Chủ đề của Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần này là: “Tất cả những nguồn mạch của con ở nơi Chúa”. Lẽ ra Đại Hội này đã tiến hành từ ngày 13 đến 20/9 năm ngoái, nhưng vì đại dịch, nên bị hoãn đến năm nay. Cách đây 83 năm, Đại Hội Thánh Thể quốc tế thứ 34 đã diễn ra tại Budapest từ ngày 25 đến 29/5/1938, tức là ít lâu trước khi thế chiến thứ 2 bùng nổ.
Nối tiếp một truyền thống quí giá
Đại Hội Thánh Thể quốc tế tại Budapest tới đây tiếp nối truyền thống từ 140 năm nay trong Giáo Hội, tức là từ năm 1881 tại thành phố Lille ở miền bắc nước Pháp, bắt nguồn trong khuôn khổ lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Thể, đồng thời với ý hướng loại trừ sự dốt dát và dửng dưng của nhiều người đối với mầu nhiệm chủ yếu của Giáo Hội là Thánh Thể.
Chính giáo dân đã giữ vai trò nòng cốt trong sáng kiến tổ chức đại hội, cụ thể là do Emile Tamisier thành Tours, với sự gợi hứng của thánh Pierre Julien Eymard, vị sáng lập dòng Thánh Thể. Đứng trước chủ trương duy đời (laicisme) muốn loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống công cộng, những người chủ xướng Đại hội Thánh Thể tìm phương thế gây ý thức nơi các tín hữu Công Giáo về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.
Với ý hướng đó, ban tổ chức đã chọn đề tài “Thánh Thể cứu thế giới” và dự định tổ chức tại thành phố Liège bên Bỉ, nơi đã khai sinh lễ kính Mình Thánh Chúa hồi thế kỷ 13, nhưng vì hoàn cảnh chính trị không cho phép, nên ban tổ chức đã chọn thành phố Lille, ở miền bắc Pháp, làm nơi cử hành Đại Hội Thánh Thể quốc tế đầu tiên, từ ngày 28 đến 30/6/1881. 8 ngàn người đến từ các nước Âu châu, Mỹ và Á châu, đã tham dự Đại Hội này, trong đó có hơn 4 ngàn người đã dự cuộc rước Thánh Thể. Nhân dịp đó, Đức Giáo Hoàng Leo 13 đã công bố một văn kiện đặc biệt ca ngợi sáng kiến này và khích lệ tái diễn. Người ta đi tới quyết định cử hành Đại hội này mỗi năm một lần, nếu có thể, tại một thành phố đã diễn ra phép lạ Thánh Thể, hoặc có liên hệ đặc biệt tới bí tích này.
Ngay từ đầu, các vị Giáo Hoàng đã quan tâm và nhiệt thành theo dõi các Đại Hội Thánh Thể quốc tế, khích lệ và hướng dẫn. Trong số 25 Đại hội đầu tiên từ 1881 đến 1914, có 11 Đại hội tiến hành tại Pháp, 5 tại Bỉ và 1 lần tại những nước sau đây: Thụy Sĩ, Ý, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Áo, Malta, Canada và Giêrusalem năm 1893. Chính tại đây, lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng cử một vị Hồng Y đặc sứ đến chủ tọa. Trong 25 Đại Hội đầu tiên đó, khía cạnh Hội nghị được nhấn mạnh nhiều hơn, nhưng có kèm theo các buổi cử hành như chầu đền tạ Thánh Thể, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sinh hoạt tại các Đại hội Thánh Thể quốc tế
Các sinh hoạt này có thể phân thành 4 loại:
1. Suy tư và nghiên cứu: các buổi sáng tại Đại Hội, có các buổi thuyết trình do các chuyên gia đảm trách, trình bày những suy tư và nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của Mầu Nhiệm Thánh Thể.
2. Cử hành: trung tâm của toàn thể Đại Hội là Thánh Thể. Vì thế, việc cử hành Thánh Lễ chiếm vị trí trung tâm trong Đại Hội. Ngoài ra cũng có những buổi cử hành Thống Hối.
3. Thờ lạy, hay chầu Mình Thánh: Sau khi cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội vẫn tôn thờ Chúa Kitô hiện diện đặc biệt trong Thánh Thể. Đại Hội là một cuộc biểu dương công khai niềm tin nơi sự hiện diện thực của Chúa trong Thánh Thể, vì thế những buổi chầu Mình Thánh Chúa là thành phần quan trọng của Đại Hội.
4. Văn hóa: Đại Hội Thánh Thể cũng là một cơ hội đặc biệt để chia sẻ với các tham dự viên và tín hữu viếng thăm những đặc sắc về văn hóa của quốc gia và miền của mình.
Đại hội tại Budapest
Những hướng đi chính trên đây cũng được diễn tả trong chương trình Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế sắp tới tại Budapest.
Thánh lễ khai mạc sẽ được cử hành tại Quảng trường “Các Anh Hùng” ở trung tâm thủ đô từ 3 đến 6 giờ chiều Chúa Nhật 5/9, trong đó đặc biệt có 1.000 trẻ em được rước lễ lần đầu.
Từ hôm sau đó, các sinh hoạt diễn ra tại khu vực triển lãm ở Budapest, bắt đầu với kinh ngợi khen ban sáng dài 45 phút, tiếp đó từ 9 đến 10 giờ là phần giáo lý do các vị Hồng Y và Giám Mục trình bày. Sau đó là một 1 giờ trình bày chứng từ. Từ 11 giờ rưỡi đến 12 giờ rưỡi là Thánh lễ. Ban chiều có các buổi hội thảo, thuyết trình. Ban tối từ 7 giờ đến 9 giờ rưỡi là phần văn nghệ, văn hóa.
Tổng cộng có 70 vị giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đến từ các nước 5 châu, được mời đảm trách các bài giáo lý, hội thảo, thuyết trình. Từ Á châu có Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon bên Mynmar, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu; Đức Thượng Phụ Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê Irak; Đức Hồng Y Anrê Liêm Thủ Chính, Tổng Giám Mục Hán Thành Hàn quốc; Cha Gerard Timoner, người Philippines, Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh; và Đức Cha Joseph Pamplany, người Ấn độ.
Vài nhận xét của Đức Hồng Y Peter Erdoe
“Chủ nhà” và cũng là trưởng ban tổ chức Đại Hội Thánh Thể thứ 52 là Đức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng Giám Mục giáo phận Ezstergom-Budapest. Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang báo trực tuyến “Nuova Bussola Quotidiana” ở Ý, ngài nêu bật vài đặc điểm của Đại Hội ở thủ đô Hungari và nói rằng:
– “Trong những ngày Đại Hội, chúng ta sẽ không giới hạn vào việc nói về Thánh Thể, nhưng chúng ta thờ lạy Thánh Thể. Trong những năm gần đây chúng ta thấy rằng nơi những người trẻ việc thờ lạy trước Thánh Thể ngày càng trở nên thịnh hành. Cả trong thời kỳ chuẩn bị đại hội Thánh Thể này, chúng tôi đã thấy những nhóm bạn trẻ chiêm ngắm Thánh Thể trong thinh lặng. Đó là những lúc thật cảm động. Một thực tại như vậy cách đây 30, 40 năm chúng tôi không thể ngờ. Thời kỳ mà chúng ta nghĩ việc biểu lộ thờ lạy Mình Thánh Chúa như vậy là điều xa xưa, nhưng ngày nay chúng ta vui mừng vì có sự bừng tỉnh. Thái độ mà qua đó chúng ta thờ lạy Thánh Thể, biểu lộ xác tín của chúng ta rất là quan trọng. Chúng ta thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa làm người. Đó là trung tâm sự thờ lạy của chúng ta”.
Chứng nhân về Thánh Thể
– Đức Hồng Y Erdoe cũng nhắc đến huy hiệu Đại Hội Thánh Thể quốc tế Budapest: trên cùng là Thánh Giá từ đó chảy xuống những nguồn suối ân phúc. Huy hiệu này được trưng tại nơi cử hành Đại Hội. Ngài nói: “Nơi Thánh Giá Truyền giáo trên huy hiệu, chúng tôi đã gắn hài cốt của các thánh, các chân phước và các vị tử đạo của thế kỷ 20 thuộc nhiều dân tộc, tất cả trong cùng một Thánh Giá, nghĩa là trong cùng đức tin nơi Chúa Kitô là một và duy nhất. Đó là một giáo huấn quan trọng và không phải tình cờ mà trong các giáo xứ ở Budapest, nơi có trưng Thánh Giá ấy, đã thu hút sự tham dự của đông đảo các tu sĩ và giáo dân, cả những người từ nước ngoài, không phải là người Hungari”.
Đức Hồng Y nói thêm rằng: Trong thế kỷ 20 đã có nhiều vị tử đạo Hungari tử đạo Thánh Thể. Một trong những vị đó là chân phước János Brenner (1931-1957), một Linh Mục trẻ đã bị đâm chết dưới thời cộng sản. Cha rất gần gũi các trẻ em và người trẻ. Đêm ngày 15/9/1957, cha được gọi đi xức dầu cho một bệnh nhân gần chết, nhưng đó là một cái bẫy người ta giăng. Trên đường đi cha bị tấn công và bị giết bằng 32 nhát dao… Cha mang Mình Thánh Chúa theo và giữ ở ngực trong khi bị giết. Khi người ta tìm thấy xác cha, Mình Thánh Chúa vẫn còn được nắm chặt trong tay cha… Ngoài chân phước Brenner chúng tôi cũng muốn nhắc nhớ nhiều Linh Mục và Giám Mục đã cử hành Thánh lễ bí mật trong nhà tù cộng sản. Chúng tôi đã đón nhận hài cốt các vị và gắn trong thánh Giá Truyền Giáo. Thánh Giá đã được rước tới các nơi ở Hungari, trong chương trình chuẩn bị Đại Hội Thánh Thể. Thánh Giá này là một lời kêu gọi hoán cải và qui trọng tâm vào nòng cốt đức tin của chúng ta. Chứng tá của các vị thánh, chân phước và tử đạo củng cố chúng ta trong xác tín rằng cây cầu các vị ấy đã bước qua vực thẳm giữa sự sống và sự chết, vẫn còn. Và nguồn mạch mà các vị đã uống, vẫn còn”.
Giuse Trần Đức Anh OP
Trích nguồn : https://www.vaticannews.va