộp, mua bánh bì mà ăn. Đâu có gì khó! Đừng sống vì một lời khích bác; những lời khích bác đầy ác ý.

Khi ma quỉ cám dỗ mà nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền ấy đã được ban cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,6-7). Thật là láo cá !!!!!!

Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Đã có lời chép rằng: ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi và phải thờ lạy một mình Người mà thôi”(Lc 4,8). Nghĩa là ngươi đừng láu cá, hãy biết thân biết phận của mình.

Và khi ma quỉ cám dỗ mà nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, mà đứng đây gieo mình xuống đi. Vì đã có lời chép rằng: Thiên Sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4,9-10). Thật là ranh ma !!!!! Ma quỉ lại dùng Lời Chúa để cám dỗ nữa chứ. Câu đó, ma quỉ trích trong Thánh vịnh 90, 12. Đức Giê-su, đâu có khùng; Ngài sống Lời Chúa, chứ đâu có hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen mà gieo mình từ trên cao xuống. Gieo mình xuống kiểu đó thì tan xương nát thịt; chết không kịp ngáp. Ai cũng biết mà, đừng bắt Chúa phải làm phép lạ. Và Chúa chỉ vào mặt ma quỉ mà nói: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”(Lc 4, 12).

Cuối cùng thì ma quỉ phải đầu hàng và chịu thua. Đức Giê-su đã dùng sự hạ mình và khiêm tốn để chiến thắng được ma quỉ đấy. Bởi đó, ta cũng hãy noi gương bắt chước mà sống hạ mình và khiêm tốn như Chúa. Ta cũng sẽ chiến thắng hết mọi cơn cám dỗ ở thế gian này.

Ai hạ mình sẽ được nên công chính.

Ai sống khiêm tốn sẽ được cứu độ.

Còn kẻ tự cao sẽ thất bại và kẻ kiêu ngạo có ngày sẽ sụp đổ.

Vậy ta hãy Sống giản dị và ăn ở khiêm nhường. Vì ai ăn ở khiêm nhường đương nhiên sẽ sống giản dị. Khiêm nhường mới là cái chính; còn giản dị thì đi theo sau. Đó là cách sám hối thiết thực và có lợi cho ta trong Mùa Chay này.

 

 

METANOIA

Lm. Giuse Nguyễn

 

Từ năm 1995, các nữ tu dòng Mân Côi tỉnh dòng Nữ Vương Hòa Bình ở Hoa Kỳ đã khởi sự những khóa tĩnh tâm cho giới trẻ mang tên: Metanoia (nguyên ngữ Hy Lạp,  tiếng Việt dịch là “sám hối”) là “quay trở lại” hay “trở về.”  Linh đạo Metanoia được chia làm 3 phần: dừng lại, cầu nguyện, và tiến bước.

Dừng lại giúp người linh thao có thời gian quay nhìn lại cuộc sống vội vã thường ngày và có cái nhìn về mối tương quan với Chúa, tha nhân, và chính mình.

Cầu nguyện giúp người linh thao đối diện với những khủng hoảng và khó khăn trong cuộc đời, lãnh nhận ánh sáng và sức mạnh của Chúa để được chữa lành.

Tiến bước thúc giục người linh thao can đảm thay đổi để hướng tới một đời sống Kitô hữu tốt đẹp hơn.

Đó cũng là mục đích của cuộc đời chúng ta. Mỗi thời khắc trong đời đều phải “Metanoia” nghĩa là phải sám hối để biết dừng lại, cầu nguyện và tiến bước. Những thời gian đặc biệt như Mùa Chay hay những cuộc tĩnh tâm, những chuyến hành hương cũng là lúc để ta “Metanoia” như thế.

Dựa vào phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, chúng ta hãy làm một cuộc Metanoia hết sức ngắn gọn theo linh đạo của các Sơ dòng Mân Côi với 3 bước: dừng lại, cầu nguyện, và tiến bước.

Dừng lại:

Trong bài đọc I, Môsê đã dạy cho dân Do Thái phải biết nhìn lại lịch sử của dân tộc mình. Cha ông họ chỉ là những kẻ phiêu bạt tứ cố vô thân, sống nhờ đất Ai Cập, làm nô lệ hết sức khổ sở… Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương giải thoát và đưa họ vào vùng Đất Hứa. Chính vì thế hằng năm họ biết ơn Ngài và dâng của lễ đầu mùa cho Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu trước khi thi hành sứ vụ công khai cũng đã vào sa mạc 40 đêm ngày để nhìn rõ sứ mạng và con đường Ngài phải đi.

Từ đó truyền thống 40 ngày chay thánh của Giáo hội là thời gian để mỗi người dừng lại để nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Thiên Chúa luôn là tình yêu như Ngài hằng đối xử với dân Ngài, luôn là lòng thương xót để gánh lấy lấy tội lỗi nhân sinh. Tha nhân vẫn là anh em vì mọi người đều là con cùng một Cha trên trời. Và bản thân mình vẫn là một huyền nhiệm trong chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dừng lại để nhìn cách thức của ta đối xử với 3 thực tại đó như thế nào.

Như dân Do Thái ngày xưa, ta cũng thường bắt Chúa làm theo ý ta ; ta đến hết nơi hành hương này đến nơi hành hương nọ, để làm gì? Có bao giờ ta nghĩ để củng cố lòng tin và gia tăng đức trông cậy? Hay ta đến để xin đủ thứ ơn mà quên rằng Thiên Chúa đã ban cho ta gấp ngàn lần như thế. Để khi không được như ý sở cầu, ta lại chạy tìm đến những thế lực khác, dẫn đến “ngoại tình” cùng Thiên Chúa hoặc thấy Chúa không có gì hấp dẫn, vì xin Ngài chẳng được chi dẫn đến lạnh nhạt cùng Ngài.

Tha nhân là anh em của ta, nhưng hiện tại ta vẫn còn “dị ứng” với một số người, thậm chí thù nghịch không thèm nhìn mặt. Hãy nhìn lại đâu là những lý do khiến mối tương quan với tha nhân của ta bị trục trặc hoặc bế tắc? Tất cả thường vì cái tôi cá nhân hoặc quyền lợi riêng tư bị đụng chạm.

Bản thân ta là một mầu nhiệm, nhưng ta đã làm cho mầu nhiệm đó tỏa sáng chưa hay đang chôn vùi nó dưới lớp bùn vì những đam mê bất chính hoặc vì không có lý tưởng cho tương lai.

Cầu nguyện

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắn nhủ dân thành Rôma: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm 10, 13). Đức Giêsu đã đối diện với những cám dỗ của ma quỷ, và Ngài đã vượt qua nhờ biết dựa vào lời Chúa. Cầu nguyện là thế đó, gắn bó với Chúa, để cùng với Ngài vượt qua những gian nan thử thách. Cầu nguyện cần ta một ý thức để sống với Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi mọi lúc, nhất là trong những lúc khó khăn. Khi có một ý thức gắn bó với Chúa, ta không bao giờ lơ là với ngày Chúa Nhật, ngược lại còn nôn nóng, đợi chờ được đến với Chúa để thờ phượng Chúa. Khi có một ý thức gắn bó với Chúa ta sẽ nhạy bén và yêu mến những việc đạo đức, vì nhờ đó mà ta sẽ được gắn bó với Chúa hơn.

Tiến bước

Sau khi đã dừng lại, cầu nguyện, ta đến bước cuối cùng là tiến bước để ta quyết định làm cho đời Kitô hữu của mình nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Dân Do Thái thấy những việc Thiên Chúa đã làm cho mình, họ đã dâng của đầu mùa lên cho Thiên Chúa. Đức Giêsu chọn làm theo thánh ý Chúa Cha chứ không theo những cám dỗ hấp dẫn của ma quỷ. Còn mỗi người chúng ta, với lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Chay, chúng ta quyết định như thế nào?

