Mùa Chay cầu nguyện

TMĐP- Ăn chay tự nó không mang giá trị nào, không có ý nghĩa gì, nếu không nhằm vượt lên chính mình để đến với Thiên Chúa và đồng loại. Ăn chay là buông bỏ, từ bỏ chính mình, và cầu nguyện là đi theo và ở lại với Đức Giêsu.

Mỗi năm khi Mùa Chay về, người tín hữu cảm thấy như được đi theo Đức Giêsu vào hoang địa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ở đó “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,2).

Khi đọc Tin Mừng Mátthêu: “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu qủy cám dỗ” (Mt 4,1), nhiều người cho rằng: Đức Giêsu tự ý rút vào nơi vắng vẻ để “đọ sức” với ma qủy. Thực ra, mục đích chính của việc lui vào nơi thanh vắng là để cầu nguyện, để trò chuyện, tâm sự với Chúa Cha, vì việc ăn chay sẽ vô nghĩa, nếu không nhắm tới mục tiêu Cầu Nguyện.

Thực vậy, ăn chay tự nó không mang giá trị nào, nếu không dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ăn chay tự thân không có ý nghiã gì, nếu không nhằm vượt lên chính mình để đến với Thiên Chúa và đồng loại. Nên ăn chay không thể “độc diễn” một mình, mà phải đi đôi với cầu nguyện, sánh vai với khao khát từ bỏ mình, buông bỏ những nhu cầu không cần thiết để được tháp nhập vào Thiên Chúa, và gắn bó, hiệp thông với anh em.

Suốt bốn mươi ngày, Đức Giêsu đã ở một mình trong nơi thanh vắng, để không sự gì, cũng không một ai có thể làm sao lãng, cản trở cuộc gặp gỡ thiết thân giữa  Chúa Cha và Ngài; một mình trong hoang địa để mọi sinh hoạt đời thường với những xôn xao, náo động bên ngoài  không ảnh hưởng đến “câu chuyện tâm tình “Cha – Con của Ngài và Chúa Cha. Ngài còn chọn ăn chay để tạm ngưng nhu cầu ăn uống vốn cần thiết cho thân thể để toàn tâm, toàn ý, toàn thân hướng về Chúa Cha, và trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Bằng chứng là sau khi đã ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, thì “Nguời thấy đói” (Mt 4,2). Và chính lúc “Ngài thấy đói”, khi nhu cầu ăn uống của thân xác đòi được đáp ứng, quỷ đã “đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi !” (Mt 4,3).

Qua việc ăn chay trong hoang địa, Đức Giêsu dạy chúng ta:

1. Ma qủy cám dỗ chúng ta qua các nhu cầu

Con người có nhiều nhu cầu, nhưng không phải nhu cầu nào cũng cần thiết và đem lại hạnh phúc, bởi có những nhu cầu mang nhiều rủi ro, nguy hiểm; và ngay những nhu cầu chính đáng, nếu không khôn ngoan để biết chừng mực khi đáp ứng cũng sẽ mang lại những hậu quả xấu. Do khát vọng không giới hạn và lòng tham vô đáy, con người thường quá trớn khi đáp ứng nhu cầu và biến  nhu cầu thành nguyên nhân của tội lỗi, thay vì cơ hội mang đến những điều tốt đẹp cho bản thân.

Thực vậy, con người có rất nhiều nhu cầu, như ăn uống là nhu cầu chính đáng và cần thiết cho sự sống của thân thể. Nhưng khi “ăn uống không còn để sống”, mà  “sống để ăn uống” thì nhu cầu chính đáng và cần thiết ấy lập tức biến thành nguyên nhân của không biết bao nhiêu tai ương cho bản thân và xã hội.

Đó là hình ảnh những người suốt ngày bê tha ăn nhậu, chè chén say sưa, be bét say xỉn, rồi đánh vợ, chửi con; là những người lấy cái bụng làm lẽ sống mà không còn biết đến ai, hay sự gì ngoài ăn cho nhiều, uống cho đã, đến độ mang vào thân nhiều thứ bệnh do qúa lạm dụng lương thực; là những người chỉ biết ăn nhậu đến mất hết tư cách, trở nên ích kỷ, bệ rạc và gây nhiều phiền phức, gánh nặng cho xã hội. Hoặc như nhu cầu thành công, khi không chừng mực đáp ứng sẽ biến thành  háo danh, háo thắng, say mê danh vọng, quyền lực, để rồi trở thành kẻ gian hùng, thủ đọan, ác độc khi sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì dù tàn nhẫn, dã man đến đâu miễn đạt mục tiêu “danh lợi”. Cũng như nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí, hưởng thụ, nếu không được đáp ứng cách khôn ngoan sẽ biến con người thành những kẻ lười biếng, thụ hưởng chỉ đi tìm thú vui đủ loại mà không tận tụy làm việc, xây dựng bản thân và đóng góp làm tốt xã hội.

Tin Mừng Mátthêu nêu lên chi tiết quan trọng, đó là qủy đã đến gần Đức Giêsu ngay lúc Ngài thấy đói sau bốn mươi đêm ngày ăn chay, với lời cám dỗ đuờng mật: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”.

Quỷ không cám dỗ Đức Giêsu khi Ngài chưa đói, nhưng chờ đến lúc Ngài thấy đói, nó mới đề nghị Ngài làm phép lạ hóa đá thành bánh. Nó cũng cám dỗ chúng ta qua chính nhu cầu của chúng ta, và ma mãnh chọn đúng thời điểm khi chúng ta cần phải đáp ứng nhu cầu để đưa chúng ta vào cạm bẫy của chúng.

2. Ăn chay và cầu nguyện rất cần thiết để vượt qua chính mình, vượt thắng cám dỗ, và vươn cao tới Thiên Chúa

Ăn chay không chỉ là hạn chế ăn uống, giảm bớt lương thực nuôi thân xác, nhưng ăn chay còn là khoanh vùng và giới hạn rất nhiều đam mê, ham muốn, tham vọng, thói xấu khác của toàn thể con người, gồm cả xác và hồn, như người ham mê sắc dục cần “ăn chay” những đòi hỏi xác thịt, những phi vụ bất chính “ngoài luồng”; người điên cuồng tìm kiếm danh vọng cần “ ăn chay ” những khao khát vinh quang, những lời chúc tụng, tâng bốc; người say nắng quyền lực, địa vị cần “ăn chay” những tính toán đen tối lật đổ người này, phản bội người kia, “ăn chay” những thủ đọan gian ác đạp trên người khác để chiếm ghế, đọat chức, tranh quyền.

Tóm lại ăn chay là buông bỏ  những ngổn ngang của gánh nặng “danh, lợi, thú”;  từ bỏ những nhu cầu bị tính ích kỷ, lòng tham vô đáy, khuynh hướng thống trị  làm thoái hoá, trì kéo để được nhẹ nhàng vươn lên cao, được tự do hướng về Chúa, được thảnh thơi nâng tâm hồn lên. Vì thế, mục đích của ăn chay là vượt qua chính mình để vươn lên với Chúa; vượt qua những cản trở, chướng ngại nơi mình, để vươn cao tới Đấng là Cùng Đích và Nguồn mọi sự thánh thiện, nên ăn chay mang một giá trị lớn và ý nghĩa sâu sa khi giúp con người  buông b, nâng đỡ con người vượt qua chính mình bằng từ bỏ chính mình để đi theo và đến được với Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai muốn theo Tôi, phải từ  bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9,23).

Như thế, không ăn chay, nghĩa là không buông bỏ những thái qúa của nhu cầu, những biến thể nguy hiểm của nhu cầu, những biến dạng dị hợm của nhu cầu, người Kitô hữu không thể  “từ bỏ chính mình” là điều kiện tiên quyết, là đòi hỏi “ngay vòng đầu”, nếu muốn đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu. Bởi vậy, có rất nhiều người lầm tưởng mình là môn đệ Đức Giêsu, ảo tưởng mình ở sát cạnh Đức Giêsu, khi nghĩ rằng chỉ cần “đi theo” Đức Giêsu, mà không cần phải buông bỏ gánh nặng ngồn ngang đủ thứ nhu cầu, chỉ cần tìm cho mình một chỗ đứng trong hàng ngũ những người “thuộc về” Đức Giêsu, mà không cần phải tự bỏ mình, phải ăn chay bằng “hạn chế, giảm thiểu” những ham muốn, tham vọng đủ cỡ, đủ loại được trá hình, che đậy dưới vỏ bọc “nhu cầu chính đáng, cần thiết”.

Điểm sau cùng, đó là khi đã vượt qua được chính mình, để vươn lên với Thiên Chúa, tức gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện, chúng ta có ân sủng là sức mạnh  siêu nhiên để vượt thắng các cám dỗ của ma quỷ, như Đức Giêsu đã dùng chính Lời Thiên Chúa để chiến thắng Xatan khi Xatan trích dẫn Kinh Thánh để đưa Ngài vào cạm bẫy của kiêu căng, danh vọng, quyền lực, hưởng thụ.

Tóm lại, ăn chay và cầu nguyện gắn bó với nhau, nhưng không từ bỏ mình, thì không thể đi theo Chúa, bởi ăn chay là buông bỏ, từ bỏ chính mình, và cầu nguyện là đi theo và ở lại với Đức Giêsu, như chính Ngài đã dạy: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Và đòi hỏi “từ bỏ mình và vác thập giá mình” chỉ có thể thực hiện được bằng “ăn chay”, cũng như cầu nguyện là con đường trên đó, người môn đệ được đi theo Đức Giêsu, Thầy mình.

Jorathe Nắng Tím

Trích nguồn: https://tinmungduongpho.com

 

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube