Kể từ năm 1950, hàng năm vào ngày 10/8 tại Ấn Độ, “Black Day” được cử hành. Đây là sáng kiến của Giáo hội Công giáo nhằm tưởng nhớ việc phê chuẩn Hiến pháp về giai cấp nhằm bảo đảm quyền của người Dalit theo đạo Hindu.
Bạo lực tinh vi
Trong những năm qua, quyền của những người theo đạo Sikh và Phật giáo một phần nào đã được công nhận, nhưng quyền của các Kitô hữu và Hồi giáo chưa được công nhận, họ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử và đôi khi là nạn nhân của bạo lực. Đức cha Felix Machado, Tổng Giám mục Masai giải thích với Vatican News: “Bạo lực không trực tiếp, nhưng nó rất tinh vi, bị che giấu. Trong cuộc sống hàng ngày ở Ấn Độ, người Dalit dễ bị nhận diện và họ không có được những quyền căn bản, như trẻ em không thể tìm phương tiện đến trường. Về điều này, Giáo hội đang làm rất nhiều, nhưng vẫn còn giới hạn. Trong Giáo phận của tôi, một khu vực có nhiều người Dalit, chúng tôi có trường học, chúng tôi làm mọi cách có thể để đón nhận mọi người, nhưng chính phủ không giúp gì cho họ”.
Đau khổ do virus corona
Ấn Độ hiện là quốc gia thứ ba trên thế giới về số người nhiễm virus corona, với hơn hai triệu ca dương tính. Trên thực tế, hầu hết trong số họ là người Dalit. Đức cha Machado giải thích: “Họ là những người lao động đi từ vùng này sang vùng khác của đất nước tùy thuộc vào nơi có việc làm. Họ bị bóc lột và phải chịu rất nhiều đau khổ khi cố gắng trở về nhà do các biện pháp hạn chế di chuyển trong nước nhằm ngăn chặn lây nhiễm. Đối với họ, đó thực sự là một Chặng đàng Thánh Giá”.
Dễ bị tổn thương nhất với Covid-19
Điều kiện sống của người Dalit khiến việc ngăn chặn lây lan đại dịch rất khó khăn. Đức Tổng Giám mục nói tiếp: “Họ phải chịu đựng rất nhiều, vì họ sống ở những khu vực nghèo nhất, dân số rất đông. Họ không có nước, không có phương tiện y tế và vì vậy người Dalit là những người dễ bị nhiễm virus nhất. Khi không có nước, làm sao họ có thể rửa tay? Làm thế nào họ có thể tìm thấy xà phòng? Những công việc mà người Dalit làm thường là những công việc đưa họ tiếp xúc nhất với những người giàu, nhưng giờ đây không ai muốn họ nữa. Làm sao họ có thể vào nhà ai đó nếu mọi người đều nghĩ rằng người đó, là một người nghèo, là người mang virus?”.
Giáo hội dấn thân đối thoại
Đức cha Machado kết luận: “Có rất nhiều tổ chức, cá nhân đang cố gắng làm một điều gì đó cho nhóm người cùng khổ này. Chúng tôi cũng có một cuộc đối thoại liên tôn tập trung vào vấn đề này. Có rất nhiều người giúp đỡ, nhưng xã hội vẫn chưa phá bỏ được rào cản này, bởi vì trong các mối quan hệ xã hội, họ cho rằng tất cả lỗi lầm là của người Dalits. Nỗi khổ này là điều không thể chịu được và Giáo hội rất dấn thân trong việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử này. Chúng tôi hy vọng việc cử hành ‘Black Day’ sẽ giúp đánh thức lương tâm của mọi người”. (CSR_5786_2020)
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va