Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A

Chúa Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri rằng chính Ngài là nguồn nước hằng sống, nước làm cho sống, và nước giải tỏa cơn khát. Khi nói điều đó, Ngài muốn nói đến lãnh vực thần linh, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có thể làm dịu cơn khát thiêng liêng của nhân loại.

Khát, là một nhu cầu báo hiệu con người cần nước, nhưng bên cạnh đó còn có một thứ nhu cầu còn hơn cả việc uống nước nữa đó là sự mệt mỏi của thân xác, như sự mệt mỏi của Chúa Giê-su, khi đang ngồi bên bờ giếng dưới cơn nóng nực của ánh nắng mùa hè thiêu đốt, đến nỗi Ngài phải ngỏ lời xin người phụ nữ Sa-ma-ri: ‘ Chị cho tôi xin ít nước uống’. Và cuộc nói chuyện giữa hai người gợi lên một cuộc đối thoại sống động đến nỗi người phụ nữ bị xúc động, không còn quan tâm đến việc kín nước nữa nên bà bỏ vò nước lại đó chạy về làng loan báo Chúa Giê-su cho mọi người được biết.

Trong bài đọc thứ nhất cho ta thấy người Do-thái cũng đang chết khát. Điều đó không có gì lạ, bởi vì họ đang ở trong sa mạc chỉ có đá và cát. Họ đã trãi qua một cuộc hành trình dài, mệt mỏi trong một miền đất khô cằn, không giọt nước. Thiên Chúa đã truyền cho ông Mô-sê dùng gậy đập vào tảng đá. Và từ miền đất khô cằn, đầy sỏi đá ấy, vọt ra một nguồn nước mát, trong lành; và cũng từ chính mảnh đất mang mầm mống sự chết ấy lại xuất hiện nguồn nước đem lại sự sống.

Qua đó, ta thấy có một bài học thật lạ lùng. Nếu như có cơn khát thể lý, thì cũng có cơn khát về tinh thần, khát khao đời sống thiêng liêng mà Kinh Thánh gọi là sự khát khao Thiên Chúa. Bên cạnh đó cũng có những sự mệt mỏi và phiền muộn về phương diện tinh thần của những con người với tâm hồn trống rỗng hay như trong một thế giới thù nghịch, thiếu lòng bao dung, thì nơi đó không phải là miền đất tốt để ta sống, chỗ thuận tiện để ta hưởng lấy bầu không khí trong lành, và mát mẽ. Một trích đoạn của Kinh thánh Cựu ước cũng đủ để nói cho chúng ta hay rằng, ngay cả một sự khô khan như thế, cũng có thể xuất hiện một mầm sống.

Và sau hằng trăm năm, thánh Phao lô đã nhận ra trong câu chuyện nhỏ bé này hình ảnh về Chúa Giê-su Ki-tô, thánh Phao lô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô rằng người Do- thái “Tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ và tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô” ( 1Cor 10,4). Ngay cả trong sa mạc, nếu người Do thái không tìm ra được nguồn nước đi nữa thì chính Chúa Ki-tô là nguồn mạch cho đời sống thiêng liêng của họ, chính Ngài đã làm cho họ hết khát. Thánh Phao-lô còn nói tảng đá ấy không gì khác hơn chính là Chúa Ki-tô, nơi họ đến tìm nước uống để được giải khát. Một hình ảnh làm ta không khỏi ngạc nhiên: một tảng đá vô danh cùng đồng hành với dân trong sa mạc! Nhưng hình ảnh đó muốn nói rằng: Chúa Giê-su luôn luôn hiện diện nơi mỗi người chúng ta, chúng ta không cần đi đâu để tìm nguồn nước linh thiêng mỗi khi chúng ta cần.

Chúa Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri rằng chính Ngài là nguồn nước hằng sống, nước làm cho sống, và nước giải tỏa cơn khát. Khi nói điều đó, Ngài muốn nói đến lãnh vực thần linh, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có thể làm dịu cơn khát thiêng liêng của nhân loại. Thánh Phao lô đã nói trong bài đọc thứ hai rằng:  “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Và để cảm nghiệm được tình yêu này và để tìm lại mạch nước hằng sống, không cần phải đi đâu xa, một nơi nào đó để kín nước như tại giếng Gia-cóp, theo như truyền thống của người Do-thái. Cũng không cần phải đến đền thờ Jerusalem hay trên núi của người Sa-ma-ri để tôn thờ Thiên Chúa; bởi vì thờ phượng Thiên Chúa thật là tôn thờ trong thần khí và sự thật, chính vì vậy mà Thiên Chúa đã giải cơn khát của chúng ta và ban cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Ngài. Chính Ngài là nguồn mạch của nước hằng sống, được ban cho thế giới này, nơi chúng ta đang sống.

Nguồn nước ấy không phải ở ngoài chúng ta “Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Như vậy là chúng ta đã có nguồn mạch của đời sống thiêng liêng rồi.

Nhiều tôn giáo, không phải là ki-tô hữu cũng biết điều đó đã nói rằng mỗi một người phải tìm cho được nguồn suối linh thiêng trong lòng mình. Cái khác là người ki-tô hữu nhận biết rằng nguồn mạch của sự sống, mặc dù đang ở trong chúng ta, nhưng không phải của chúng ta; sự sống ấy là của Thiên Chúa. Thực sự đó là ý nghĩa của lời cầu nguyện của người ki-tô hữu: Cầu nguyện là một tương quan. Khi chúng ta biểu lộ cho Thiên Chúa những nhu cầu của chúng ta là chúng ta thiết lập một tương quan giữa Ngài với chúng ta; tương quan này thực sự quan trọng hơn cả khi chúng ta được nhận hay không được lãnh nhận một điều gì khi chúng ta cầu xin Ngài. Chúa Giê-su đã mạc khải cho người phụ nữ Sa-ma-ri nguồn nước hằng sống đang còn tiềm ẩn trong tâm hồn bà. Cuộc khám phá này còn quan trọng hơn cả việc bà ta quên cho Chúa uống nước!

Nguồn nước hằng sống ấy đang ở trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, khi chúng ta cảm thấy tâm hồn trống rỗng, đời sống thiêng liêng sa sút. Nếu từ trong sâu thẳm của con tim chúng ta có nguồn nước hằng sống, hãy tận dụng chúng.  Nguồn nước ấy đã được Chúa Giê-su ban tặng cho chúng ta nhờ đời sống cầu nguyện, suy gẫm, thinh lặng, và thực hành đạo cách sống động và xứng hợp.

 

Nguồn : Homélies dominicales

Thiên Phước chuyển ngữ

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube