Lời Chúa: Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy Niệm Tin Mừng
Ðọc chuyện tiểu thuyết tình cảm, hoặc coi phim ảnh về tình yêu lãng mạn, người ta thường bàn tán nhiều về chữ yêu. Những cử chỉ tỏ tình yêu của những nhân vật trong cốt chuyện, xem ra có vẻ lãng mạn và thơ mộng. Người ta quan niệm yêu là cảm giác âu yếm và trìu mến, một cảm tình lôi cuốn giữa hai người khác phái. Người ta viết về tình yêu; người ta đọc chuyện tình yêu; người ta phác hoạ cảnh yêu đương trên tranh ảnh nghệ thuật; người khác lại thơ mộng hoá tình yêu bằng những vần thơ bất hủ; có người còn phổ nhạc vào tình yêu nữa.
Tuy nhiên quan niệm về tình yêu trong đạo Thiên Chúa khác hẳn với quan niệm về tình yêu của loài người. Trong bài Phúc âm hôm nay, một người trong nhóm luật sĩ tiến đến hỏi Ðức Giêsu: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu (Mc 12:28b)? Chúa Giêsu trả lời: Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Mc 12:30). Ðó cũng là lời trích dẫn từ sách Ðệ Nhị luật cho bài đọc Thánh kinh Cựu ước hôm nay (Ðnl 6:5).
Vậy thì thế nào là yêu mến Chúa? Khởi điểm của tình yêu mến Chúa là việc ý thưc về sự hiện diện của Chúa trong đời sống người tín hữu, trong những vẻ đẹp thiên nhiên, những kì công của vũ trụ, những nét hồn nhiên của trẻ thơ… Ðiểm thứ hai của tình yêu mến Chúa là việc tuân giữ giới răn Chúa như lời Chúa Giêsu dạy: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy (Ga 14:23).
Vậy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực nghĩa là sao? Ðây là kiểu nói của người Do thái nói lên tính cách toàn diện và trọn vẹn của tình yêu và có nghĩa là yêu bằng toàn diện con người chứ không cần phải phân tích và xét xem làm sao để yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực? Làm như vậy chỉ mệt óc mà thôi.
Rồi Chúa Giêsu tiếp tục dạy về giới răn quan trọng thứ hai: Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình (Mc 12:31). Lần này Chúa trích dẫn giới luật từ sách Lêvi (Lv 19:18). Hai giới răn quan trọng này có thể được gồm tóm lại trong một giới răn yêu thương song đôi như lời thánh Gioan dạy: Ai yêu mến Chúa thì cũng phải yêu thương người anh em (1Ga 4:20).
Ðể có thể cảm nghiệm được tình yêu ba chiều, người ta phải: (1) Ý thức về thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình trước mặt Chúa. Vậy làm sao ý thức được về thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình? Có những tội mà trước kia người ta không coi là tội. Sau một cuộc tĩnh tâm sốt sắng có sửa soạn trước, sau một cuộc hành hương mà tâm hồn được đánh động, sau một cơn bệnh trầm trọng mà được chữa khỏi hay sau việc bàn chuyện linh hồn với linh mục giải tội, hoặc sau khi dấn thân vào một phong trào canh tân đời sống thiêng liêng, người ta thường có được tâm trạng ý thức được về tội lỗi của mình.
Tại sao sau khi được khỏi bệnh hiểm nghèo mà lại có được tâm trạng ý thức về tội lỗi mình được? Thưa rằng sau khi được chữa khỏi bệnh tật thì mình cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu của Chúa, khiến mình ý thức về tội lỗi mình. Cũng như thánh Phêrô sau mẻ lưới lạ lùng đầy cá, đã ý thức được quyền năng của Chúa, đồng thời ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình, mới thốt lên: Xin Thầy tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi (Lc 5:8). Có những việc làm mà trước kia người ta không coi là tội, sau khi được chỉ bảo cho là tội và chính đương sự cũng nhận là tội, họ ăn năn bằng những giọt lệ mắt sám hối. Sau khi được ơn thức tỉnh tâm hồn bằng tâm tình sám hối, họ cảm thấy đói khát về nhu cầu thiêng liêng. Lúc này không ai bảo họ phải làm gì và sống thế nào. Họ tự ý làm những việc đạo đức như đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ và làm việc từ thiện bác ái…
Từ khi ý thức được tội lỗi, người ta ăn năn sám hối, xưng thú tội lỗi để được ơn tha thứ. Ðể có thể ý thức về tội lỗi mình và khơi dậy tâm tình sám hối, người ta phải xin cho được ơn biết kính sợ Chúa: sợ làm mất lòng Chúa. Được tha thứ rồi, người ta nảy sinh ra cảm tình thứ hai là: (2) Ðội ơn Chúa đã đoái thương đến thân phận của mình.
Hai cuộc thức tỉnh trong tâm hồn là ý thức về tội lỗi mình, đồng thời biết ơn Chúa đã đoái thương đến mình, sẽ đưa đến tâm tình thứ ba là: (3) Cảm nghiệm vui sống đức tin và gần gũi Chúa. Trước đó người ta có thể giữ đạo vì luật buộc, vì sợ tội nếu không giữ. Người ta giữ đạo, nhưng vẫn có thể sợ Chúa, trách móc và oán hờn Chúa. Và nếu như vậy thì khó có thể nói được là yêu mến Chúa hết lòng. Bây giờ người ta đến với Chúa như là bạn hữu, thay vì sợ sệt và xa cách.
Từ cảm nghiệm vui sống đức tin và gần gũi Chúa sẽ đưa đến hiệu quả thứ bốn là: (4) Mức độ giảm thiểu những tranh chấp và xung khắc với tha nhân. Lúc này người ta bớt nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, thoá mạ, bịa đặt, vu khống… Mức giảm thiểu những tranh chấp và xung khắc với tha nhân sẽ giúp người ta dễ dàng yêu mến tha nhân.
Cảm tình vui sống đức tin cũng đưa đến hiệu quả thứ năm trong mối liên hệ với chính mình là: (5) Chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình. Nếu được tạo dựng có thân hình đẹp xinh, có trí thông minh với tài năng nọ ưu điểm kia, ta cần cám đội ơn Chúa. Nếu mang thân xác nhỏ bé, hay ốm đau, trí khôn kém lanh lợi, tính tình khó chịu, ta cũng học để chấp nhận và dâng lên Chúa, xin Chúa sửa sang biến đổi nếu đẹp ý Chúa. Còn nếu không chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình, không bằng lòng với chính mình, người ta sẽ than thân trách phận, khó có thể nói là yêu mình được. Như vậy yêu mình có nghĩa là thoả hiệp với chính mình. Yêu mình còn có nghĩa là biết tha thứ cho mình sau khi đã làm lỗi. Yêu mình là sống bình an với chính mình.
Người ta có thể đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện liên lỉ chăm chú để làm tăng triển mối liên hệ với Chúa. Tuy nhiên đối với mình, thì người ta lại bất mãn, than thân, trách phận. Còn đối với tha nhân thì lại nói hành, nói xấu, hận thù… Lòng đạo đức như vậy có thể là một thứ đạo đức bệnh hoạn. Và yêu Chúa như vậy cũng có thể là một thứ tình yêu bệnh hoạn. Vậy chỉ khi nào người ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, rồi dâng lên Chúa thì người ta mới có thể yêu Chúa và đến với tha nhân trong mối liên hệ an bình được.
Lời cầu nguyện xin cho được biết yêu như Chúa dạy:
Lạy Chúa cả Ba Ngôi! Chúa là tình yêu.
Xin đổ tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn con
để đời sống con được phản ảnh bằng tình yêu của Chúa.
Xin dâng lên Chúa bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của con
để Chúa sửa sang và uốn nắn nếu đẹp ý Chúa.
Xin dạy con biết thoả hiệp với chính
để con có thể đến với Chúa và tha nhân
với tâm hồn an bình. Amen.
Lm Trần Bình Trọng