Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm B

Nhà Cha Tôi là nhà cầu nguyện 

Đọc hết quyển Tin Mừng, hầu như chúng ta ít thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài luôn ôn hoà, dịu hiền, khiêm nhường và hầu như luôn chấp nhận phần thua thiệt. Đúng thế, chính Ngài đã khẳng định: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng”:

– Ngài chấp nhận cái hôn giả dối của Giuđa.

– Ngài bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào bao.

– Ngài im lặng trước những lời cáo gian của kẻ thù.

– Ngài chấp nhận tha thứ cho những kẻ làm hại Ngài, đóng đinh Ngài vào thập giá.

Suốt cuộc đời Ngài là một lời xin vâng làm theo Thánh Ý Chúa Cha.

Tuy nhiên, đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại thấy một hình ảnh Chúa Giêsu nổi cơn thịnh nộ: “Vì nhiệt thành công việc nhà Chúa mà tôi đây phải chịu thiệt thân”. Ngài dùng roi để đuổi những người buôn bán chiên bò, bồ câu và lật nhào bàn ghế của những người đổi tiền.

Thánh thiện không có nghĩa là làm tê liệt nghị lực của con nguời để trở thành con cừu ngoan ngoãn và câm lặng trước điều không thể chấp nhận được.

Hôm nay lên đền thánh Giêrusalem với tư cách là Con Chúa Cha, Chúa Giêsu nhiệt thành đối với Cha của Ngài, Ngài làm mọi cách để tôn kính Cha Ngài. Vì thế,

– Ngài không thể chịu đựng nổi cái cảnh người ta biến nhà của Cha Ngài thành nơi buôn bán, đổi chác, thành hang trộm cướp.

– Lòng nhiệt thành của Ngài đã thiêu đốt Ngài khiến Ngài không thể chịu đựng nổi cảnh ồn ào náo nhiệt như một cái chợ.

– Mặc dù việc buôn bán chỉ xẩy ra ngoài khu vực tiền đình, nơi dành cho người lương dân, nơi dành riêng bán các lễ vật cho việc tế tự trong đền thờ của những khách hành hương đến đây nhân dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu vẫn không thể chịu đựng nổi sự bất kính của những người không biết gì về nơi thờ phượng.

– Ngài gọi đền thờ là Nhà của Cha Ngài, nhà cầu nguyện. Ngài nổi cơn thịnh nộ vì Ngài muốn thanh tẩy đền thờ dù biết rằng sự thịnh nộ của Ngài có thể khiến Ngài phải thiệt thân.

Nếu Thiên Chúa là Cha, mà chúng ta tỏ lòng suy phục Ngài bằng những của lễ vật chất như chiên bò hoặc tiền, thì thật là phi lý. Thiên Chúa là Cha, chỉ đòi hỏi chúng ta thờ phượng Ngài bằng thái độ bên trong, đó là bằng tình yêu.

Vì thế, gần đến lễ Phục sinh, hành động của Chúa Giêsu đuổi con buôn ra khỏi đền thờ muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: đừng làm cho đức đin của chúng ta thành đối tượng buôn bán. Thiên Chúa không phải là để bán và cũng chẳng ai có thể mua được Ngài….

Khi Chúa Giêsu nói: “Các ông cứ phá huỷ Đền thờ này đi, tôi sẽ xây dựng lại trong khoảng 3 ngày”, Ngài có ý ám chỉ: Đền thờ này là chính thân thể Ngài. Chúa Giêsu Phục sinh sẽ là Đền Thờ mới. Nhân loại sẽ thờ phượng Đền thờ đích thực là chính ngài. Ngài đã thanh tẩy đền thờ Giêrusalem. Ngài cũng muốn thanh tẩy tâm hồn chúng ta nữa, vì tâm hồn chúng ta cũng là nhà của Ngài.

Nhà của Thiên Chúa, là chính chúng ta. Vì thế chúng ta không được bán phẩm giá, sự thật và tự do để trao đổi lấy một điều gì đó. Chúng ta không được bán con tim chúng ta.

Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tâm hồn. Chúa muốn mỗi tâm hồn chúng ta cũng phải là một đền thờ cho Chúa ngự. Vì thế, mùa chay là mùa chúng ta quay trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn, làm mới cuộc đời là những điều cần thiết giúp chúng ta có một tâm hồn trong sạch, xứng đáng cho Chúa ngự.

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

 

HÃY XEM LẠI LỐI SỐNG ĐẠO CỦA CHÚNG TA!

Trước và sau tết Nguyên Đán, người dân Việt Nam nói chung, nhất là miền Bắc, không ai lại không biết đến ít nhiều lễ hội.

Theo thống kê 2009 trên vi.wikipedia, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương và Phú Thọ.

Qua những lễ hội này, chúng ta thấy được một phần nào truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điều này rất bổ ích, nhất là cho thế hệ trẻ! Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có khá nhiều nơi đã lạm dụng lễ hội để kinh doanh, buôn bán và mê tín dị đoan. Từ đó, kéo theo một loạt những hệ lụy không đẹp như trộm cắp, đánh đập, chửi bới và hành xử thiếu văn hóa ngay chốn linh thiêng…, làm cho lễ hội nhuốm màu trần tục!

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại việc những nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu đã biến đền thờ là chốn linh thiêng, là nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc. Thấy vậy, Đức Giêsu đã thẳng tay đánh đuổi để trả lại cho đền thờ đúng với ý nghĩa của nó.

Qua đó, Ngài muốn dạy cho chúng ta rất nhiều bài học sau biến cố này.

  1. Lý do khiến Đức Giêsu đánh đuổi con buôn

Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga, tráng lệ vào bậc nhất thời đó. Đền thờ này được dùng vào việc tôn thờ Thiên Chúa và là nơi quy tụ những người Dothái hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua.

Câu chuyện căng thẳng giữa Đức Giêsu và dân chúng đã xảy ra đúng vào thời điểm này.

Khởi đi từ việc Đức Giêsu quan sát và thấy được người ta đổi tiền, mua bán súc vật ngay trong đền thờ, làm cho đền thờ trở nên ô uế!

Điều đáng nói là: theo quy định, những con vật được dùng vào việc tế lễ phải là con vật lành lặn không tỳ vết. Những người chính thức được các chức sắc chỉ định mới đủ thẩm quyền để tuyên bố con vật xứng đáng sau khi đã kiểm tra! Tuy nhiên, con vật đủ kiều kiện để dùng vào việc tế lễ phải là con vật được mua trong nơi quy định của các tư tế và nó sẽ đắt gấp 15 lần so với bên ngoài. Hơn nữa, người mua còn phải trả một loại phí không nhỏ cho những người kiểm tra!

Bên cạnh đó, nơi đây còn diễn ra chuyện đổi tiền. Theo luật thì buộc mỗi người Dothái phải nộp thuế cho đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, tương đương với hai ngày lương công nhật.

Vì là lễ Vượt Qua không chỉ dành riêng cho người Dothái tại chỗ, mà còn cho cả những người Dothái ở nhiều nơi khác hội tụ về, nên tiền họ mang theo cũng đủ loại…. Nhưng tiền nộp vào đền thờ lại chỉ được chấp nhận là thứ tiền của người Dothái, vì họ cho rằng chỉ có tiền này mới xứng đáng để nộp thuế đền thờ, các thứ tiền khác là ô uế!

Chính vì lý do đó nên việc đổi tiền đã diễn ra tại nơi đây với giá cắt cổ.

Chứng kiến cảnh tượng đó, cộng thêm: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn”(Tv 68.10), nên Đức Giêsu đã bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Ngài đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền (x. Ga 2, 14-17).

Khi có hành vi ấy, Đức Giêsu cho thấy những hệ lụy đầy bất công của những kẻ lãnh đạo tinh thần thời bấy giờ, đó là: họ đã nhân danh tôn giáo để đè đầu cưỡi cổ và bóc lột dân, nên Ngài đã không thể chấp nhận tình trạng ấy diễn ra ngay tại nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa, vì thế, Đức Giêsu nói:  “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Lời cảnh cáo này của Đức Giêsu cho thấy Ngài đã nhắc lại lời của Ngôn Sứ Isaia khi xưa: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Is 56,7).

  1. Thực trạng đời sống đạo của chúng ta

Khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu mặc khải và dạy cho chúng ta những bài học thật bổ ích, đó là:

Cần cẩn trọng và đừng nên mừng vội khi thấy mỗi Chúa Nhật và các dịp lễ trọng, người đi lễ nườm nượp và ngồi chật kín cả nhà thờ, nhất là tuần làm phúc (trước Tuần Thánh) và Tuần Thánh. Có lẽ về khía cạnh này, Giáo Hội Việt Nam đứng đầu bảng trên toàn thế giới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và rất nên khuyến khích cũng như phát huy.

Tuy nhiên, điều đáng tự hào ấy lại cần phải xem xét lại, vì biết bao nhiêu người chỉ tập chung vào những chuyện bên ngoài như đi “xem lễ” chứ không “sống thánh lễ” trong đời sống của mình.

Lại có những người siêng năng tham dự thánh lễ và chăm chú nghe giảng rồi lên rước lễ rất sốt sắng như thiên thần. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ, họ sẵn sàng chửi bới, nói hành nói xấu, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng… không khác gì dân chơi thứ thiệt hạng sang ngoài đời! Hơn nữa, việc đi lễ, thuộc kinh là một chuyện, còn chuyện coi bói, xem quẻ, thờ ông địa, bái gốc đa, khấn gốc gạo với viện cớ rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành…” lại là chuyện thường tình xảy ra hằng ngày ngay tại các cộng đoàn tín hữu với những sinh hoạt tôn giáo sầm uất!

Và, vẫn còn đó những người rất năng nổ tham gia chuyện quyên góp để xây dựng những công trình tôn giáo, nhưng đền thờ tâm hồn lại không màng chi đến hoặc có quan tâm thì cũng chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa! Vì thế, việc xây dựng đền thờ tâm hồn với những nét đẹp như: từ bi, nhân hậu, bao dung, tha thứ, xây dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp nhất, liên đới, cảm thông…, thì lại quá xa lạ đối với những người xem ra có vẻ đạo đức ấy!

Hơn nữa, điều đáng buồn nhất, đó là nhiều khi chúng ta lại đi lại chính vết xe của những nhà lãnh dạo tôn giáo khi xưa, đó là: nhân danh lề luật, tôn giáo và nhân danh Thiên Chúa để làm bình phong, nhằm ngụy trang cho những thói lưu manh, gian dối bẩn thỉu của mình!!!

Tắt một lời, tin Chúa như vậy là hình thức, là vỏ bọc, là đầu môi chóp lưỡi, còn thực chất bên trong là rỗng tuếch! Tin Chúa như vậy được ví như tin có mùa vụ. Tin lúc thuận tiện. Tin khi có lợi mà thôi….

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Bài học cho chúng ta hôm nay chính là: ngoài việc tôn kính nhà thờ, nhà nguyện là nơi dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta còn có một đền thờ khác, đó là đền thờ thân xác của mỗi người. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa” (1 Cor 3, 16).

Vì vậy, mỗi người chúng ta phải có bổn phận xây dựng cho mình một ngôi đền thờ xứng đáng để cho Thiên Chúa ngự. Ngôi đền thờ này phải được xây dựng bằng nền móng vững chắc là đức tin và lòng mến thật tâm. Cần phải được trang trí bằng những việc đạo đức, bác ái, khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.

Mặt khác, chúng ta đang sống trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy canh tân để đổi mới. Canh tân lối sống cũ không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Đổi mới từ con người tội lỗi, hình thức, hào nhoáng bên ngoài thành con người có chiều sâu nội tâm bên trong qua việc ăn năm sám hối thật lòng….

Ước gì sứ điệp Lời Chúa hôm nay được chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận và sống sao cho thật đẹp lòng Chúa, ngõ hầu xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự. Amen.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 

Hãy Thanh Tẩy Đền Thờ Chúa

Lễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hôn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69,10).

Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy…

Đền thờ Giêrusalem

Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người mua thì phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến, với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì nhắm đến việc giúp những người từ xa đến khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong khu vực Ðền thờ là tiện lợi. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ: “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Ðó là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.

Chúa Giêsu là Đền Thờ

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quầy buôn bán, Ngài lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẫn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Ðức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”  (Mc 2,18) Và Ngài đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2,19).

Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Ðức Kitô: thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người chính là Ðền Thờ đích thực, là nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để phán bảo và gặp gỡ con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Chúng ta là Đền thờ

Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).

Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.

Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài.

Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác, mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Ngài cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Ngài bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, nơi cư trú đặc biệt của Con Thiên Chúa, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay này, để chúng con có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Thanh Tẩy Đền Thờ

Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị, luôn mang tính chất linh thiêng, thánh thiện. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Không chịu được cảnh Đền Thờ bị tục hóa, Người nổi nóng, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò ra khỏi, đổ tung tiền bạc, lật nhào bàn ghế. Người hô những kẻ đang bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16).

Nhà thờ nơi quy tụ dân Chúa, là nhà cầu nguyện. Cung lòng yêu thương của Chúa là nhà cầu nguyện. Ngay cả nơi tôi đang đứng cũng có thể là nhà cầu nguyện. Dù ở bất cứ nơi đâu (phòng ở, trên xe, nơi làm việc…) mà giúp tôi sống thân tình với Chúa thì nơi đó cũng là nhà cầu nguyện. Nơi nào làm cho tôi bị cắt đứt mối tương quan với Chúa mà chạy theo những thứ phù vân, ích kỷ, gian tham, bất chính… là đã bị biến thành “nơi buôn bán”. Lòng tôi là nhà cầu nguyện. Thánh Phaolô nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16). Ta phải ý thức giữ gìn đền thờ ấy luôn trong sạch, cao quý từ lời nói, tư tưởng đến tình cảm, hành động. Nếu ta biến nơi ấy thành nơi buôn bán, ma quỷ thừa cơ tấn công, rồi ta sẽ trở thành nô lệ cho chúng. Tôi phải lo thanh tẩy, trả lại vị thế ưu việt cho Thiên Chúa trong Đền Thờ. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ giúp chúng ta nhận ra những lỗi lầm và can đảm thanh tẩy tâm hồn mình, như lời Thánh vịnh đã nói: “Mỗi buổi mai con lại diệt trừ cho hết phường ác nhân trong xứ sở, hầu quét sạch khỏi thành đô CHÚA bọn làm điều ác, chẳng sót một tên” (TV 101, 8). Ngày ngày nhờ Chúa ta được sửa chữa, thanh tẩy hết “phường ác nhân” trong “xứ sở” tâm hồn ta.

Ngày xưa Đức Giêsu vào Đền Thờ và đuổi những kẻ đang buôn bán, trả lại sự ưu việt cho Đền Thờ, thì lại làm cho nhóm Biệt phái và Kinh sư bực tức đến độ muốn khử trừ Ngài.

Ngày nay để thanh tẩy đền thờ tâm hồn tôi, Ngài có vào lòng tôi được không khi tôi không cho phép Ngài? Nếu tôi không tha thiết với Ngài, thì thật là khó. Ngài có thể “xua đuổi quân buôn bán” ra khỏi lòng tôi được không, khi tôi cứ muốn giữ lại mọi thứ trong “vũng lầy êm ái” đó? Lúc ấy tôi cũng khó chịu trong sự giằng co, có khi lại muốn “khử trừ” Ngài như những người Biệt phái và Kinh sư xưa.

Lạy Chúa! với cái chết trên Thập giá, Chúa đã trở thành ngôi Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Nơi đây con người được liên kết với Chúa, được thánh hóa bằng các Bí tích, được cầu nguyện và chia sẻ cho anh em. Xin Chúa dùng sức mạnh của Chúa mà thanh tẩy và gìn giữ Đền Thờ của con qua các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Như thế, thân xác và tâm hồn con mới xứng đáng là nơi Chúa ngự luôn mãi. Amen.

Én Nhỏ

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube