Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, nhận định rằng trong những năm tới đây, Công giáo và Chính thống có thể thực hiện những bước tiến quan trọng trong tiến tình hiệp nhất Giáo hội.
Trong một bài đăng trên báo “Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh, số ra ngày 18/1/2021 vừa qua, nhân dịp bắt đầu tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ, viết rằng: điều kiện để thực hiện những bước tiến như thế là Giáo hội Công giáo theo đuổi nguyên tắc “công nghị tính” (Sinodalità) và các Giáo hội Chính thống cần chấp nhận cơ cấu vai trò của “người thứ nhất” (Protos), người thủ lãnh cộng đoàn.
Đức Hồng y Koch nhắc đến kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội nhóm tại Nicea, gần thành Constantinople, ngày nay là Istanbul bên Thổ Nhĩ kỳ, và gọi đây là cơ hội tốt để cùng nhau cố gắng tiến bước theo chiều hướng vừa nói. Đức Hồng y giải thích rằng Đức Thánh cha Phanxicô muốn nguyên tắc “công nghị tính” không phải chỉ giới hạn vào phương pháp, nhưng trước tiên là nơi bình diện tinh thần. Về phương diện này, Công giáo cần cố gắng học hỏi nơi Chính thống giáo. Đây cũng là đề tài Đức Thánh cha chọn cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2022 tới đây.
Đối lại, Giáo hội Công giáo có thể chờ đợi nơi các Giáo hội Chính thống nhìn nhận rằng một quyền tối thượng (Primato), quyền giáo chủ hoàn vũ không những là điều có thể và hợp thần học, nhưng còn là điều cần thiết, để tránh những căng thẳng và chia rẽ trong Chính thống giáo, như hồi Công đồng Chính thống giáo ở đảo Creta, Hy Lạp năm 2016. Quyền giáo chủ này không phải chỉ là giáo chủ danh dự mà thôi, nhưng cũng bao gồm các yếu tố pháp lý nữa. Một nền tảng quan trọng cho sự xích lại gần nhau như thế, là Văn kiện của Ủy ban thần học Công giáo và Chính thống hồi năm 2007, giải thích và xác định ý nghĩa những từ như “Công đồng tính” và “Quyền bính”, “Công nghị tính” và “Quyền giáo chủ” (Primato). Hai ý niệm này lệ thuộc nhau trên mọi bình diện của Giáo hội.
G. Trần Đức Anh, O.P.