Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá (P2)

LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

 PHẦN I

PHẦN CHUNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

III. DÒNG MẾN THÁNH GIÁ TRONG BA THẬP NIÊN TIẾP THEO

Kể từ ngày thành lập cho đến hết thế kỷ XVII (1670-1700), Dòng Mến Thánh Giá tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những bước phát triển đáng kể, nhất là về mặt nhân sự và cơ sở; từ hai nhà ban đầu tăng lên 20 nhà, từ hai chị khấn đầu tiên tăng lên 150 chị[1].

Về phương diện pháp lý, ngày 28/08/1678, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đệ trình Đức Thánh Cha Nghị định xin ban ân xá cho hai Hiệp Hội Mến Thánh Giá mà Đức Cha Pierre Lambert đã thành lập tại Đàng Ngoài[2]. Ngày 02/01/1679, Đức Thánh Cha Innocentê XI ký Tông thư Cum Sicut ban ân xá cho các Hiệp Hội Mến Thánh Giá[3]. Đây là một sự nhìn nhận có tính cách pháp lý về sự hiện diện của Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo Hội. Chính Đức Cha François Pallu đã góp một phần không nhỏ, trong việc liên hệ với Toà Thánh, để thỉnh nguyện thư xin ân xá của Đức Cha Lambert nhận được kết quả tốt đẹp[4].

Để có được những thành quả như trên, ngoài ơn Chúa và một linh đạo phù hợp với tâm thức người phụ nữ Việt Nam, nhất là các Kitô hữu, cũng như một lối sống hoà đồng với xã hội; còn có một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là sự quan tâm ưu ái của chính Đấng Sáng Lập và các vị kế nhiệm ngài dành cho Dòng Mến Thánh Giá.

Đối với Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong, đây là Dòng được Đức Cha Lambert thành lập năm 1671 và may mắn được ngài thăm viếng lần thứ hai vào năm 1675. Thế nhưng, sự hiện diện của chị em Mến Thánh Giá từ đó cho đến những năm cuối của thế kỷ XVII xem ra khá mờ nhạt, vì đây là thời kỳ cấm đạo, thêm nữa là tình trạng thiếu vắng Giám Mục, hoặc nếu có thì các ngài cũng ít quan tâm đến Dòng Mến Thánh Giá.

Khi đọc lại quá trình thành lập và những năm khởi đầu của Dòng Mến Thánh Giá, người ta dễ liên tưởng tới hình ảnh hạt cải trong Phúc Âm. Dòng Mến Thánh Giá được ví như hạt cải nhỏ bé được gieo vào lòng Giáo Hội và xã hội, đã âm thầm nẩy mầm rồi đâm chồi nảy lộc. Tuy chưa thể là cây cao bóng cả, nhưng Dòng cũng đủ mạnh để có thể đứng vững giữa phong ba bão tố, vượt qua bao khó khăn thử thách kéo dài hàng trăm năm.

IV. DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVIII – XIX

  1. Tình hình chung

Nếu người ta ví thế kỷ XVIII và XIX như một bức phông nền, thì hiện trên phông nền ấy là bức tranh Giáo Hội Việt Nam với màu sắc u buồn và đen tối bởi những cuộc bách hại đạo, bởi các cuộc chiến tranh và thiên tai, và còn bởi sự tranh chấp nội bộ giữa các thừa sai. Tuy nhiên, trong bức phông nền ảm đạm ấy, lại bừng lên ánh sáng bởi những tâm hồn quả cảm, chấp nhận tù tội, đòn roi, gông cùm, ngay cả cái chết để minh chứng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Cứu Thế.

1.1. Bị bách hại

Từ thời Chúa Trịnh đến Chúa Nguyễn, sang Nhà Tây Sơn, đặc biệt là các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, những sắc chỉ cấm đạo được liên tục ban hành, gây nên những đợt bách hại kéo dài và đưa đến những hậu quả bi thương cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam[5].

Cũng vậy, từ những ngày đầu của Giáo Hội địa phương, nữ tu Mến Thánh Giá được diễm phúc chịu bách hại hoặc hiến dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin trên mảnh đất quê hương của mình.

1.2. Chiến tranh và thiên tai

Việc cai trị ở Đàng Ngoài, trên danh nghĩa thuộc Vua Lê nhưng thực quyền lại là Chúa Trịnh. Những cuộc xung đột giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, rồi cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII, thảm cảnh nội chiến xảy ra liên miên và lan rộng khắp nơi. Cuối cùng, vào cuối thế kỷ XIX, nước Việt lại phải đối diện với cuộc chiến chống ngoại xâm, khiến dân nước chìm vào trong chiến tranh khỏi lửa. Cũng trong thời kỳ này, nhiều trận lũ lụt, rồi hạn hán kéo dài, khiến đời sống của người dân rất khốn cùng.

Cuộc chiến càng lan rộng, thiên tai càng nhiều thì cuộc sống của nữ tu Mến Thánh Giá càng bấp bênh và khó khăn.

1.3. Tranh chấp giữa các thừa sai

Tại Đàng Ngoài, lúc bấy giờ, có các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch và dòng tu khác nhau như Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, Dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Augustinô và Dòng Phanxicô. Chính vì sự đa dạng này đã nảy sinh những cuộc tranh chấp, chủ yếu từ vấn đề quyền hành và quản trị địa hạt[6]. Đầu tiên là sự tranh chấp giữa các thừa sai của Thánh Bộ và các thừa sai của chế độ Bảo Trợ; tiếp đến là giữa các thừa sai cùng Dòng Đa Minh nhưng khác quốc tịch và Tỉnh Dòng; cuối cùng là các thừa sai khác Dòng, khác quốc tịch.

Tương tự như vậy, tại Đàng Trong, những bất hoà giữa các thừa sai trong việc cai quản, về sự khác biệt quốc tịch, phân biệt giữa linh mục triều và dòng, dẫn đến việc tố cáo lên Toà Thánh và những cuộc kinh lý sau đó[7]. Những bất hoà giữa các thừa sai vẫn còn âm ỉ cho đến một ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trục xuất tất cả thừa sai nước ngoài, trừ một linh mục Dòng Tên là ngự y của triều đình[8].

Ngoài những tranh chấp như đã kể, các thừa sai thời đó còn tranh chấp cả về thẩm quyền trên Dòng Mến Thánh Giá, khiến các nữ tu trở thành nạn nhân của việc tranh chấp ấy.

  1. Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XVIII

Trải qua thế kỷ XVIII đầy khó khăn, Dòng Mến Thánh Giá đã gánh chịu nhiều nỗi gian truân, có lúc tưởng như không còn đất sống. Hầu như cộng đoàn nào cũng gánh chịu tai hoạ, có khi bị xoá sổ. Nhưng như một mầm sống mạnh mẽ, nếu phần ngọn bị bão tố vùi dập, thì ngay khi có thể, chồi non lại mọc lên. Các nữ tu Mến Thánh Giá, từ thế hệ này đến thế hệ khác, kiên trì với đặc sủng Mến Thánh Giá, không phải chỉ trên danh xưng nhưng bằng chính cuộc sống của mình.

2.1. Tại Đàng Ngoài

Năm 1679, Toà Thánh chia Địa Phận Đàng Ngoài thành Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Dòng Mến Thánh Giá cũng được phân chia như vậy.

Tại Tây Đàng Ngoài – Sự hợp tan của nữ tu Mến Thánh Giá

Dòng Mến Thánh Giá ở Tây Đàng Ngoài đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, cuộc sống của nữ tu Mến Thánh Giá gặp nhiều khó khăn, khi bình an, các chị quy tụ lại trong các Nhà Mến Thánh Giá; khi bị bách hại, các chị phân tán đi nhiều nơi, chờ ngày đoàn tụ.

Những năm đầu thế kỷ, các chị đã được Đấng Bản Quyền quan tâm cách đặc biệt, vì thế, các Nhà Mến Thánh Giá tiếp tục gia tăng. Ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1714, Đức Cha Bélot quy tụ 50 nữ tu Mến Thánh Giá về Trang Nứa để cầu nguyện cho Đức Cha Jacques de Bourges vừa mới qua đời[9].

Trong bản báo cáo ngày 08/06/1751, Đức Cha Louis Néez cho biết, Dòng có khoảng “400 thiếu nữ nghèo, chia thành 25 Nhà”[10], trong đó 18 Nhà thuộc tỉnh Nghệ An, số còn lại thuộc các tỉnh Thanh Hoá Nội, Thanh Hoá Ngoại và Nam Định[11].

Thế nhưng, sau đó không lâu, Đức Cha Reydellet mô tả rằng, sắc chỉ cấm đạo 1765 đã khiến “chúng ta không còn cộng đoàn, không còn chủng viện, không còn nhà ở, không còn nhà thờ, tất cả đều bị triệt hạ. Các nữ tu Mến Thánh Giá bị giải tán, những người trẻ tuổi về nhà cha mẹ, những người lớn tuổi trốn ẩn nơi nhà các tín hữu”[12].

Chị em Mến Thánh Giá Tây Đàng Ngoài đã chịu những khó khăn cùng với Giáo Hội trong vùng lúc bấy giờ. Với thời gian, những khó khăn ấy giảm dần. Vào thập niên cuối của thế kỷ XVIII, trong báo cáo ngày 14/03/1795 gửi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Đức Cha Longer Gia cho biết Dòng Mến Thánh Giá hiện đã có 30 Nhà, mỗi Nhà có 15 đến 40 chị[13]; và vào năm 1797, hai Nhà nữa cũng đã được xây dựng, mỗi Nhà có hơn 20 chị[14].

Mặc dù chị em Mến Thánh Giá đã góp phần không nhỏ trong việc sống “tốt đạo đẹp đời”, thế nhưng, cuộc bách hại trong thời kỳ 1795-1798 tại Nghệ An và Thanh Hoá lại khiến “các nữ tu Mến Thánh Giá có những Thánh Giá mà các chị không vác nổi”. Dẫu vậy, Dòng vẫn có nhiều thanh thiếu nữ nhiệt thành xin gia nhập, thừa sai La Mothe Hậu đã nêu con số gần 1.000 nữ tu trong bức thư đề ngày 31/03/1795[15].

Tại Đông Đàng Ngoài – Việc nữ tu Dòng Mến Thánh Giá chuyển sang Dòng Ba Đa Minh tại viện

Từ khi Địa Phận Đông Đàng Ngoài được giao cho các thừa sai Dòng Đa Minh cai quản, đời tu của các chị Mến Thánh Giá không còn được bình an bởi chính quyền bính trong Giáo Hội địa phương gây nên.

Chủ trương của các thừa sai Dòng Đa Minh là muốn chuyển các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đông Đàng Ngoài thành các nữ tu Dòng Ba Đa Minh với những cách thức như: chiêu dụ bỏ kiêng thịt, dùng áp lực bắt buộc phải chuyển dòng, hoặc ra thời hạn nếu chị em nào không tuân theo ý các ngài sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Trong tình hình như thế, nhiều rắc rối đã xảy ra cho các chị Mến Thánh Giá. Việc này cũng làm cho các Đấng Bản Quyền phải bận tâm[16].

Do những vấn đề trên, Đức Cha Hilario Costa Hy, thuộc Dòng Augustinô, triệu tập Công Nghị Đàng Ngoài lần thứ hai tại Lục Thuỷ Hạ, nhằm ổn định tình thế. Công Nghị này đã đưa ra 21 quyết định, trong đó, có các điều liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá, cụ thể như: “Cấm các nữ tu Mến Thánh Giá chuyển sang Dòng Ba Đa Minh; […] Các Giám Mục có quyền lập Tu Viện Mến Thánh Giá bất cứ ở đâu trong Địa Phận; và các ngài có quyền giải quyết các vụ tranh chấp giữa hai Dòng nữ [Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh], mà mọi người phải tuân theo cho đến khi Toà Thánh quyết định cách khác”[17]. Tuy nhiên, Công Nghị này không được Toà Thánh công nhận.

Chị em Mến Thánh Giá lại phải đối diện với những khó khăn như trước. Các chị bị vu khống, bị đe doạ, và điều tệ hại nhất là các chị còn bị hành hạ về mặt thiêng liêng như không được xưng tội, rước lễ, vì các chị không chịu tố cáo cha Adriano[18] là kẻ rối đạo và đã bị mắc vạ. Không nản chí, ngày 16/08/1759, các chị đại diện cho sáu Nhà Mến Thánh Giá tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Toà Thánh[19].

Sau khi phái vị Kinh Lược đến Đàng Trong để điều tra, năm 1764, và nhận được báo cáo về tình trạng của các nữ tu tại đó, Thánh Bộ gửi cho các nữ tu Mến Thánh Giá một chỉ dụ cam kết bảo vệ và ưu đãi các chị. Tuy thế, các chị Mến Thánh Giá vẫn còn bị ép chuyển sang Dòng Ba Đa Minh[20]. Vì vậy, ngày 05/03/1787, Thánh Bộ đưa ra quyết định dứt khoát:

– Các chị Mến Thánh Giá Trung Lao đã gia nhập Dòng Ba Đa Minh, nay ai muốn thì có thể tự do trở lại Dòng Mến Thánh Giá;

– Từ đây, việc chuyển từ Dòng Mến Thánh Giá sang Dòng Ba Đa Minh là điều bất hợp pháp, “nếu đi ngược lại quyết định trên đều bất thành sự và sẽ có hình phạt riêng do Thánh Bộ áp đặt”[21].

Tuy Thánh Bộ đã đưa ra quyết định như thế, nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, Đông Đàng Ngoài chỉ còn ba Tu Viện Mến Thánh Giá: Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu[22].

2.2. Tại Đàng Trong

Vào năm 1711, Đàng Trong có 20 cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá. Vài năm sau đó, đạo bị bách hại dữ dội, nên tất cả các cộng đoàn trên bị giải tán và tàn lụi[23] đến độ người ta không tìm được bản luật nào của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte[24]. Sau thời gian ngưng trệ, các Đấng Bản Quyền đã tìm cách phục hồi, và nhờ đó mà Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong được khôi phục và phát triển một cách kỳ diệu. Những Tu Viện Mến Thánh Giá tiêu biểu thời bấy giờ là Thợ Đúc, Hà Dừa, Nha Ru và Chợ Mới.

Tuy vậy, nhiều cuộc cấm đạo lại liên tiếp xảy ra, đó là lý do khi Đức Cha Guillaume Piguel trả lời những câu hỏi của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về Địa Phận Đàng Trong vào ngày 19/07/1765 cho biết: “hoàn toàn không có một dòng nữ nào cả”[25]. Tưởng như sẽ không còn tồn tại, vậy mà Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong lại được hồi sinh dù các khó khăn vẫn còn đó. Nhờ lòng nhiệt thành giúp đỡ của Đức Cha Labartette, Dòng Mến Thánh Giá đã phát triển trở lại khá nhanh. Như một điệp khúc, Dòng được phục hồi chưa bao lâu sau một cuộc bách hại thì cuộc bách hại khác lại đến.

2.3. Số nữ tu Mến Thánh Giá vào cuối thế kỷ XVIII

Về con số nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta không có những bản thống kê chính xác, chỉ dựa vào bản báo cáo của các thừa sai. Con số này thường bị dao động bởi các cuộc bắt đạo.

Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Địa Phận Tây Đàng Ngoài còn tới 30 cộng đoàn với hàng trăm nữ tu. Số ơn gọi xin vào Dòng nhiều đến độ Giám Mục Đại Diện Tông Toà phải ra lệnh tuyển chọn kỹ lưỡng.

Còn ở Địa Phận Đông Đàng Ngoài, nơi Dòng Mến Thánh Giá không được các thừa sai Đa Minh ưu ái, khoảng năm 1777, còn năm cộng đoàn với 84 nữ tu; và cuối thế kỷ XVIII, còn ba cộng đoàn Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu[26].

Tính chung cả Đàng Ngoài, con số nữ tu Mến Thánh Giá đã có lúc lên tới khoảng 1.000 người[27]. Còn ở Đàng Trong, có tám cộng đoàn với khoảng 200 nữ tu[28].

  1. Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XIX

3.1. Tình hình chung

Bước sang thế kỷ XIX, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được tạm ổn trong ba thập niên đầu dưới thời Vua Gia Long; sau đó là thời kỳ bị bách hại tàn khốc kéo dài hơn 50 năm dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tiếp đến là phong trào Văn Thân và Cần Vương với chủ trương Bình Tây Sát Tả đã gây ra những tổn thất rất to lớn về nhân mạng và tài sản cho Giáo Hội[29]; vào thập niên cuối, Giáo Hội được bình yên và mở ra các triển vọng tươi sáng cho tương lai.

Trước năm 1844, cả Việt Nam chỉ có ba Địa Phận Đại Diện Tông Toà: Tây Đàng Ngoài, Đông Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trong thời kỳ gian khó nhất và bị bách hại ác liệt nhất, Giáo Hội Việt Nam vẫn có những tiến triển đáng kể, cụ thể là sự gia tăng con số các Địa Phận.

Ở Đàng Ngoài có các Địa Phận: Tây Đàng Ngoài (1679), Đông Đàng Ngoài (1679), Nam Đàng Ngoài (1846), Trung (1848), Bắc Đàng Ngoài (1883), và Thượng Bắc Kỳ (Đoài) (1895).

Ở Đàng Trong có các Địa Phận: Đông Đàng Trong (1844), Tây Đàng Trong (1844) và Bắc Đàng Trong (1850).

Cho đến thời kỳ này, Dòng Mến Thánh Giá đã hiện diện hầu như trên tất cả các Địa Phận tại Việt Nam.

3.2. Thống kê chung về Dòng Mến Thánh Giá

Vì các Địa Phận độc lập với nhau nên chúng ta không có được con số thống kê chung cho Giáo Hội Việt Nam. Riêng Dòng Mến Thánh Giá, chúng ta biết được con số nữ tu như sau:

– Năm 1838: Đông Đàng Ngoài có 21 Nhà Dòng với khoảng 400 nữ tu, nhưng phần lớn là nữ tu của Dòng Ba Đa Minh tại viện; Tây Đàng Ngoài có 40 Nhà Dòng; Ở Đàng Trong, 20 Nhà đã biến mất một phần dưới sự tàn phá của những kẻ bách hại[30].

– Năm 1850: dựa theo Niên Giám của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, linh mục Đinh Thực cho biết: có 72 Nhà Dòng với 1.600 nữ tu trong cả nước Việt Nam[31].

– Năm 1859: linh mục Migne cung cấp số thông kê về các cộng đoàn và nữ tu Mến Thánh Giá trên khắp các Địa Phận của Việt Nam: “Ngày nay, các nữ tu Mến Thánh Giá gồm 72 cộng đoàn, với khoảng 1.680 nữ tu. Ở Đông Đàng Trong, có sáu cộng đoàn Mến Thánh Giá với khoảng 120 nữ tu; ở Tây Đàng Trong có sáu cộng đoàn với khoảng 160 nữ tu, và tại Bắc Đàng Trong có tám cộng đoàn với 300 nữ tu. Ở Tây Đàng Ngoài có 24 cộng đoàn với 509 nữ tu, ở Trung (Nam) Đàng Ngoài có 23 cộng đoàn và 556 nữ tu, và ở Đông Đàng Ngoài có một cộng đoàn với 37 nữ tu”[32].

Thực ra, điều quan trọng không phải là sự chính xác của số lượng các nhà hay con số các nữ tu, vì như chúng ta biết trong hoàn cảnh khó khăn và đầy bất trắc trong các thời kỳ bách hại, thì sự hợp tan của các cộng đoàn là điều dễ hiểu. Tan đó rồi lại hợp đó. Khi tan, các chị trở về nhà với cha mẹ hay tìm nơi ẩn trốn; khi tạm yên, các chị lại tìm về bên nhau, gầy dựng lại cộng đoàn. Cơ sở của cộng đoàn chỉ là những căn nhà tranh vách đất thô sơ như bao nhà của dân quê nghèo khó, bỏ đi cũng chẳng mấy tiếc mà xây dựng lại cũng không mấy khó khăn.

Điều quan trọng là ơn gọi Mến Thánh Giá, đặc sủng Mến Thánh Giá từ khi được thành lập, không bao giờ biến mất hoàn toàn trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, các chị vẫn kiên trì trong ơn gọi của mình, ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh. Do vậy, có thể nói rằng nữ tu Mến Thánh Giá luôn luôn hiện diện trên mảnh đất quê hương này.

3.3. Đời tu

Các nữ tu Mến Thánh Giá ít được học vì “người ta không có thói quen dạy cho trẻ nữ học đọc, học viết”, các chị sống không có nội vi, các Nhà độc lập với nhau tuy cùng theo một Bản Luật. Chứng từ của các thừa sai ghi nhận rằng các nữ tu Mến Thánh Giá “sống một cuộc đời rất vất vả, rất siêng năng và rất hãm mình […]; giữ các nhân đức chính là khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, họ không thua kém gì các các cộng đoàn nữ tu Châu Âu. Lại nữa, họ chỉ khấn đơn […] từng năm một”[33]. Các chị đã “cảm hoá nhiều người bằng cuộc sống ngay lành”. Bên cạnh đó, các chị năng đi thăm viếng và an ủi những người đau yếu, dạy dỗ các phụ nữ dự tòng, tìm kiếm các trẻ em ngoại trong cơn nguy tử để tái sinh các em trong nước Thánh Tẩy[34].

Trong thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại, ngoài những công việc được kể trên, các nữ tu Mến Thánh Giá còn giúp các thừa sai có nơi trú ẩn; chuyển thư từ và đem lương thực cho các ngài. Khi cần, các chị đã tìm cách vào tận các nhà giam để thăm nuôi và động viên các tù nhân đức tin. Can đảm hơn, các chị còn đồng hành cùng các chứng nhân đức tin từ toà án đến pháp trường. Chính vì lẽ đó, các chị là một trong các đối tượng bị truy bức một cách đặc biệt, đã có rất nhiều chị là nạn nhân của chính sách cấm đạo, và không ít chị đã hiến thân chịu chết vì đức tin.

  1. Nữ tu Mến Thánh Giá trong cơn thử thách bách hại

Điểm lại những biến cố trong suốt chiều dài lịch sử Dòng Mến Thánh Giá mới thấy rằng, hầu như không lúc nào đời sống các nữ tu của Dòng vắng bóng Thánh Giá, nhất là trong thời bị bách hại.

Trong các thời kỳ Công Giáo bị cấm cách, đối tượng được triều đình và quan quân truy nã gay gắt là các Giám Mục và các thừa sai, kế đó là các linh mục người Việt, theo chủ trương “đánh rắn đập đầu”, nhưng các tín hữu nhiệt tình cũng chẳng được tha. Các nữ tu Mến Thánh Giá, vì là nữ giới nên có khi được châm chước, nhưng cũng là đối tượng bị truy lùng và nhà của các chị cũng bị triệt phá. Đến một lúc mà triều đình nhận thấy vai trò của nữ tu trong việc che giấu các thừa sai, các linh mục; nhà của các chị là nơi cất giấu các đồ đạo, và các chị lại là những người thông tin liên lạc cho những người phải lẩn trốn hay là người tiếp tế cho những kẻ phải tù đày, thì triều đình đã xếp các chị vào một loại đối tượng đặc biệt phải theo dõi. Quả vậy, chỉ dụ ngày 17/01/1859 của Vua Tự Đức đã nói đến việc phải truy lùng và bắt giam cả những phụ nữ mang thư từ và tin tức. Hơn một năm sau, trong chỉ dụ tháng 07/1860, các phụ nữ này được xác định rõ là những phụ nữ đồng thân, nghĩa là những phụ nữ khấn giữ đồng trinh, ám chỉ cụ thể các nữ tu Mến Thánh Giá, và truyền lệnh phải bắt giam những phụ nữ này[35]. Hậu quả, có nhiều nữ tu Mến Thánh Giá trở thành nạn nhân của các chính sách cấm đạo, và có nhiều chị phải tù tội hoặc đã hiến thân chịu chết vì đức tin.

4.1. Ở Đàng Ngoài

Ngay từ đầu thế kỷ XIX, trong năm 1800, chúng ta đã có được chứng từ về việc các nữ tu Mến Thánh Giá bị bắt vì đức tin, qua thư của thừa sai La Bissachère gửi cho thừa sai Chaumont và Blandin: “Trong số khoảng 50 phụ nữ bị dẫn tới quan, chỉ có hai nữ tu trẻ Mến Thánh Giá đã đồng ý bước qua Thánh Giá và chúng tôi đã đuổi ngay cả hai ra khỏi cộng đoàn, […] tất cả các nữ tu và các phụ nữ có đạo khác đã làm cho cánh đàn ông phải xấu hổ vì lòng can trường của họ”[36].

Sau khi có lệnh cấm đạo của Vua Minh Mạng năm 1833, tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn cho các nữ tu.

– Trong thư ngày 29/03/1839, thừa sai Jeantet cho biết: “… bốn nhà của các nữ tu bị phá huỷ. Các nữ tu đáng thương của chúng ta, sau khi mất hết ruộng, vườn, nhà cửa và hầu như tất cả những gì họ có, […] mặc cho tình trạng đó, họ vẫn tuân giữ tu luật và tinh thần cộng đoàn”[37].

– Vào lễ Phục Sinh, ngày 11/04/1841, dưới thời tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh, bà Anê Lê Thị Thành và hai nữ tu Mến Thánh Giá là Anna Khiêm và Anê Thanh cùng bị bắt, bị đeo gông, bị tra khảo, bị thả rắn vào quần áo, nhưng cả ba luôn kiên vững trong đức tin. Tuy nhiên, do bị lừa nên hai chị Khiêm và Thanh đã in dấu tay lên tờ giấy chối đạo mà các chị không biết. Còn bà Anê Thành, sau đó, chết trong tù và được tôn phong Hiển Thánh[38].

– Tại Đông Đàng Ngoài, trong phúc trình ngày 23/04/1839, thừa sai Hermosilla cho biết: “Các cư sở của các thừa sai bị triệt hạ. Hai chủng viện, 22 tu viện của các nữ tu Dòng Ba Đa Minh, ba nhà của các nữ tu Mến Thánh Giá cùng chung một số phận”[39].

4.2. Ở Đàng Trong

So sánh với Đàng Ngoài, các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đàng Trong chịu nhiều thiệt hại hơn trong các thời kỳ bách hại đạo Công Giáo.

– Qua thừa sai Delamothe, trong thư ngày 14/01/1834, chúng ta được biết tình hình chung của các Nhà Dòng Mến Thánh Giá: “Có thể nói rằng nhà của các nữ tu đã bị phân tán hoàn toàn, các nữ tu về nhà cha mẹ. Tại những nơi có ba nhà, người ta phá bỏ đi hai, và tại những nơi có hai nhà, người ta phá bỏ đi một…”[40]. Tuy nhiên, vào những lúc cao trào của cuộc bách hại, tất cả các nhà này không còn nữa[41], 18 nhà nữ tu bị phân tán[42], bị phá đổ[43], có nhà bị san bình địa[44].

– Sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, sự bách hại càng gay gắt hơn. Chỉ trong ba năm, từ tháng 09/1859 đến tháng 06/1862, đạo Công Giáo Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đau thương, với những tổn thất hết sức nặng nề về nhân mạng và tài sản. Trong đó, chỉ riêng Dòng Mến Thánh Giá “80 Tu Viện bị triệt phá với 2.000 nữ tu người Việt của chúng ta đã bị phân tán và khoảng 100 đã hiến mạng sống vì đức tin”[45].

– Số nữ tu nạn nhân chưa dừng lại đó, vì vào thời Văn Thân và Cần Vương, “khoảng 50% tổng số tín hữu của Địa Phận Đông Đàng Trong bị sát hại một cách thảm thương”, trong đó có “270 nữ tu bị thảm sát”[46].

Một tổng kết bi thương cho các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đông Đàng Trong được ghi lại: “Trước lúc xảy ra cuộc thảm sát năm 1885, ở Địa Phận Đông Đàng Trong có 12 cộng đoàn với 442 nữ tu; sau các cuộc tàn sát năm 1885, chỉ còn ba cộng đoàn: một ở Trà Kiệu và hai ở Qui Nhơn, tổng cộng 120 nữ tu”[47]. Như vậy, có đến chín cộng đoàn đã bị triệt phá và 322 nữ tu đã bị sát hại hoặc chạy trốn.

  1. Nữ Tu Mến Thánh Giá: Chứng nhân đức tin

Như đã trình bày trên đây, rất nhiều nữ tu Mến Thánh Giá đã chấp nhận tù tội, gông cùm, tra tấn, để trung thành với đức tin Kitô Giáo. Tuy thế, chỉ có một số ít trường hợp được ghi vào sổ sách. Sau đây, xin được nêu lên một số trường hợp điển hình mà các nữ tu Mến Thánh Giá đã chung phần tô điểm thêm cho bức tranh chứng nhân đức tin của Giáo Hội Việt Nam.

5.1. Tại Đàng Ngoài: Bà Paula

Bà Paula có thể là một trong hai nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi tại Đàng Ngoài, được đặt làm “Bà Mụ Cả” của một Nhà Mến Thánh Giá (có thể là Nhà Kiên Lao) từ khi Nhà này được thành lập. Bà bị bắt và bị giải lên tận Phố Hiến vào một ngày trong tháng 06.1686. Tuy bị tra khảo nhiều lần, bà không tỏ vẻ sợ hãi nhưng luôn ứng xử rất can đảm. Quan đã ra lệnh cho lính đánh bà 30 roi và đốt tất cả sách vở và đồ dùng trong việc đạo được tìm thấy trên chiếc thuyền mà bà Paula tự nhận là của mình, để những người có liên quan không bị bách hại[48].

5.2. Tại Đàng Trong

Các nữ tu Mến Thánh Giá Thợ Đúc-Huế

Cuộc nội chiến giữa Nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn gây biết bao tang thương cho người dân Việt. Song song đó, việc bách hại đạo vẫn tiếp tục xảy ra. Các nữ tu Mến Thánh Giá vẫn là mục tiêu của các cuộc truy lùng và phân tán[49]. Năm 1795, tình hình trở nên gắt gao hơn, tại Tu Viện Mến Thánh Giá Thợ Đúc-Huế, các chị bị bắt, bị canh giữ, bị đánh đập một cách tàn nhẫn vì đã che giấu cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu[50]. Trong số đó, có Bà Bề Trên Thục[51], 72 tuổi, và 10 chị em trẻ bị trói, bị đem về đồn Phú Xuân. Nhờ thân nhân lo lót tiền cho lính canh, nên sau năm ngày bị canh giữ, các chị được tha và bị đuổi ra khỏi Tu Viện với vỏn vẹn y phục trên mình. Toàn bộ tài sản của các chị bị tịch thu, nhà cửa thì bị phá bình địa.

Nữ Tu Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu[52]

Khi nói về nữ tu Mến Thánh Giá, chứng nhân đức tin can trường và anh dũng trong thời gian đạo Công Giáo bị bách hại khốc liệt thời Vua Minh Mạng, không thể không nhắc đến chị Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu, một nữ tu Mến Thánh Giá trẻ trung và kiên cường, thuộc Tu Viện Nhu Lý-Huế. Đêm 12 rạng ngày 13/04/1839, chị Maria Mađalêna Hậu đã bị bắt cùng với cha Delamotte Y và một số người khác trên thuyền khi đang đi trốn. Chị bị giải về nhà tù Trấn Phủ, Huế. Tại đây, chị bị đưa ra tra khảo, chịu nhiều đòn vọt và nhiều trò tra tấn dã man. Dù rất đau đớn và sợ hãi, nhưng chị vẫn can trường, kiên trung trong đức tin. Chị bị kết án làm nô tỳ, rồi đổi thành lưu đày. Đầu năm 1841, sau khi được giáo dân giải cứu và lén đưa về Tu Viện Mến Thánh Giá Phủ Cam-Huế, chị trở bệnh nặng và đã bình an đi về Nhà Cha ngày 20/01/1841, lúc mới 27 tuổi. Chị Maria Mađalêna Hậu đã được công nhận là chết vì đạo, vì chị đã chết do hậu quả những cực hình phải chịu trong tù vì đức tin[53].

Hai nữ tu Anê Soạn và Anna Trị[54]

Khi chiếu chỉ Phân Tháp[55] của Vua Tự Đức được ban hành[56], người Công Giáo bị phân tán hoặc phải lẩn trốn khắp nơi. Các nữ tu Mến Thánh Giá không chỉ bị cô lập trong làng, mà còn bị nghiêm cấm không cho đi lại để ngăn ngừa việc đưa thư cho các thừa sai từ tỉnh này sang tỉnh khác[57]. Nhiều chị đã chịu chết vì Danh Chúa Kitô, nhất là vào những năm 1860-1862. Trong số đó, có hai nữ tu Anê Soạn và Anna Trị, cùng bị bắt ở Nhà Phước Bình Thuận. Dù là chốn lao tù, hay nhục hình, bao tra tấn, gông cùm, đòn roi, cũng không khuất phục được hai chị giẫm đạp lên Thánh Giá. Ít lâu sau đó, khi bản án từ triều đình gửi về, hai chị cùng bị xử giảo với 12 vị tử đạo khác tại Phan Rí, năm 1862.

Bà Nhất Matta Lành và nữ tu Ysave Ngọ[58]

Lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn cũng ghi nhận hai chứng nhân đức tin đã từng bị bắt bớ, tra tấn và tù tội trong thời cấm cách, đó là Bà Nhất Matta Lành và chị Ysave Ngọ. Ngày 09/12/1858, binh lính ập vào Nhà Phước Cái Mơn, bà Matta Lành và chị Ysave Ngọ bị bắt cùng với một vài kỳ hào bên cạnh Nhà Phước, vì bị phát hiện đang cất giấu các đồ đạo. Tất cả bị đeo gông và bị giải về nhà giam Vĩnh Long. Hơn ba năm trong chốn lao tù, bà Matta và chị Ysave phải chịu nhiều tra tấn, đòn vọt, đến độ da thịt bị rách nát, với những vết thương hằn sâu. Mang trên mình sự đau đớn khó có thể diễn tả hết thành lời, thế mà Bà Nhất Matta còn chinh phục được nhiều tù nhân trở lại đạo Chúa. Ngày 28/03/1862, khi thành Vĩnh Long thất thủ, quân Pháp tràn vào phá cửa ngục, bà Matta và chị Ysave được trả tự do cùng với các tù nhân khác. Tuy không được phúc đón nhận cành thiên tuế tử đạo, nhưng hậu quả của những tra tấn, đòn roi đã để lại thương tật nơi thân thể mà bà Matta và chị Ysave phải mang suốt đời, đã nói lên sự kiên trung và là một dấu chứng về sự can trường của những chứng nhân đức tin, sẵn sàng hiến tế thân mình vì Đức Kitô.

5.3. Các cuộc tàn sát dưới thời Văn Thân và Cần Vương

Cuộc tàn sát các Kitô hữu càng trở nên khốc liệt, dã man hơn trong thời Văn Thân và Cần Vương. Nhất là, trong Năm Kinh Hoàng từ tháng 07/1885 đến tháng 07/1886, khắp 12 tỉnh thành miền Bắc, Trung, Nam xứ Việt, biết bao tín hữu, trong đó có ba nữ tu Maria Hồi, Anna Nhiên, Matta Mến thuộc Nhà Phước Mến Thánh Giá Lưu Mỹ[59] và hàng trăm nữ tu Mến Thánh Giá vô danh khác đã dùng máu đào để minh chứng niềm tin của mình[60].

Riêng Đàng Trong, có khoảng 270 nữ tu bị sát hại vì đức tin tại Qui Nhơn, và khoảng 60 chị Mến Thánh Giá Nhu Lý bị thiêu sống với giáo dân trong nhà thờ Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị[61].

Một cuộc tàn sát man rợ xảy ra ở Tu Viện Mến Thánh Giá Phú Hoà, Quảng Ngãi: có 40 nữ tu bị lột quần áo và bị tàn sát ngay dưới mắt cha Louis Guégan. Ngay sau đó, cha cũng bị tra tấn và hành quyết[62].

Trên đây chỉ là một vài sự kiện điển hình. Còn những cuộc tàn sát tập thể cùng với giáo dân xảy ra nhiều nơi khác như Trí Bưu-Quảng Trị, Gia Hựu-Bình Định, Phương Chuối-Quảng Ngãi… Thật đáng tiếc, hầu hết những cái chết can trường của các chị không được sử liệu ghi lại một cách đầy đủ.

5.4. Thời kỳ kháng chiến (1945-1954)

Năm 1945, đất nước đang trong bom đạn chiến tranh thì quân đội Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp tại Việt Nam, sau đó đầu hàng Đồng Minh, rồi nhiều phong trào cách mạng nổi dậy, làm cho tình hình lại càng trở nên bất ổn, gây nhiều tang thương và chết chóc hơn.

Trong thời gian này, Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đã hy sinh hai nữ tu là chị em ruột, Maria Nguyễn Thị Nương và Catarina Nguyễn Thị Trượng. Gắn bó cuộc sống của mình với người dân Cái Bèo chân lấm tay bùn từ tháng 02/1943 đến ngày 23/09/1946, hai chị đã san sẻ với họ những vất vả, những khó khăn thiếu thốn trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Mặc cho tình cảnh nguy hiểm và khắc nghiệt, hai chị vẫn trung thành với sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá và kiên vững cho đến cùng trong niềm tin Kitô Giáo.

Ngày 23/09/1946, hai chị Maria Nương và Catarina Trượng bị bắt với tội danh nấu cơm cho linh mục sở tại, người bị coi là Việt gian. Họ đem hai chị vào nhà làng tra khảo, rồi giải ra chân cầu xử bắn. Chị Nương chết ngay loạt đạn đầu tiên. Bị thêm lưỡi lê đâm vào bụng, chị Trượng chịu sự đau đớn kéo dài đến khoảng 7 giờ tối hôm đó mới trút hơi thở cuối cùng[63].

5.5. Hai Chân Phước Mến Thánh Giá Tử Đạo Thái Lan[64]

Thái Lan, phần đất được xem là nơi có tự do tôn giáo, nhất là thời Đức Cha Pierre Lambert de la Motte. Chính vì thế mà khi các Giám Mục Đại Diện Tông Toà và các thừa sai được gửi đến vùng Viễn Đông thì Thái Lan luôn là điểm dừng chân an toàn, vì vùng truyền giáo thuộc thẩm quyền các ngài đang trong tình trạng đạo bị cấm cách và bắt bớ.

Thế nhưng, những thời kỳ sau Đức Cha Lambert[65], và cả vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, đạo Công Giáo cũng bị đàn áp tại Thái Lan, nhiều vị thừa sai bị bắt bớ, tù đày, tra tấn và trục xuất; nhiều Kitô hữu, trong đó có các nữ tu Mến Thánh Giá bị tù tội hoặc phải trốn tránh.

Hai nữ tu Mến Thánh Giá là Agnès Phila Thipsuc và Lucia Khambang Sikhampong[66] được sai đến phục vụ tại nhà thờ Đức Mẹ Cứu Chuộc Nô Lệ thuộc Songkhon, hiện nay thuộc Tổng Giáo Phận Tharae-Nongsaeng, Thái Lan.

Năm 1940, ở Thái Lan, cuộc bách hại đạo Công Giáo lan đến nhiều nơi. Tại giáo xứ Songkhon, sau khi cha sở bị trục xuất và một giáo lý viên là anh Philip Siphong bị bắn chết vì đức tin, hai nữ tu Agnès và Lucia trở thành trụ cột cho giáo dân, với trách nhiệm dẫn dắt, trấn an, chăm sóc cho cộng đoàn Công Giáo và điều hành ngôi trường làng, dù bị nghiêm cấm và đe dọa. Cuối cùng, vì từ chối mệnh lệnh phải loại bỏ Danh Thiên Chúa, không được giảng dạy về Chúa Giêsu, hai nữ tu cùng với bốn phụ nữ khác đã bị cảnh sát đem ra nghĩa trang xử bắn ngày 26/12/1940 tại Songkhon.

Ngay sau khi tự do tôn giáo trở lại trên đất Thái Lan, các Đấng Bản Quyền địa phương bắt đầu lập hồ sơ xin tuyên thánh cho bảy anh hùng tử đạo Thái Lan. Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 22/10/1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước cho bảy vị tử đạo Thái Lan trong đó có hai nữ tu Mến Thánh Giá là Agnès Phila Thipsuc và Lucia Khambang Sikhampong.

Qua giòng lịch sử trải dài trong suốt thế kỷ XVIII-XIX, các nữ tu Mến Thánh Giá đã được các Đấng Bản Quyền xem là “phần tốt nhất của đoàn chiên” và là “một trong những trang sức xinh đẹp nhất của Đạo Công Giáo”[67]. Sự hiện diện và hoạt động của các chị đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong những lúc khốn cùng nhất của thời kỳ đạo bị bách hại. Đời sống phục vụ lẫn tinh thần tu trì của các chị Mến Thánh Giá đã được xây nên bằng máu, nước mắt và đức hạnh. Nền móng các chị xây dựng vẫn còn vững bền cho đến hôm nay và chắc chắc đến tận mai sau. Các chị luôn là niềm tự hào của các thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá.

 

[1] X. Đỗ Quang Chinh, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.132.

[2] X. Bản văn Nghị Định trong Phụ Lục 4.

[3] X. Bản văn Tông thư Cum sicut trong Phụ Lục 5.

[4] X. Đào Quang Toản, Đức Cha François Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr.48.57.

[5] X. Vũ Thành, Giòng Máu Anh HùngLịch Sử Những Cuộc Bách Hại Đạo Công Giáo Trong Thế Kỷ XVII XVIII, tập I, Hoa Kỳ, 1987.

[6] Cf. M. Gispert, Historia de las Missiones Dominicanas en Tungkin, Avila, 1928, pp.189-191.

[7] Cf. L. E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome I, Paris, Ernest Leroux, p.341.

[8] X. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, Tp.HCM, nxb Tôn Giáo, 2008, tr.267.

[9] Cf. AMEP, vol. 685, pp.230-232.

[10] Néez, Documents historiques sur le clergé Tonkinois aux XVIIe et VIIIe siècles, Paris, Téqui, 1925, p.237.

[11] Cf. AMEP, vol 690, p.464.

[12] Nouvelles Lettres Édifiantes des Missions de la Chine et des Indes Orientales (NLE), Paris, Le Cler, 1821, vol. VI, p.273.

[13] Cf. AMEP, vol. 692, p.595.

[14] Cf. Ibib., p.811.

[15] Cf. Ibib., vol. 701, p.102.

[16] Cf. A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin: Documents Historiques I, Paris, Téqui, 1894, pp.462-463.

[17] Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt, Sài Gòn, 1993, tr.64-65.

[18] Cha Adriano còn được gọi là Cụ Chính Tri, đã bị cha Campos, Bề Trên các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Ngoài, với tư cách là thẩm phán thừa ủy của các cha Đa Minh, ra vạ tuyệt thông cuối năm 1758, nhưng vạ này bị Toà Thánh bác bỏ năm 1761, điều này chứng tỏ các chị Mến Thánh Giá đã hành động đúng.

[19] X. Kỷ Yếu Giáo Phận Bùi Chu, 1533-1999, tr.69.

[20] X. Đào Quang Toản, Cái Nôi Dòng Mến Thánh Giá, Lịch Sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao-Bùi Chu, 2017, tr.126-136.

[21] X. nt., tr.140.

[22] X. Đinh Thực, Les Sœurs Amantes de la Croix au VietnamCác Nữ Tu Mến Thánh Giá Tại Việt Nam, Sài Gòn, 1994, tr.151.

[23] Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2017, tr.259.

[24] X. Đinh Thực, sđd., tr.65-66.

[25] A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome II, Paris, Téqui, 1923, p.401.

[26] M. Gispert, Historia de las Missiones Dominicanas en Tungkin, Avila, 1928, p.287.

[27] Cf. AMEP, vol. 701, p.102; x. Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.192-283.

[28] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome III, op.cit., p.275.

[29] Cf. Compte Rendu des Travaux du Séminaire des Missions Étrangères de Paris (CRTSMEP),1886.

[30] Cf. APF, Acta CP, vol. 12, 1838, pp.121-122.

[31] X. Đinh Thực, sđd., tr.99.

[32] Abbé Migne, “Religieuses annamites des Amantes de la Croix”, dans Dictionnaire des Ordres religieux, tome IV, Paris, Éditeur Migne, 1859, col. 94-95.

[33] Cf, AMEP, vol. 749, p.222.

[34] Cf. Ibib., vol. 693, pp.1059-1060.

[35] X. Đại Nam Thực Lục, tập 115, tr.232-235.

[36] AMEP, vol. 693, p.318.

[37] Ibib., vol. 701, p.1269.

[38] X. Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.85.

[39] APF, vol. 12, pp.397-398.

[40] Ibid., vol. 1259, p.138A.

[41] Cf. Archives des Oeuvres Potificales Missionnaires (AOPM), vol. E-80, p.E13651.

[42] Cf. AMEP, vol. 805, p.182.

[43] Cf. Ibib., vol. 748, p.688.

[44] Cf. Ibib., vol. 748, p.819.

[45] L. E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome II, op,cit., p.295.

[46] Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.285.

[47] Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.382.

[48] X. Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.78.

[49] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome III, op.cit., p.271.

[50] Cha Emmanuel Triệu đã được phúc tử đạo ngày 17/09/1798, được tuyên phong Hiển Thánh ngày 19/06/1988 (x. Nguyễn Văn Ngọc, Lịch Sử Các Phước Viện Chị Em Mến Thánh Giá Địa Phận Huế, 1970, tr.17).

[51] Theo Lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, thì bà Bề Trên này tên là Thục, nhưng theo A. Launay, thì Bà tên là “Thoc” (cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome III, op.cit., p.253).

[52] Những chi tiết về chị Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu được trích trong Đào Quang Toản, Nữ Tu Nguyễn Thị Hậu (1814-1841), lưu hành nội bộ, Toulouse, 2000.

[53] X. Nguyễn Văn Ngọc, sđd., tr.28.

[54] Những chi tiết về hai chị Anê Soạn và Anna Trị được trích trong Đào Quang Toản, Cha Durand và Dòng Mến Thánh Giá – Anê Soạn Và Anna Trị, sđd., tr.13-27; 123-126.

[55] Chiếu chỉ Phân Tháp do Vua Tự Đức ban hành năm 1860, theo đó: tất cả người Công Giáo buộc phải bỏ quê quán đến tháp nhập vào các làng lương dân, năm người lương canh giữ một người Công Giáo, các làng Công Giáo bị phá huỷ, tài sản phải chia cho những người lương, gia đình phải phân tán mỗi người một nơi, trước khi đi phải khắc vào má phải 2 chữ “Tả Đạo”, khắc vào má trái tên tổng và huyện họ phải đày tới để họ không thể trốn đi.

[56] X. Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, tập III, Dân Chúa, 2005, tr.1980.

[57] Nt., tr.1956.1960.

[58] X. Đào Quang Toản, Cha Durand Và Dòng Mến Thánh Giá – Anê Soạn Và Anna Trị, sđd., tr.45-48.

[59] Theo sử liệu của giáo xứ Lưu Mỹ, Giáo Phận Vinh.

[60] X. Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.145.

[61] X. Jabouille, Một Trang Huyết Lệ Tỉnh Quảng Trị, Trung Hoà, Hà Nội, 1941.

[62] X. Đào Quang Toản, Cha Durand Và Dòng Mến Thánh Giá – Anê Soạn Và Anna Trị, sđd., tr.64.

[63] Theo sử liệu Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.

[64] Theo tài liệu của The Finance Committee of the Seven Blessed Martyrs of Thai.

[65] Năm 1688, cuộc cách mạng xảy ra, Vua mới là Pra Petracha, có thái độ chống Pháp nên ra lệnh bách hại đạo Công Giáo tại Thái Lan (x. F. F. Buzelin, Tìm Về Nguồn Gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, sđd., tr.353-354).

[66] Hai nữ tu này là người Thái Lan, gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Xieng Wang, Lào, được sai đến phục vụ tại một cộng đoàn ở Thái Lan.

[67] Đinh Thực, sđd., tr.85-86.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube