GKGĐ Giáo Phận Phú CườngTin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (10,28-31)
28 Hôm ấy, ông Phêrô lên tiếng thưa Đức Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”29 Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.
SUY NIỆM
Theo lẽ tự nhiên, trình thuật Tin mừng hôm nay thật khó để áp dụng trong cuộc sống, bởi lẽ, trong thực tế đã không xảy ra như lời hứa của Chúa: “được gấp trăm về đất đai nhà cửa, ruộng nương, anh chị em, cha mẹ con cái”; rồi ngay sau đó còn thêm: “cùng với sự bắt bớ”, làm cho trình thuật Tin mừng này thêm khó hiểu hơn. Như thế, phải hiểu và sống như thế nào cho đúng tinh thần mà Chúa Giêsu muốn nói trong đoạn Tin mừng này? Để hiểu rõ hơn, chúng ta cũng cần tìm hiểu về thánh sử Marcô: Thánh Marcô viết Tin mừng theo cái nhìn thần học chứ không theo cái nhìn lịch sử như thánh Luca.
Các tông đồ đã tin và đi theo Chúa Giêsu, đã từ bỏ tất cả để theo Chúa; để bù lại, các ông sẽ nhận lại gấp trăm ngay tại đời này. Tuy vậy, dường như các ông chưa hình dung, và lại càng chưa nhận ra, chưa nhận lại được gấp trăm ở đời này như Lời Chúa hứa!
Như thế, cái nhìn thần học của thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy rõ hơn chiều sâu của Lời Chúa Giêsu đã hứa: phần thưởng và lời lãi mà người môn đệ theo Chúa sẽ nhận được hoàn toàn mang tính thiêng liêng và siêu nhiên. Đó là:
– Về cha mẹ, anh em, chị em, con cái thì chúng ta có thể hiểu rằng: từ bỏ một gia đình nhỏ để nhận được một gia đình lớn, gia đình của Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa là Cha. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai là anh em, chị em và mẹ ta? Đó là những người làm theo Cha trên trời, người đó là anh, là chị là em và là mẹ ta”. Theo ý của Chúa Giêsu thì gia đình thiêng liêng này còn quan trọng hơn gia đình huyết thống.
– Ruộng đất, nhà cửa của những người từ bỏ là gì? Đó là sự quan phòng che chở của Cha trên trời. Có lần Chúa Giêsu cũng đã khuyến cáo các tông đồ: “Bông huệ ngoài đồng có canh cửi thêu dệt gì đâu mà đến như vua Salomon sang trọng tột bậc, cũng không có cái áo cẩm bào đẹp như vậy. Chim chóc trên trời có gieo vãi gì đâu mà Cha trên trời cũng nuôi sống”. Và Chúa còn nhấn mạnh: “đến tóc trên đầu của các con cũng đã được đếm cả rồi! Cha các con biết các con thiếu những gì”. Nói cách khác, người tông đồ bỏ mọi sự mà theo Chúa thì nhận được một gia tài quý báu hơn bội phần, gấp trăm, đó là tình thương của Cha trên trời.
– “Cùng với sự bắt bớ…”, câu này chỉ có trong Tin mừng thánh Marcô. Chịu bắt bớ, đây là được chung số phận với Chúa Kitô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: “khi bị bắt bớ tù đày, các tông đồ vui mừng hân hoan vì cảm thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”.
Lịch sử Giáo hội đã chứng minh những gì thánh Marcô viết hôm nay. Biết bao nhiêu con cái Giáo hội đã từ bỏ tất cả, và luôn được sống dưới sự che chở quan phòng của Chúa; biết bao nhiêu thánh tử đạo đã hân hoan vui mừng khi ra pháp trường. Gần đây nhất, có một linh mục dòng Đaminh, đang phục vụ tại vùng đất truyền giáo đã bị sát hại ngay trong lúc ngài ngồi toà giải tội để cử hành bí tích Hoà giải… Đó chính là sự bắt bớ, nhưng cũng chính là phần thưởng lớn lao nhất dành cho người môn đệ tin và theo Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết trung thành đi trên con đường Chúa đã đi, để chúng con gặp được Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc ở cuối con đường cuộc đời trần gian. Amen.
Content retrieved from: https://giaophanphucuong.org/suy-niem-hang-ngay/suy-niem-thu-ba-thuong-nien-viii-mc-1028-31—gkgd-gp-phu-cuong-28948.html.