DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC
Chương Bốn
Tại Đàng Trong : Lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá
Hơn một năm sau khi từ Đàng Ngoài về đến Xiêm La (tháng tư năm 1670), đức cha Lambert de la Motte quyết định đi viếng thăm mục vụ địa phận Đàng Trong (tức Nam Việt) của ngài. Ngài rời Juthia, lên đường ngày 20.7.1671, trên một con thuyền do 4 người đàn ông xứ Đàng Trong điều khiển. Cùng đi với ngài có hai thừa sai Pháp : Vachet và Mahot, và hai linh mục người Đàng Trong : Giuse Trang và Luca Bền.
Thừa sai Guiart mới vừa ở Pháp đến Xiêm La cũng đi theo ngài.
Ngày 23.7, thuyền ra khơi, đến quãng ngày 5.8 thì gặp bão tố nên mọi người phải tạm trú trên cạn mãi tới ngày16 sau đó mới tiếp tục hải hành.
Tới được Lâm Thuyền là một xứ đạo quãng 800 tín hữu, nhưng đức cha vẫn ở lại trên thuyền. Ngày 1.9 tiếp đó, ngài lên bờ phía tỉnh Bình Định, dùng đường bộ mà tìm cách lên tới Hội An. Dọc đường đi, ngài bị đầu độc, bệnh tưởng đã không qua khỏi nên phải lãnh nhận Bí tích Xức dầu Kẻ liệt từ tay thừa sai Vachet. Thừa sai Guiart kể rằng :
«Đức cha đến tỉnh Nước Mặn thì ngã bệnh trầm trọng… Chúng tôi đã đưa ngài đến tỉnh Quảng Nghĩa[1][1]… Đức cha nằm trong võng phủ kín, còn cha Vachet và tôi thì rất thường trên lưng ngựa. Khi có kẻ hỏi : «Mấy ông ngoại quốc này là ai vậy ?», chúng tôi đáp : «Những lái buôn của chiếc tầu đậu ở Hội An. Họ mới đi mua bán ở mấy tỉnh dưới này». Cứ vậy mà chúng tôi đi giữa thanh thiên bạch nhật, theo sau có hơn 40 người khiêng đồ đạc cho chúng tôi. Sau cùng, chúng tôi đến ẩn trong tỉnh Quảng Nghĩa là nơi tôi để đức cha ở lại trên hai tháng trời. Tôi về lại Hội An này là nơi, sau cùng, đức cha đã tới hơn ba tuần nay rồi».[1][2]
Chính trong thời kỳ dưỡng bệnh này, đức cha Lambert de la Motte đã lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại giáo xứ Đức Mẹ An Chỉ, theo như lời thuật của thừa sai Vachet[1][3] :
«Chính tại An-si[1][4], trong lúc cha Guiart đi Hội An sửa soạn mọi thứ cho công đồng, đức cha Bêritê đã thiết lập một Hội dòng các chị em khấn đức khiết tịnh trọn đời, ở chung với nhau và sống dưới một chị bề trên, mặc dù họ ăn mặc theo y như kiểu cách đơn giản nhất trong xứ. Đức cha không xét là cần cho họ mang khăn đội đầu, ngài gọi họ là Chị em Mến Thánh Giá, và ngài ban cho họ những lề luật rất thân cận với lề luật mà Thánh François de Sales đã dựng nên cho các nữ tu dòng Thăm Viếng[1][5]. Lúc ban đầu này, họ chỉ có tám chị em mà người đứng đầu là em ruột của cha Giuse, linh mục người Đàng Trong, tuổi là 30».[1][6]
Ngày 15.1.1672, đức cha đến được Hội An và triệu tập một công đồng tại đây.
Ngày 15.2 sau đó, theo đường sông, ngài trở lại Nước Mặn cho đến ngày 29.3 thì rời Đàng Trong về lại Xiêm La.
Dòng nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Trong đã được đức cha Lambert de la Motte thành lập làm sao ?
Một vài chi tiết lịch sử mà ngày nay chúng ta còn có được về chuyện trên là nhờ bài viết của thừa sai Vachet gửi về Paris và đã được phổ biến cho đại chúng được rõ[1][7] :
«1672.
Đức cha Bêritê, theo kinh nghiệm, tin rằng bà quả phụ ấy[1][8] là người đức hạnh và khôn ngoan, đã phán bảo cho bà hay dự kiến của ngài là quy tụ chung lại vài thiếu nữ có lòng ao ước giữ mình đồng trinh. (Các thiếu nữ ấy) đã cho viết đến ngài ở Xiêm La, mấy năm trước, qua cha Hainques[1][9], ý định của họ, theo đó họ đã khám phá ra niềm vui được tận hiến cho Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất.
Dù phân tán trong nhiều làng mạc, các thiếu nữ ấy đã tụ họp lại, mà chẳng khó nhọc gì, để đến gặp gỡ đức cha Bêritê vào ngày mà ngài quy định trước cho họ. Đức cha nói với họ rằng ngài muốn bàn luận với họ việc thực thi ý định của họ và ngài đã cho họ một huấn từ nhỏ bàn về đời sống tinh thần. (Sau đó), các chị em đã đến theo ngày đã đề xướng, tại nơi đã đồng tình chọn lựa, cùng với hai bà quả phụ đã rất lớn tuổi. Và sau khi lãnh nhận các bí tích Xám Hối, Thêm Sức và Thánh Thể, họ cho biết khá rõ tâm hồn sẵn sàng của họ hầu cho thấy rằng ơn gọi của họ thật thiêng liêng.
Ngay khi xuất hiện trước đức cha, các chị em quỳ rạp trên mặt đất theo kiểu chào kính và nức nở khóc vì vui mừng; sau đó, giang đôi tay và ngước mắt lên trời, các chị em cảm đội ơn Thiên Chúa sau cùng đã gửi đến cho họ, một cách kỳ diệu, một con người đã đến giải thoát họ khỏi mọi cạm bẫy thế gian và dạy họ nghệ thuật dâng mình cho Thiên Chúa. Sau hết, họ phủ phục mà tỏ ra sự thỏa mãn trọn vẹn cho lòng ước ao của họ, và rằng họ vui mừng khi được đưa ra khỏi thế kỷ này và nhà cha mẹ của họ hầu sống trong sự thanh tịnh và trong sự trọn lành Phúc Âm.
Đức cha Bêritê hỏi lý do nào đã đưa họ đến lòng ước ao cách sống này và đồng thời ngài đặt tất cả mọi câu hỏi mà ngài thấy là cần thiết để đo lường lòng dạ các chị em cùng để nhận biết ý Chúa trên họ. Họ trả lời tất cả mọi sự với một lòng thanh bạch và khiêm nhượng đến nỗi tất cả những ai đang hiện diện tại đó đều, một phần thì ngây ngất vì cách thức hành động của họ, một phần thì hoàn toàn chân nhận rằng tâm hồn họ đã được dự phòng bằng sức mạnh ân sủng Chúa.
Vào lúc đó, chúng tôi ngập chìm trong một ấn tượng sâu sắc mà các chị em ấy tạo nên đến độ tôi không còn biết đến bao giờ sẽ có một sự gì khiến chúng tôi thiết tha với sự trọn lành riêng của chúng tôi một cách dịu dàng và nồng nhiệt hơn thế nữa. Bởi vì những lời thần thiêng đó mà chúng tôi nghe được đã đưa tinh thần lên cao hơn cả chính mình và cho nếm vị ngọt ngào khó diễn tả được về Thiên Chúa, thoát khỏi cái tình ý nơi mọi sự trần giới này.
Đó là những mối hoan lạc tinh thuần và thánh thiện mà đôi khi Đấng Cứu Chuộc trần gian đã ban cho những kẻ làm việc tông đồ được hưởng nếm. Lúc đó, Ngài vui lòng cho họ khám phá ra những đường lối mà những kẻ Ngài kén chọn đang được sự khôn ngoan cùng lòng từ bi ngài dẫn dắt; Ngài cho họ thấu hiểu rằng đó là kết quả mà Ngài ban cho họ như hoa trái riêng nơi những tâm hồn cao cả nhất về sự khiêm nhu, thờ kính, tri ân và tình ái thiêng liêng; lòng sốt mến của những tâm hồn ấy còn khiến cảm nhận được cả ra bề ngoài nữa.
Dù gì đi nữa, sau một bài giảng dạy dài giờ, đức cha Bêritê đã thán phục mà nhìn nhận sự cao sang cùng sự đồng tâm nhất ý sẵn sàng của các nữ đồng trinh đầu tiên xứ Đàng Trong này. Ngài phán với họ rằng nếu chỉ chiếu theo duy nhất một sự cẩn thận tính con người, thì ngài không thấy có thể thỏa mãn nguyện vọng thánh thiện của các chị em. Và bởi thế, phải cần đến những phương thế siêu nhiên, bằng cách tăng gấp đôi việc cầu nguyện, việc siêng năng chịu các phép bí tích và việc xem lễ thật nhiều hơn nữa. Ngài truyền cho họ làm tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ và Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ và là quan thày của họ.
Trước khi những ngày trên qua đi, đức cha đã được cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng hãy đưa họ ra khỏi nhà cha mẹ họ mà cho họ sống chung với nhau. Nỗi khó khăn là tìm được một nơi an toàn để họ còn giữ mình khỏi chuyện cưới gả, ngược lại với tập quán xứ sở họ, mà không bị kẻ ngoại đạo khám phá ra. Và cũng là nơi họ sống theo sự hướng dẫn của một phụ nữ có đạo, mà khôn ngoan cùng đức hạnh, có uy tín che chở họ tránh mọi phiền hà có thể xẩy đến cho họ sau này.
Vì bà Lucia có mọi phẩm tính trên, đức cha Bêritê đã hỏi bà xem bà có ưng lòng tiếp nhận nơi nhà bà và dưới sự che chở của bà những thiếu nữ trẻ đã đến trình diện với ngài chăng. Bà ta xin ngài cho hai ngày để suy nghĩ về điều ấy.
Hết thời hạn, bà ta thưa với ngài rằng ngài có thể xử dụng tất cả những gì thuộc về bà, rằng bà vui lòng dâng cúng ngôi nhà cùng mảnh đất của bà để tiếp trú những nữ tỳ Chúa Giêsu Kitô và dâng hiến của cải bà mà nuôi dưỡng họ, rằng bà ước ao được sống và chết cùng với họ, miễn sao trong sự thực thi đức vâng lời.
Chúng tôi nhận đồ biếu và sự dâng hiến của bà, không lưu tâm đến những điều ngoại lệ mà lòng nhún nhường của bà đã thêm vào.[1][10]
Trước tiên, chúng tôi gửi đến bà năm thiếu nữ mà theo họ sau đó là năm thiếu nữ khác nữa; trong họ, có một chị có thể hướng dẫn tất cả những chị em khác. Hy vọng ngày này qua ngày nọ, con số sẽ phát triển lên.
Và nếu những kẻ sẽ đến với họ trong tương lai cũng đầy công nghiệp như những chị em mà chúng tôi đã biết thì ngôi nhà của họ chắc chắn sẽ là một ngôi nhà được chúc phúc, là nơi mà Thiên Chúa sẽ được tôn vinh không kém chi nơi những tu viện kỷ luật nhất tại Âu Châu. Bởi chưng, chị em cầu nguyện nhiều, ăn ít, làm việc mọi giờ giấc mà họ không bận trong kinh nguyện và việc hãm mình ép xác. Họ có một chị bề trên mà họ yêu mến và hoàn toàn tôn kính. Họ tuân thủ thật chính xác những quy luật nhỏ mọn nhất đã được ban cho họ. Họ có một lòng tin tưởng và vâng phục trọn hảo nơi vị linh hướng của họ.
Tóm lại một lời, trong mọi sự, họ chẳng chịu thua những nữ tu nhiệt thành nhất nơi những dòng tu đã được canh tân hơn hết. Chúng tôi hy vọng rằng những dòng nước mắt các chị em đổ ra dòng dã ngày đêm, khi họ với lòng nhiệt thành nguyện ngắm van xin Thiên Chúa ơn trở lại cho toàn vương quốc, sẽ đón nhận được các ân huệ cần thiết của Ngài hầu đặng hoàn thành một công trình rất đỗi to lớn thể ấy.
Hương thơm nhân đức của các chị em đã kéo đến với họ một phụ nữ trẻ, tuổi 25, mà chồng cô ta đã bỏ cô ta từ hồi cô mới mười sáu tuổi. Cô ta tự thấy mình không xứng đáng được nhận vào với các nữ tỳ của Chúa Giêsu Kitô, đã xin các thừa sai thương cho được cất một chòi lá bên cạnh nhà dòng, hầu có thể bắt chước các chị em ít nữa là một phần nào đó, theo sức mình. Chúng tôi đã bằng lòng chấp thuận lời xin của cô ta, hơn nữa, chúng tôi hay biết là cách đây đã ba năm, cô ta đã được cha Hainques[1][11] rửa tội, và cô ta đã nghe lời khuyên của ngài mà từ bỏ mọi hão vọng trần thế này».
Gần hai năm sau ngày thành lập, thừa sai De Courtaulin sau sáu tháng ở Đàng Trong vớii tư cách cha chính địa phận, đã viết cho đức cha Lambert de la Motte về các chị em Mến Thánh Giá như sau[1][12] :
«Ngày 10.12.1674
Tại Diem-dien, trong nhà bà Lucia, ngày 22 tháng bảy, chúng con gặp hai chị em rất đáng được nói đến trong bản tường trình này. Cả hai đã khấn đức khiết tịnh từ bốn năm rồi : một cô, vì nhiều lý do chính đáng, đã xin cha Mahot thay đổi lời khấn và cô đã được phép. Ông thân của cô ta là người có đạo trên danh nghĩa hơn là trên việc làm, đã muốn bắt ép cô ta cưới một người ngoại đạo. Cô ta đã rất can đảm từ chối chuyện đó đến độ ông ta dùng gậy đập đánh cô ta khủng khiếp suốt cả giờ đồng hồ. Con là người chứng kiến chuyện ấy bởi vì nhà ông ta ở liền với nhà thờ.
Còn cô kia thì nhất mực kiên trì trong quyết định của mình. Tuy nhiên, để tránh cho anh em mình khỏi bị bách bớ vì đạo, cô ta đã hứa hôn với một người có đạo, nhưng với chủ ý là không lưu tâm chi đến. Sau khi thố lộ cái tội mình ra, cô ta được bà mẹ đồng tình cho từ chối chuyện cưới gả và còn cho gìn giữ sự đồng trinh của mình. Nhưng cô ta sẽ còn một thử thách khác nữa phải chịu về phần các anh em của cô ta : từ đây đến hai hoặc ba tháng nữa, chàng hôn phu của cô ta sẽ trở về. Dẫu vậy, cô ta đã hứa là cô ta sẽ trốn vào Quảng Nghĩa sống ẩn kín với các nữ đồng trinh đang sống ở đó và cha Mahot đã ưng thuận chuyện này. Đây là một cô gái có bản chất riêng rất khá và giầu có về phần riêng cô ta.
Chúng con đến nhà ông Thomas Đa[1][13], thăm viếng các chị em đồng trinh đang kiên trì trong đời sống ẩn dật của họ. Hiện tại họ chỉ có 11 người, vì người thứ 12 đã bắt buộc phải trở về nhà ông thân của cô là một lương y, bởi vì cô ta bị rơi vào một chứng tê liệt. Nay cô ta đã khỏi được một phần. Cô ta có ý trở lại nhà dòng sau khi được chữa lành.
Ôi, thật là nên mơ ước làm sao mà tìm được cách, với phép của vua ban cho chuyện này, đưa sang đây được một phụ nữ rất đức hạnh có lòng muốn dẫn dắt các cô gái này. Về mặt luân lý, con chắc chắn rằng các cô sẽ đi ngang hàng với các nữ tu đã được tân cải nhất của nước Pháp. Nhưng vì chỉ có một chị bề trên người bản xứ ít hiểu biết trong các vấn đề tâm linh đạo lý, họ ở trong một sự dốt nát đáng thương hại. Đây là một điều xấu mà hiện tại xem ra chẳng có phương cách nào chữa trị được, trừ phi Thiên Chúa mở ra con đường bí ẩn nào đó.[1][14]
Ôi lạy Chúa Giêsu nhân hậu, này là những trinh nữ đang đợi trước cánh cửa nhà Ngài với đèn đã chuẩn bị ; họ sẵn sàng để bước vào ngay khi nào Ngài mở ra cho họ con đường trọn lành. Tuy nhiên tôi khá e sợ rằng những kêu ca đồn thổi của kẻ ngoại sẽ làm phân lạc đoàn chiên này ; bởi chưng, chúng đã đe dọa tàn phá nhà cửa của họ, điều mà họ có thể thực hiện ngay cả bằng con đường luật pháp, miễn sao họ hãy làm sự ấy theo ý kiến chung của làng xóm, đừng tìm chạy chọt tới quan lại địa phương».
Một chuyện khác được thừa sai Vachet kể :[1][15]
«Năm 1674.
Có một thiếu nữ từ Bầu Nghè ra tìm cha Mahot vào kỳ cuối tháng chạp. Cô thưa với ngài rằng cô đã bỏ nhà cha cô vì cha cô ép uổng cô vào cuộc đời thế gian này. Năm ngoái cô cũng đã làm như vậy, trong dự tính đến cùng các thiếu nữ đang sống chung với nhau tại Quảng Nghĩa; cô có lòng tinh tuyền trọn vẹn và luôn ước ao sự trọn lành nơi các thiếu nữ Quảng Nghĩa ấy. Nhưng sau đó, cô trở về nhà cha mẹ, hy vọng người ta sẽ không còn nói với cô ta gì nữa. Và khi cô thấy người ta lại bắt đầu quấy rầy mình, cô đã trốn đi một lần thứ hai, nhất định không còn bao giờ đặt chân trở lại nhà cha mẹ cô ta nữa, mà ra đi sống ẩn mình như những người cùng phái khác đã tận hiến cách đặc biệt cho Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh.
Người tôi tá ấy[1][16] của Thiên Chúa đã lắng nghe cô nói với niềm vui lớn. Nhưng hay cô mới có 17 tuổi, ngài sợ rằng cô còn quá trẻ để thực hiện được ý định của cô; vì trong xứ này, người ta không thể nào quá cẩn thận khôn ngoan được để mà thử thách mọi thứ ơn gọi đặc biệt, hiếm có. Ngài đành tâm dò xét đôi chút lòng dạ cô theo các lý lẽ của cô và đặt để cô trong tay một quả phụ quen biết cho tới lúc ngài được lời phúc đáp cho lá thư mà ngài đã viết đến cha của cô; trong thư, ngài đã cho cha cô hay nơi cô đang ở và xin ông đến nhận lại cô mà chưa hề nói với ông ta tới chuyện nhà dòng nào.
Ba hôm sau, người cha ấy là một kẻ thế giá, đích thân đến cùng vợ mình để đáp lại cái lịch thiệp của cha Mahot. Cả hai cùng nói với ngài rằng họ vô cùng cảm ơn ngài đã săn sóc con gái họ, rằng họ không hề muốn cưới gả con gái họ ngoài ý muốn của cô. Họ nói cô ta có thể tu tại nhà họ, và họ vui lòng để cô tập đọc chữ Âu Châu[1][17], và ngay cả để cho cô vào cộng đoàn các chị em Mến Thánh Giá là chuyện chính họ đã khơi ra đầu tiên. Bởi vì cha Mahot không nghĩ là họ có thể cảm được lối sống ẩn dật này, đã xét là không nên nói gì với họ về chuyện này cả. Nhưng vì thấy họ có đầy thiện chí như thế, ngài hết lòng khen ngợi nhân đức của họ. Và ngài tuyên bố cho họ rõ rằng Thiên Chúa không có đòi hỏi họ sự hy sinh đó đâu, rằng con gái của họ không đủ tuổi, phải để lòng ước ao của cô lớn lên qua thời hạn, họ chỉ cần một sự là đừng làm cô đi sai lạc cái quyết tâm rất cao sang của cô bằng cách dùng quyền thế mình mà bắt cô lấy chồng. Họ đã phải hứa rằng họ sẽ đối xử với cô như thể ấy.
Cô gái thì lại chẳng thể nào tin vào sự ấy được, nói với cha Mahot trước mặt cha mẹ cô rằng : «Thưa cha, con vâng lời vì cha đã truyền cho con; nhưng khi con vâng lời thì cha khổ tâm lo sợ cho tình trạng nơi con ở, con thấy như vậy. Người ta có thể sẽ để con yên đôi ba tháng trời, rồi sau đó có thể người ta sẽ ép uổng con, ngoài ý muốn của con, phải làm sự mà con không muốn. Con biết là hiện giờ không phải là ý của cha mẹ con, nhưng cha có thể trả lời cho con về tương lai không? Con trao phó cho cha tất cả mọi sự xảy ra để chính cha phải xin cho con ơn bền đỗ, bởi vì chính cha đã đặt con vào nguy cơ làm mất ơn kêu gọi của con».
Phải thú thật rằng cha Mahot lấy làm kinh ngạc và đồng thời cũng thấu hiểu tinh thần cứng rắn của cô gái. Nhưng sau cùng, ngài vẫn dứt khoát theo ý của ngài. Sau khi hết lòng yên ủi và trấn an cô trong khả năng của ngài, ngài rời họ để đi chuẩn bị các bổn đạo mừng lễ Giáng Sinh mà người ta sẽ cử hành ngày hôm sau đó. Ngài làm lễ Nửa Đêm trong một nhà thờ chật ních người, chẳng những là kẻ bình dân mà ngay đến nhiều kẻ thế giá cũng lãnh nhận các bí tích như những người khác. Ngài làm lễ Rạng Đông chỗ người Nhật[1][18], và ngài đi làm lễ Ban Ngày ở một nơi khác khá xa, chỗ ấy người ta cũng trông chờ ngài với một lòng nhiệt thành như vậy».
Sang năm 1675, thừa sai De Courtaulin lại viết về Xiêm La cho đức cha Lambert de la Motte rằng[1][19] :
«Năm 1675
Từ lá thư sau cùng mà con hân hạnh viết cho đức cha hồi con ở Quảng Nghĩa, vào quãng ngày mồng 7 hay mồng 8 tháng chạp năm 1674, con ở nhà thày giảng Tiệc[1][20], nói ngay ra, là thày giảng duy nhất ở xứ Đàng Trong và làm nghĩa vụ thày giảng. Ở đó, con rất bận việc vào chiều thứ bảy và ngày thứ bảy sau đó.
Trong khoảng thời gian này, con thăm lại nhà dòng các thiếu nữ tại Bô Tay[1][21], chỗ nhà ông Tô-me Dạ[1][22]. Con vào nhà dòng và bảo đọc bản luật mà đức cha đã lập nên ở đó. Con hỏi thăm bà bề trên và các chị em xem tất cả mọi điểm có được tuân giữ chính xác chăng. Con không thể hiểu rõ chút nào. Con hay lén vào nhà thờ, ba hoặc bốn lần con nghe được những tiếng cười kém phẩm cách; mặt khác, việc nguyện ngắm của họ rất vắn gọn, mà nói cho ngay ra, chỉ là một bài đọc đơn giản về đề tài suy niệm. Hỏi họ về những sự đạo đức, con để ý thấy là cả một sự mù mờ thật lớn. Tất cả sự ấy, lại thêm vào những lời nài xin da diết và phiền toái của bà bề trên với con cho được ra khỏi nhà dòng khiến con đâm nghi ngờ về cái bê bối nào đó trong nhà dòng này. Sự này làm con phải tăng gấp đôi lời cầu xin cùng Thiên Chúa soi sáng tâm trí con cho được khám ra tất cả sự dữ và đem thuốc chữa thích hợp lại.
