Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Vào năm 2000, điện ảnh Mỹ đã phát hành một bộ phim lịch sử có tựa đề là “Gladiator” nghĩa là “Võ sĩ giác đấu”. Lấy bối cảnh đế chế La Mã vào cuối thế kỷ II sau Công Nguyên đang ở giai đoạn hưng thịnh, bộ phim kể về Maximus Decimus Meridius, một vị tướng tài ba và trung thành với hoàng đế Marcus Aurelius. Anh đã giành chiến thắng quyết định cho đế chế La Mã khi đánh bại các bộ lạc Germanic. Với những chiến công, tài năng và đức độ đó của Maximus, hoàng đế Marcus Aurelius dự định chuyển giao quyền lực cho Maximus với hy vọng anh sẽ làm cho La Mã ngày một hùng mạnh hơn.
Thế nhưng, người con trai tàn bạo và đầy tham vọng của hoàng đế Marcus tên là Commodus đã giết cha mình để giành lấy ngôi vị hoàng đế. Ông ta còn ra lệnh truy sát Maximus và toàn bộ gia đình của anh. Maximus may mắn trốn thoát và nung nấu quyết tâm lật đổ Commodus để khôi phục lại quyền lực cho đế chế La Mã theo như ước nguyện của hoàng đế quá cố. Anh bị bán làm nô lệ và trở thành một gladiator, người chiến binh được đào tạo cho những trận đấu sinh tử trên đấu trường để mua vui cho người La Mã cổ đại.
Với tài năng và khí phách của một dũng tướng, Maximus trở thành một đấu sĩ lỗi lạc và được đưa trở lại đấu trường Roma. Mặc dù không xuất hiện trong vinh quang của một vị tướng uy quyền như trước, nhưng trong thân phận của một võ sĩ giác đấu, sự kiên cường và hùng dũng của Maximus vẫn nhanh chóng chiếm được sự mộ mến và ủng hộ của công chúng. Điều này khiến Commodus hết sức hoang mang và rắp tâm giết chết Maximus trong một trận đấu sinh tử diễn ra tại đấu trường Colosseum. Kết quả là Commodus đã thiệt mạng dưới tay Maximus, và Maximus, vì vết thương quá nặng, cũng qua đời trong sự mãn nguyện khi nhìn thấy đế chế La Mã được giải thoát khỏi sự thống trị của một kẻ tàn ác.
Có thể gọi bộ phim Gladiator là một bản trường ca hào hùng về ý nghĩa đích thực của vinh quang và tủi nhục. Vinh quang đích thực không phải là hào quang của quyền lực cá nhân và sự thống trị tàn bạo mà là sự kiên cường trung thành với lý tưởng và những giá trị cao đẹp của con người. Và bên cạnh đó, nỗi tủi nhục không phải là điều đáng xấu hổ nhưng là động lực thôi thúc con người vươn tới những điều cao cả.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Ở hai thái cực đối lập nhau, vinh quang là trạng thái huy hoàng mà con người thường khao khát, còn tủi nhục là trạng thái u tối mà người người đều sợ hãi. Theo nhãn quan của con người, vinh quang thường gắn liền với quyền lực, danh vọng, của cải, hay những thành tựu đạt được trong cuộc sống và sự công nhận, ngưỡng vọng của người đời. Trái lại, sự tủi nhục nảy sinh từ những thất bại, mất mát và tổn thương về danh dự, khả năng và tình trạng sống của những cá nhân nào đó khiến họ rơi vào cảm xúc xấu hổ, tự ti, mặc cảm và đau khổ.
Trong những ý nghĩa đó, với bản năng tự nhiên, có lẽ mỗi người chúng ta cũng ít nhiều có khuynh hướng nghiêng về phía vinh quang hơn là tủi nhục. Thế nhưng, khi nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, vị Thầy chí ái của mình, chúng ta lại học được những điều hết sức ý nghĩa khác của tủi nhục và vinh quang. Trong suốt cuộc đời tại thế, Chúa Giêsu đã không tìm kiếm vinh quang nơi quyền lực, sự giàu có và danh tiếng nhưng hoàn toàn tín thác vào vinh quang mà Chúa Cha ban tặng cho mình khi giờ cứu độ đã đến. Điều này đã được chính Chúa Giêsu mạc khải trong chính lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17, 1.4-5). Do vậy, vinh quang của Chúa Giêsu chính là thời khắc đón nhận sự tủi nhục và đau khổ của thập giá, là thái độ khoan dung và tha thứ trước những hiểu lầm, chống đối, loại trừ, sỉ nhục và cái chết. Người đã chứng minh rằng vinh quang có thể được dệt nên từ những tủi nhục và những tủi nhục là phương tiện xây dựng nên vinh quang. Qua đó, Người nói với chúng ta rằng vinh quang đích thực không phải là sự thành công hay những điều đem đến sự thỏa mãn cá nhân mà là thái độ tận tụy, trung thành với bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa qua lối sống khiêm nhường, hy sinh và phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đón nhận những tủi nhục vì yêu thương nhân loại, trong đó có chúng con. Xin dạy chúng con biết được ý nghĩa của những vinh quang và tủi nhục mà chúng con phải đối diện trong đời mình để nhận ra rằng khi cúi mình xuống trong khiêm tốn mà hết tình hy sinh phục vụ Chúa và anh chị em chính là lúc chúng con được nên giống Chúa và được Chúa trao tặng vinh quang đích thực. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTG Chợ Quán
Trích nguồn: /vietnamese.rvasia.org