Dòng Mến Thánh Giá Thế Kỷ XVII Thành Lập Và Tổ Chức (Chương Tổng Kết)

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC

Chương Tổng Kết

Mến Thánh Giá và xã hội Việt Nam

Tháng 5 năm Ất Tỵ (1545) Nguyễn Kim trúng độc dược của Dương Chấp Nhất thuộc Bắc Triều của nhà Mạc. Nguyễn Kim qua đời, mọi quyền bính tại Nam Triều của vua Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm, con rể Nguyễn Kim. Thế cảnh vua Lê chúa Trịnh khởi đầu từ ngày ấy.

Trịnh Kiểm lại muốn đi xa hơn, cho người hãm hại con trưởng nhà Nguyễn là Nguyễn Uông. Con thứ hai của nhà Nguyễn là Nguyễn Hoàng hoảng sợ cáo bệnh nằm nhà, lén lút cho người đi Hải Dương thỉnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng gợi ý : «Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân». Nguyễn Hoàng hiểu ra việc phải làm, ngỏ lời cậy nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ nhất Trịnh Kiểm.

Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng được chính thức sai đi trấn thủ xứ Thuận Hoá. Nền chính trị quốc gia «Trịnh-Nguyễn» bắt đầu manh nha từ đó. Giang sơn Đại Việt của triều đình nhà Lê càng ngày càng bị xâu xé giữa hai dòng họ lớn : họ Trịnh ngoài Bắc và họ Nguyễn trong Nam.

Mối bận tâm hàng đầu của cả hai bên là bảo vệ nền tự chủ của mình, không ai muốn thua ai. Nhưng cả hai đều vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là gương mẫu sự phát triển quốc gia. Và do hoàn cảnh địa lý cụ thể, chúa Trịnh lo thanh toán tàn dư nhà Mạc và bảo vệ biên thuỳ phía Bắc, trong khi chúa Nguyễn lo đem dân vừa làm lính thú vừa làm nông phu mà lấn dần bờ cõi về phía Nam.

Về chính trị nội địa và đối ngoại thì như thế. Còn về văn hoá và hành chánh thì Nho học vẫn độc tôn trong lãnh địa. Tuy nhiên, vì nền chính trị không ổn định, nền giáo dục quốc gia theo truyền thống Khổng Mạnh xuống dốc một cách tồi tệ. Việc thi cử tạo người tài đức ra gánh vác việc nước không còn được nghiêm chỉnh như xưa nữa. Vào thế kỷ 17, tại miền Bắc, các khoa thi còn được triều đình tổ chức khá đều đặn, trong khi ở miền Nam, việc học hành xem ra lỏng lẻo hơn nhiều. Sang thế kỷ 18, lệ «tiền thông kinh» xuất hiện : mua bằng mua tước đã là chuyện xảy ra một cách chính thức, làm hổ mặt truyền thống hiếu học trong lịch sử giới trí thức Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có những nhà Nho học không gặp vận đã trở thành thày đồ, thày lang, thày địa lý, thày… quân sư chỉ đạo cho giới bình dân trong làng trong xóm, từ việc dựng cửa dựng nhà, đến ma chay cưới hỏi. Đương nhiên họ không thể nào thoát khỏi trào lưu chung mà xuống dốc. Kế sinh nhai cùng với và nhờ vào đám dân nghèo thiếu ăn thiếu học có lẽ khẩn thiết và dễ dàng hơn việc tự trau dồi khả năng nghiệp vụ riêng. Phải tự trao dồi, vì nào đã thấy trường nào dạy nghề lang y, nghề hướng dẫn cưới hỏi, ma chay, địa lý đâu. Lại thêm nữa là thuyết giáo nhà Nho có đâu mà trả lời những khúc mắc siêu hình muôn thuở của con người : sống là gì ? chết đi đâu ? Thượng Đế là ai ? kẻ lành, người ác rồi sẽ khác nhau thể nào ? Trước cái chẳng có câu trả lời chính giáo, mạnh thày nào thì theo thày ấy, để người dân đã nghèo về vật chất lại nghèo cả về tâm linh, buông theo mê tín dị đoan.

Trong khi đó…

Trong khi đó, bên phương Tây, nhiều quốc gia đã phát triển mạnh về khoa học, nhất là về hàng hải và thương mại quốc tế. Khởi đầu là Bồ Đào Nha, sau đó là Tây Ban Nha, rồi Hoà Lan, Anh, Pháp…

Toà thánh Roma vào thời kỳ đầu, khi các con tầu buồm Bồ Đào Nha bắt đầu khám phá ra những phần đất xa lạ, đã ý thức ngay tới nhiệm vụ đem ánh sáng Phúc Âm đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên, Lời Chúa thì Toà thánh có, nhưng tầu bè thì không. Do đó, việc rao giảng Tin Mừng và tổ chức những Giáo Hội địa phương mới đã được trao phó cho triều đình công giáo Bồ Đào Nha, rồi thêm Tây Ban Nha nữa. Nhưng thế quyền và thần quyền lắm khi lẫn lộn với nhau, gây nhiều điều đáng tiếc.

Ngày 22.6.1622, Thánh bộ Truyền bá Đức tin (Propaganda Fide) được đức giáo hoàng Grêgôriô XV chính thức thành lập để lo việc rao giảng Tin Mừng trên địa cầu này.

Chính Thánh bộ Truyền bá Đức tin ấy trong những năm 1658 – 1660 đã tấn phong giám mục cho ba linh mục người Pháp và sai họ sang Đông Á với chức vị « đại diện tông toà »[1][1], hoàn toàn biệt lập đối với triều đình Bồ Đào Nha. Một trong ba tân đại diện tông toà đó là đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam : đức cha Pierre Lambert de la Motte.

Nhiệm vụ chính của những vị được Toà thánh sai đi là tìm thiết lập một hàng giáo sĩ cho các nước miền Viễn Đông Châu Á mà các thừa sai đi trước đã rao giảng Tin Mừng và dựng ra được những Giáo Hội tại các địa phương, đặc biệt là Việt Nam.

Về điểm này, chúng ta phải nhìn nhận là nhiệm vụ đầu tiên của đức cha Lambert de la Motte (nếu không muốn nói tới các đại diện tông toà khác) khi được sai đi, không phải là để lập dòng nữ Mến Thánh Giá hay một «Hội dòng tông đồ» nào khác, nhưng là để đào tạo và thiết lập một hàng giáo sĩ địa phương. Nhiệm vụ này, ngài đã không quên : ngài là người đã truyền chức linh mục đầu tiên cho những thày giảng Việt Nam, cả hai miền Bắc và Nam.

Có lẽ cũng vì nhiệm vụ này mà ngài đã thường xuyên sống tại Xiêm La, trong Chủng viện Thánh Giuse, hơn là hiện diện trong chính địa phận mình là xứ Đàng Trong. Biết rằng địa phận Xiêm La là thuộc quyền cai quản của đức cha Laneau, chứ không được trao phó cho ngài. Trong suốt 17 năm thi hành nhiệm vụ, ngài chỉ có mặt chưa tới 18 tháng trời trong địa phận riêng mình. Tuy nhiên, ngài đã là người đem ơn đặc biệt của Thiên Chúa đến cho Việt Nam : dòng Mến Thánh Giá.

1. Đức cha Lambert de la Motte trong lịch sử ơn «Mến Thánh Giá»

Ơn Thiên Chúa thì luôn luôn lớn hơn bất kỳ một cá nhân nào.

Ơn «Mến Thánh Giá» thì lớn hơn cả đức cha đấng sáng lập dòng. Trong lịch sử ơn sủng «Mến Thánh Giá», ngài đã có vinh hạnh được Thiên Chúa tuyển chọn hầu khởi sự đem ơn sủng đó đến các phụ nữ công giáo Việt Nam, rồi qua đó cho Giáo Hội và cho dân tộc Việt Nam.

Trong sự sắp đặt nhiệm mầu nào đó, từ tấm bé, đức cha Lambert de la Motte đã có tâm hồn yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu. Chính ngài đã thổ lộ ra trên giấy trắng mực đen cái kín đáo này của đời ngài[1][2]. Đương nhiên, môi trường bên ngoài, xã hội cũng như Giáo Hội lúc đó, không phải là không cần thiết cho việc Thiên Chúa gieo «hạt Mến Thánh Giá» và làm cho «hạt» trổ sinh nơi con người Lambert de la Motte ấy.

«Ơn Chúa» như hạt giống, «môi trường bên ngoài» như đất tốt : hạt tốt phải có đất tốt thì mới thành cây nên quả : Giáo Hội xứ Pháp thế kỷ 17, thức tỉnh muộn màng hằng cả một thế kỷ sau công đồng Tri-đen-ti-nô (1545-1563), đã là mảnh đất phì nhiêu để Thiên Chúa gieo hạt giống của ngài nơi con người Lambert de la Motte, làng La Boissière, xứ Lisieux đó.

