Ngày của Chúa

Đây là ngày Chúa đã làm ra. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ (TV 118, 24).

Ngày nay, khá nhiều người tâm niệm: ‘Đạo nào cũng như đạo nào, Đạo nào cũng dạy ăn ngay lành’. Ngay cả người Công giáo cũng ‘gật gù’ khi nghe nói như thế. Quả thực, không ít người coi việc đến Nhà thờ chẳng mấy hứng thú, họ sẵn sàng bỏ lễ Ngày Chúa Nhật khi có đình đám, hiếu hỉ, hội hè… hoặc tham dự một cách hời hợt, miễn cưỡng, được chăng hay chớ. Một bộ phim ‘hót’ đang dang dở hay một ‘trận cầu’ hấp dẫn cũng là lý do chính đáng để họ cho phép mình bỏ lễ Chúa Nhật. Nơi mỗi giáo xứ, cũng đã và đang xuất hiện một số người lại thích tìm đến cửa Phật, để xin xỏ, khấn vái, cầu may, hay xem ‘số má’ gì đó: “Chúa hay Phật thì cũng dạy con người ăn ngay ở lành mà, các ngài đều mong muốn cho con cái mình được hạnh phúc đó thôi”.

Từ những thực trạng về cung cách sống đạo như thế của nhiều người Công giáo, người viết muốn đi tìm lịch sử và ý nghĩa ‘Ngày Của Chúa’ qua các sách vở và bài viết liên quan, những mong góp thêm chút gì đó cùng quý độc giả, nhân ngày Đại lễ Phục Sinh:

Lịch sử Ngày của Chúa

Trước hết, kiểu nói ‘Ngày của Chúa’ (dominica), được tìm thấy rất sớm trong sách Khải huyền (1,10), bao hàm ý nghĩa ‘Ngày Sa-bát’ của người Do-thái cũng như ‘Ngày Chúa Nhật’ thời Giáo hội sơ khai.

Ngày của Chúa trong Cựu ước: Ngày Sa-bát được hiểu là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa (Lv2,23), ngày mà người Do-thái nghỉ ngơi để phụng thờ và ca tụng công trình tạo dựng rất tốt đẹp của Thiên Chúa đã khởi sự (St 1,1-2,3). Tiếp đến, Ngày Sa-bát là ngày tưởng nhớ biến cố Thiên Chúa đưa dân Its-ra-el thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập (Đnl 5,15), ngày Thiên Chúa chúc phúc và thánh hóa cho con người (Xh20,8-11).

Ngày của Chúa trong Tân ước: được hiểu là Ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần (Mc 16,2): gợi lại ngày đầu tiên của công trình sáng tạo; cũng là ngày thứ tám (Ga 20,26): ngày mà Giáo hội sơ khai quy tụ để cùng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể (Cv20,7), và tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Xuất xứ tên gọi “Ngày Chúa Nhật”: Ngay từ thế kỷ đầu, Ngày Chúa Nhật tồn tại bên cạnh và mang những nét đặc trưng của ngày Sa-bát. Hay nói cách khác, ngày Chúa Nhật là sự hoàn thành viên mãn ngày Sa-bát. Chính Chúa Giê-su cũng tôn trong ngày Sa-bát (Lc4,16), nhưng Ngài đã kiện toàn ngày ấy trong một tinh thần mới, thổi vào đó ‘hồn’ của lề luật, luật làm cho con người được sống và sống dồi dào (Ga9,10).

Dù có sự trà trộn giữa việc giữ luật Do-thái và luật mới, nhưng Giáo hội sơ khai luôn ý thức ngày Chúa Nhật là ngày thờ phượng riềng của mình, nên chẳng bao lâu đã thay thế hoàn toàn cho ngày Sa-bát. Lại nữa, nhân sự kiện những người ngoại giáo “thờ thần mặt trời” theo đạo Ki-tô giáo, Giáo hội đã gọi Ngày Của Chúa là ‘ngày Mặt Trời’ (ngày Chúa Nhật) để tách biệt khỏi ngày Sa-bát, với ý nghĩa: chính Chúa Ki-tô là ánh sáng thế gian (Ga 8,12), “ánh sáng thật, chiếu soi mọi người (Ga 1,9)…

Đến năm 304: Việc cử hành Ngày Chúa đã trở thành luật buộc củ người Ki-tô hữu, mang một dấu ấn và ý nghĩa mới:

– Ngày Giáo hội cử hành Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
– Ngày Giáo Hội sống trong niềm hy vọng Chúa lại đến.
– Ngày Giáo Hội loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Với biến cố hoàng đế Constatin theo đạo (313), việc cử hành và giữ luật Ngày Chúa Nhật-Ngày Của Chúa đã được phổ biến rộng khắp. Nhưng mãi đến thế kỷ VI, luật kiêng việc xác Ngày Chúa Nhật mới được hình thành, với mục đích chính là để nghỉ ngơi và thờ phượng… Cũng từ đây, Ngày Chúa Nhật mang đậm nét văn hóa Ki-tô giáo và chi phối sự phát triển con người trong mọi lãnh vực.

Ý nghĩa Ngày Của Chúa

Chúa Nhật là ngày kỷ niệm Đức Ki-tô đã phục sinh khải hoàn, là thời điểm phát sinh một cuộc tạo thành mới, hoàn tác công trình mà Thiên Chúa đã khởi sự rất tốt đẹp từ ban sơ (St 1,1-2,3), và là ngày trông đợi Chúa lại đến trong vinh quang (Kinh tiền tụng).

Ngày Của Chúa rất quan trọng trong đời sống người Ki-tô hữu: bởi đó là ngày kỷ niệm biến cố trọng đại ‘độc nhất vô nhị’; là “ngày của lòng tin”, ngày của niềm vui và hạnh phúc. Cộng đoàn tín hữu tụ họp trong Ngày Của Chúa, để cử hành phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể; đồng thời, kính nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Ki-tô (PV.106):

Hội Thánh có bổn phận phải mừng kính công trình cứu chuộc bằng việc tưởng nhớ vào 1 ngày/tuần gọi là Ngày của Chúa, và cử hành long trọng mỗi năm một lần trong Đại lễ Phục Sinh (PV.102).

Như vậy, Ngày Chúa Nhật là ngày mà các tín hữu cần đề cao, in sâu và và cần được diễn tả trong đời sống đời sống chứng tá của mình… và cũng là ngày để thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Thánh lễ chính là nguồn sống của Giáo hội, là phương thế tuyệt vời để tuyên xưng và đào sâu đức tin, cũng như nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Vì những giá trị thiêng liêng cao cả của Ngày Chúa Nhật, Giáo hội đòi buộc các tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, cùng nghỉ việc xác và sống cho những giá trị khác của ngày ấy, xét như nền tảng và trung tâm điểm đời sống Ki-tô hữu.

Chỉ có tâm tình như thế, chúng ta mới có thể sống đức tin mà mình đã lãnh nhận trong niềm hân hoan và cảm mến rằng: “Ngày của Chúa chính là hôm nay vậy. Cảnh thiên nhiên như sống lại huy hoàng. Vui ca lên nào phấn khởi hân hoan. Ngày hòa giải, ôi ngày bao hạnh phúc” (Thánh Thi, Kinh Sáng-MC).

Pt. Giuse Phạm Quang

Trích nguồn: http://gpbuichu.org/

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube