Ngoài việc là những thánh nhân và là những Giám mục trong Giáo hội sơ khai, Timôthêô và Titô còn có vài điểm giống nhau nữa. Cả hai đều nhận lãnh ơn đức tin do lời rao giảng của thánh Phaolô.
Thánh Timôthêô sinh ở Lycaonia thuộc vùng Tiểu Á. Thân mẫu ngài là người Do thái và thân phụ ngài là người dân ngoại. Khi Phaolô đến Lycaonia giảng dạy thì Timôthêô, thân mẫu và bà ngoại của ngài, tất cả đều được trở nên những Kitô hữu. Sau nhiều năm, Phaolô trở lại và nhận thấy Timôthêô đã khôn lớn. Phaolô cảm thấy Chúa muốn gọi Timôthêô làm tông đồ truyền giáo cho Chúa nên đã mời Timôthêô cộng tác với mình rao giảng Tin mừng.
Và rồi sau đó, Timôthêô rời bỏ cha mẹ, nhà cửa và đi theo Phaolô. Ngài cùng chia sẻ đau khổ với Phaolô. Các ngài vui mừng ra đi mang lời Chúa đến cho mọi người. Timôthêô là tông đồ yêu quý đặc biệt của Phaolô; và Phaolô xem ngài như đứa con nhỏ của mình. Timôthêô đã cùng Phaolô đi khắp nơi cho tới khi được đặt làm Giám mục thành Êphêsô. Rồi Timôthêô ở đó coi sóc đoàn chiên của ngài. Như Phaolô, Timôthêô cũng được phúc tử đạo.
Thánh Titô là người ngoại giáo. Ngài cũng là môn đệ của Phaolô. Titô có tâm hồn quảng đại và đức tính chăm chỉ. Ngài rất vui sướng khi được cùng với Phaolô rao giảng Tin mừng trong những chuyến mục vụ. Vì Titô rất đáng tín nhiệm nên Phaolô đã trao phó cho ngài “công việc rao giảng” cho các cộng đồng Kitô hữu. Titô giúp họ kiện toàn đức tin trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài có thể kiến tạo hòa bình khi có những cuộc cãi vã hoặc tranh chấp giữa các tín hữu. Titô có ơn đặc biệt trong việc hòa giải.
Thánh Phaolô rất quý trọng ơn này nơi Titô và ngài chân nhận đó là công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài hay sai Titô đi dàn xếp những vấn đề khó khăn. Khi Titô xuất hiện giữa những Kitô hữu đang bất bình cãi vã nhau, thì họ liền hối hận và lại làm hòa. Họ xin Titô tha thứ và hứa sẽ đền bù những thiệt hại đã gây ra cho nhau. Khi hòa bình được tái lập, Titô trở về và thuật lại cho Phaolô nghe những thành quả tốt đẹp. Điều này đã làm cho Phaolô và những Kitô hữu tiên khởi vui mừng hạnh phúc.
Thánh Phaolô đã đặt Titô làm giám mục vùng quần đảo Crêta, nơi ngài định cư cho tới khi qua đời.
Thánh Timôthêô và thánh Titô đã dâng hiến cả cuộc đời, thời giờ và sức lực của mình cho Chúa Giêsu. Các ngài là những môn đệ đích thực của thánh Phaolô. Người ta rất dễ không mộ mến vì quá quen hoặc không để tâm đến những người như vậy. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy mọi người đang rao giảng Tin mừng như Phaolô, Timôthêô và Titô.
Và rồi ta thấy khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý Thiên Chúa, người ấy là Mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người toàn thân theo ý Chúa, Mẹ đã hiểu rõ xứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi ý Chúa. Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở lên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được kết hợp với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, chị em ruột thịt.
Chắc chắn một điều là Chúa không chối bỏ tình máu mủ ruột thịt tự nhiên của gia đình trần thế đâu, bởi vì chính Chúa đã sinh ra, lớn lên, đã sống 9/10 cuộc đời trần thế nơi một gia đình của nhân loại tại Nazareth (Lc 2, 51). Và Chúa đã chết đi trong một gia đình nhân loại và được Mẹ Người đem đi an táng.
Ngoài ra trong đời tông đồ truyền giáo, Chúa Giêsu đã xác nhận giới răn thứ tư. Chúa yêu thương các trẻ em là hoa quả của gia đình, Chúa ẵm bế, ban phép lành cho trẻ em, cho trẻ em chết sống lại…(Mc 9, 33; Mt 19, 13; Lc 8, 49). Chúa Giêsu đã dự tiệc cưới Cana để bảo vệ hôn nhân (Ga 2, 1-11). Chúa lập luật bất khả phân ly để bảo vệ gia đình tự nhiên (Mt 19, 3-9). Trên đỉnh thánh giá, Chúa Giêsu còn trao gởi mẹ hiền cho Gioan (Ga 19, 27).
Tất cả những chứng cứ đó nói lên rằng Chúa tôn trọng gia đình. Tình yêu gia đình máu mủ không thể xóa được. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy còn có một thứ gia đình thiên quốc, mà hồi lên 12 tuổi Chúa đã minh chứng cho cha mẹ Ngài (Lc 2, 49), đó mới là tình yêu thiêng liêng cao cả phải đạt tới. Sau này Chúa Giêsu đã ra định luật cho kẻ theo Ngài : “Kẻ nào theo Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính cả đời sống mình nữa thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14, 33).
Huệ Minh
Trích nguồn: http://conggiao.info/