Lời Chúa: Lc 9, 28-36
28b Khi ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Ê-li-a”. Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Suy niệm: Niềm hy vọng vào những gì Thiên Chúa hứa
Con người sống và hoạt động là nhờ niềm hy vọng về một kết quả tốt đẹp sau những ngày khó khăn, tập luyện và trau dồi. Đối với những người có niềm tin tôn giáo, niềm hy vọng là đời sống vĩnh hằng. Đối với chúng ta là những người Công giáo, tin vào Thiên Chúa, chúng ta hy vọng sẽ được chung sống với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Hy vọng thì rất cần thiết cho con người, vì nếu không có hy vọng, con người sẽ không có nghị lực để sống, để tiến tới và nhất là để vượt qua các đau khổ trong cuộc đời mình. Khi hy vọng, con người cần biết rõ sự chắc chắn của điều mình hy vọng và khả năng của mình có thể đạt tới không, chứ không phải là hy vọng hão huyền hay hy vọng những điều không thể đạt được.
Các bài đọc Lời Chúa trong Chúa nhật thứ hai Mùa Chay năm C nêu bật niềm hy vọng của các tín hữu vào những gì Thiên Chúa hứa và sự chắc chắn của những gì Thiên Chúa hứa trong lịch sử của họ, nhất là với cha ông của họ.
Trong bài đọc thứ nhất, tổ phụ Abraham được Thiên Chúa hứa sẽ ban cho một dòng dõi đông như sao trên trời và một miền Đất Hứa phì nhiêu, phong phú hoa màu. Lời hứa này được ký kết bằng giao ước với xác thú vật bị xẻ đôi. Nhưng lời hứa này được thực hiện nhờ bởi lòng tin vững bền của tổ phụ Abraham và sự trung tín của Thiên Chúa đối với ông. Nhờ sự trung tín của Tổ phụ Abraham mà con cháu của ngài được thừa hưởng lòng tín trung của Thiên Chúa.
Cũng vậy, trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolo tông đồ khuyên các tín hữu hãy vững lòng trông cậy nơi Đức Kitô, Đấng có quyền năng biến đổi thân xác yếu hèn của con người nên thân xác sáng láng, vinh hiển của Người ở đời sau. Đức Kitô chính là Đấng đến thực hiện lời hứa của Thiên Chúa với con người.
Nhưng như thánh Tông đồ khẳng định và thúc giục, người tín hữu phải kiễn vững trong nếp sống làm những điều thiện hảo và tin tưởng vào Chúa. Ngoài ra, thánh nhân mời gọi họ phải thức tỉnh về thái độ sống lệ thuộc vật chất của họ. “Quê hương chúng ta là trên trời”; vì thế, con người cần phải cố gắng sống tìm kiếm những điều thiện hảo đã được loan báo cho họ là những điều thuộc về Thiên Chúa, ở nơi Thiên Chúa. Làm như thế, họ sẽ được Thiên Chúa ân thưởng.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đem ba môn đệ lên núi, Người cho các ông chiêm ngắm thần tính của Người và nghe chứng từ của Chúa Cha. Chúa dùng biến cố này để giúp các ông có thể vũng lòng tin tưởng hơn vào Chúa, khi phải đối diện với cuộc Thương Khó sắp xảy đến với Người tại Giêrusalem.
Niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau phải là đích điểm giúp chúng ta dựa vào đó để thực hiện những quyết định khôn ngoan và vượt qua những gian khổ đời này. Hy vọng không chỉ giúp chúng ta ở đời sau, nhưng còn giúp chúng ta có nghị lực sống vui vẻ và hạnh phúc ngay khi đang ở đời này. Nhưng chúng ta cần phải đặt trọng vẹn niềm tin tưởng nơi Lời Hứa của Thiên Chúa, và luôn biết rằng: Thiên Chúa là Đấng chẳng thất tín bao giờ.
Fr. Joseph