Phỏng vấn diễn viên kiêm đạo diễn Carlo Verdone về Tông thư “Patris corde – Trái tim của người Cha” của Đức Thánh Cha, và những bài học dành cho những người cha và những người con trong gia đình hôm nay.
Ngày 8/12/2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde – Trái tim của người Cha” và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.
Nhằm giúp các tín hữu học hỏi, đào sâu suy tư và sống “Năm đặc biệt về thánh Giuse ”, báo Quan sát viên Roma đã có một loạt các sáng kiến và các bài viết liên quan đến chủ đề này.
Hôm thứ Sáu 13/8, tờ báo chính thức của Toà Thánh đã cho đăng một bài phỏng vấn của giáo sư Andrea Monda, Giám đốc tờ báo, với ông Carlo Verdone diễn viên kiêm đạo diễn. Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh chủ đề Tông thư “Patris corde – Trái tim của người Cha” của Đức Thánh Cha và những bài học dành cho những người cha và những người con trong gia đình.
Theo giáo sư Andrea Monda, cuộc nói chuyện với đạo diễn Carlo Verdone về tình phụ tử, một cách tự nhiên nên bắt đầu từ khuôn mặt của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bởi vì, thực tế trong cuộc gặp gỡ cá nhân gần đây giữa đạo diễn Carlo và Đức Thánh Cha, đã để lại nơi đạo diễn một hình ảnh sâu đậm trong tâm trí ông. Điều đánh động nơi ông là hình ảnh một vị Giáo hoàng đi đến gặp gỡ dân chúng. Ngoài ra chính sự giản dị của Đức Thánh Cha đã làm thay đổi đạo diễn. Sự giản dị này thể hiện ở chỗ: Một mặt, Đức Thánh Cha thể hiện như một người như bao người khác, người mà chúng ta có thể gặp ở quán bar, rất tử tế và ân cần với khách, có thể nói rất con người. Và một mặt khác, khi Đức Thánh Cha giải thích một điều gì đó, ngài thường bắt đầu bằng một cách rất đơn giản, nhưng rồi, từ từ người nghe bắt đầu cảm thấy Đức Thánh Cha đang nâng dần mức độ lên, đạt đến một đỉnh cao của sự suy tư; giống như một chiếc máy bay bắt đầu khởi động với những tiếng ồn ào trên đường băng rồi từ từ cất cánh.
Sau đây là cuộc phỏng vấn của Giám đốc báo Quan sát viên Roma với đạo diễn Carlo Verdone
Đạo diễn có nghĩ rằng Đức Thánh Cha là một người biết cách thi hành phận vụ của một người cha, vào một thời điểm thế giới dường như ngày càng có nhiều người bị mồ côi?
Vâng, đúng vậy, ngày nay xem ra những người cha đã biến mất ở phía chân trời. Một từ được Đức Thánh Cha sử dụng ít nhất mười lần trong cuộc gặp gỡ với tôi là từ “chúng ta”, một từ phần nào đã không còn trong ngôn ngữ chung của chúng ta. Ngày nay, chúng ta thường nói từ “tôi”, còn Đức Thánh Cha trái lại, ngài nhắc nhở chúng ta phải nói với tư cách là “chúng ta”: chúng ta như một cộng đoàn, một gia đình, những anh chị em, chúng ta như một trong toàn thể. Có lẽ trong những thập kỷ gần đây, gia đình đang trải qua một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng: các tương quan không kéo dài và chúng ta chứng kiến hiện tượng tình yêu và cảm xúc bị chết dần, hao mòn giống đồ vật, giống như điện thoại thông minh. Điều này dẫn đến một trong những tệ nạn tồi tệ nhất của xã hội đó là sự cô đơn. Sự cô đơn được tạo ra do sự thiếu các tương quan giữa con cái và cha mẹ và chúng ta không biết ai là người có lỗi…
Theo ông đâu là lời giải thích cho vấn đề này? Chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào gương mẫu của cha mẹ. Mẫu gương không phải bằng lời nói, hay những lần trò chuyện. Sự dạy dỗ tuyệt vời của cha mẹ nằm ở cách cư xử, điều này cũng được cha mẹ thể hiện trong sự im lặng, bởi vì người ta có thể giáo dục ngay cả khi biết giữ im lặng. Tôi có một gia đình, trong đó những mẫu gương được đề cao: có tiếng cười, có sự đùa giỡn, nhưng cũng có sự thinh lặng và nhìn cách cha mẹ tôi làm việc, với sự tập trung, nghiêm túc làm cho tôi hiểu thế nào là cuộc sống, công việc phải được trải nghiệm.
Ngày nay, dường như các mẫu gương của cha mẹ không nhiều. Có lẽ do những người cha từ chối chính tuổi tác của họ và muốn tỏ ra rằng họ trẻ hơn con cái và điều này tạo ra sự hỗn loạn. Thực tế họ chỉ là những người chưa trưởng thành với một tầm nhìn sai lệch về cuộc sống, thiếu sự khôn ngoan, điều cuộc sống rất cần. Điều này đưa đến việc hiểu cuộc sống chỉ là hiệu năng và các mối quan hệ như hàng tiêu dùng, như một chiếc điện thoại thông minh, một ứng dụng phải luôn được cập nhập và vì thế các các tình cảm, các tương quan cũng phải cập nhật… vì nếu không, sự nhàm chán sẽ thắng. Và rồi người ta sống mọi thứ dưới áp lực của cái nhất thời.
Tại sao gần đây trong bài viết ông trích dẫn Aeneas, người chạy trốn khỏi thành Troy, cõng trên vai người cha già Anchises và tay dẫn người con trai, một biểu tượng trung tâm của gia đình?
Hình ảnh đó trở lại với tôi nhờ một đoạn văn, một đoạn hội thoại của thi hào Borges. Điều này làm cho tôi suy tư về thực tế, người già là một tài sản quý giá cần được giữ gìn, bảo vệ, nhưng hiện nay chúng ta làm điều này rất ít. Người già đang đi về cuối cuộc đời và chúng ta thì trái lại, chúng ta thường tiếp tục muốn thời gian ngừng lại, để tìm lại tuổi trẻ qua quần áo, thẩm mỹ, thuốc… chúng ta không chấp nhận tuổi già, vì nó làm chúng ta lo sợ. Nhưng điều này thực sự khủng khiếp, bởi vì nó ngăn cản chúng ta sống theo mùa của cuộc sống; ngăn cản chúng ta trở thành người có khả năng đưa ra những lời khuyên cho người trẻ. Nét đẹp của tuổi già bị mất. Lẽ ra tuổi già trở thành điểm tham chiếu cho người khác, một ký ức lịch sử, một sự khôn ngoan sống động trao ban hoa trái trải nghiệm cho người thân, nhưng do không chấp nhận tuổi già, tất cả điều tốt đẹp này bị mất.
Trong Tông thư “Patris corde – Trái tim của người Cha”, Đức Thánh Cha chỉ ra thánh Giuse là một mẫu gương của người cha, một người ít nói, nhưng thánh Giuse luôn ở đó, chỗ tối và thinh lặng, nhưng sau đó chính thánh Giuse lại là người đưa ra những quyết định quan trọng, thể hiện một sự can đảm sáng tạo gây ngạc nhiên. Đã từng là một người con, và bây giờ trở thành một người cha trong gia đình, ông có nghĩ rằng sự sáng tạo này là nền tảng cần thiết để trở thành những người cha tốt không?
Chắc chắn rồi. Từ quan điểm này, tôi là người may mắn. Tôi nghĩ mỗi người cha nên làm một chút những gì cha tôi đã làm, cha tôi là một người đàn ông rất vui tính; ông luôn làm điều gì đó cho chúng tôi vui giải trí, ông dạy cho chúng tôi biết nhiều thứ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, các trận bóng đá… và sau đó ngày Chúa nhật được dành cho Phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại quốc gia. Trong nhà chúng tôi, có rất nhiều bức tranh trừu tượng, chúng tôi không hiểu và chúng tôi hỏi ông giải thích về nó. Và vì vậy vào Chúa nhật, cha mẹ chúng tôi đã đưa chúng tôi đi, giống như đi học, đến Phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại. Và thế là cha tôi đã giải thích cho chúng tôi về quá trình chuyển đổi từ tranh hiện thực sang tranh trừu tượng, và các loại hình nghệ thuật khác… Những bài học này của cha tôi thực sự rất hay trong môi trường đẹp, yên tĩnh và sạch của phòng trưng bày. Đối với chúng tôi, vào Chúa nhật, được đi đến Phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại là một niềm vui lớn.
Sau đó, một điều khác rất quan trọng là đi du lịch với các con, như cha tôi đã làm với tôi, với chúng tôi. Và điều tương tự tôi muốn làm với các con tôi. Cuộc hành trình là một sự chia sẻ hoàn hảo, những cảm xúc được sống cùng nhau và bạn cảm thấy rằng cha bạn, trong khoảnh khắc đó, đang chăm sóc bạn. Ngày càng khó tìm được người mà ta có thể chia sẻ một số điều và tôi may mắn đã tìm được một người, đó là con trai tôi. Cho đến bây giờ con tôi đối với tôi như là một người bạn. Ít nhất một lần trong tuần, khoảng vài giờ, con tôi đến với tôi và chúng tôi cùng nhau nghe nhạc, trong thinh lặng, chúng tôi chia sẻ nét đẹp này. Con tôi mang đến cho tôi những điều mà tôi chưa biết và tôi cũng làm như vậy, tôi nói cho con tôi những điều con tôi chưa biết, điều này rất quan trọng, nó gắn kết rất nhiều mối quan hệ vượt ra ngoài tương quan phụ tử. Đối với những người hỏi tôi rằng bạn muốn ăn tối với ai, tôi trả lời: với con trai tôi bởi vì tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ cảm thấy buồn chán; con tôi rất thông minh, sắc bén, biết tiếp thu. Một mặt tôi có thể nói, chính tôi là người đã cho con tôi nhiều thứ, về nghệ thuật, nhiếp ảnh và phim, về điện ảnh… rồi đến một lúc nào đó, các con tôi bắt đầu đi du lịch nhiều hơn tôi. Và lý do làm cho chuyến du lịch thật đẹp là tìm kiếm sự ngạc nhiên. Vì sự ngạc nhiên đó mà cha tôi theo một cách nào đó đã ghi tạc nơi tôi và tôi đã truyền lại cho các con.
Vâng, đó là sự thật, bạn đã dạy con bạn rất nhiều điều, nhưng rồi đến một lúc nào đó con bạn sẽ là người dạy bạn và đó là lúc bạn phải hết sức cẩn thận, bạn phải lắng nghe đứa con. Khi bạn hiểu được điều đó, các con bạn không còn nhỏ như bạn nghĩ nữa, nhưng chúng đang hỏi bạn một số câu hỏi, một số suy tư rất quan trọng. Nếu bạn có thể nắm bắt được điều này, đây là thời điểm mà mối quan hệ trở nên vững chắc hơn. Gia đình vững chắc trở thành như một pháo đài nơi bạn cảm thấy được bảo vệ như thể bởi một sự ấm áp đặc biệt, bạn cảm thấy được chào đón vào một liên minh. Tôi thấy các con sống cuộc đời của chúng với một chiều kích đạo đức mạnh mẽ và điều này làm tôi hài lòng nhất. Tôi cũng hạnh phúc khi thỉnh thoảng tôi phát hiện ra các con có ý thức tốt, lòng dũng cảm và mạnh mẽ hơn tôi.
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va