Có một ngọn hải đăng được xây dựng ngay trên bờ Nam Cực. Nhiệm vụ của nó là trong sáu tháng đông dài lạnh giá sẽ đưa tín hiệu duy nhất cho hàng trăm chuyến tàu chở các nhà khoa học, khách du lịch cũng như tàu của người dân trên lục địa băng giá này biết chỗ đậu thuyền. Ở Nam Cực, chỉ có hai mùa là mùa đông và mùa hè. Mỗi mùa kéo dài sáu tháng. Mùa đông thì cả lục địa sẽ chìm trong bóng đêm sáu tháng lên tục, không một chút ánh sáng và mùa hè thì lúc nào cũng chói chang ánh sáng. Ngọn hải đăng ấy được hoàn thành vào giữa mùa hè và còn gần ba tháng nữa mới tới mùa đông nên lúc này chẳng ai thắp nó sáng lên cả. Ngọn hải đăng rất buồn vì thấy mình vô dụng và không ai quan tâm đến nó.
Một ngày kia, có một cơn gió đi quang qua. Gió thấy ngọn hải đăng đứng buồn bã thì dừng lại thì thì thầm: – Sao bạn có vẻ buồn vậy? Ngọn hải đăng tấm tức khóc và trả lời: – Mình ghét nơi đây. Mình thật vô dụng nên chẳng ai quan tâm đến mình cả. Gió dịu dàng an ủi bạn: – Đừng buồn như vậy. Sẽ có lúc bạn thấy được giá trị thật của mình và mọi người đều cần đến bạn. Rồi gió vui vẻ bay đi. Ngọn hải đăng lại đứng buồn nhìn về phương xa.
Ngày hè dần trôi và mùa đông đến kéo theo màn đêm tối tăm lạnh lẽo. Lúc này, ngọn hải đăng được thắp lên sáng rực cả một vùng trời Nam Cực. Những đoàn thám hiểm, những cư dân của Nam Cực đều coi ngọn hải đăng là hoa tiêu để đến và xác định phương hướng. Họ trầm trồ: – Ồ sáng quá, tốt quá! Chúng ta có thể dễ dàng xác định phương hướng để đi rồi! Lúc này ngọn hải đăng mới nhận ra giá trị thực của mình, như lời gió nói. Nó cố gắng hết sức đẩy tan bóng tối để chiếu sáng mọi vật, và cảm thấy phấn khởi vô cùng. Rồi một ngày, gió trở lại cùng với tiếng cười lảnh lót vờn vũ quanh ngọn hải đăng. – Nhìn mình này – ngọn hải đăng tự hào nói: – Bây giờ mình thực sự có ý nghĩa với mọi người rồi.
Quý vị và các bạn thân mến,
Cảm giác mình là kẻ vô dụng, không làm được gì cho ai và không có ý nghĩa gì trong cuộc sống thật là đáng sợ! Ngọn hải đăng trong câu chuyện ngụ ngôn cũng có cảm giác đó khi nó không được tỏa ra ánh sáng để giúp ích cho cuộc đời. Chỉ khi ánh sáng nơi nó được phát ra và mọi người nhìn nhận ý nghĩa sự hiện diện của nó, nó mới cảm thấy vui sướng và tự hào.
Theo tâm tính tự nhiên, người ta thường muốn khẳng định bản thân mình và được người khác biết đến theo cách này hay cách khác để không bị rơi vào quên lãng. Cũng với tâm trạng này mà nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã từng thốt lên rằng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất phải có danh gì với núi sông”. Chữ “danh” vừa có nghĩa là tên gọi, vừa có nghĩa là tiếng tăm. Mỗi người đều có một tên gọi riêng. Tên gọi được dùng để phân biệt người này với người kia và tên gọi ấy chỉ được nhiều người biết đến khi người mang tên gọi ấy có những nét độc đáo về tài năng và phẩm chất riêng của mình. Chính vì vậy mà người ta cố gắng bồi dưỡng tri thức để tiến cao và xa hơn trên con đường học vấn; trau dồi năng khiếu hay dấn thân vào các hoạt động xã hội để có những vị trí nào đó trong xã hội và được nhiều người biết.
Thành thật mà nói, ít nhiều gì thì ai trong chúng ta cũng quan tâm đến chuyện danh tiếng. Đó cũng là một mối bận tâm chính đáng trong vô vàn mối tậm tâm của đời thường. Sách Châm ngôn đã nói rằng: “Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt” (Châm ngôn 22, 1). Theo đó, danh thơm tiếng tốt còn quý hơn cả mọi thứ của cải vật chất mà chúng ta có được. Ngoài tên gọi của mình, chúng ta còn có một danh hiệu nữa đó là “Kitô hữu”. Chúng ta phải để tên gọi của mình và danh xưng ấy không bị mờ nhạt hay hoen ố đi, nhưng hãy để nhiều người biết đến bằng lối sống công bình, bác ái theo như luật Chúa dạy và cống hiến những điều tốt đẹp cho đời để luôn tỏa sáng như những vì sao ở giữa thế gian.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho chúng con được hiện diện trong cuộc đời này với những khả năng và vẻ đẹp khác nhau. Xin Chúa cho chúng con biết dùng vẻ đẹp và khả năng riêng của mình mà làm sáng danh Chúa và phục vụ lợi ích con người. Amen.
Duy An
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org