Do tình trạng biến động tại Thánh địa, dòng Phanxicô tại đây đã bãi bỏ các buổi cầu nguyện theo truyền thống, nhân lễ Chúa Thăng Thiên 13/5/2021 này (nhiều nơi cử hành vào Chúa nhật 16/5).
Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa xác nhận quyết định này với phái viên hãng tin Công giáo Đức KNA ở Jerusalem.
Cha cho biết theo lời kêu gọi của Đức Thánh cha Phanxicô, hôm Chúa nhật 9/5 vừa qua, các tín hữu đã cầu nguyện cho hòa bình và bạo lực ở Jerusalem sớm chấm dứt, nhưng bạo lực đã leo thang mau lẹ với cuộc tấn công và trả đũa giữa lực lượng Hamas từ miền Gaza và không quân Israel.
Theo truyền thống, áp lễ Thăng Thiên, tức là chiều ngày 12/5, lẽ ra có cuộc rước do cha Đại diện Bề trên dòng Phanxicô chủ sự, tiến đến nhà nguyện Chúa Thăng Thiên trên núi Cây Dầu, và tại đây có hát Kinh Chiều, tiếp đến là buổi canh thức rồi thánh lễ ban đêm. Sáng hôm sau, 13/5, có ba thánh lễ được cử hành: một do linh mục đại diện tòa Sứ thần Tòa thánh chủ sự, một thánh lễ của giáo xứ nói tiếng Arập, và sau cùng là thánh lễ do cha Bề trên Patton chủ lễ.
Hồi lễ Thăng Thiên năm ngoái, vì đại dịch Covid-19, số người tham dự các buổi lễ này cũng đã bị giới hạn rất nhiều.
Nhà nguyện Chúa Lên Trời tọa lạc tại địa điểm cao nhất trên núi Cây Dầu, ở mạn đông Cổ Thành Jerusalem. Từ thời Đạo Binh Thánh Giá, thánh đường này thuộc quyền sở hữu của một tổ chức Hồi giáo (Waqf). Từ thời đế quốc Ottoman, tại đó mỗi năm chỉ có một tháng lễ Công giáo được cử hành trong nhà nguyện. Các Giáo hội địa phương phải cử hành ở sân bên ngoài.
Cả các Kitô hữu nguyên thủy cũng đã tưởng niệm sự Thăng Thiên của Chúa Kitô trong một hang đá trên núi Cây Dầu. Năm 387, theo truyền thống, một phụ nữ đạo đức ở Jerusalem là bà Poimenia đã tặng một thánh đường với mặt bằng hình bát giác và một thánh giá cao có thể nhìn thấy từ xa.
Phần lớn thánh đường này bị người Ba Tư phá hủy năm 614. Khoảng năm 1152, các kiến trúc sư của đoàn Đạo Binh Thánh Giá đã thiết lập nhà nguyện đơn sơ hiện nay, với đường kính 6 mét 60 phân. Trong 300 năm, thánh đường này cũng được dùng làm nơi thờ phượng của Hồi giáo.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org