Từ năm 2014, Đại sứ Thụy Sĩ tại Slovenia cũng phụ trách ngoại giao với Tòa Thánh. Nhưng Hội đồng Liên bang nhận thấy tình trạng này không còn có thể hoàn thành một cách hiệu quả tất cả các hoạt động cụ thể trong quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Các chuyến thăm chính thức cấp cao từ Thụy Sĩ đã thực sự gia tăng trong vài năm và đòi có sự chuẩn bị ngoại giao liên tục, hỗ trợ và giám sát tại chỗ.
Thông cáo báo chí của Hội đồng Liên bang lưu ý rằng việc thành lập đại sứ quán Thụy Sĩ cạnh Tòa Thánh tại Roma sẽ giúp đào sâu hơn và nhận ra tiềm năng hợp tác giữa Liên bang và Tòa Thánh về những điểm mạnh chung trong chính sách đối ngoại. Những ưu tiên bao gồm việc xây dựng hòa bình và phát triển bền vững, là trọng tâm của chiến lược chính sách đối ngoại 2020-2023 của Hội đồng Liên bang. Sự hiện diện của cơ quan đại diện ngoại giao tại chỗ cũng sẽ giúp có thể tiến hành đối thoại thường xuyên hơn với Tòa Thánh về các vấn đề chính sách trong nước.
Quan hệ ngoại giao giữa Liên bang và Tòa thánh rất phong phú và phức tạp. Trong khi Tòa Thánh đã có đại diện ngoại giao tại Thụy Sĩ từ năm 1586, bị gián đoạn từ năm 1873 đến năm 1920, Thụy Sĩ chỉ có đại diện ở Tòa thánh từ năm 1991. Vai trò đại sứ đã lần lượt được thực hiện bởi các nhà ngoại giao ở Bern, Praha, Geneve, rồi trở lại Bern và cuối cùng là Ljubljana.
Hội đồng Liên bang khẳng định việc thành lập Đại sứ quán Thụy Sĩ cạnh Tòa Thánh ở Roma nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện ngoại giao của Thụy Sĩ tại Tòa Thánh, thúc đẩy chính sách nhất quán kéo dài từ 30 năm trở lại đây; điều này không làm thay đổi mối quan hệ của Thụy Sĩ với các Giáo hội Công giáo và Giáo hội Cải cách. Đại sứ quán sẽ được thành lập theo quyền hạn tương ứng của Liên bang và các bang. (admin.ch 01/10/2021)
Hồng Thủy – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va