Cám dỗ về bánh là cám dỗ muôn thuở. Người Do Thái bị cám dỗ quay về Ai Cập để tiếp tục làm kiếp nô lệ, thay vào đó họ sẽ có bánh ăn. Đức Giêsu bị cám dỗ hóa đá thành bánh để ăn cho đỡ đói. Đó chính là cám dỗ lớn nhất của con người ngày nay để lo cơm áo gạo tiền mà bỏ qua tất cả. Vụ ly hôn của ông vua café Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ mình là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang gây chấn động trong xã hội Việt Nam vì là vụ ly hôn đắt giá nhất từ trước đến nay. Điều đọng lại trong lòng mỗi người và trong xã hội chính là câu nói của ông vua café: “Tiền nhiều để làm gì? Tiền có mua được hạnh phúc không?” Dĩ nhiên tiền có cái giá của đồng tiền, nhưng nếu vì đồng tiền mà đánh mất những giá trị khác thì chẳng có ý nghĩa gì cho đời ta. Vậy ta hãy tiến bước để tìm kiếm những giá trị cao đẹp, giá trị vĩnh cửu, chính là Nước Trời chứ không phải vì những thứ phàm tục như cơm, áo, gạo, tiền rồi cũng sẽ mất hết.

Lạy Chúa, xin cho con biết Metanoia để dừng lại, cầu nguyện và tiến bước luôn luôn. Dừng lại để thấy những mối tương quan giữa mình với Chúa, với tha nhân và với chính mình vẫn còn trục trặc. Cầu nguyện để xin Chúa cùng đồng hành với con vượt qua những khó khăn đó. Và tiến bước để bắt đầu lại, làm cho cuộc đời mình thêm ý nghĩa hơn.

 

 

NHÌN LẠI ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

Thứ Tư Lễ Tro, ngày mở đầu mùa Chay, Giáo Hội đã lập lại lời thánh Phao-lô để khẳng định rằng:  Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.  Để giúp chúng ta đón nhận ân sủng Chúa và ơn cứu độ, sám hối là sinh hoạt chính của mùa Chay.  Thực hành sám hối đòi chúng ta nhìn lại cuộc sống mà thay đổi con người mình sao cho phù hợp với lời kêu gọi nên thánh.  Vậy trong mùa Chay, đâu là điểm quan trọng nhất đối với đời sống thiêng liêng chúng ta cần xét lại và thay đổi?  Các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta câu trả lời:  hãy canh tân đời sống đức tin của chúng ta.  Thời Cựu Ước, ông Mô-sê đã dạy cho dân Chúa phải tuyên xưng đức tin như thế nào.  Ngay thời Giáo Hội sơ khai, thánh Phao-lô cũng kêu gọi tín hữu hãy tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô.  Tuy nhiên, gương mẫu tuyệt hảo tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa phải là chính Chúa Giê-su, Đấng đã biểu lộ đức tin mạnh mẽ của Người khi phải đương đầu với cám dỗ.

Trước hết chúng ta hãy xem đức tin của dân Chúa thời ông Mô-sê.  Trước khi dân Ít-ra-en vào Đất Hứa và ông Mô-sê biết ngày đời của mình chẳng còn bao lâu, ông triệu tập dân chúng và truyền phải kể lại những điều Thiên Chúa đã làm cho họ, vì ông nghĩ rằng việc này sẽ tiếp tục củng cố đức tin của họ vào Thiên Chúa.  Ông đề ra một nghi thức giản dị nhưng không kém phần trang trọng để biểu dương đức tin của người Ít-ra-en.  Nghi thức bắt đầu bằng việc đặt lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa.  Tiếp theo là những lời thân thưa với Thiên Chúa thuật lại lịch sử Người đã làm cho Ít-ra-en thành một dân tộc lớn giữa lòng đất nước Ai-cập.  Khi họ bị Ai-cập bắt họ làm nô lệ, thì Thiên Chúa đã cứu thoát dân Ít-ra-en.  Người “đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” để đưa dân Người ra khỏi Ai-cập.  Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn ban cho họ đất tràn trề sữa và mật.  Kể lại những việc Thiên Chúa đã làm cho cha ông họ trong quá khứ khi tưởng niệm biến cố Vượt Qua là nhằm nói lên đức tin của toàn dân vào Thiên Chúa.  Rồi nghi thức tuyên xưng đức tin được kết thúc bằng một hành vị thật ý nghĩa:  dân Chúa đặt lễ vật là sản phẩm đầu mùa trước tôn nhan Thiên Chúa và phủ phục thờ lạy Người.  Phủ phục là cử chỉ biểu lộ đức tin vào Thiên Chúa.  Ông Mô-sê hy vọng đó là cách tuyên xưng đức tin tốt nhất của dân được Thiên Chúa tuyển chọn.

Từ việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa trong Cựu Ước, qua thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô.  Giống như Thiên Chúa đã cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi làm nô lệ người Ai-cập, Chúa Giê-su sẽ cứu độ chúng ta, đưa chúng ta về làm hòa với Thiên Chúa và dẫn chúng ta vào quê trời vĩnh cửu.  Dĩ nhiên là có những điểm tương đồng giữa hai cách tuyên xưng đức tin của dân Ít-ra-en và của Ki-tô hữu.  Giống như dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện để cứu thoát họ, thì Ki-tô hữu cũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô vì cuộc Thương Khó, sự chết và sống lại của Người đã cứu họ khỏi hậu quả tai hại của tội lỗi và phục hồi cho họ chức phận làm con Thiên Chúa.  Dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin bằng cách lên tiếng kể lại những việc Thiên Chúa đã làm, thì Ki-tô hữu cũng phải “xưng ra ngoài miệng” đức tin vào Chúa Ki-tô để được ơn cứu độ.  Điểm khác biệt duy nhất là trong khi dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin vào Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, thì tất cả những ai tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô đều được cứu thoát, không còn phân biệt người Do-thái và người Hy-lạp hay bất cứ dân tộc nào khác nữa.  Cuộc cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập là tiền ảnh báo trước công trình cứu độ phổ quát  của Chúa Giê-su dành cho toàn thể nhân loại.

Đức tin của dân Ít-ra-en vào Đức Chúa và đức tin của Ki-tô hữu vào Chúa Giê-su là điều hiển nhiên.  Nhưng đâu là đức tin của chính Chúa Giê-su?  Chúa Giê-su đã tin vào ai và tin vào điều gì?  Thưa, câu chuyện Tin Mừng hôm nay tường thuật Chúa Giê-su chịu cám dỗ với tính cách là một người phàm, chính là dịp để Người tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha và sứ mệnh Chúa Cha trao cho Người.  Trước những cám dỗ của ma quỷ, Chúa Giê-su đã lấy đức tin của mình để chống lại và chiến thắng cám dỗ.  Đúng vậy, trong cả ba trường hợp chịu cám dỗ, Người đều đặt niềm tin vào Lời Chúa, lấy Lời Chúa làm khí giới chống lại việc cám dỗ tinh vi của tên quỷ.  Chúng ta không phải ngạc nhiên, vì suy gẫm Lời Chúa là việc giúp Chúa Giê-su phát huy đức tin của Người.  Mọi đối đáp của Chúa Giê-su trước cám dỗ đều biểu lộ một đặc nét của đức tin:  sống bằng Lời Chúa, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn khiêm nhường tin cậy vào quyền năng Thiên Chúa chứ không vào sức riêng mình.  Tóm lại, Chúa Giê-su đã biểu lộ một đức tin kiên cường và tuyệt đối, đến nỗi ma quỷ dù “đã xoay hết cách để cám dỗ Người” mà không làm gì được Người nên đành bỏ đi và chờ đợi thời cơ!

Sống sứ điệp Lời Chúa

Bạn và tôi hãy cùng nhau xét lại đức tin và lối sống đức tin của mình trong mùa Chay này.  Chúng ta đã thấy dân Chúa trong thời Cựu Ước lẫn Tân Ước tuyên xưng đức tin của họ thế nào rồi.  Chúng ta bước vào mùa Chay, “thời cứu độ và ngày thi ân”, là để tuyên xưng đức tin chúng ta vậy!

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube