Lời Chúa: Mt 10, 17-22
17 Khi ấy, Đức Giê-su phán cùng các môn đệ: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. 21 Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Suy niệm: Lễ dâng hoàn hảo và thử thách
Ngay sau ngày lễ Giáng Sinh, phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta chiếm ngắm một hình ảnh khác, dường như đối nghịch với niềm vui sướng của ngày Giáng Sinh: sự tử đạo của thánh Stephano về Chúa Kitô. Trong khi cử hành lễ hôm nay, một câu hỏi được đặt ra: tại sao Giáo hội cử hành lễ thánh Stephano, tử đạo liền sau lễ Giáng Sinh ?
Câu trả lời có lẽ liên kết với mục đích của việc Nhập Thể với bổn phận của Kitô hữu: “Niềm vui Giáng sinh là con người được nhìn thấy Ơn cứu độ. Nhưng để đạt được ơn cứu độ, con người phải chứng minh đức tin của mình vào Con Thiên Chúa”. Sau những vui mừng nhộn nhịp của Ngày Giáng Sinh, con người dễ có khuynh hướng trở lại cuộc sống bình thường, vì thế Giáo hội muốn nhắc nhở cho các tín hữu bổn phận làm chứng cho Đức Kito trong cuộc sống hằng ngày.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay xoay quanh việc làm chứng cho Đức Kitô. Trong bài đọc thứ nhất, sách Công vụ Tông đồ tường thuật cuộc tử đạo của thánh Stephanô, chứng nhân đầu tiên cho Đức Kito. Người ta thường thấy một bức hoạ vẽ thánh Stephanô đang chỉ tay vào Chúa Giêsu và nói : “Đây là Đấng mà tôi đã đổ máu làm chứng cho Ngài”. Lời chứng về Chúa Giêsu và triều đại của Người rõ ràng cũng sẽ là lời chứng mà những ngày muốn được kết hợp với Người. Đây hẳn là cách duy nhất để con người được thừa hưởng ân sủng vĩnh cửu mà trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh mang đến và mời gọi con người đón nhận.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về cái giá phải trả của người làm chứng cho Người : “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại.”
Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về việc họ bị bắt bớ, vì lời chứng của các ngài về Chúa. Trong ý nghĩa này, Đức Giêsu cũng nói rằng: kẻ thù không phải chỉ có những người ngoài, nhưng có thể cả những người trong gia đình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.”
Nhưng điều căn bản mà Đức Giêsu xác định với các môn đệ rằng: kẻ thù có thể giết được thân xác, nhưng không thể động đến được linh hồn các môn đệ của Người. Người động viên tinh thần các môn đệ khi nói rằng : “Chính Người đã chiến thắng thế gian”. Và Người hứa ban phần thưởng cứu độ cho những ai trung thành : “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Qua ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận biết rằng: Ơn cứu độ thuộc về con người khi Đức Kitô nhập thể và hiến thân làm của lễ hy sinh trên thập giá. Tuy nhiên, để được hưởng ơn cứu độ này, chúng ta phải chứng minh niềm tin của mình vào Đức Kitô trong khi còn ở thế gian này. Tin vào Đức Kitô cũng đồng nghĩa là chúng ta phải kiên vững trong chính niềm tin của mình, vì những gian nan, thử thách hằng luôn rình rập làm cho chúng ta xa lánh đường lối của Thiên Chúa, mà những đường lối của Thiên Chúa lại đưa chúng ta đến hạnh phúc muôn đời. Nhưng chính Chúa sẽ trợ giúp chúng ta.
Fr. Joseph