DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC
Chương Bảy
Mến Thánh Giá cuối thế kỷ 17 tại Đàng Ngoài
Địa phận Đàng Ngoài, từ những năm 1679, đã được chia ra làm hai địa phận : địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) do đức cha De Bourges (hiệu toà Auren) cai quản, và địa phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) do đức cha Deydier (hiệu toà Ascalon) chăm sóc. Sau ngày đức cha Deydier mất đi vì bệnh suyễn (1.7.1693), địa phận Đông Đàng Ngoài được trao phó cho các thừa sai dòng Đa Minh trông coi.[1][1]
Dưới quyền các giám mục và bên cạnh một vài thừa sai Tây phương, các linh mục và các thày giảng Việt Nam đã tạo nên một mạng lưới tông đồ tích cực cho Giáo Hội tại Đàng Ngoài trong việc sống còn và phát triển. Song song đó, dòng nữ Mến Thánh Giá vẫn lặng lẽ đâm rễ sâu trong lòng một cộng đồng tín hữu không ngừng bị vua quan bóc lột, bắt bớ và hãm hại.
Một vài mẫu chuyện góp nhặt được trình bày sau đây sẽ dệt nên như một tấm thảm, cho chúng ta được cái nhìn tổng quát về sự phát triển của dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài như thế nào.
1681 : Hỏi cưới người nhà dòng[1][2]
Câu chuyện sau nằm trong bản tường trình sứ vụ rao giảng tại Đàng Ngoài năm 1681, (12.1680 – 12.1681). Chuyện kể rằng :
«Trong làng gọi là Trân Linh, một bổn đạo tên là Gio-a-kim đã có ý cưới cho một trong các cậu con trai mình một thiếu nữ đã vào nhà các chị em Mến Thánh Giá vì ước ao dâng mình cho Chúa. Cha mẹ đôi bên trai và gái đã quyết định đám cưới này trái với ý muốn của người con gái. Họ làm áp lực cô ta bằng những lời ngọt ngào và dọa dẫm bắt nàng phải rời nhà dòng mà nhận lấy phần mà họ đã định cho nàng. Người con gái vẫn giữ lòng cương quyết và làm ngơ làm điếc trước những gì cha mẹ nàng có thể nói được. Cha của người con trai vì cho là người con gái này cứng đầu từ chối con trai của ông, nên nổi giận đích thân đến nhà các chị em Mến Thánh Giá. Ông xử thẳng với bà bề trên mà ông nghĩ là do bà mà người con gái ấy chẳng muốn lập gia đình. Ông chửi bới bà bề trên cũng như toàn thể cộng đoàn mà thốt ra miệng lưỡi tất cả những gì sôi sục trong lòng ông ta.
Vì cơn ngược ngạo và những vu khống của mình, ông chẳng được yên lâu dài mà không bị trừng phạt. Ba ngày sau đó, ông ta trở thành mù loà và nhìn nhận rằng đó là một hình phạt rất đúng vì những thái độ của ông. Ông xin dẫn đến nhà các chị em Mến Thánh Giá, khiêm tốn xin lỗi bà bề trên và tất cả các dì[1][3] vì những lời chửi bới và cáo gian mà ông đã thốt ra chống lại các chị em, cùng van nài các chị em khẩn nguyện với Chúa tha thứ cho ông. Ông tuyên bố rằng sẽ không bao giờ còn kháng cự lại ý định của những kẻ ao ước dâng mình cho Thiên Chúa nữa.
Sự trừng phạt trên đã làm gương cho những kẻ có đạo khác».
1682 : Nhà dòng Kiên lao[1][4]
«Ngày 19 tháng Giêng, đức Đại diện tông toà[1][5] thăm viếng cộng đoàn các Dì Mến Thánh Giá (tại Kiên Lao). Ngài dẫn theo ngài các thày chủng sinh và hai ông trùm chánh của xứ đạo này. Ngài cho họp lại trong nhà nguyện của các chị em, nằm ngay lối vào nhà dòng; và sau kinh chiều, ngài xem xét tất cả các chị em, người này đến người nọ, lắng nghe các khó khăn họ đưa ra. Ngài ghi chú ngay tại chỗ những sự đáng được chuẩn xét hầu luật lệ (nhà dòng) được tuân giữ chu đáo hơn.
Sau chuyện trên, ngài giải tội cho tất cả chị em và khuyến khích họ chớ hề sao nhãng một việc đạo đức nhỏ mọn nào, cho dù thời kỳ thật khó khăn vì nạn đói lớn trong toàn vương quốc. Ngài còn đặt lên một «chị đốc đạo»[1][6]. Chị này, ngoài chị bề trên và chị phụ tá bề trên ra, sẽ phải lo lên tiếng cảnh tỉnh về việc giữ luật nhà mỗi khi chị ấy thấy là các chị em lơ là mà lo đi kiếm những sự cần thiết cho đời sống[1][7].
Ngài dâng Thánh lễ cho các chị em. Và vì gặp trúng bài Phúc Âm người đàn bà xứ Cananêa, ngài giảng một bài khích lệ về phương cách cầu nguyện, trong khi đó các thiếu nữ đáng thương cứ khóc lóc cả như mưa. Sau ấy, ngài cho các chị em rước lễ.[1][8]
Lúc lui chân, ngài gửi cho các chị em phần của dâng cúng mà các bổn đạo đã thực hiện trong thời gian ngài ở giáo xứ nói trên, để nâng đỡ các chị em trong sự cần thiết của họ. Ngài còn xin các bổn đạo hãy giúp đỡ các chị em, điều mà chẳng những họ làm cho sự ăn uống của các chị em, mà còn dựng lại nhà cho các chị em nữa, là điều thực cần thiết».
1682-1683 : Đức cha Deydier
Sau khi thừa sai De Bourges sang Xiêm La (1.1682) để được tấn phong giám mục, thừa sai Deydier đi thăm viếng các họ đạo và ghé lại yên ủi các chị em Mến Thánh Giá tại làng Van-no[1][9]. Năm sau, vào tháng Giêng 1683, thừa sai Deydier được thụ phong giám mục qua một thánh lễ do đức cha De Bourges cử hành trong ngôi nhà riêng của các ngài tại Phố Hiến. Đức cha De Bourges viết thư cho cha Fermanel ở Paris báo tin rằng : «Phải chấm dứt (lá thư) mà nói với cha một lời sẽ làm cha ngạc nhiên, rằng lễ tấn phong người bạn thân yêu và là người đồng nghiệp bất khả phân ly của chúng tôi, Đức cha Ascalon, đã diễn ra trong nhà bếp của chúng tôi. Đã có bao giờ cha nghe nói một nghi lễ như vậy lại được cử hành trong một nơi như thế chăng ? Tuy nhiên, cái nghiệt ngã mà chúng tôi đang gặp trong xứ này đã thu hẹp chúng tôi vào đấy…»[1][10]
1684 : Xứ Kiên Lao và xứ Kẻ Riên
Xứ Nghệ An là xứ nhiều bổn đạo, làng Kiên Lao là nơi được các giám mục chọn để dựng tiểu chủng viện vào năm 1683. Hai thừa sai Sarrante và Delavigne[1][11] lo việc dạy dỗ các học trò. Nhà Mến Thánh Giá Kiên Lao quy tụ tới 16 chị em mà trong kỳ bắt đạo năm 1684, «bà Mẹ đã khôn ngoan cho tất cả chị em phân tán đi trước vào những nơi an toàn và bầy biện nhà dòng chẳng có chi đặc biệt hơn là một căn nhà riêng của bà».[1][12]
Trong khi đó ở xứ Kẻ Riên, nhà thờ thì do ông lang y tên thánh là Phaolô xây dựng dâng cúng cho bổn đạo.
Đã từ 10 đến 12 năm nay, vợ chồng ông sống trong đức khiết tịnh : «Vợ ông làm nhà riêng mà nuôi dạy một vài thiếu nữ theo các nghĩa vụ của chị em Mến Thánh Giá». Trong cơn bách đạo, tên chỉ điểm tìm đến nhà các thiếu nữ đồng trinh này, nhưng các cô đã trốn đi từ trước rồi. Chỉ còn xót lại hai quyển sách đạo mà các cô làm rơi trong lúc vội vàng. Ông lang Phaolô bị bắt vì người ta tưởng ông là linh mục, nhưng sau rồi cũng được tha về.[1][13]
1683-1684 : Can đảm đi tu[1][14]
«Đức Đại diện tông toà gặp một thiếu nữ tuổi 22. Lòng trung kiên giữ đạo và giữ đức khiết tịnh của nàng đáng ca ngợi quá đến không thể để nàng vào sự im lặng được.
Cô gái này gốc người xứ Đông (tức Hải Dương), thuộc làng Kẻ Giao. Cha và mẹ và cả họ hàng nàng vẫn còn ngoại đạo. Làm bạn với vài thiếu nữ Công giáo và học được mấy lời kinh cầu nguyện, nàng xin được thụ giáo nhân một ngày cha xứ là người quản nhiệm tỉnh này đi ngang qua chỗ đó; nàng đã tỏ ra nhiều dấu muốn giữ đạo Công giáo nên nàng được rửa tội và được gọi là Anna.
Cha và mẹ nàng lấy cho nàng một ông chồng ngoại đạo mà họ đem về tại nhà họ. Họ thường bảo với con gái của họ rằng họ sẽ cho phép nàng giữ đạo Công giáo nếu nàng thuận tỏ lòng âu yến người con trai ấy; nhưng Anna luôn luôn trả lời rằng nàng không muốn nhượng theo ý ấy của cha mẹ nàng.
Một bữa nọ, cha nàng đã mệt mỏi trong những đường dịu ngọt, bèn trói hai tay nàng vào một cây cột nhà mình và đánh nàng cả hai chục cây gậy trên lưng. Ông ta hẳn sẽ đánh nàng chết mất nếu chẳng có các người hàng xóm chạy đến mà giật lấy cây gậy trong tay ông. Cô gái đáng thương chỉ chịu 5 hoặc 6 gậy đầu tiên. Sau đó, nàng bị bất tỉnh nhân sự và có lẽ chẳng thể nào tỉnh dậy được nếu như không được một chị em họ hàng chăm sóc mà cho nhiều thuốc thang cùng lo chạy chữa các vết thương của nàng, mặc ý của cha nàng là muốn người ta để kệ cho nàng chết đi. Người ta phải khó nhọc lắm mới cản được ông ta đừng đánh gẫy chân nàng để nàng khỏi đi với chúng bạn Công giáo tìm các cha bên đạo mà dự các nghi lễ.
Một vài tháng sau, Anna bình phục; cha nàng ngày kia có sự khó ở khác : thấy con gái mình chẳng tỏ lòng yêu thương đứa con trai, ông quyết tâm phải làm cho nàng nhận chuyện cưới gả hay đánh cho nàng đến chết. Ông cầm trong tay một cái chầy và bắt đầu đánh đập nàng rất tàn bạo. Đến cái thứ tư, nàng bị ngã ngửa ra. Thấy tính khí cha mình sẽ khiến ông đi đến cùng lời ông đã nói mà đánh nàng cho đến chết, nàng bèn nói ra là nàng sẽ làm như cha nàng muốn, cho dù nàng chẳng nghĩ tới chuyện gì, lại càng không nghĩ đến chuyện cưới người ngoại đạo đó. Nàng chỉ nghĩ một điều là làm tất cả những gì cha nàng muốn mà không trái với điều nàng tin là Thiên Chúa đòi hỏi nơi nàng. Bởi vì lúc đó nàng quyết định trốn khỏi nhà cha mẹ nàng. Quả vậy, nàng chẳng chờ chữa chạy cho mình khỏi hoàn toàn : không thể trốn đi vào ban ngày bởi cha mẹ nàng thường xuyên canh chừng, nàng trốn đi vào ban đêm. Người ta đuổi theo sau nhưng không bắt lại được nàng, vì nàng bơi qua một nhánh sông rất lớn, điều mà cha mẹ nàng không thể nào tưởng tượng được.
Nàng đi tìm đến những người có đạo quen biết; họ dẫn nàng sang xứ Nam (tức Nam Định). Đức Đại diện tông toà, sau khi đã xem xét nàng và đã thấy nhiều dấu tốt đẹp về ơn gọi của nàng, giao nàng cho bà bề trên một Nhà Mến Thánh Giá. Và hiện tại, lúc chúng tôi viết sự này, thì đã được 20 tháng rồi, người con gái tốt lành đó vẫn trung kiên, giữ các nghĩa vụ như những chị em Mến Thánh Giá».
1683-1684 : Sống như nữ tu
Vào quãng năm 1683-1684, thừa sai Sarrante[1][15] được sai đi Nghệ An.
«Trong thời gian ngắn ngủi thừa sai Sarrante ở tại tỉnh này, ngài chỉ thăm viếng được ba nhà thờ Kẻ Hương Khê, Bút Cang và Kẻ Trầu.
Ngài đã viết rằng trong xứ Kẻ Hương Khê, ngài gặp được 9 hay 10 phụ nữ và thiếu nữ không giống như các bổn đạo. Thực vậy, mặc dầu chị em không sống thành cộng đoàn và dưới cùng một mái nhà, như các chị em Mến Thánh Giá, nhưng họ thường hay hội họp nhau lại hơn tất cả những bổn đạo khác để làm việc đạo đức; và mặc dầu họ bận bịu công việc buôn bán mọi thứ hàng hoá khác nhau, nhưng hình như họ chỉ lao nhọc để làm việc bác ái nhờ lợi nhuận trong việc buôn bán.
Và tại Kẻ Trầu, ngài xác nhận là có gặp độ ba chục người và nhiều người còn hơn cả lời bên Pháp người ta thường gọi là những kẻ tận tâm tận tình nữa».[1][16]
1685 : Gia đình linh mục Philiphê Trà[1][17]
Câu chuyện sau là chuyện gia đình của một linh mục Việt Nam thế hệ đầu tiên : cha Philiphê Văn Trà (1639-1685). Lúc thừa sai François Deydier đến Đàng Ngoài năm 1666, ngài còn là một thày giảng «trẻ». Ngài giỏi Hán văn và học chữ quốc ngữ rất mau, (vì phải học chữ quốc ngữ để còn đọc được tiếng la tinh mà làm lễ). Năm 1677, lúc 38 tuổi, ngài được thừa sai Deydier gửi sang Xiêm La để chịu chức linh mục từ tay đức cha Lambert de la Motte. Cùng năm đó, sau khi trở thành linh mục, ngài trở về phục vụ Giáo Hội Đàng Ngoài cho đến khi qua đời ở Hà Nội ngày 14.6.1685, sau khi chịu các bí tích cuối cùng do đức cha De Bourges ban.
«… Lúc người linh mục tốt lành ấy được nâng lên chức vụ thày giảng, ngài đã bắt đầu ngay trong chính gia đình mình. Ngài khuyên nhủ em trai và chị gái của ngài khéo léo đến độ cả hai khi đến tuổi lập gia đình đã bỏ đời này mà dâng mình cho Chúa.[1][18]
Em trai của ngài tên là Timôthêô đã dâng cúng cái sản nghiệp nhỏ bé của mình dùng để sống cho ba cộng đoàn Mến Thánh Giá được hưởng chung và tự nguyện phó mình trong tay các Đức Đại diện tông toà. Hiện nay, anh vẫn là một trong những đầy tớ trung thành và nhiệt tâm nhất của các ngài.
Chị của ngài, gọi là Têrêsa, đã vào một trong những cộng đoàn các Thiếu nữ Thánh giá[1][19]. Và cho dù sức khỏe chị còn mỏng manh, trong vòng 2 hay 3 năm sau nàng đã được chọn là «chị đốc đạo» của cộng đoàn. Sau cùng, đã ba năm nay chị là bề trên một trong các nhà này và hướng dẫn khôn ngoan 10 hay 12 chị em dưới quyền. Người ta có thể ca tụng rằng gia đình của chị (tức nhà dòng) là nhà khéo tổ chức hơn tất cả, bởi chưng với những bệnh tật của mình, chị có thể được miễn khỏi phần lớn những nghĩa vụ nhọc nhằn, nhưng chính chị lại làm gương cho các chị em về lòng khiêm nhượng và sự hãm mình, (luôn) là người đầu tiên đưa tay vào việc. Vị Đại diện tông toà viết sự này nhìn nhận rằng ngài đầy xấu hổ khi thấy người phụ nữ ấy dự cái chết của người anh yêu dấu mình và chịu lấy với lòng cứng rắn hơn chính ngài».[1][20]
1686-1687 : Mẹ bề trên Paola[1][21]
«Cha Félix Tắn[1][22] đi thăm một vài nhà thờ nằm phía dưới phố Hiến ba hay bốn dặm đàng. Ngài đến một làng tên là Kẻ Bôn. Ngài ở nhà một trong các chức sắc làng là người có đạo; ngài tụ tập bổn đạo tại đó để giải tội và dâng thánh lễ trong đêm hôm ấy…
Khi cha Félix vừa làm xong lễ thì người ta đến đưa tin (bắt đạo) cho ngài hay. Trước hết, ngài thu dọn đồ lễ và cho chuyển từng ít một ra khỏi làng, cùng trao phó cho một bà thuộc giới triều đình, tên là bà Paola… Bà hứa với cha Félix sẽ lo lắng cẩn thận. Bà khuyên cha vì sự an toàn cho mình, hãy trốn sang một làng khác…[1][23]
Bà Paola, thấy cha Félix ra đi rồi, liền xuống một chiếc thuyền lớn với Mẹ Paola là bà bề trên chính của các nữ tu Mến Thánh Giá. Từ mấy hôm trước, bà bề trên đã tới làng này để mua gạo dự trữ cho gia đình mình và mấy người khác cùng theo bà. Ngay khi bà xuống thuyền và với tư cách chủ nhân, bà muốn hỏi xem sự thay đổi mà bà trông thấy ở trên thuyền, thì ông hương trưởng đã chồm lấy bà, túm tóc bà, đối xử với bà một cách bất xứng và gọi bà là vợ tên đầu xỏ bọn cướp bóc này. Sự thể như vậy cho dù tên đáng thương ấy đã khám xét cả thuyền và chẳng gặp một thứ hàng hóa nào, chỉ thấy độ 8.000 hay 10.000 đồng tiền, gạo đủ ăn cho quãng mười lăm ngày và nhiều đồ đạc thuộc về trong đạo công giáo…»
Sau đó, bà Paola và Mẹ Paola liền bị bắt trói và bị giải đi lên quan. Ba chiếc thuyền – hai của cha Félix và một của Mẹ Paola – bị tịch thu. Số người bị bắt giữ hôm đó là 15 người.
Theo xét xử của quan, bà Paola và Mẹ Paola sẽ phải chịu mỗi người là 30 ngọn đòn :
«Thiên Chúa lúc đó ban cho bà (Paola) và cho Mẹ Paola một lòng ao ước nồng nhiệt và một lòng kiên nhẫn thánh thiện hòng chịu đau khổ chút nào đó cho tình yêu của Ngài». Mọi người bị dẫn ra chợ Phố Hiến đông người :
«Bà Paola và Mẹ Paola là những người đầu tiên bị đánh đòn, vẫn giữ nguyên y phục thường mặc theo như phong tục. Người ta đánh có hơi nhẹ tay một chút, hoặc vì lưu ý họ là phái nữ, hoặc vì bà Paola là người rất bề thế mà không phải là không nguyên cớ, vì bà là dòng dõi gia đình xưa của các vua. Và (còn vì) Mẹ Paola rất đáng kính với mái tóc đã bạc trắng…».
Trước đám quan quân đang cười nhạo đạo Chúa Giêsu, «Mẹ Paola dù bị quỳ gối trước bọn chúng, đã nghiêm trang nói với chúng :
«Xin các ông chớ có cười nhạo những mầu nhiệm này mà các ông không biết gì, sợ rằng một ngày nào đó những tiếng cười cợt của các ông sẽ hoá thành những tiếng than khóc vô tận. Hãy nhớ rằng linh hồn các ông khi ra khỏi xác sẽ đầy tràn sự sợ hãi khiếp đảm hơn tôi trước các ông đây, tại toà phán xét kinh khủng của Chúa Giêsu Kitô mà giờ đây các ông đang chế nhạo. Bởi thế, các ông chớ có chế nhạo, vì chắc chắn các ông sẽ ăn năn hối hận một ngày nào đó, nhưng có thể sẽ thực vô ích cho nỗi bất hạnh của các ông».
Các quan xét khảo dọa nạt bà… Bà phải cúi sát đất và đưa hai vai cho chúng mà hứng chịu những ngọn đòn. Bà nói :
«Các ông thực có thể làm cho tôi chết được vì những đòn vọt, và chẳng cần nhiều chi để tôi kết thúc một chút ngày còn lại trong đời tôi, nhưng các ông sẽ chẳng sao ngăn cản được tôi đứng vững vàng trong chân lý».
Bản tường trình cuộc bách hại kể tiếp rằng : «Các Đại diện tông toà (hai đức cha Deydier và De Bourges) hay được mọi sự xảy ra tại Phố Hiến nhờ cha Bélot[1][24] đã mau mắn viết thư cho các ngài. Các ngài nghĩ rằng các việc tôn giáo đang gặp gian nan lớn và bản thân các ngài gặp nguy hiểm nên sau khi cho cất giấu vào nơi kín đáo mọi sách lễ và phẩm phục của mình liền rời ngôi nhà ông Raphael de Rhodes là nơi các ngài thường cư trú mỗi khi đến kinh đô. Các ngài e ngại sẽ gây phiền hà cho ông già tốt lành ấy và bà vợ của ông nay đã 76 tuổi và họ chẳng có đứa con nào[1][25]. Các ngài rút đi bằng thuyền với duy nhất một quyển sách nguyện, một mình buồn khổ vì tai ương có vẻ sẽ đổ xuống trên đầu các ngài.
Nhưng Thiên Chúa nhân lành đã xót thương đến cái Giáo Hội tội nghiệp này nên Ngài khiến quan trấn phải bận nhiều chuyện khác hơn…».
1686-1687 : Mẹ Têrêsa và Mẹ Phanxica
Antôn Trịnh Tài xưa vốn là thày giảng của cha dòng Tên Fuciti[1][26], nhưng sau bị ngài đuổi ra khỏi hàng thày giảng vì kém đức hạnh. Hắn bỏ Giáo Hội và đi làm chỉ điểm cho quan quyền bách đạo.
«Một bữa kia, hắn vào nhà các chị em Mến Thánh Giá làng Trà Lũ. Mẹ bề trên Têrêsa đối xử lịch thiệp với hắn, mời hắn trầu cau là thứ xử dụng ở Đàng Ngoài như dấu tôn trọng và kính mến. Nhưng một trong các vị chức sắc của làng đã nhìn thấy hắn vào trong nhà đó, cho dù ông là người ngoại đạo song vì kính nể Mẹ Têrêsa và các thiếu nữ tốt lành của bà, nên đã theo chân hắn và hỏi hắn có chuyện gì phải làm trong nhà các bà. Hắn đáng bị lột hết quần áo và bị đưa ra khỏi làng. Hắn muốn bào chữa, nhưng ông ngoại đạo bảo hắn : «Nếu anh có quyền hành của quan tỉnh thì anh hãy cho xem để chúng tôi còn tỏ lòng kính trọng và vâng phục đối với quan như chúng tôi phải giữ; nhưng nếu anh chẳng có thì anh đáng bị chúng tôi đập đòn cho nhừ tử và quẳng xuống sông». Chuyện ấy buộc hắn phải rời khỏi không những nhà các thiếu nữ tốt lành mà ngay cả khỏi làng nữa. Hắn ra đi mà cương quyết sẽ đến xin quan những quyền hành cần có để bắt giữ những kẻ có đạo».
Sau đó, cũng vì sự chỉ dẫn của Antôn Trịnh Tài mà quan cho 15 lính đến xứ Trôn Linh [Trung Linh] mà thu lấy nhiều đồ dùng của các cha cùng các đồ thờ phượng. «Tiếp đó, chúng vào một nhà các nữ tu Mến Thánh Giá mà chúng chỉ gặp bà bề trên Phanxica với một phụ nữ lớn tuổi khác, bởi vì bà bề trên đã cho các chị em di tản ngay khi bà vừa nghe tin đồn có lính tráng đến».[1][27]
1691 : Khi vua nổi giận
«Vào cuối tháng tám năm 1691, hoàng đế xứ Đàng Ngoài[1][28] quyết định cưỡng bức tất cả các phụ nữ có đạo trong hoàng cung của ông phải chối bỏ đạo. Để đạt tới cùng một ý đồ rất đỗi độc dữ, ông nhắn tới trước tiên người đàn bà mà ông yêu thương hơn hết (là em gái của hoàng hậu, vợ thứ nhất của ông), tên gọi là Bà Catarina; thấy bà rất kiên vững trong đức tin của bà, ông liền đuổi bà xa khỏi ông. Nhưng để dọa nạt bà mạnh hơn nữa, ông trù tâm bách hại ba bà khác một cách tàn nhẫn hơn, ba bà này không được ông sủng ái nhiều (như Bà Catarina).
Bà thứ nhất tên là Nympha….[1][29]
Cả ba cô gái này quá sợ hãi lời đe dọa của vua nên ngay từ sáng sớm đã bỏ hoàng cung ra đi. Các bà đến gặp đức cha Auren (tức đức cha De Bourges), xin ngài tìm cho các bà một chỗ náu thân. Đức cha khá hiểu là ngài sẽ rơi vào mối nguy hiểm nào nếu ngài nhận lời van xin của các bà; nhưng phải cứng lòng lắm thì mới bỏ rơi những phụ nữ có đạo trong hoàn cảnh cùng cực mà họ đang phải chịu một cách rất hiên ngang này. (Bởi đó), ban đầu ngài cho dẫn họ vào nhà một bà có đạo trong kinh đô, rồi sau thì vào trong ba nhà khác nhau của các nữ tu Mến Thánh Giá.
Cùng ngày hôm đó, hoàng đế cho người đi tìm các bà trong nhà của đức cha Auren nhiều lần và cho sai nói rằng ông đối xử như vậy với các bà chỉ là để đùa chơi giải trí và rằng các bà có thể quay trở lại hoàng cung mà không phải sợ người ta làm hại chi đến các bà…»[1][30]
Chúng ta không rõ sau này ba phụ nữ nói trên có trở lại hoàng cung chăng, chỉ biết rằng cơn nóng nẩy của nhà vua đã kéo dài khoảng 15 ngày, rồi thôi. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản