Lòng tôn kính Đức Mẹ tại Rumani, Cộng hoà Séc và Slovakia – “Vườn của Đức Mẹ”

Tượng Đức Mẹ ở đền thánh Sastin, Slovakia (Vatican Media)

Vào năm 2019, khi chuyến viếng thăm Rumani của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố, người ta nói rằng Đức Giáo hoàng sẽ đến “Vườn của Mẹ Thiên Chúa”. Đây là một cách nói thân thiết đối với tất cả các tín hữu Công giáo Rumani, và Thánh Gioan Phaolô II cũng đã dùng nó vào năm 2009. Nhưng tên “Vườn của Mẹ Thiên Chúa” cũng là một công thức hợp nhất Rumani với Cộng hòa Séc và Slovakia.

Lịch sử của ba quốc gia và đặc tính Công giáo của họ rất khác nhau. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mẹ Maria khiến ba nước có phần nào đó giống nhau. Và vì cội rễ của họ, suy cho cùng, đều giống nhau.

Lòng tôn sùng Đức Mẹ tại Tiệp Khắc cũ (Cộng hòa Séc và Slovakia)

Lãnh thổ của Tiệp Khắc cũ, ngày nay là hai nước Cộng hòa Séc và Slovakia, được truyền giảng Tin Mừng bởi hai thánh Xyrilô và Mêtôđiô, những người đã đến những vùng đất đó theo yêu cầu của hoàng đế của đế chế Moravia Rotislao vĩ đại. Và chính hai thánh là người đã rèn giũa nên điều mà ngày nay là lòng sùng kính Đức Mẹ đặc trưng của các dân tộc Xla-vơ. Lòng tôn sùng Đức Mẹ xuất phát từ phụng vụ Byzantine, đề cập rất nhiều đến Mẹ Thiên Chúa. Điều này đã được chứng minh đặc biệt qua nhiều đền thờ Đức Mẹ ở Moravia, ví dụ như đền thờ Đức Mẹ Liên hiệp ở Velehrad.

Từ thế kỷ thứ X-XIII

Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ X, người Hungary, khi đó vẫn là những người ngoại giáo, đã xâm lược Moravia. Trung tâm chính trị của lãnh thổ đã được chuyển đến Bohemia. Ở đó, các đền thánh khác kính Đức Mẹ được phát triển, là kết quả của các điều kỳ diệu diễn ra tại các nhà nguyện ở nông thôn hoặc trong rừng, với việc tìm thấy các hình ảnh, những lần hiện ra và sự bảo vệ chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Nói tóm lại, chính Đức Mẹ là người đã mang lại cho dân tộc một dấu ấn; đặc biệt là Mẹ đã bảo vệ nó khỏi các cuộc xâm lược của người Tartar diễn ra vào khoảng giữa những năm 1200.

Thánh Wenceslaus I đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại người Tartar, và ngài đã mang lại động lực mạnh mẽ cho lòng sùng kính Đức Mẹ. Cũng như vua Carlo IV, “cha đẻ của đất nước”, đã khởi xướng việc dâng Thánh lễ buổi sáng để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.

Từ thế kỷ Jan Huss và cải cách Tin Lành (thế kỷ XV-XVI)

Vào đầu những năm 1400, các tín đồ của Jan Huss đã tấn công và phá hủy tất cả các di sản của Kitô giáo thời Trung cổ, nhưng không phá huỷ các tượng Đức Mẹ. Thực tế là dân chúng hầu như luôn luôn có thể cất giấu và gìn giữ các tượng ảnh Đức Mẹ vì đó là những thứ rất quan trọng đối với họ. Năm 1436, hòa bình được ký kết và người dân có thể trở lại đời sống Công giáo, lòng sùng kính Đức Mẹ bắt đầu lan rộng trở lại. Vào thời kỳ đó, việc cầu nguyện hàng ngày bằng kinh Truyền Tin đã trở nên phổ biến.

Vào giữa những năm 1500, xảy ra một cuộc khủng hoảng Tin lành khác và tín hữu Công giáo lại cố gắng cứu các hình ảnh thánh thiêng khỏi bị xúc phạm. Năm 1620, Liên đoàn Công giáo do Hoàng đế Áo lãnh đạo thắng trận trên núi Mont Blanc. Do đó, các tu sĩ Dòng Tên dấn thân phục hưng Công giáo, đưa các đền thờ bị biến mất và bị đóng cửa trở lại phát triển mạnh mẽ với số lượng lớn.

Đó là giữa năm 1600 và 1700 khi Moravia, Bohemia và Slovakia nhận danh hiệu “Vườn của Đức Mẹ” nhờ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ lan rộng cách lạ thường trong lãnh thổ của họ. Đặc biệt, người Slovakia nhìn thấy đất nước của họ, luôn bị áp bức, được phản ánh trong hình ảnh “Đức Mẹ Sầu bi”, mà lòng sùng kính lan truyền từ năm 1500.

Thời Đức quốc xã và cộng sản

Trong những năm 1930, mối nguy hiểm của Đức Quốc xã rình rập trên các vùng đất của Cộng hòa Séc và Slovakia. Người dân phản ứng theo cách thức thường làm, nghĩa là gia tăng gấp bội các cuộc hành hương và cầu nguyện, và hàng trăm ngàn người hành hương hướng về các đền thánh Đức Mẹ.

Tình hình khó khăn hơn vào thời cộng sản, vì các đền thánh bị cấm tổ chức các cuộc hành hương. Tuy nhiên vẫn có những cuộc hành hương, và đó cũng là cơ hội người dân đi đến những nơi cách xa nơi ở của họ, thoát khỏi sự kiểm soát của cảnh sát. Khả năng thực hiện được các cuộc hành hương khác nhau tuỳ theo khu vực: ở Bohemia, việc đi đến một đền thánh khó hơn, nhưng ở Moravia thì dễ hơn.

Và chính trong thời kỳ này, Đức Mẹ hiện ra ở Turzovka, phía Bắc của Slovakia. Đó là vào năm 1958, tiều phu Matous Lasut đã nhìn thấy Đức Mẹ nhưng bị chính quyền Slovakia bắt im lặng. Mặc dù vậy, tin tức về cuộc hiện ra đã lan rộng và đã có nhiều cuộc hành hương đến đây. Trong giai đoạn cuối của cộng sản, các cuộc hành hương của Đức Mẹ đến Levoca là phổ biến nhất.

Các đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng tại Cộng hoà Séc và SlovakiaĐức Mẹ Stara Boleslav

Chắc chắn, một trong những đến thánh nổi tiếng nhất của “Vườn Đức Mẹ” ở Cộng hòa Séc là Đức Mẹ Stara Boleslav, không xa Praha. Ở đó, lòng tôn sùng Đức Mẹ đã phát triển vào năm 1600, khi tin tức lan truyền về việc phát hiện ra một tấm bảng kim loại mạ vàng có hình Đức Mẹ, theo truyền thuyết, đã được thánh Mêtôđiô tặng cho thánh Ludmilla, và thánh Wenceslaus đeo trước ngực. Tuy nhiên, điều này là theo truyền thuyết, bởi vì trên thực tế, có vẻ như tấm bảng đó đã có từ thế kỷ XIV.

Năm 1500, cuộc hành hương trở nên rất phổ biến, nhiều đến mức vào năm 1945, hình ảnh này đã được gửi đến mọi giáo xứ ở Praha, và dân chúng đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ xin cho Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Đền thánh Đức Mẹ Chiến thắng ở Hostyn

Còn đền thánh Đức Mẹ Chiến thắng nằm ở Hostyn được liên kết với lịch sử của Séc, và đặc biệt là cuộc bao vây của người Tartar. Nhưng quân Tartar đã buộc phải chạy trốn một cách thảm khốc do một cơn bão dữ dội được cho là do Đức Mẹ đứng ra chống đỡ. Khi Tin Lành Calvin lan rộng đến khu vực, nhà thờ đã bị cuớp phá. Chỉ đến năm 1625, việc sùng kính Đức Mẹ mới được tái lập, trong khi bức tượng được tôn kính trong nhà nguyện được xây từ năm 1845.

Đền thánh Đức Mẹ Sastin

Đặc biệt quan trọng, như đã đề cập, là hình ảnh Đức Mẹ Bảy Sự Thương khó với đền thánh được đặt tại Sastin. Vào năm 1564, trên lãnh thổ nơi có đền thánh, một người phụ nữ tên là Angelica đã bị chồng là nhà quý tộc Hungary Imarich Czobor, thù ghét và bỏ rơi. Tuyệt vọng và đơn độc, người phụ nữ cầu khẩn với Đức Trinh Nữ và hứa sẽ dựng một đền thánh Sầu Bi ngay tại nơi đó, nếu bà được giúp đỡ. Sau đó chồng bà đã trở lại và cầu xin bà tha thứ.

Bà Angelica đã giữ lời hứa. Và xung quanh đền thánh đó, những cuộc chữa lành kỳ diệu đã diễn ra, đã được giám mục của Esztergom công nhận vào năm 1732. Vào năm 1783 đền thánh đã bị đóng cửa nhưng vào năm 1864, đền thánh đã kỷ niệm 300 năm thành lập. Năm 1927, Đức Piô XI tuyên bố Đức Mẹ Sầu Bi là bổn mạng của Slovakia. Đó là một lòng sùng kính sống động đến nỗi chính quyền Liên Xô đã cố gắng xoá bỏ nó, biến đền thánh thành một trại lính. Nhưng điều này thật là vô ích. Nhiều cuộc hành hương vẫn tiếp tục đến nơi này.

Lòng tôn sùng Đức Mẹ tại Rumani

Một con đường khác lại dẫn Rumani trở thành “Vườn của Đức Mẹ”. Không có nhiều thông tin về Rumani trước năm 1300, ngoại trừ việc vào thế kỷ thứ IX, nó đã trải qua thời kỳ Byzantine. Vào thế kỷ IX, công quốc Wallachia ở thung lũng sông Danube và của Moldavia vẫn độc lập khỏi người Thổ Nhĩ Kỳ cho đến cuối thế kỷ XV, trong khi vùng Transylvania bị ngoại bang chiếm đóng: đầu tiên là người Hungary vào thế kỷ X, sau đó đến người Đức vào thế kỷ XII.

Người Đức ở Transylvanian gần như hoàn toàn chuyển sang Tin Lành Calvin trong những năm 1500, ngoại trừ một số nhóm nhỏ. Đặc biệt là nơi từng là trung tâm đời sống thiêng liêng của nó là đền thánh Đức Mẹ Csiksomlyo.

Đền thánh Đức Mẹ Csiksomlyo

Đây là đền thánh chính của cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng mạnh mẽ của người Hungary ở Transylvania và đón nhiều khách hành hương vào ngày lễ của nó, vào đêm trước Lễ Ngũ Tuần. Đền thánh được thành lập vào khoảng năm 1440 bởi Hoàng tử Giovanni Hunyadi, một anh hùng trong cuộc chiến chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ. Có một bức tượng của Đức Mẹ được Đức cha Ignac Batthyany công nhận là phép lạ vào năm 1798, và đã đặt tên “Người mẹ tuyệt vời và người cứu hộ trong việc bảo vệ chống lại dị giáo”.

Những người của đền thánh vẫn theo Công giáo và chống lại quân đội của hoàng tử muốn áp đặt đức tin mới, trong một trận chiến diễn ra vào đêm trước Lễ Ngũ tuần năm 1571. Kể từ đó, lễ hội chính của đền thánh đã được tổ chức vào ngày đó. Vào năm 1661, người Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy đền thánh và tu viện, nhưng tượng Đức Mẹ với trang phục rực rỡ mặt trời đã được cứu kịp thời. Nhà thờ hiện tại có từ năm 1800. Một lần nữa, dân chúng lại bám chặt vào Đức Mẹ để giữ gìn Kitô giáo của mình.

Cần phải nói rằng, khi người Thổ đến thống trị Wallachia và Moldavia, họ không trực tiếp làm như vậy nhưng luôn thông qua các đại diện của họ. Điều này giúp cho các đan viện, nhà thờ và các ảnh tượng được gìn giữ. Các nhà thờ và tu viện ở Rumani được thánh hiến cho các vị thánh. Tuy nhiên, Đức Mẹ vẫn luôn luôn ở vị trí đầu tiên trong lòng sùng kính chung cũng như của cá nhân, đặc biệt là thông qua các ảnh tượng.

Đền thánh Đức Mẹ Blaj

Điều đó xảy ra ở Blaj, được gọi là “Roma nhỏ”, nơi mà cộng đồng Công giáo Hy Lạp vẫn ở trong Giáo hội Công giáo ngay cả khi trải qua những thử thách rất khắc nghiệt, đặc biệt là trong thời kỳ Xô Viết, khi bảy giám mục tử vì đạo. Trong Nhà thờ Blaj, được xây dựng vào năm 1700, có một bức ảnh Đức Mẹ theo phong cách Odegitria. Đức cha Pietro Paolo Aron đặc biệt tôn kính Đức Mẹ. Vào năm 1764, khi Đức cha Aron qua đời, người ta nhìn thấy đôi mắt của ảnh Đức Mẹ chảy nước mắt. Do đó, nhà thờ chính tòa đã trở thành đền thánh Đức Mẹ thực sự. Và lòng tôn sùng Đức Mẹ từ Blaj đã lan toả, trên hết là nhờ Đức cha Basile Suciu, người đã thành lập Dòng Nữ tu Thánh Maria của Blaj vào năm 1921.

Hồng Thủy – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube