Ngày 2/9 năm nay, sau 189 ngày bị cách ly, trong sự tôn trọng các qui luật an ninh y tế, Đức Thánh cha Phanxicô vui mừng gặp lại các tín hữu hành hương, trong buổi tiếp kiến chung tại sân thánh Damaso, thuộc khuôn viên dinh Tông tòa, rồi sau đó, tại Đại thính đường Phaolô VI. Nhưng hai tháng sau, vì tình hình đại dịch lại bùng lên, nên sáng thứ Tư, 4/11/2020 vừa qua, Đức Thánh cha buộc lòng phải trở lại hình thức tiếp kiến trực tuyến tại thư viện ở dinh Tông tòa, không có giáo dân nào tham dự, ngoài mười cộng tác viên của ngài, trong đó có tám linh mục thông dịch.
Nghe Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ Tin mừng theo thánh Marco (1,32.34-38), kể lại sự tích Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng cầu nguyện một mình, sau một ngày vất vả chữa bệnh cho dân chúng và xua đuổi quỉ ra khỏi một số người.
Tiếp đến, Đức Thánh cha trình bày bài thứ 13 trong loạt bài về sự cầu nguyện, và nói về đề tài: “Chúa Giêsu, Thầy dạy cầu nguyện.”
Bài huấn dụ
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong đời sống công khai của Ngài, Chúa Giêsu liên tục sử dụng sức mạnh của kinh nguyện. Các sách Phúc âm cho chúng ta thấy điều đó khi Chúa lui vào những nơi thanh vắng để cầu nguyện. Đó là những nhận xét giản dị và kín đáo, chỉ để chúng ta hình dung những cuộc đối thoại cầu nguyện. Nhưng những nhận xét ấy cũng cho thấy rõ, cả trong những lúc bận bịu lo cho những người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu không hề chểnh mảng cuộc đối thoại thân mật của Ngài với Chúa Cha. Hễ Chúa càng dấn thân trong những nhu cầu của dân chúng, thì Ngài càng cảm thấy cần ở trong sự hiệp thông của Ba Ngôi.
Cầu nguyện: một bí quyết của Chúa Giêsu
Vì thế, trong cuộc sống của Chúa Giêsu có một bí quyết, kín đáo đối với mắt người đời, nhưng đó là cốt lõi của mọi sự. Kinh nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại huyền nhiệm chúng ta chỉ đoán được phần nào, nhưng cũng giúp chúng ta nhận thức được toàn thể sứ mạng của Chúa trong một viễn tượng đúng đắn. Trong những giờ ở một mình – trước bình minh hoặc trong đêm trường, – Chúa Giêsu chìm đắm trong sự thân mật với Chúa Cha, nghĩa là ở trong Tình Yêu mà mọi tâm hồn khao khát. Đó là điều ta thấy rõ ngay từ những ngày đầu tiên trong sứ vụ công khai của Chúa.
Cầu nguyện trong thanh vắng
Ví dụ, một ngày thứ Bảy, thành Capharnaum biến thành một “bệnh viện dã chiến”: khi trời đã xế chiều, người ta mang đến cho Chúa Giêsu mọi bệnh nhân và Ngài chữa lành họ. Nhưng trước bình minh, Chúa Giêsu biến mất: Ngài lui vào nơi thanh vắng và cầu nguyện. Ông Simon và các tông đồ khác tìm kiếm Ngài và khi gặp, họ nói: “Tất cả mọi người đều tìm kiếm Thầy!”, nhưng Ngài đáp: “Thầy phải đi rao giảng trong các làng mạc khác; chính vì điều ấy mà Thầy đã đến” (Xc Mc 1,35-38).
Chính kinh nguyện là bánh lái hướng dẫn hành trình của Chúa Giêsu. Tiêu chuẩn xác định các giai đoạn trong sứ mạng của Chúa không phải là những thành công, không phải là sự ủng hộ, cũng chẳng phải là câu nói quyến rũ “tất cả mọi người đều tìm kiếm Thầy”. Khi xác định hướng đi, Chúa Giêsu không chọn con đường thoải mái nhất, nhưng là vâng theo sự soi sáng của Chúa Cha, Đấng mà Ngài lắng nghe và đón nhận trong kinh nguyện riêng của Ngài.
Đặc tính của kinh nguyện Kitô giáo
Sách Giáo Lý khẳng định rằng: “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, tức là Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện rồi” (n.2607). Vì thế, từ gương của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra vài đặc tính của kinh nguyện Kitô giáo.
Trước tiên, kinh nguyện ấy có một chỗ đứng tối thượng: đó là ước muốn đầu tiên trong ngày, một điều mà ta thực hành lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Kinh nguyện mang lại cho tâm hồn điều mà, nếu không có, thì hồn sẽ chẳng có hơi thở. Một ngày mà không có kinh nguyện thì có nguy cơ biến thành một kinh nghiệm chán ngán, buồn tẻ: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta có thể trở thành một bất hạnh phải chịu đựng hoặc một định mệnh mù quáng. Trái lại, Chúa Giêsu dạy tuân theo thực tại và vì thế hãy lắng nghe.
Kinh nguyện trước tiên là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa. Khi ấy, các vấn đề mọi ngày sẽ không trở thành chướng ngại, trái lại là những lời gọi của chính Thiên Chúa; hãy lắng nghe và gặp gỡ người đang đứng trước chúng ta. Như thế, những thử thách của cuộc sống sẽ biến thành những cơ hội để tăng trưởng trong đức tin và đức mến. Hành trình thường nhật, kể cả những cơ cực vất vả, có một viễn tượng “ơn gọi”. Kinh nguyện có năng lực biến thành điều thiện những gì trong cuộc sống, sẽ là một sự kết án nếu không có kinh nguyện; kinh nguyện có khả năng mở ra một chân trời bao la cho tâm trí và mở rộng con tim.
Kinh nguyện là một nghệ thuật
Tiếp đến, kinh nguyện là một nghệ thuật cần kiên trì thực hành. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện bất chợt, phát sinh từ những cảm xúc trong một lúc nào đó; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một thứ kinh nguyện khác: kinh nguyện có kỷ luật, một sự tập luyện, và được đưa vào trong qui luật sống. Một kinh nguyện kiên trì tạo nên một sự biến đổi từ từ, làm cho ta vững mạnh trong những lúc sầu muộn, mang lại ơn thánh được nâng đỡ, nhờ Đấng yêu thương và luôn bảo vệ chúng ta.
Kinh nguyện cô tịch
Một đặc tính khác trong kinh nguyện của Chúa Giêsu là sự cô tịch. Người cầu nguyện không chạy trốn thế gian, nhưng dành ưu tiên hơn cho những nơi cô tịch. Tại đó, trong thinh lặng, có thể trổi lên bao nhiêu những tiếng nói mà chúng ta giấu ẩn trong thâm tâm: những ước muốn bị đè nén nhất, những sự thật mà chúng ta cố tình bóp nghẹt. Và nhất là, Thiên Chúa nói trong thinh lặng. Mỗi người đều cần một không gian cho bản thân, nơi mà họ vun trồng đời sống nội tâm của mình, nơi mà các hoạt động tìm lại được một ý nghĩa. Nếu không có đời sống nội tâm, thì chúng ta trở thành hời hợt, bị dao động, lo lắng; chúng ta trốn chạy khỏi thực tại và chạy trốn cả bản thân chúng ta.
Thiên Chúa là khởi đầu và là cùng đích
Sau cùng, kinh nguyện của Chúa Giêsu là nơi ta nhận thức rằng tất cả đều đến từ Thiên Chúa và trở về cùng Ngài. Nhiều khi loài người chúng ta tưởng mình là chủ nhân ông của mọi sự, hoặc trái lại chúng ta đánh mất mọi tự tin. Kinh nguyện giúp chúng ta tìm lại được chiều kích đúng đắn, trong tương quan với Thiên Chúa, là Cha chúng ta, và với mọi loài thụ tạo.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tái khám phá trong Phúc âm, Chúa Giêsu như Thầy dạy cầu nguyện và học nơi trường của Chúa. Chúng ta sẽ tìm được an vui.”
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc nhở rằng: “trong tuần này, trên toàn nước Ba Lan, chương trình “Kinh Mân côi đến cõi trời” là kinh nguyện chung đang nối kết các gia đình và giáo xứ của anh chị em với nhau. Ước gì lời cầu khẩn này được vọng lên trời nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân côi, xin được ơn chữa lành những vết thương do sự đánh mất những hài nhi chưa sinh ra, ơn tha thứ tội lỗi, ơn hòa giải và đổ tràn trong các tâm hồn niềm hy vọng và an bình”.
Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay là lễ nhớ thánh Carlo Borromeo, vị mục tử chuyên cần, hoàn toàn lo lắng cho thiện ích của dân Chúa. Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy học nhân đức mà vị Đại Tổng giám mục giáo phận Milano đã chọn làm khẩu hiệu của ngài, đó là “humilitas”, khiêm nhường. Ước gì nhân đức này là thái độ của anh chị em, khi tìm kiếm và phục vụ Chân Lý và Sự Thiện.”
Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân, các đôi tân hôn. Tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy làm chứng tá chân thành về chỗ đứng tối thượng của kinh nguyện trong đời sống của người tín hữu. Kinh nguyện luôn luôn là nguồn mạch hy vọng và an ủi!”
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org