Thiên Chúa đã nhận lời con xin : con sau đã khám phá ra rằng nhà dòng này đang ở bên bờ vực sâu. Việc nguyện ngắm và tĩnh tâm chỉ làm cho có làm. Người ta ở đây đã gần như quên hẳn những hiến chương của đức cha (đã ra); chẳng còn làm việc đền tội; chỉ nghe những lời phàm tục, những tiếng cười lanh lảnh và vô đức vô hạnh; đàn ông con trai vào ra khi nào họ thích. Và ngay cả bà bề trên còn báo cho con hay rằng các ông giải trí vui đùa với các chị em đến độ sờ mó cả vào tay vào chân của các chị em, điều đó ở xứ Đàng Trong này là thứ gợi đầu đưa ngay tới chuyện dâm dật hoàn toàn. Sự này con chỉ được bà bề trên thú ra sau bốn hay năm ngày làm việc và canh thức cầu nguyện. Cái tệ hại hơn cả là chẳng còn sự tùng phục hay vâng lời nào đối với bà bề trên.
Với các sự xấu xa này, con tin là Thiên Chúa đòi con phải khởi sự chữa chạy cái xấu sau cùng này là nguồn ngọn mọi sự xấu khác. Con nhìn ra, qua các lần nói chuyện thường xuyên với bà bề trên, rằng sự thực bà ta là người kém hiểu biết và mộc mạc thô kệch, tuy là một tâm hồn được kém chọn : lòng kính sợ Thiên Chúa, một đức vâng lời triệt để, một đức khiêm nhượng và bác ái không thể so bì nổi, đã làm bà nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa đến độ bà thành kẻ đáng khinh đáng dể đối với chính mình bà cũng như đối với các chị em.
Con bắt đầu bằng việc yêu cầu bà cho con vài ngày để xem con sẽ cho phép bà rời khỏi nhà dòng hay không. Điều này đã khiến các chị em sợ hãi, bởi vì các chị em dù coi thường bà, nhưng trong lòng vẫn không ngừng thương mến bà vì bà như một mẹ hiền cho các con ăn, lo việc nhà cửa và hình như đối xử quá tốt với các chị em nữa. Đã biết chuyện ấy, con đẩy thêm bánh xe và bảo bà rằng con sắp sửa cho bà đi khỏi dòng, nhưng con phải hỏi ý kiến các chị em. Con bảo các chị em tới, người này đến người kia. Tất cả đều tha thiết nài xin con giữ bà ở lại.
Làm chuyện ấy xong, con gọi bà bề trên lại và cấm bà từ rầy sắp đi được đề cập tới việc ra đi nữa. Con cho bà hay là sau sự biểu lộ tỏ tường ý muốn của Chúa như thế, bà ta không thể ra đi mà không phạm tội, rằng đức giám mục của bà đã đặt bà lên làm bề trên sau khi các chị em đã chọn lựa bà. Con muốn các chị em vâng lời bà và kẻ đầu tiên không vâng phục bà trong điều quan hệ, con sẽ đuổi ra khỏi nhà dòng. Các chị em đã hứa với con điều ấy.
Sau đó, con lấy riêng từng người một ra và bảo cho họ biết những bê bối cùng tình trạng thảm thương của nhà dòng và án phạt của Thiên Chúa rất nặng nề đối với những ai lợi dụng ơn Ngài ban cho. Các chị em ăn năn thống hối, xưng tội chung, còn đâm ra bối rối và lo sợ vì đã gây sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Các chị em lấy mất của con một giây lưng bằng thép, vốn của cha Hainques xưa, mà con tình cờ tìm thấy ở đó. Họ làm việc đánh tội và làm vui lòng con bằng những tư cách lành thánh của họ. Đồng thời, con cho làm một cánh cửa bền tốt mà con yêu cầu họ luôn luôn phải đóng chặt. Con ra lệnh cho họ phải đọc, mỗi mười lăm ngày, các quy luật mà đức cha đã để lại đó cùng một nửa giờ cầu nguyện mỗi ngày.
Từ chỗ đó, con sang chỗ nhà bà Khí[1][23], gặp được năm chị em đồng trinh mà Thiên Chúa quan phòng vừa đáng ngợi khen vừa đầy tình thương yêu đã ngăn cách họ với nhà dòng nọ hầu gìn giữ họ trong sự trong trắng. Bởi chưng, nói thật ra, đem so sánh với các chị em khác, họ như năm trinh nữ khôn ngoan cầm đèn sáng sẵn sàng trên tay. Em gái của Gio-a-kim đang ở bên Xiêm La là một trong số cách chị em này và là một nữ anh hùng trong lòng nhiệt thành. Một bà goá từ mười năm nay vốn làm gương sáng nhân đức hiếm thấy sẽ đến nhập đoàn với họ vào khoảng dịp Phục Sinh nếu bà ta cứ tiếp tục như bà đã khởi sự. Những việc đền tội, những sự chay tịnh và lòng thanh sạch nơi những tâm hồn này thật là đáng ca tụng. Hồi trước, các chị em này còn làm việc đánh tội tới ba lần một đêm. Họ ăn chay ba ngày mỗi tuần; chẳng có bề trên, nhưng lòng bác ái và sự đoàn kết giữa các chị em đã thay thế cho sự ấy. Sau khi sửa chữa một vài khuyết điểm nhỏ chẳng đáng gì, con để các chị em lại trong niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ làm họ nên những tâm hồn đặc tuyển. Con đã cẩn thận giữ miệng chẳng hề khuyến khích họ đến nhà dòng lớn.
Con đã cấm các chị em được ra khỏi nhà mà không có phép rõ ràng của bà Khi là một phụ nữ thánh thiện và là người giúp đỡ chị em về vật chất.
Con trở lại xem các chị em bên nhà dòng lớn. Bà bề trên lại nài van con cho được rời nhà dòng ra đi. Người ta hẳn đã coi thường bà ta nhiều lắm mới khiến bà nài xin con như vậy, dù những chống đỡ mà con đã làm ra cho bà ta. Con tin chắc trong lòng là phần lớn những chị em vâng lời bà một cách chân thành. Bởi vậy con ép bà ta phải cho con biết ai là kẻ đã gây nên chuyện bê bối này. Nhưng con chẳng nắm được điều gì, nơi bà cũng như nơi chị em khác.
Con xử sự với họ thật khắc nghiệt và nói với bà bề trên rằng ngay sau khi lễ xong, bà đi thu dọn đồ đạc, rằng chẳng có giám mục hay các thừa sai của giám mục sẽ nhận lo cái nhà dòng này. Và vì các chị em chẳng muốn có lề luật nào khác hơn là ý riêng của họ, thì các chị em hãy đi theo bà ta. Con trở gót thật buồn bã nên một chị em sốt mến nhất xin gặp riêng con mà cho con biết tên những kẻ làm ra tất cả sự bê bối này. Con trả những kẻ ấy về nhà cha mẹ họ cho đến khi nào họ sửa đổi lại. Có hai chị em vâng lời; nhưng ở được vài ngày với các chị em đồng trinh bên bà Khi, họ tự động trở lại và vào lại nhà dòng. Ông cha[1][24] đã cho con hay chuyện ấy ở Hội An, điều khiến con buồn lòng, vì thấy những sự diễn ra sau đó mà con đã lo sợ việc pha lẫn men ấy với bột tinh tuyền».
Qua những lời sau cùng trên, thừa sai De Courtaulin có vẻ hối tiếc đã để «con sâu làm rầu nồi canh», vì không ngăn cách được hai nữ tu xấu nết khỏi nhà dòng mà bà bề trên là người đạo đức thánh thiện song quá đơn sơ chất phác. Trong bối cảnh hồi đó, việc bách đạo có thể xảy ra từ một nguyên cớ rất nhỏ mọn, mà các linh mục thừa sai chẳng nhiều lại cứ phải chạy đây chạy đó, thật không dễ giải quyết được những phức tạp kiểu này nơi một nhà dòng chập chững hình thành. Chốn thanh liêu an tịnh của một tu viện trên trần gian cũng là nơi cỏ lùng mọc chen vào lúa mạch. Cắt cỏ thì ngại chạm lúa, rút cây thì sợ chạm rừng. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản