Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài.
1. Chúa cầu nguyện để Chúa ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Ngài: “Con muốn rằng, con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con” (Ga 17,24).
Hoàng đế Fransois Joseph là vua nước Hung gia lợi từ 1848-1916, một triều đại dài nhất trong lịch sử và cũng là một triều đại tiến bộ nhất. Hoàng đế là con người rất nghiêm khắc, nhưng lại trị vì đất nước rất khoan dung.
Khởi đầu triều đại của ông, bệnh dịch tả lan tràn khắp Châu Âu. Triều thần đề nghị với vua Fransois Joseph bỏ kinh đô Vienne nước Áo để sang Salzburg nước Hung Gia Lợi, cho tới khi tai họa qua đi. Vua Fransois Joseph liền hỏi:
– Ở Salzburg có đủ phòng nghỉ cho con cái ta không ?
Quan đại thần thưa:
– Tâu đức vua, ở Salzburg chắc chắn có đủ phòng nghỉ cho tất cả hoàng gia.
Vua Fransois Joseph hỏi lại hai lần nữa:
– Có thực sự có phòng đủ cho con cái ta chớ ?
Rồi giơ tay chỉ vào dân chúng đông đúc đang đứng ngoài sân mà nói với quan đại thần:
– Quan hãy nhìn đám dân chúng đông đúc kia. Họ là con cái của ta cả. Có người cha nào đang tâm bỏ con cái trong nguy hiểm sao ? Không! Những người tại thủ đô Vienne này đã chia sẻ vui buồn với ta. Ta sẽ không bỏ họ trong giờ lo âu. Ta phải quan tâm đến họ, như là lo cho chính ta vậy.
Một ông vua trần thế mà còn biết thương và lo cho dân như thế, huống chi là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta. Làm sao Chúa co thể vui khi con cái của Ngài không được chung hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Ngài.
Chính vì thế mà trong khi chờ đợi chúng ta phải biết luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Có như thế chúng ta mới cảm nghiệm được cuộc đời có Chúa là cuộc đời hạnh phúc như thế nào.
Hồi còn làm tổng thống Hoa Kỳ, ông Roosevelt đã có lần sang mãi tận Phi châu để nghỉ hè. Ông thích săn những con hươu cao cổ tại đó. Sau những ngày nghỉ hè thú vị, tổng thống lên đường trở về. Trong chuyến tàu đem tổng thống trở về, người ta cũng thấy có một nhà truyền giáo sau hơn bốn mươi năm phục vụ những người dân Phi châu cùng có mặt trên con tàu.
Khi tàu sắp cập bến, nhà truyền giáo thấy cảnh dân chúng đứng trên bờ cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ hân hoan chào đón tổng thống Roosevelt đi săn trở về bình an. Ông cảm thấy tủi thân vì hình như chẳng có ai để ý đến mình. Một thân một phận lủi thủi lên bờ. Tự thâm tâm ông như muốn trách Chúa:
– Đấy, Chúa thấy không, tổng thống đi nghỉ hè về thì được nhiều người ra đón rước như vậy. Còn con, con đã hy sinh chịu cực vì Chúa, phục vụ anh chị em nghèo khổ tại Phi Châu trong suốt bốn mươi năm qua. Thế mà bây giờ trở về đây, không ai thèm nghĩ đến con, thật là bất công và tủi cho thân phận con quá.
Nhưng ngay lúc đó, dường như có tiếng Chúa trả lời cho nhà truyền giáo:
– Này con, đừng vội thất vọng, con chưa trở về quê hương thật của con mà!
2. Chúa còn cầu nguyện chúng ta nên một với Ngài: “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,21).
Trong một buổi thuyết trình về đạo được tổ chức trên boong một du thuyền lớn, tiến sĩ A. Simpson giải thích với cử tọa về vần đề này như sau: Ông lấy một cái chai quẳng vào lòng biển. Cái chai rơi vào đại dương và đang ở trong đại dương.
Nước biển chui vào chiếm hữu cái chai, nước biển càng vào, cái chai càng từ từ chìm sâu vào lòng đại dương. Ông kết luận:
– Cái chai ở trong đại đương và đại dương ở trong cái chai. Đó là hình ảnh xác thực nhất để chỉ mối tương giao giữa Chúa Giêsu và chúng ta là những môn đệ của Người.
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, trong bài ca thiêng liêng của ngài, ngài đã diễn tả về vấn đề này thật hay như sau: “Chúa Cha đã thực hiện điều Chúa Con cầu xin khi thông ban cho họ chính tình yêu thương Người hằng thông ban cho Chúa Con. Tuy vậy, Người không thông ban cho họ theo bản tính như khi Người thông ban cho Chúa Con, nhưng đã thông ban cho họ bằng cách lấy tình thương mà kết hợp họ với Người và thần hóa họ. Cũng thế, không nên hiểu rằng Chúa Con xin Chúa Cha cho họ nên một theo yếu tính và bản thể như Chúa Cha với Chúa Con là một, nhưng Người chỉ muốn xin cho họ nên một nhờ kết hợp với nhau trong tình thương, như Chúa Cha và Chúa Con vẫn là một trong Tình Thương duy nhất. Do đó, các linh hồn được thông phần với Thiên Chúa những điều tốt đẹp mà Chúa Cha và Chúa Con vẫn có theo bản tính. Vì vậy, nhờ được thông phần với Thiên Chúa, các linh hồn thực sự là những vị thần. Họ nên giống Thiên Chúa và được chung phần với Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được nên một với Chúa. Amen.
Trích nguồn: https://tgpsaigon.net