Một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian kể như sau: Có một chú heo, một chú cừu và một chú bò sữa cùng sống chung trong một trang trại. Một hôm, người chủ trại đến bắt chú heo đi. Chú liền kêu la thảm thiết. Thấy vậy, cừu và bò sữa không thích tiếng kêu của chú heo nên cùng nhau nói: – Này anh bạn, anh thật là làm quá lố, mỗi lần ông chủ đến bắt, chúng tôi không kêu la ầm ĩ như anh đâu. Chú heo liền đáp lại: – Ông chủ bắt các anh hay bắt tôi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ông bắt anh cừu chỉ để xén lông và anh bò để lấy sữa. Nhưng khi ông ấy bắt tôi là muốn lấy mạng sống của tôi, các anh có hiểu không? Cừu và bò sữa nghe xong đều im lặng tỏ vẻ cảm thương.
Quý vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện nhỏ trên cho thấy mạng sống con người đáng quý hơn mọi thứ. Khi kết thúc mạng sống mình, ai cũng phải sợ hãi. Hôm nay phụng vụ Giáo hội cho chúng chiêm ngắm thập giá của Đức Giêsu. Thập giá không còn là cây gỗ xù xì nhưng đã trở nên thánh giá cứu độ, vì nơi ấy Con Thiên Chúa đã trao hiến mạng sống mình vì yêu thương nhân loại. Thánh giá chính là nẻo đường đầy ánh sáng vinh quang và chan chứa ơn cứu độ. Kinh Thánh thuật lại rằng, sau khi kết án Đức Giêsu, Philatô ra lệnh đem Người đi hành quyết. Đám lý hình mang một cây thập giá nặng nề đến đặt lên vai Đức Giêsu rồi bắt Người vác đi. Sức tàn lực kiệt, Chúa Giêsu bước từng bước nặng nề, bờ vai đã rướm máu vì đòn roi giờ lại bị bầm dập bởi thân cây gỗ xù xì. Mỗi bước chân là một cơn đau khủng khiếp dội khắp toàn thân. Máu từ các vết roi ứa ra nhuộm đỏ lưng áo. Máu từ các dấu gai chảy xuống che mờ đôi mắt. Và trong tâm hồn Chúa Giêsu, các giọt máu vô hình cũng đang ứa ra từ những vết thương của phản bội, của vong tình. Người là Con Chiên vô tội của Chúa Cha đang hiền từ bước đến nơi xử án, theo sau là đám đông reo hò gào thét. Pháp trường đã gần mà Chúa Giêsu đã tàn hơi kiệt sức. Người ngã xuống, nhưng gắng gượng đứng dậy và tiếp tục tiến lên đỉnh đồi Gôngôtha.
Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha, đã hạ mình xuống đón nhận mọi đau khổ, bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá để cứu độ trần gian. Người đã vượt qua mọi đau khổ và cái chết để bước vào vinh quang. Nhờ cuộc hiến thân trên thập giá, Chúa Giêsu đã mang lại giá trị tuyệt vời và ý nghĩa cho những đau khổ, đó là giá trị cứu độ trần gian. Từ đây, cây thập giá không còn là hình phạt cho kẻ tội lỗi nhưng trở thành biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa. Từ đây cây thập giá không còn là điều ô nhục điên rồ như người Do Thái từng nghĩ nhưng đã trở thành mầu nhiệm cứu độ, là lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Từ đây thập giá trở thành chiếc cầu nối liền sự chết với sự sống, trở thành ánh sáng chiếu rọi vào nỗi tăm tối cô đơn của kiếp người, cho chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa Cha. Thập giá không còn là chướng ngại nhưng là con đường dẫn đưa chúng ta đến nguồn sống đích thực.
Trên đỉnh đồi Gôngôtha, giây phút Chúa Giêsu căng mình trên thập giá đó là giây phút đẹp nhất, rạng ngời vinh quang. Chúa đã yêu trọn vẹn, đã cho đi tất cả, cho đến giọt máu cuối cùng. Là thân phận con người, ai trong chúng con cũng sợ đau khổ, sợ hy sinh và nhất là sợ chết, nhưng đời sống cần được vun đắp bằng những hy sinh và khổ đau. Chúa đã kéo hết tội lỗi loài người mà đưa lên thập giá. Chúa đã chết khép lại màn đêm tăm tối để mở ra một chân trời cứu độ tươi sáng. Tội lỗi chết đi cho hồng ân cứu độ tuôn trào, con người cũ chết đi cho con người mới sống lại.
Đường Thánh giá – Con đường mà Chúa Giêsu đã đi được kết thúc bằng cái chết. Đó cũng là con đường mà mỗi người chúng ta sẽ phải đi qua. Trên con đường ấy, Chúa Giêsu đã đi trước để dạy chúng ta bài học yêu thương tha thứ. Chúng ta biết rằng, không có vinh quang, không hạnh phúc nào mà không trải qua đau khổ thử thách. Khi chứng kiến những đau khổ, những bất công đang xảy ra trong xã hội, chúng ta mơ ước một cuộc sống không có thập giá. Khi phải đối mặt với những đổ vỡ trong gia đình, nhìn những trẻ em nghèo mồ côi lang thang thiếu tình yêu thương, chúng ta dễ thất vọng, phàn nàn trách móc Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, một lần nữa chúng ta càng cảm nhận hơn sự mong manh của phận người và những giới hạn của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, qua mầu nhiệm thập giá của Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình mà có thái độ sám hối. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá của đời mình với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, để thập giá trở thành nguồn ơn cứu rỗi và hạnh phúc đời đời. Amen.
Nt. Anh Thư
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org