Đức Thánh Cha Họp Báo Trên Máy Bay Từ Hy Lạp Về Rôma

Trên chuyến bay dài hai tiếng đồng hồ từ thủ đô Athènes của Hy Lạp về Roma, sáng ngày 06 tháng Mười Hai năm 2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã trả lời một số câu hỏi của các ký giả cùng đi, về một số vấn đề thời sự, như: di dân, tương quan thân hữu với Chính thống, văn kiện của Liên hiệp Âu châu về lễ Giáng sinh, và cả vụ Đức Tổng giám mục Giáo phận Paris từ chức.

Về tương quan với Chính thống Nga, Đức Thánh cha tiết lộ rằng đang có dự án cuộc gặp gỡ lần thứ hai, giữa ngài và Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga. Đức Thánh cha nói: “Một cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill đang ở chân trời không quá xa. Tôi nghĩ rằng tuần tới đây, Đức Tổng giám mục Hilarion (Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của Giáo hội Chính thống Nga) sẽ đến gặp tôi để thỏa thuận về một cuộc gặp gỡ có thể xảy ra. Có lẽ Đức Thượng phụ sẽ đi Phần Lan, và tôi thì sẵn sàng đến Mascơva để đối thoại với một người anh em. Không có thủ tục để đối thoại với một người anh em Chính thống tên là Kirill, Crysostomos (Giáo chủ Chính thống Cipro), Hieronymos (Giáo chủ Chính thống Hy Lạp) …

Về vụ Đức Tổng giám mục Michel Aupetit, Tổng giám mục Paris, từ chức và Đức Thánh cha đã nhận đơn hôm 02 tháng Mười Hai vừa qua, nữ ký giả người Pháp hỏi: tại sao Đức Thánh cha vội vã nhận đơn từ chức như vậy?

Đức Thánh cha cho biết Đức Tổng giám mục là nạn nhân của những vụ “nói xấu nói hành” đến độ không thể tiếp tục cai quản giáo phận nữa. Ngài nói: “Tôi tự hỏi Đức cha ấy đã làm điều gì nặng đến độ phải từ chức? Có ai trả lời được cho tôi, Đức cha đã làm gì? Nếu chúng ta không biết lời cáo buộc thì chúng ta không thể kết án… Trước khi trả lời câu hỏi của bà, tôi nói rằng: ‘Quí vị hãy làm cuộc điều tra đi, vì thật là nguy hiểm khi nói rằng: Đức cha đã bị kết án. Ai kết án? Dư luận, hay là những chuyện tầm phào nói hành nói xấu. Chúng tôi không biết. Nếu quí vị biết thì hãy nói, chẳng vậy tôi không thể trả lời. Và quí vị cũng không biết đó là một sự sai lỗi của Đức cha, một sự thiếu sót nghịch điều răn thứ sáu, vuốt ve bà thư ký, đó là lời cáo buộc. Nhưng đây không phải là một tội nặng, đó là tội nhưng không phải là một trong những tội nặng, vì những tội xác thịt không phải là những tội nặng nhất. Những tội nặng nhất là tội có vẻ là ‘thiên thần’: tội kiêu ngạo, oán ghét.

“Như thế Đức cha Aupetit là người có tội, cũng như tôi là kẻ tội lỗi, và có lẽ cả thánh Phêrô nữa, là vị giám mục mà Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội của Ngài trên đó. Hồi đó, cộng đoàn đã chấp nhận một giám mục tội lỗi, tội chối Chúa Kitô! Ta thấy ngày nay Giáo hội chúng ta không quen có một giám mục tội nhân, chúng ta giả bộ nói rằng giám mục của tôi là một vị thánh… Không phải vậy, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi. Nhưng khi những chuyện nói xấu gia tăng, gia tăng, thì làm mất thanh danh của một người, người ấy không thể cai quản, vì đã mất thanh danh, không phải vì tội của người ấy – cũng như tội thánh Phêrô, hay của tôi – nhưng vì sự nói hành nói xấu của người ta. Vì thế, tôi đã chấp nhận sự từ chức của Đức cha Aupetit, không phải vì Đức cha có tội, nhưng vì sự giả hình của người ta, làm cho Đức cha bị mất thanh danh, không thể tiếp tục cai quản giáo phận nữa.”

Về Phúc trình của Ủy ban Sauvé về những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo hội Công giáo Pháp trong 70 năm qua, Đức Thánh cha cho biết ngài không đọc phúc trình này, và chỉ nghe những bình luận của các giám mục Pháp. Các giám mục Pháp sẽ đến gặp ngài trong tháng này và ngài sẽ yêu cầu các vị giải thích.

Và Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng “cần phải giải thích và thẩm định Phúc trình Sauvé theo quan niệm thời đó, chứ không phải với quan điểm của chúng ta ngày nay. Cũng như với chế độ nô lệ: Ngày nay chúng ta gọi nô lệ là một sự tàn bạo. Những vụ lạm dụng cách đây 70 năm hoặc 100 năm là một sự tàn bạo. Nhưng cách thức người ta sống thời đó khác với ngày nay. Ví dụ, trong trường hợp những vụ lạm dụng, trong Giáo hội thời ấy có thái độ che đậy. Nhưng đó là thái độ người ta còn áp dụng trong phần lớn các gia đình và các khu phố ngày nay. Bây giờ chúng ta nói: không được che đậy những vụ lạm dụng. Nhưng cần luôn giải thích chúng theo thông diễn học (ermeneutica) của thời đó, chứ không phải theo quan niệm thời nay của chúng ta.

Trả lời câu hỏi của một ký giả về văn kiện mới đây của Ủy ban bình quyền của Liên hiệp Âu châu đề nghị bãi bỏ việc dùng từ lễ Giáng sinh và thay thế bằng thành ngữ “lễ cuối năm”, Đức Thánh cha nói đó là một lập trường “lỗi thời”. “Trong lịch sử cũng có nhiều chế độ độc tài tìm cách làm như thế, như Napoléon, hoặc chế độ Đức quốc xã, chế độ cộng sản. Đó là một thứ “chủ trương duy đời” (laicisme) theo kiểu “thuốc viên bọc đường”, đó là điều không ổn trong lịch sử.

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha kêu gọi Liên hiệp Âu châu hãy tôn trọng ý hướng của các vị khởi xướng Liên hiệp và tránh mở đường cho một sự “thực dân hóa ý thức hệ”, vì thái độ này có thể gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên và làm cho Liên hiệp Âu châu thất bại. Liên hiệp phải tôn trọng mỗi nước có cơ cấu riêng, những sắc thái riêng, cởi mở đối với những nước khác và đừng muốn đồng nhất hóa.

Trả lời câu hỏi về vấn đề di dân ở Âu châu, Đức Thánh cha khẳng định rằng chính phủ mỗi nước phải nói rõ “chúng tôi có thể nhận bao nhiêu người di dân. Đó là quyền của họ. Nhưng dầu sao những người di dân cần được đón nhận, đồng hành, thăng tiến và hội nhập. Nếu một chính phủ không thể đón nhận nhiều hơn một con số nào đó, thì phải đối thoại với các nước khác, chăm sóc lẫn nhau. Vì thế, Liên hiệp Âu châu có vai trò quan trọng cả trong vấn để này, vì có thể thực hiện được một sự hòa hợp giữa tất cả các nước về sự phân phối người di dân. Hiện nay không có sự hòa hợp giữa tất cả các nước, họ đẩy người di dân đi đây, đi đó, thiếu sự hòa hợp chung”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube