Để nói về những đức tính của Đức Phật, người ta có kể câu chuyện như sau: Một hôm, Đức Phật đi ngang một ngôi làng, mọi người túa ra chửi bới cho rằng ông đến phá hủy truyền thống tôn giáo của họ. Họ dùng những lời lẽ khiếm nhã lăng nhục ngài. Thế nhưng, ngài chỉ im lặng nghe. Khi mọi người đã bớt giận, ngài mới lên tiếng nói: – Mọi người đã chửi xong chưa? Nếu xong rồi thì tôi xin phép đi tiếp. Tôi đang bận chút việc ở làng bên. Nếu mọi người chưa hết giận, khi xong việc, tôi sẽ quay trở lại và mọi người có thể trút giận thêm.
Thấy thái độ điềm tĩnh của Đức Phật, mọi người ngạc nhiên nó: – Kiểu người gì thế này? Ông ta không biết tức giận, mà còn rất bình thản nữa. Dần dần họ cảm thấy xấu hổ và tản đi hết, vì không thể trút giận vào một người đạo đức như thế.
Quý vị và các bạn thân mến,
Là con người ai cũng có cảm xúc buồn vui, yêu ghét, giận hờn. Với những áp lực và khó khăn trong cuộc sống, người ta dễ tức giận nổi nóng và không kiềm chế được chính mình. Làm chủ được những cảm xúc ấy mới thực sự là người có nhân cách.
Để vượt thắng chính mình, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải học sống nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Lòng nhân từ được thể hiện qua thái độ tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.
Hãy noi gương Đức Giêsu đã tha thứ cho môn đệ Phêrô, cho người đàn bà tội lỗi, cho người trộm lành.
Hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Hãy cho thì sẽ được cho lại. Thiên Chúa sẽ cho ta gấp trăm ngàn lần những gì ta chia sẻ cho người khác. Khi ta xét đoán và lên án người khác là ta đã đặt mình lên trên họ giống như một quan tòa. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, còn chúng ta chỉ là phàm nhân đầy lầm lỗi yếu đuối.
Lòng nhân từ còn mời gọi chúng ta nhìn nhận chính mình với những lầm lỗi cần được Thiên Chúa tha thứ. Không ai trong chúng ta là người trong sạch, ngoại trừ Thiên Chúa. Tội nguyên tổ đã di căn trên chúng ta, khiến chúng ta phải đau khổ và phải chết. Chỉ có ơn công chính của Thiên Chúa mới rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại. Vì thế, muốn được Thiên Chúa tha thứ chính chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa nhưng nó chỉ được thực hiện khi chúng ta mở lòng tha thứ cho người khác. Tha thứ không có nghĩa là quên lãng, nhưng là cách để chúng ta không rơi vào vòng xoáy của sự báo thù, để thiết lập một đời sống công bằng và nhân bản hơn. Thù oán làm cho người ta chết, còn tha thứ mở ra con đường sống.
Ở một khía cạnh khác, lòng nhân từ còn được gọi là đức mến. Đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Chúa Giêsu dạy chúng ta một điều răn quan trọng nhất đó là mến Chúa yêu người. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì Người là Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Người đã cho Con Một là Đức Giêsu sinh xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta phải yêu mến mọi người vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn tha thứ.
Như vậy, yêu mến tha nhân là thước đo lòng kính mến Thiên Chúa, vì như thánh Gioan đã khẳng định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Đức mến là cái gốc của mọi nhân đức. Nếu ta làm được những việc phi thường trong thiên hạ mà không có đức mến thì những việc đó chỉ vô ích, đó chỉ là nhà ảo thuật.
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin cho chúng con biết sống yêu thương tha thứ cho những người đã làm phiền chúng con. Xin cho chúng con vui bước trên con đường hy sinh phục vụ, để vun đắp một gia đình nhân loại an hòa, có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Amen.
Nt. Anh Thư
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org