Lời Chúa: Ga 7, 40-53
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Đấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.
Suy niệm: Khoan vội đoán xét
Người Việt Nam có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Điều này nhằm hạn chế khả năng nhận xét, đánh giá một người, nhất là những người công chính cách hời hợt, vội vàng, thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi một người hay một nhóm muốn buộc tội một người, họ sẽ tìm cho được những lý do để có thể kết án, buộc tội người đó. Những hành vi này nhanh chóng gây ra những mâu thuẫn cộng đồng, cá nhân, do việc tìm người làm chứng gian, cắt nghĩa sai lạc lề luật mà không bao giờ tiết lộ lý do chính đáng của việc buộc tội.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay xoay quanh việc buộc tội các người công chính.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Giêrêmia được Thiên Chúa cho thấy âm mưu của những người định bắt và giết ông, vì họ không muốn nghe những lời ông tố cáo họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên Chúa. Tương tự, ở trong bài Tin mừng, các thượng tế và kinh sư vì quyền lợi của mình, họ sợ dân chúng sẽ bỏ họ mà theo Chúa Giêsu, nên thực hành âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu. Một mặt họ gởi các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu, mặt khác họ tìm cách chia rẽ để kéo dân về phía họ.
Tuy nhiên, Lời Chúa cho chúng ta thấy, ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất biểu lộ lòng tin tưởng vào uy quyền của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa biết tất cả. Vị ngôn sứ đã tuyên xưng rằng: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài”.
Trong bài Tin mừng, khi những người chủ mưu kết án Đức Giêsu, một số người đã nhận ra những giá trị trong lời công bố của Người và họ nhìn nhận uy quyền của Chúa : “Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô.” Còn các vệ binh thì nói : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !” Nhưng những người Do thái và Tư tế vẫn cố chấp và không muốn nhìn nhận sự thật về Chúa Giêsu, cũng như lắng nghe lời công bố của Người, họ vẫn tìm cách để loại trừ Chúa.
Qua suy niệm Lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng tự hỏi phải chăng, trong cuộc sống thường nhật, trong tương quan đời sống, chúng ta cũng có những lần hay nhiều lần ở trong thái độ tìm cách loại trừ người khác, khi họ không giống mình, không đứng về phía của mình?
Vì thế, chúng ta được mời gọi cần phải rất cẩn thận khi tố cáo những người khác, nhất là những người được Thiên Chúa sai tới, vì máu của họ đổ ra sẽ kêu thấu đến trời và Thiên Chúa sẽ xét xử phân minh cho họ.
Chúng ta cần tránh thái độ giết người không chỉ bằng gươm bằng giáo, bằng súng đạn, nhưng cả bằng lời nói và chứng gian. Vì Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, chính Người sẽ xét xử con người theo những gì họ đã phạm. Xin cho chúng ta luôn can đảm sống làm chứng cho sự thật, cho dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát con người.
Fr. Joseph