Lúc 8 giờ sáng, ngày 29/10/2021 vừa qua, giờ Luân Đôn, đài BBC, trong mục “Tư tưởng cho ngày” (Though for the Day), đã truyền đi sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh COP26, tiến hành từ ngày 31/10 đến 12/11 tới đây, tại thành phố Glasgow xứ Ecosse về sự thay đổi khí hậu.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nói đến “cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch cho thấy rõ sự yếu đuối, bấp bênh của con người, bị nhiều thứ khủng hoảng vây bủa, chúng đòi con người phải xét lại tương lai căn nhà chung và dự án của chúng ta.”
Ngài kêu gọi tận dụng các khủng hoảng đó như một cơ may, và đừng để uổng phí nó. Chúng có thể là một cơ hội đích thực để thay đổi: Đây là con đường duy nhất dẫn đến một chân trời “rạng ngời” và nó chỉ có thể được theo đuổi qua sự canh tân tinh thần đồng trách nhiệm trên thế giới, một tình liên đới mới dựa trên công bằng, trên sự chia sẻ một vận mệnh chung và trên ý thức về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, một dự phóng của Thiên Chúa về thế giới.
Đức Thánh cha nói rằng: “Vấn đề ở đây là một thách đố văn minh bênh vực công ích và thay đổi viễn tượng, trong tâm trí và cái nhìn, phải đặt phẩm giá của mọi người hôm nay và ngày mai ở trung tâm mọi hoạt động của chúng ta… chúng ta cần cùng nhau xây dựng, vì không có biên giới, hàng rào chính trị nào ta có thể ẩn nấp sau đó. Và chúng ta biết: từ cuộc khủng hoảng này, ta sẽ không ra khỏi một mình.
Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Điều cơ bản là sự dấn thân của mỗi người đối với sự thay đổi hướng đi cấp thiết dường ấy; sự dấn thân này cũng cần được nuôi dưỡng nhờ niềm tin và linh đạo của chúng ta… việc phải hoạt động với tinh thần trách nhiệm cho một “nền văn hóa chăm sóc” căn nhà chung của chúng ta và cho chính chúng ta, cố gắng loại trừ “những hạt giống xung đột: sự tham lam, dửng dưng, dốt nát, sợ hãi, bất công, thiếu an ninh và bạo lực”.
Sau cùng, Đức Thánh cha kêu gọi các nhà chính trị tham dự Hội nghị COP26 ở Glasgow cống hiến những câu trả lời hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng môi sinh chúng ta đang sống, và mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ mai sau. Và tất cả chúng ta – bất kỳ ai và bất kỳ ở đâu – chúng ta đều có thể có một vai trò trong việc thay đổi câu trả lời tập thể của chúng ta đối với đe dọa chưa từng có về sự thay đổi khí hậu và sự suy thoái căn nhà chung của chúng ta”.
Sau đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh cha:
Các bạn thính giả đài BBC thân mến, chào các bạn!
Sự thay đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 vạch trần sự dễ bị tổn thương tận căn của tất cả mọi người và mọi sự, đồng thời khơi lên nhiều nghi ngờ và do dự đối với các hệ thống kinh tế và những cách tổ chức của các xã hội chúng ta.
Những an ninh của chúng ta bị sụp đổ, sự ham muốn quyền lực và sự nồng nhiệt muốn kiểm soát của chúng ta cũng đang tan vỡ.
Chúng ta khám phá thấy mình yếu đuối và đầy sợ hãi, chìm đắm trong một loạt các cuộc “khủng hoảng”: y tế, môi trường, lương thực, kinh tế, xã hội, nhân đạo và luân lý đạo đức. Những cuộc khủng hoảng xuyên suốt, có liên hệ chặt chẽ với nhau và báo trước một “bão tố toàn diện”, có khả năng phá vỡ những “liên kết” vốn bao bọc xã hội chúng ta trong một món quà quí giá là công trình tạo dựng.
Mỗi cuộc khủng hoảng đều đòi một cái nhìn, khả năng kế hoạch hóa và mau lẹ thi hành, xét lại tương lai căn nhà chung và dự án chung của chúng ta.
Các cuộc khủng hoảng này đặt chúng ta trước những chọn lựa quyết liệt không dễ dàng. Thực vậy, mỗi lúc khó khăn đều gói ghém trong đó những cơ may, không thể bị uổng phí.
Chúng có thể được đương đầu bằng cách dành ưu tiên cho những thái độ cô lập, bảo vệ, lợi dụng; hoặc chúng cũng có thể là một cơ hội đích thực để thay đổi, một điểm “cải đổi” đích thực, không phải theo nghĩa tinh thần mà thôi.
Con đường thứ hai này là con đường duy nhất dẫn đến một chân trời “rạng ngời” và chỉ có thể được theo đuổi qua sự canh tân tinh thần đồng trách nhiệm trên thế giới, một tình liên đới mới dựa trên công bằng, trên sự chia sẻ một vận mệnh chung và trên ý thức về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, một dự phóng của Thiên Chúa về thế giới.
Vấn đề ở đây là một thách đố văn minh bênh vực công ích và thay đổi viễn tượng, trong tâm trí và cái nhìn, phải đặt phẩm giá của mọi người hôm nay và ngày mai ở trung tâm mọi hoạt động của chúng ta.
Bài học quan trọng nhất mà các cuộc khủng hoảng này thông truyền cho chúng ta là cần cùng nhau xây dựng, vì không có biên giới, hàng rào chính trị nào ta có thể ẩn nấp sau đó. Và chúng ta biết: từ cuộc khủng hoảng này, ta sẽ không ra khỏi một mình.
Cách đây vài tuần, ngày 04/10, tôi đã họp với các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học để ký một Bản Kêu gọi chung mời gọi hãy có những hành động trách nhiệm và nhất quán hơn từ phía chúng ta cũng như từ phía các chính quyền. Trong dịp đó, tôi ấn tượng mạnh về chứng từ của một trong các nhà khoa học, nói rằng: “Cháu tôi mới sinh ra, trong vòng 50 năm nữa cháu sẽ phải ở trong một thế giới không thể cư ngụ được, nếu tình thế tiếp tục như hiện nay”.
Chúng ta không thể cho phép điều đó!
Điều cơ bản là sự dấn thân của mỗi người đối với sự thay đổi hướng đi cấp thiết dường ấy; sự dấn thân này cũng cần được nuôi dưỡng nhờ niềm tin và linh đạo của chúng ta. Trong Bản Kêu gọi chung, chúng tôi đã nhắc đến sự cần thiết phải hoạt động với tinh thần trách nhiệm cho một “nền văn hóa chăm sóc” căn nhà chung của chúng ta và cho chính chúng ta, cố gắng loại trừ “những hạt giống xung đột: sự tham lam, dửng dưng, dốt nát, sợ hãi, bất công, thiếu an ninh và bạo lực”.
Nhân loại chưa bao giờ có nhiều phương tiện để đạt tới mục ấy như ngày nay. Các nhà chính trị có quyền quyết định sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow, được kêu gọi cấp thiết cống hiến những câu trả lời hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng môi sinh chúng ta đang sống, và theo cách thức đó, mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ mai sau. Nhưng tất cả chúng ta – nên lặp lại rằng, bất kỳ ai và bất kỳ chúng ta ở đâu – chúng ta đều có thể có một vai trò trong việc thay đổi câu trả lời tập thể của chúng ta đối với sự đe dọa chưa từng có về vấn đề thay đổi khí hậu và sự suy thoái căn nhà chung của chúng ta”.
(Sala Stampa 28-10-2021)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org