Ngày 15/10/2021 Vatican thông báo rằng để chuẩn bị cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ V, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 14/11/2021, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Assisi vào ngày 12/10/2021, và tại đây ngài sẽ dành thời gian lắng nghe và cầu nguyện với khoảng 500 người nghèo từ khắp châu Âu.
Theo Hội đồng Toà Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cơ quan tổ chức sự kiện, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm cách cá nhân đền thờ Đức Mẹ các Thiên thần, nơi sinh của thánh Phanxicô. Sau đó ngài sẽ gặp một nhóm 500 người nghèo, cầu nguyện với họ và lắng nghe kinh nghiệm của họ.
Đây sẽ là lần thứ 5 Đức Thánh Cha viếng thăm Assisi. Lần thứ nhất ngài viếng thăm Assisi là vào ngày lễ thánh Phanxicô Assisi, 4/10/2013, năm ngài được bầu làm Giáo hoàng. Lần thứ hai là vào ngày 4/8/2016, nhân kỷ niệm 800 năm Ơn Tha thứ Assisi. Ngày 20/9 cùng năm 2016 ngài viếng Assisi nhân Ngày Thế giưới cầu nguyện cho hoà bình. Và lần cuối cùng vào ngày 3/10 năm ngoái (2020) để ký thông điệp Fratelli Tutti.
Chủ đề của Ngày Thế giới Người nghèo năm nay là “Người nghèo anh em luôn có ngay bên” (Mc 14,7).
Ngày Thế giới Người nghèo
Đức Thánh Cha đã thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo qua tông thư Lòng Thương xót và Nỗi Khốn khổ, được ban hành vào năm 2016, vào cuối Năm Thánh Lòng Thương xót. Đức Thánh Cha giải thích trong sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo năm 2017: “Vào lúc kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót, tôi muốn cung cấp cho Giáo hội một Ngày Thế giới Người nghèo, để trên khắp thế giới, các cộng đồng Kitô giáp có thể trở thành một dấu hiệu to lớn hơn bao giờ hết về lòng bác ái của Chúa Kitô đối với những người rốt hết và những người khốn khổ nhất”.
Ngày Thế giới Người nghèo được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật 33 Thường niên.
Hồi tháng 6 Đức Thánh Cha đã công bố sứ điệp cho Ngày Thế giới Người nghèo năm nay, trong đó ngài kêu gọi một cách tiếp cận mới của toàn cầu về vấn đề nghèo đói. Ngài than phiền về xu hướng ngày càng gia tăng sa thải người nghèo vì bối cảnh của cuộc khủng hoảng virus corona. Ngài nhận xét: “Ngày càng có nhiều quan niệm cho rằng người nghèo không chỉ chịu trách nhiệm về tình trạng của họ, mà họ còn là gánh nặng không thể chịu đựng được đối với một hệ thống kinh tế tập trung vào lợi ích của một số nhóm đặc quyền”. (CNA 15/10/2021)
Hồng Thủy – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va