Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các Dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng Dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện Dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.
Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.
Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.
Có nên cầu nguyện cho người chết hay không, là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết.
Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
“Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa, cận kề với hỏa ngục – hoặc ngay cả ‘một thời gian ngắn của hỏa ngục’.” Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác…
Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng ‘lửa’ luyện tội là tình yêu Thiên Chúa ‘nung nấu’ trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn.”
NGÀY MỒNG 1
GỐC TÍCH SỰ CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC, CÙNG VỀ NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM TRONG THÁNG NÀY
1.- Vậy gốc tích sự cầu nguyện cho kẻ đã qua đời vốn có từ đời đạo cũ và dân Giudêu xưa. Trong Sấm truyền cũ có chép tích ông Giuda Macabeo, là quan tướng dân Giudêu, khi đã đánh trận toàn công đoạn thì thu được hai vạn hai ngàn đồng bạc gửi về thành Giêrusalem, xin thày cả cầu cho linh hồn những lính đã phải tử trận.
Trong đạo mới, vốn cũng quen cầu nguyện cho kẻ chết nữa. Từ đời các thánh tông đồ về sau, khi làm lễ, lúc đã truyền phép Mình máu Thánh rồi, thì vốn cầu nguyện cho kẻ chết.
Đức Chúa Giêsu lên trời được 200 năm, khi bà thánh Perpetua đã phải bắt vì đạo cùng phải giam trong ngục, thì Đức Chúa Trời soi cho bà thánh ấy biết em bà phải phạt trong luyện ngục. Bà thánh Perpetua biết làm vậy thì thương em lắm, liền đọc kinh kêu van hãm mình ăn chay đền tội vì tội em ít lâu, đoạn Đức Chúa Trời cho bà thánh ấy được xem thấy em mình đã ra khỏi luyện ngục cùng được sáng láng vui vẻ cho trọn.
Khi bà thánh Monica, là mẹ ông thánh Augustino, gần qua đời thì dặn bảo con rằng : « Ở con, khi mẹ chết rồi thì con đừng lo làm ma to, cùng xây lăng mộ trang hoàng lịch sự cho mẹ làm chi; một hãy nhớ cầu nguyện cho mẹ khi con làm lễ Misa mọi ngày đừng quên bao giờ.
Chẳng những ông thánh Augustino năng làm lễ cầu nguyện cho mẹ, mà lại dù mẹ đã mất hơn 20 năm còn xin thày cả nghĩa thiết làm lễ cầu cho linh hồn mẹ người nữa.
Ông thánh Odilon, là bề trên cả dòng ông thánh Benedito, chẳng những là siêng năng cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, mà lại cũng năng khuyên giục các thày dòng thuộc về quyền người cầu nguyện nữa; lại truyền cho các thày cả ấy làm lễ cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục hằng năm, vào ngày 2-11 dương lịch. Tòa thánh xét sự ấy làm ích cho các linh hồn lắm, thì truyền cho các thầy cả, các linh mục khắp thiên hạ hằng năm đến ngày hôm ấy cũng phải làm lễ, phải đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục nữa, cho nên gốc tích lễ cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục thì bởi ông thánh Odilon mà ra.
Chẳng những là người ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục đã lâu đời, mà lại đời xưa có nhiều nơi đã thành thói quen, hễ đến nửa đêm thì có người đi các phố các đường ngõ trong tỉnh trong làng, một tay cầm cái đèn sáng, một tay rung chuông, vừa đi vừa rao cả tiếng rằng: « Ở những kẻ ngủ hãy thức dậy cầu nguyện cho kẻ đã qua đời ». Khi người ta nghe thấy kẻ ấy rao, thì thức dậy đọc một hai kinh cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Những kẻ có đạo thường xin lễ qui lăng, lễ giỗ cho cha mẹ anh em mình đã qua đời, lại đến lúc dọn chết thì cúng ruộng nương, tiền bạc vào nhà thờ để xin lễ cho mình cùng xin lễ cho cha mẹ anh em mình vĩnh viễn mãi mãi.
Chưa được bao lâu trong Hội Thánh đã lập ra một dòng nữ chỉ một việc cầu nguyện làm việc lành cầu cho linh hồn nơi luyện ngục; gọi là dòng “Các bà cứu lấy các linh hồn nơi luyện ngục”.
Lại năm 1915 vừa rồi Đức Giáo Hoàng Benedicto, có lòng thương các linh hồn cách riêng, đã ban phép rộng cho các thày cả, được làm ba lễ chính ngày lễ cầu hồn. Còn về bổn đạo, người đã ban phép viếng nhà thờ cho được lĩnh ân đại xá, gọi là ân xá vào, chỉ cho các linh hồn ngày hôm ấy, cũng như ngày lễ cả Rosario vậy.
Còn gốc tích tháng cho cầu hồn thì bởi tại kẻ có đạo có lòng thương cho các linh hồn nơi luyện ngục thì quyết lấy mỗi năm một tháng, là tháng 11 dương lịch mà cầu nguyện riêng cho các linh hồn ấy, mới được non một trăm năm nay. Tòa thánh đã lấy việc ấy làm ưng cùng ban nhiều ân xá cho kẻ làm việc lành cho các linh hồn trong tháng ấy.
I.- Cho được giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục trong tháng này thì nên làm những việc này :
1- Sáng ngày ra, khi ta vừa mới thức dậy, thì nên chỉ mọi việc lành ta sẽ làm, mọi sự khó ta sẽ chịu trong ngày hôm ấy cho các linh hồn nơi luyện ngục.
2- Ta nên xem lễ mọi ngày chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục, khi có thể xem được.
3- Ta nên xin ít nhiều lễ cho các linh hồn ; có thể xin được bao nhiêu thì hãy xin bấy nhiêu.
4- Ta nên xưng tội đôi ba lần và chịu lễ nhiều lần cùng lĩnh nhiều ân xá cho các linh hồn nơi luyện ngục.
5- Ta cũng nên năng lần hạt và cầu cho các linh hồn nữa.
6- Lại thỉnh thoảng ta cũng nên viếng cùng sửa sang lại mồ mả ông bà anh chị em.
Nếu ta làm bấy nhiêu việc ấy trong tháng này, thì sẽ yên ủi giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục và sẽ mở cửa thiên đàng ra cho ít nhiều linh hồn được vào, lại sẽ được nhiều ích cho ta nữa.
Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng, tôi xin dâng cho Chúa tôi mọi việc lành tôi sẽ làm, mọi sự khó tôi sẽ chịu trong tháng này mà giúp đỡ cứu chữa các linh hồn đang phải giam phạt khổ sở trong luyện ngục : xin Chúa tôi dủ lòng thương nhận lấy mà ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời, được sáng soi mãi mãi chẳng cùng, Amen.
THÁNH TÍCH
Chưa được mấy năm nay, có bà rất sốt sắng kia phải bệnh nặng đã lâu, cho nên ra yếu đuối gầy mòn quá lẽ, chỉ còn xương với da mà thôi. Bà ấy đã rước nhiều thày thuốc danh sư, cùng đã uống hết nhiều thuốc lắm. Thoạt mới uống chén thứ nhất thứ hai thì bệnh xem ra bớt một chút; xong đến chén thứ ba thứ bốn thì bệnh lại hoàn nguyên như trước, mà có khi còn gia tăng hơn. Thuốc nào cũng thế.
Bà ấy thấy vậy thì chẳng uống thuốc nữa, một quyết cầu xin các linh hòn nơi luyện ngục chữa cho mình đã. Bà ấy tin thật các linh hồn, bởi phải chịu khổ sở lắm, thì hay thương hay giúp kẻ chịu đau đớn khốn khó nữa.
Vậy tháng cầu hồn cho các linh hồn nơi luyện ngục đã đến, bà ấy quyết xưng tội chịu lễ cùng đọc kinh cầu nguyện mọi ngày trong tháng ấy cho các linh hồn nơi luyện ngục, lại xin những người chị em đạo đức sốt sắng hợp ý một cùng mình mà cầu nguyện làm việc lành cho cho các linh hồn nữa.
Vậy chưa hết tuần đầu tháng thì bệnh kẻ liệt đã bớt nhiều lắm và một ngày một bớt hơn nữa; mà đến ngày thứ ba mươi thì bệnh khỏi thật. Bà ấy vui mừng quá sức, thì đi xưng tội chịu lễ tạ ơn các linh hồn nơi luyện ngục.
NGÀY MỒNG 2
VỀ LUYỆN NGỤC LÀ LÀM SAO ?
1.- Cứ như phép đạo dạy thì luyện ngục là chốn Đức Chúa Trời công thẳng vô cùng đã dựng nên cho được phạt những linh hồn kẻ chết đang khi mắc tội mọn, hay là đền những tội trọng mình chưa đủ, là ngục Đức Chúa Trời giam tạm những linh hồn chẳng mắc tội đến nỗi phải xuống hoả ngục, song chưa sạch cho trọn cho đủ, cho đáng lên thiên đàng.
Luyện ngục chẳng phải là thiên đàng vui vẻ thanh nhàn, chẳng phải là hoả ngục đầy hình khổ rất dữ, bên là nơi thiên đàng, bên là hoả ngục.
Hình khổ luyện ngục cũng đau đớn như hình khổ hoả ngục; nhưng mà kẻ chịu những hình khổ ấy là kẻ lành kẻ thánh, chẳng phải là kẻ dữ kẻ mắc tội trọng như kẻ ở hoả ngục đâu. Luyện ngục là chốn tối tăm khốn nạn, nhưng mà kẻ phải giam trong ấy sẽ được ra chẳng phải giam đời đời như kẻ ở trong hoả ngục đâu. Lửa luyện ngục cực nóng cực dữ như hoả ngục; nhưng mà ngày sau nó sẽ tắt đi, chẳng có cháy mãi như lửa hoả ngục đâu.
Khi các linh hồn nơi luyện ngục đã đền tội mình cho đủ, và trả nợ mình cho xong, và được thanh sạch cho trọn, Đức Chúa Trời sẽ cứu lấy cho khỏi chốn đau đớn ấy mà đem lên Thiên đàng. Ta cứ những điều này mà suy, liền biết Đức Chúa Trời đã lập luyện ngục tạm vậy mà thôi. Đến khi đã phán xét chung đoạn thì người sẽ tắt, sẽ bỏ lửa ấy đi, chẳng còn để nữa.
Cứ như lời những kẻ thông thái nói, thì luyện ngục ở chính giữa trái đất liền với hoả ngục. Ấy luyện ngục thì làm vậy. Ấy là nơi hầu hết các kẻ có đạo phải giam cầm khi chết rồi, lúc linh hồn lìa khỏi xác đoạn, vì chưng cứ như lời các thày lý đoán dạy chẳng có mấy kẻ chết đoạn được lên Thiên đàng ngay, hầu hết mọi người khi chết rồi phải ở luyện ngục cả, trừ những trẻ con chết chưa đến tuổi khôn.
Ấy là nơi ông bà cha mẹ, anh chị em họ hàng bạn hữu nghĩa thiết của ta đã qua đời đang phải giam phạt bây giờ. Cũng là nơi chẳng khỏi bao lâu ta cũng sẽ phải giam cầm nữa; vì chưng khó trông đến giờ chết ta được thanh sạch cho trọn, được đền tội lỗi ta cho đủ ở đời này, cho đáng lên thiên đàng đâu. Vì vậy, ta phải chịu khó hãm mình đền tội ở đời này, cho khỏi phải giam phạt lâu năm trong luyện ngục đời sau.
2.- Vì những lẽ nào Đức Chúa Trời dựng nên luyện ngục ?
Vậy khi người ta chết đoạn, thì linh hồn liền đến trước toà Đức Chúa Giêsu mà chịu phán xét riêng. Linh hồn nào sạch hết mọi tội, thì được lên thiên đàng lĩnh lấy phần thưởng cực trọng vô cùng; còn linh hồn nào mắc tội trọng thì phải bỏ xuống hoả ngục chịu hình khổ đời đời; song lẽ những linh hồn mắc tội nhẹ mà thôi, hay là đền tội trọng mình chưa đủ chốc ấy làm sao? Những linh hồn chưa được sạch tội cho trọn không đáng lên Thiên đàng; nhưng mà chẳng mắc tội trọng, chẳng đáng sa hoả ngục thì sẽ đi đâu? Chớ thì những linh hồn ấy chẳng được xem thấy mặt Đức Chúa Trời mãi cho đến đời đời sao?
Đức Chúa Trời thượng trí vô cùng đã tìm thế liệu cách cho những linh hồn ấy được nhờ, mà chẳng bỏ phép công bằng, chẳng mất đức thương xót. Người đã dựng nên luyện ngục ở giữa thiên đàng và hoả ngục, mà giam phạt những linh hồn ấy cho đến khi đền tội mình cho đủ và được thanh sạch cho trọn. Ông Terluliano nói đến những hình khổ luyện ngục thì gọi là hình khổ lòng thương xót Đức Chúa Trời đã bày ra.
Ta phải xưng ra chẳng phải vô cớ mà Đức Chúa Trời dựng nên luyện ngục đâu, vì chưng ngục ấy rất cần cho các linh hồn được đền vì những tội lỗi mình chưa đền kịp ở thế gian, và cho được thanh sạch cho trọn, cho đáng hưởng sự cả sáng trên thiên đàng. Luyện ngục bởi lòng lành Đức Chúa Trời mà ra, cùng như là phép bí tích mà chưa được sạch thì nhờ luyện ngục cho được sạch cho trọn.
Vì vậy ta phải tạ ơn ngợi khen Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng đã dựng nên luyện ngục mà cứu chữa những linh hồn ông bà cha mẹ anh em họ hàng bạn hữu ta, cùng vì người đã liệu thế cho ta được giúp đỡ cứu chữa các linh hồn ấy cho khỏi luyện ngục cùng mở cửa Thiên đàng ra cho các linh hồn ấy được vào.
Lạy Đức Chúa Cha con tin thật Chúa đã dựng nên luyện ngục vì lòng thương xót linh hồn người ta; xin Chúa thương cho các linh hồn được chóng khỏi luyện ngục được nghỉ ngơi đời đời cùng được sáng soi mãi chẳng cùng. Amen.
THÁNH TÍCH
Trong nhà dòng ông thánh Phanxicô khó khăn ở thành Pari có một thày dòng đạo đức sốt sắng cùng siêng đọc kinh cầu nguyện, ăn chay đền tội, và giữ các luật phép trong nhà cho ngặt, chẳng hề làm việc gì, nói lời gì có hơi có bóng sự lỗi bao giờ, lại từng kể các việc lành phép nhà dạy, thì còn làm thêm nhiều việc khác, như thể ăn chay đền tội, hãm mình nữa. Cho nên mọi người trong nhà lấy thày ấy làm như thánh sống vậy.
Phải khi thầy ấy ngã bệnh nặng mà chết, ai nấy đều tin thật thầy ấy được lên thiên đàng ngay. Cứ phép dòng ấy, hễ thày nào chết, thì các thày khác phải làm ba lễ cầu cho linh hồn thày ấy. Vậy có một thày bỏ chẳng làm lễ cho thày mới qua đời, vì nghĩ rằng: thày ấy đã được lên thiên đàng ngay, chẳng phải qua luyện ngục cùng chẳng còn phải nhờ lời kẻ sống cầu nguyện cho làm chi.
Khi táng xác thày ấy được mấy ngày, có một lần thày kia đọc kinh ngoài vườn, thì thấy thày mới chết hiện về trước mặt mình, có những ngọn lửa cháy lên rần rật khắp cả người, cùng kêu khóc những tiếng thảm thiết rằng: «Ôi! thày ôi! xin thày thương tôi, xin thày làm lễ cầu nguyện cho tôi vì tôi đang phải khốn nạn trong luyện ngục lắm lắm».
Thày này thưa rằng: «Tôi sẵn lòng làm lễ cho thày, nhưng mà bởi vì tôi tin thày đầy công nghiệp phúc đức thì nghĩ rằng, thày đã được lên thiên đàng ngay, chẳng ngờ là thày còn phải giam phạt nơi luyện ngục». Thày kia trả lời rằng: «Thương ôi, chẳng ai hiểu được Đức Chúa Trời là Đấng công bằng nhường nào, và người phạt nặng những người mắc tội mọn là thế nào nữa. Những việc người ta lấy làm trọn lành, thì người chẳng có kể là trọn lành đâu, người ta không xem thấy sự lỗi nào thì Người xét thấy nhiều sự lỗi lầm lắm. Dù các thiên thần cũng chẳng được sạch trước mặt Người, phương chi là loài người ta yếu đuối như tôi ».
Nói bấy nhiêu điều đoạn, thì thày ấy biến đi. Thày này làm ba lễ cầu nguyện cho thày ấy như phép nhà dòng dạy xong thì thấy linh hồn thày đã qua đời lên thiên đàng sáng láng tốt lành.
(Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).
Lm Nguyễn Phước, OFM
Trích nguồn: https://hoaxuongrong.org