Hoạt động thứ ba và cũng là hoạt động chót của Đức Thánh cha Phanxicô trong ngày đầu tiên tại Hy Lạp, là cuộc gặp gỡ của ngài tại nhà thờ chính tòa thánh Dionigi của Công giáo ở thủ đô Athènes với các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên, vào lúc quá 5 giờ chiều.
Thánh Dionigi, hay Denis, là người đã trở lại sau bài thuyết trình của thánh Phaolô tại Athènes và trở thành giám mục đầu tiên tại đây. Thánh đường này được Đức Piô IX nâng lên hàng Tiểu Vương cung Thánh đường hồi năm 1877, và là nhà thờ Công giáo đầu tiên và cuối cùng của Giáo hội Công giáo tại Hy Lạp.
Trước thánh đường có một nhóm đông đảo các trẻ em cầm cờ Tòa Thánh và Hy Lạp chào đón Đức Thánh cha khi ngài đến đây.
Mở đầu buổi gặp gỡ, trước sự hiện diện của hơn 100 người, Đức cha Rossolatos, nguyên Tổng giám mục giáo phận Athènes, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hy Lạp đã chào mừng Đức Thánh cha, rồi mọi người cùng nghe chứng từ của một nữ tu dòng Ngôi Lời nhập thể và một giáo dân.
Huấn từ của Đức Thánh cha
Trong huấn từ của mình, Đức Thánh cha đã đi từ trình thuật của Tông đồ Công vụ về việc thánh Phaolô diễn thuyết tại đồi Aeropa, thành Athènes (Cv 17,16-34), vốn là nơi hội họp của các kỳ lão và hiền triết để nêu bật hai thái độ của thánh Tông đồ như bài học cho các tín hữu:
Lòng tín thác
Thái độ trước tiên là lòng tín thác. Thánh Phaolô bị các triết gia dồn vào ngõ bí. Trước đó, tại thành Thessalonica, ngài cũng đã bị cản trở trong việc rao giảng, như những vụ xáo trộn do những đối thủ của ngài xách động. Nay tại thành Athènes, thánh nhân bị các triết gia coi là “lang băm” nhưng ngài vẫn không nản chí.
Đức Thánh cha nói: “Có lẽ rất nhiều lúc trong hành trình của chúng ta, chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi và đôi khi bất mãn vì chỉ là một cộng đoàn bé nhỏ, hoặc một Giáo hội ít có sức mạnh phải bước đi trong một bối cảnh không luôn luôn thuận lời. Suy nghĩ về chuyện thánh Phaolô tại Athènes: thánh nhân bị lẻ loi, là thiểu số, ít được ưa chuộng và ít có cơ may thành công, nhưng ngài không để mình bị nản chí đè bẹp, không từ bỏ sứ vụ, không để mình bị cám dỗ than vãn. Thái độ của tông đồ chân thực là tiến bước trong tin tưởng, ưa thích sự bất an do những tình trạng bất ngờ hơn là cái nhàm chán của tập quán và sự lập đi lập lại. Thánh Phaolô đã có can đảm, lòng can đảm xuất phát từ sự tín thác nơi Thiên Chúa, nơi sự cao cả của Chúa, Đấng thích hoạt động trong sự bé nhỏ của chúng ta.
“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tín thác vì tình trạng mình là một Giáo hội bé nhỏ, biến chúng ta thành một dấu chỉ hùng hồn của Tin mừng, của vị Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo, Chúa Giêsu đã chọn những người bé nhỏ và nghèo hèn, đã thay đổi lịch sử bằng những cử chỉ đơn sơ của những người khiêm hạ. Trong tư cách là Giáo hội, chúng ta không được yêu cầu có tinh thần chinh phục và chiến thắng, với những con số to lớn, sự sáng ngời trần tục. Tất cả những thứ ấy là nguy hiểm. Đó là cám dỗ của sự hiếu thắng. Chúng ta được yêu cầu bắt đầu từ hạt cải bé nhỏ, nhưng tăng trường từ từ trong sự khiêm tốn. Chúng ta được yêu cầu trở thành men, làm dậy lên đấu bột thế giới trong sự âm thầm kiên nhẫn, nhờ hoạt động không ngừng của Thánh Linh.
Đón nhận
Thái độ thứ hai của thánh Phaolô tại Athènes là sự đón tiếp. Đây là thái độ nội tâm cần thiết để loan báo Tin mừng: không muốn chiếm không gian và cuộc sống của người khác, nhưng gieo vãi Tin mừng trong thửa đất của cuộc sống, nhất là học cách đón nhận những hạt giống Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn của họ trước khi chúng ta đến… Loan báo Tin mừng không phải là làm đầy một bình chứa trống rỗng, nhưng đúng hơn là mang ra ánh sáng điều mà Chúa đã bắt đầu thực hiện. Đó là điều thánh Phaolô đã chứng tỏ tại thành Athènes: ngài nhìn nhận phẩm giá của những người đối thoại, đã đón nhận ước muốn Thiên Chúa ở nơi tâm hồn những người đối thoại và với sự tử tế dịu dàng, ngài muốn mang cho họ sự kinh ngạc của đức tin. Cách thức của ngài là không áp đặt, nhưng đề nghị. Không dựa trên sự chiêu dụ tín đồ, nhưng trên sự hiền lành dịu dàng của Chúa Giêsu.
Và Đức Thánh cha nói rằng: “Cả chúng ta ngày nay cũng được yêu cầu có thái độ đón tiếp, một tâm hồn được linh hoạt với ước muốn kiến tạo tình hiệp thông giữa những khác biệt về nhân bản, văn hóa, tôn giáo. Thách đố ở đây là khai triển sự say mê đối với sự cùng nhau, dẫn đưa chúng ta, các tín hữu Công giáo, Chính thống và những anh chị em thuộc các tín ngưỡng khác, lắng nghe nhau, cùng mơ ước và làm việc, vun trồng một “thần bí học” về tình huynh đệ (EV 87). Lịch sử quá khứ vẫn còn là một vết thương mở trên con đường đối thoại đón tiếp, nhưng chúng ta hãy can đảm chấp nhận thách đố của ngày hôm nay!
Sau huấn từ của Đức Thánh cha, mọi người đọc kinh Lạy Cha và Đức Thánh cha ban phép lành kết thúc. Tiếp đó, khi về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, Đức Thánh cha gặp riêng các tu sĩ dòng Tên trước khi dùng bữa tối và nghỉ đêm.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org