Sáng thứ Tư, 30/9/2020, tại sân thánh Damaso, trong khuôn viên dinh Tông Tòa ở Vatican, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 500 tín hữu hành hương từ các nước.
Lúc 9 giờ 15 phút, Đức Thánh cha từ nhà trọ thánh Marta tiến vào sân, từ dưới đi lên, chào thăm các tín hữu tụ tập hai bên hành lang ở giữa, mọi người đều mang khẩu trang ngoại trừ Đức Thánh cha. Ngài trao đổi với các tín hữu, làm phép những đồ đạo, ảnh tượng họ mang theo. Vì đại dịch, Đức Thánh cha không còn ôm hôn hoặc động chạm đến các em bé như trước đây.
Tôn vinh Lời Chúa
Sau hơn 20 phút, Đức Thánh cha tiến đến bục cao, bọc thảm đỏ như một lễ đài đơn sơ, làm dấu thánh giá và chào phụng vụ để bắt đầu buổi tiếp kiến.
Trước tiên là phần lắng nghe Chúa với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ thư gửi tín hữu Do Thái, đoạn 12:1-2: “Về phần chúng ta, được đông đảo các chứng nhân ấy bao quanh, sau khi từ bỏ tất cả những gì là gánh nặng và tội lỗi vây bủa chúng ta, chúng ta kiên trì chạy trong cuộc đua trước mặt chúng ta, mắt ngắm nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng mở ra và kiện toàn lòng tin. Chính Ngài khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu thập giá, coi rẻ vinh dự và nay đang ngự bên hữu Ngai Thiên Chúa”.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch, và trong bài thứ chín ngài trình bày, có đề tài: “Chuẩn bị tương lai cùng với Chúa Giêsu, Đấng cứu chữa”. Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Nhìn lại hành trình đã đi qua
Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng nhau suy tư, dưới ánh sáng Tin mừng, về cách thức chữa lành thế giới đang chịu đau khổ vì tình trạng khó khăn mà đại dịch tỏ cho thấy rõ hơn, nhấn mạnh nhiều hơn. Chúng ta đã tiến qua các con đường phẩm giá, tình liên đới, nguyên tắc phụ đới, là những con đường không thể thiếu được để thăng tiến phẩm giá con người và công ích. Trong tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta muốn theo bước chân của Ngài, dành ưu tiên cho người nghèo, xét lại việc sử dụng của cải và chăm sóc căn nhà chung. Giữa đại dịch đang tấn công chúng ta, chúng ta tiến theo các nguyên tắc của đạo lý xã hội Công giáo, để cho mình được niềm tin, cậy, mến hướng dẫn. Tại đây, chúng ta đã tìm được một trợ lực vững chắc để trở thành những người thực thi sự biến đổi, mong ước những điều cao cả, không dừng lại ở những điều nhỏ nhen gây chia rẽ và làm tổn thương, nhưng khích lệ kiến tạo một thế giới mới tốt đẹp hơn.”
Tiếp tục đi xa hơn
Đức Thánh cha nói thêm: “Tôi muốn hành trình này không chấm dứt với những bài huấn giáo này của tôi, nhưng chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau tiến bước, “mắt luôn hướng về Chúa Giêsu” (Dt 12.2), Đấng cứu chữa trần thế. Như Tin mừng tỏ cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chữa lành mọi loại bệnh nhân (xc. Mt 9,35), làm cho người mù được thấy, người câm nói được, người điếc được nghe. Và khi Chúa chữa lành các bệnh tật và yếu nhược thể xác, Ngài cũng chữa lành tinh thần bằng cách tha thứ tội lỗi, như ngài chữa lành những ‘tai ương xã hội”, bằng cách bao gồm những người bị gạt ra ngoài lề (xc. SGLCG 1421). Chúa Giêsu, Đấng đổi mới và hòa giải mọi thụ tạo (xc. 2 Cr 5,17; Cl 1,19-20), ban tặng chúng ta những ơn cần thiết để yêu thương và chữa lành, như Ngài đã biết cách làm (xc. Lc 10,1-9; Ga 15.9-17), để chăm sóc tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hoặc quốc gia.”
Quí chuộng mỗi người
“Để điều ấy được xảy ra thực sự, chúng ta cần chiêm ngắm và quí chuộng vẻ đẹp của mỗi người và mỗi thụ tạo. Chúng ta được cưu mang trong con tim của Thiên Chúa (xc. Ep 1,3-5). “Mỗi người chúng ta là thành quả một tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mong muốn, được yêu thương, mỗi người đều cần thiết”.[1] Ngoài ra, mỗi thụ tạo đều có một cái gì đó để nói với chúng ta về Thiên Chúa Tạo Hóa (xc. Thông điệp Laudato sì, 69.239). Nhìn nhận sự thật ấy và cảm tạ vì những liên hệ thâm sâu giữa sự hiệp thông đại đồng với tất cả con người và các thụ tạo, khởi động “một sự chăm sóc quảng đại và đầy dịu dàng” (ibi. 220). Và điều ấy cũng giúp chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô hiện diện trong các anh chị em nghèo khổ, gặp gỡ họ và lắng nghe tiếng kêu của họ và tiếng kêu của trái đất vang vọng tiếng kêu ấy (xc. ibid. 49).
Góp phần chữa lành những bất công
“Được động viên trong nội tâm, nhờ những tiếng kêu đang đòi chúng ta đổi hướng đi (xc. ibid., 53), chúng ta có thể góp phần chữa lành những tương quan với các hồng ân và khả năng của chúng ta (ibid. 19). Chúng ta có thể hồi sinh xã hội và tránh trở lại tình trạng gọi là “bình thường” trước đại dịch, vì sự bình thường ấy là bệnh hoạn do những bất công, chênh lệch, và suy thoái môi trường. Sự bình thường mà chúng ta được kêu gọi tiến tới là sự bình thường của Nước Thiên Chúa, nơi mà “những người mù phục hồi thị giác, người què đi được, người phong cùi được thanh tẩy, người điếc được nghe, người chết sống lại, người nghèo được nghe loan báo Tin mừng” (Mt 11,5). Trong sự bình thường của Nước Thiên Chúa, bánh được ban cho tất cả và được dư thừa, tổ chức xã hội dựa trên sự góp phần, chia sẻ và phân phát, chứ không dựa trên sự chiếm hữu, loại trừ và tích trữ (xc. Mt 14,13-21). Hai thái độ này giúp cho xã hội, gia đình, khu phố, thành thị được tiến triển…
Bài trừ coronavirus và các thứ virus xã hội khác
Một con virus nhỏ tiếp tục gây ra những vết thương sâu đậm và vạch trần những tổn thương của chúng ta về thể lý, xã hội và tinh thần. Nó cho thấy rõ sự chênh lệch lớn lao trên thế giới: sự chênh lệch về cơ may, của cải, khả năng được săn sóc y tế, kỹ thuật, v.v. Những bất công ấy không phải là điều tự nhiên và không thể tránh được. Chúng do con người tạo nên. Chúng đến từ một kiểu mẫu tăng trưởng tách rời khỏi những giá trị sâu xa nhất. Và điều đó làm nhiều người mất hy vọng và gia tăng tình trạng bấp bênh và lo âu. Vì thế, để ra khỏi đại dịch, chúng ta phải tìm ra sự chữa trị, không những chống coronavirus nhưng cả những virus lớn về mặt con người và kinh tế xã hội. Và chắc chắn chúng ta không thể chờ đợi cho kiểu mẫu kinh tế, vốn là căn cội gây ra một sự phát triển xấu xa và không thể đứng vững, giải quyết các vấn đề của chúng ta. Kiểu mẫu này đã và sẽ không thể giải quyết được, cho dù một số tiên tri giả tiếp tục hứa “công hiệu liên tục”, nhưng nó không bao giờ tới.[2]
Cấp thiết dấn thân làm việc
“Chúng ta phải bắt đầu cấp thiết làm việc để tạo nên những chính sách tốt, đề ra những hệ thống tổ chức xã hội, trong đó có đề cao sự tham gia, chăm sóc và quảng đại, thay vì sự dửng dưng, bóc lột và những lợi lộc riêng tư. Một xã hội liên đới và công bằng là một xã hội lành mạnh hơn. Một xã hội tham gia – trong đó “những người rốt cùng” được coi trọng như “những người thứ nhất” – củng cố tình hiệp thông. Một xã hội, trong đó có sự tôn trọng khác biệt thì có thể kháng cự bền bỉ chống lại mọi loại virus.”
Và Đức Thánh cha kết luận: “Chúng ta hãy đặt con đường chữa lành này dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Sức Khỏe. Xin Mẹ là Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, giúp chúng ta trở thành những người tín thác. Được Chúa Thánh Linh soi sáng, chúng ta có thể cùng nhau làm việc cho Nước mà Chúa Kitô đã khai mạc trong trần thế này, khi đến giữa chúng ta. Một Nước ánh sáng giữa tối tăm, Nước công lý giữa bao nhiêu lăng nhục, Nước vui mừng giữa bao nhiêu đau thương, Nước chữa lành và cứu độ giữa bệnh tật và chết chóc. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta “virus hóa” tình thương và hoàn cầu hóa hy vọng dưới ánh sáng đức tin.”
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “chúng ta sắp bước vào tháng Mười là tháng, theo truyền thống, được dành để kính Đức Mẹ Mân côi. Anh chị em hãy trung thành với thói quen đọc kinh Mân côi trong các cộng đoàn của anh chị em, và nhất là trong gia đình. Khi suy niệm mỗi ngày các mầu nhiệm cuộc sống của Mẹ Maria, dưới ánh sáng công trình cứu độ của Chúa Con, anh chị em hãy xin Mẹ tham dự vào những vui mừng, lo âu và những lúc hạnh phúc của anh chị em. Nhờ bàn tay của Mẹ, xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”
Giới thiệu Tông thư về Kinh thánh
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay, tôi đã ký Tông thư “Sacrae Scripturae affectus”, Lòng quí mến Kinh thánh, nhân dịp kỷ niệm mười sáu thế kỷ thánh Giêrônimô qua đời. Ước gì tấm gương của vị đại tiến sĩ và giáo phụ này, đã đặt Kinh thánh ở trung tâm cuộc sống của ngài, khơi dậy trong tất cả chúng ta một tình yêu được đổi mới đối với Kinh thánh và ước muốn sống trong sự đối thoại thân tình với Lời Chúa”.
Khi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Xin Chúa ban cho anh chị em điều thiện hảo mà lòng anh chị em mong ước cho bản thân và những người sống cạnh anh chị em trong hành trình cuộc sống.”
Sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ước gì mỗi người, trong hoàn cảnh sống của mình, biết quảng đại trong sự dấn thân cho một tương lai tốt đẹp hơn, chấp nhận thử thách và đau khổ cũng như trong tình yêu thương nhau để xây dựng một gia đình hòa hợp và chân thực.”
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
[1] Benedict XVI, Homily for the beginning of the Petrine ministry (24 April 2005); see Encyclical Laudato si’, 65.
[2] “Trickle-down effect” in English, “derrame” in Spanish (see Apostolic Exhortation Evangelii gaudium, 54).
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org