Hơn 100 triệu người, bằng 8,6% dân số, thuộc hơn 700 dân tộc, là người bản địa ở Ấn Độ, đặc biệt tập trung ở các bang Jharkhand, Arunachal Pradesh, Tây Bengal, Sikkim, Meghalaya, Tripura, Madhya Pradesh, Manipur và Mizoram. Họ cũng như những dân tộc bản địa khác trên thế giới, là nạn nhân của đói nghèo, phân biệt đối xử, bóc lột và bị loại khỏi quá trình đưa ra quyết định chính trị và kinh tế.
Đức Hồng Y Felix Toppo, TGM Ranchi, đã nhắc lại những bất công đối với các dân tộc bản địa trong phát biểu hôm 9/10 tại một cuộc hội thảo online được tổ chức nhân Ngày Quốc tế các Dân tộc Bản địa, với đề tài của năm này về đại dịch Covid-19.
ĐHY Toppo, người có nguồn gốc bộ lạc, nhấn mạnh rằng: tình trạng khẩn cấp về sức khỏe càng làm nổi bật sự phân biệt đối xử và loại trừ, mà những cộng đồng này tiếp tục là nạn nhân. “Trong đại dịch, quyền hiến định của các bộ lạc và của các dân tộc thiểu số như sự bình đẳng, hợp nhất và tình huynh đệ đã bị phá bỏ và chà đạp. Ngay cả bốn trụ cột của nền dân chủ – quyền lập pháp và hành pháp, tư pháp và truyền thông – cũng bị tê liệt bởi sự lèo lái chính trị”. Điều này tạo ra sự bất an, tức giận và không tin tưởng ở các tín đồ thuộc mọi tôn giáo và niềm tin, nhưng Đức Tổng Giám mục Ranchi kêu gọi đừng mất hy vọng: “Ngay cả trong thời gian thử thách này, Chúa nói với bảo chúng ta rằng: đừng sợ hãi và hãy kiên trì trong đức tin.”
Cuộc hội thảo này là một trong nhiều sự kiện được tổ chức tại Ấn Độ nhân Ngày Các Dân tộc Bản địa của Liên hiệp quốc với sự tham dự của hơn 1.300 lãnh đạo các bộ lạc, nhà hoạt động, học giả và chuyên gia từ khắp nơi trên đất nước. Trong số này có Cha Vincent Ekka, S.J, trưởng Khoa Nghiên cứu Bộ lạc của Viện Xã hội Ấn Độ của Dòng Tên ở New Delhi.
Cha Ekka nói rằng: ngay tại Ấn Độ, các bộ lạc vẫn tiếp tục nằm trong số những người dễ bị tổn thương và bị phân biệt đối xử, mặc dù Hiến pháp và hệ thống luật của Ấn Độ đã quy định về điều này, cũng như về các danh mục xã hội bị thiệt thòi khác, bao gồm một loạt các quy định về kinh tế, giáo dục và xã hội. Ấn Độ đã tham gia vào Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa.
Cha Ekka nói thêm: “Trong nhiều năm, những người dân bản địa tìm cách để được công nhận danh tính, lối sống và quyền của họ trên đất đai, lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên truyền thống, nhưng trong suốt lịch sử, quyền của họ luôn bị vi phạm”. (CSR_5822_2020)
Văn Yên, SJ – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va