Với chúng ta là những con người phàm tục chỉ thấy một khoảng khắc thời gian nào đó, chúng ta không thể hiểu công trình của Thiên Chúa là đấng đứng trên lịch sử và thời gian. Nhưng chúng ta phải nhận thực là nếu Giáo Hội Pháp không có những bậc thày linh đạo mang chức linh mục như Pierre de Bérulle, Jean Eudes, Vincent de Paul, Jean-Jacques Olier… hay những giáo dân đạo đức như các bà Marguerite Acarie, Marie de Valence, ông Jean de Bernière…, khó mà có được một Lambert de la Motte đã chấp nhận từ bỏ tất cả để ra đi về miền đất chưa hề biết đến.[1][3]

Và rồi, giai đoạn đầu đó đã tiếp tục với cuộc ra đi về một miền đất thật xa xôi và xa lạ : đức cha Lambert de la Motte cùng hai thừa sai François Deydier và Jacques de Bourges đã đi dòng dã trên 2 năm để tới được kinh đô xứ Bạch Tượng, nơi ngài lưu lại cho đến khi từ giã cõi trần này.

Hành trình đó phải chăng, với muôn phần gian nan khổ sở, đã là một thao trường huấn luyện ơn gọi «Mến Thánh Giá» cho ba nhân vật nòng cốt trong công trình thành lập và phát triển dòng nữ «Mến Thánh Giá» sau này tại Việt Nam ?[1][4]

Cuối cùng, giai đoạn quyết định đã đến : xứ Xiêm La, đất Phật giáo Tiểu Thừa là tôn giáo vốn đề cao sự khắc khổ và thoát tục.

Nếu các thừa sai Âu Châu ngày đó tại xứ này sống xứng với danh hiệu thừa sai, đừng giây dưa vào chuyện thương mại, đừng buôn thần bán thánh… thì liệu đức cha Lambert de la Motte có thiết tha muốn lập một «Hội dòng tông đồ» để tạo nên những «người thợ Phúc Âm» lý tưởng không ? Và nếu đức cha Lambert de la Motte ngày ấy, thay vì gặp gỡ một Xiêm La với Phật giáo Tiểu Thừa khắc khổ, đã gặp một Việt Nam với Phật giáo Đại Thừa và nền văn hoá Khổng Mạnh rộng rãi, nhân bản hơn… thì liệu ngài có đòi hỏi một đời tông đồ nhiều hy sinh, hãm mình không ?

Chắc chẳng ai có thể trả lời cho những câu hỏi khởi đầu bằng chữ «nếu» như vậy cả. Chúng ta chỉ biết rằng, dù chương trình lập «Hội dòng tông đồ» không thành, nhưng tinh thần và luật lệ mà đức cha Lambert de la Motte đã nghĩ đến sẽ đóng góp trực tiếp vào việc thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại xứ Đàng Ngoài, vào năm Canh Tuất 1670, bên bờ sông Hồng, con sông vốn từng nuôi sống biết bao thế hệ người dân Việt Nam.

Sau hết, phải nhận rằng «ơn Mến Thánh Giá» là ơn đã được thể hiện, đã được sống ở một mức độ siêu việt, trên hẳn phàm nhân đại chúng, nơi con người đức cha Lambert de la Motte : «Chúa đã cho ngài cảm nếm đến tận cùng sức nặng của Thánh Giá Chúa mà suốt đời ngài, ngài đã rất đỗi say đắm». Đức cha Laneau đã làm chứng như vậy sau ngày đấng sáng lập dòng nữ Việt Nam đầu tiên qua đời.

Trong lịch sử ơn Cứu độ, qua Đức Maria, Con Thiên Chúa được ban cho nhân loại. Trong lịch sử «ơn Mến Thánh Giá» của Thiên Chúa, qua Đức Lambert de la Motte, «dòng Mến Thánh Giá» được ban cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam, và có thể còn xa còn rộng hơn thế nữa.

2. Những vị chủ chăn

Dòng Mến Thánh Giá chỉ được thành hình và đứng vững ở Việt Nam thế kỷ 17 nhờ cố gắng chung của các vị chủ chăn. Về điều này, hai điểm nổi bật đáng chúng ta nêu ra trước tiên như sau.

Điểm đầu tiên,

mà chúng ta ghi nhận là sự hiện diện thường xuyên của các thừa sai Âu Châu, sau đó là các linh mục Việt Nam đầu tiên cùng các thày giảng, giữa cộng đồng các Kitô hữu. Đây cũng là một yếu tố mới mẻ trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam : trước khi các linh mục của Hội Thừa Sai Paris đến Việt Nam, các tu sĩ thừa sai – đặc biệt là các cha dòng Tên – đã đến và tận tụy rao giảng Tin Mừng cùng xây dựng những giáo xứ đó đây. Các ngài còn lập nên cả một hệ thống các thày giảng để phụ giúp và tiếp tục công trình, nhất là khi các ngài bị trục xuất. Các vị thừa sai thế hệ này thường đến một cách công khai, tìm giảng đạo ngay tại kinh đô (Hà Nội hoặc Huế), và khi bị trục xuất thì các ngài ra đi. Còn từ thời có những đại diện tông toà, các thừa sai bắt đầu đến Việt Nam một cách bán chính thức và khi bị trục xuất hay bị lùng bắt, phần lớn các ngài tìm trốn ở lại với đoàn chiên.

Nhờ sự hiện diện trung thành và thường trực như vậy, các cộng đoàn bổn đạo và đặc biệt các nhà dòng chị em Mến Thánh Giá luôn có đấng cai quản trực tiếp. Sự kiện này quả đã đóng góp rất lớn vào sự hình thành, tổ chức và phát triển dòng nữ đầu tiên tại Việt Nam. Đó là công trình mà chính thừa sai dòng Tên Philippe de Marini, một kẻ chống đối kịch liệt đức cha Lambert de la Motte tại Xiêm La, đã từng nhìn nhận là «phiêu lưu nguy hiểm cho những ai dấn thân vào công cuộc rất to lớn này».[1][5]

Điểm thứ hai,

là sự hợp tác chặt chẽ giữa các vị chủ chăn, linh mục và giám mục. Một mình đức cha Lambert de la Motte khó mà lập nên dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Hai cộng tác viên đầu tiên trong việc lập dòng tại Việt Nam là thừa sai Deydier ở Đàng Ngoài và thừa sai Hainques ở Đàng Trong. Cả hai thừa sai này đều đã tham dự công đồng Juthia năm 1664 bên cạnh đức cha Lambert de la Motte nên đã được thấu hiểu tinh thần Mến Thánh Giá do đức cha đề ra và bảo vệ nhân kỳ công đồng. (Đó là chưa kể thời gian cuộc hành trình từ Pháp đến Xiêm La của đức cha Lambert de la Motte và thừa sai Deydier).

Nhờ vậy, khi đến Đàng Ngoài, thừa sai này đã lưu tâm đến việc chuẩn bị chị em bước vào đời sống tu trì. Rồi sau khi thành lập, và nhất là từ khi ngài lên làm đại diện tông toà với đức cha De Bourges (là người đã cùng tham dự cuộc hành trình với đức cha Lambert de la Motte từ Pháp sang Xiêm La), dòng Mến Thánh Giá đã phát triển ở Đàng Ngoài một cách thật khả quan.

Ở Đàng Trong, thừa sai Hainques cũng đã chuẩn bị những chị em nhiều thiện chí trước viễn tượng lập dòng nữ. Thừa sai Vachet đã kể : «1672, …Vài thiếu nữ có lòng ao ước giữ mình đồng trinh đã cho viết đến đức cha Lambert de la Motte ở Xiêm La, mấy năm trước, qua cha Hainques, ý định của họ; theo đó, họ đã khám phá ra niềm vui được tận hiến cho Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất».[1][6] Tiếc thay là thừa sai Hainques mất đi quá sớm ! Việc lập dòng do chính đức cha Lambert de la Motte đảm đương, rồi trao cho thừa sai De Courtaulin tiếp tục. Nhưng thừa sai này, dù tận tâm làm việc, song kết quả không mấy được thỏa mãn trong việc phát triển dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong thời thế kỷ 17.

Dòng Mến Thánh Giá là dòng mà chúng ta gọi, với ngôn ngữ ngày nay, là «dòng địa phận». Vai trò giám mục là người kế vị các Thánh Tông Đồ làm chủ chăn tại chỗ rất quan hệ đến vấn đề sống còn của một nhà dòng «địa phận». Lịch sử dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong thế kỷ 17 là chứng minh thật điển hình. Vì giám mục địa phận – đức cha Lambert de la Motte – ở tận bên Xiêm La, mọi điều hành trực tiếp tại địa phận, kể cả các nhà Mến Thánh Giá, được trao cho cha chính là thừa sai De Courtaulin.

Thừa sai này đến Xiêm La tháng 10.1672, và sang Đàng Trong tháng 6.1674. Ngài đã không có dịp tham dự vào chuyện lập dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong, kinh nghiệm có thể sẽ ích lợi cho ngài. Với tính tình độc đoán và cố chấp, sự hợp nhất giữa ngài và các thừa sai khác có phần bị giới hạn. Hơn nữa, vì ngài thường có cái nhìn tiêu cực trên các linh mục bản xứ cũng như các chị em nữ tu bản xứ, nên công việc của ngài hay bị khúc mắc.

Ngày 21.10.1684, tại Xiêm La, thừa sai này viết cho cha Brisacier là bề trên Hội Thừa Sai Paris rằng : «… Con xin cha hãy tạm ngưng một chút những phán đoán của cha về tất cả những thư từ mà người ta viết cho cha và về tất cả những báo cáo mà người ta trao cho cha nói về con, cho tới khi nào sự quan phòng của Thiên Chúa cho cha có chỗ để cha được tỏ sự thật… Chẳng ai nói cho con cả…».[1][7]

Mấy tháng sau đó, thừa sai De Courtaulin đã quyết định ra khỏi Hội Thừa Sai Paris.

Ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, vào thế kỷ 17 này, thỉnh thoảng lại có cuộc bắt đạo do các quan lại địa phương điều động. Nhưng việc bắt đạo không ngăn cản sự phát triển của nhà dòng cho bằng sự thiếu khả năng lãnh đạo nơi các bậc chủ chăn.

Đàng Trong, sau những năm điều hành của thừa sai De Courtaulin, được hai năm may mắn với đức cha Mahot (1682-1684), để rồi mãi đến năm 1691 mới có giám mục là đức cha Pérez mà lịch sử không cho là khéo léo trong việc chăn dẫn địa phận. May thay còn có cha chính Charles-Marin Labbé là người hết lòng với các chị em Mến Thánh Giá. Ngài trở về Pháp năm 1697 và được Toà thánh chọn làm giám mục phó Đàng Trong. Ngài trở lại địa phận mình vào năm 1708. Hiện nay, chúng tôi chưa tìm được tài liệu nói về những công trình của ngài vào các năm cuối thế kỷ 17 liên quan tới dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong; nhưng biết rằng khi ngài qua đời năm 1723, dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong đã có tới 20 nhà tất cả.[1][8]

Đàng Ngoài, hai đức cha địa phận – Deydier và De Bourges – thường xuyên ở với đàn chiên, hết lòng nâng đỡ các chị em Mến Thánh Giá nên dòng phát triển cả về số lẫn về phẩm như chúng ta đã được biết qua. Năm 1693, địa phận Đông Đàng Ngoài được trao cho các tu sĩ dòng Đa Minh người Tây Ban Nha, tỉnh dòng Manila – Phi Luật Tân, cai quản. Nhưng dòng Mến Thánh Giá tại địa phận này đã sống những năm cuối của thế kỷ 17 vẫn dưới sự dẫn dắt của đức cha De Bourges, vì địa phận Đông Đàng Ngoài chưa có giám mục.

Sang thế kỷ mới, sẽ có thử thách mới : các thừa sai Đa Minh đã tìm cách đưa các chị em Mến Thánh Giá sang dòng Ba Đa Minh. Một trong các điểm mà các thừa sai này đem ra áp dụng là bỏ luật kiêng thịt. Tài liệu lịch sử (năm 1709-1710) tường thuật rất rõ rằng :

«Trong khu vực các cha dòng Đa Minh, có ba nhà các nữ tu mà người ta gọi là các chị em Mến Thánh Giá. Tất cả ba nhà đều được lập nên do đức cố giám mục Bêritê khi ngài đến xứ Đàng Ngoài năm 1669. Ba nhà trên nằm trong ba làng lớn, gần như tất cả đều là Công giáo, tức : Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu. Các cha Đa Minh lo việc thay đổi các hiến chương của chị em và làm họ nên các «xơ» dòng Thánh Đa Minh, theo như điều người ta báo cáo lại.

Cha Jean de Sainte-Croix đã thi hành ý đồ trên đối với nhà dòng nằm trong làng Trung Linh là nơi ngài luôn ở thường xuyên. Cho tới bây giờ, ngài đã thay đổi luật lệ của chị em mà đức cố giám mục Bêritê đã ra cho họ. Ngài đã bãi bỏ cho các chị em luật kiêng thịt là sự chẳng khó giữ gì trong xứ Đàng Ngoài này.

Cha Pierre de Sainte Thérèse là người kế nhiệm cha Jean de Sainte-Croix trong chức vụ bề trên các cha Đa Minh và thường xuyên cư ngụ tại làng Kẻ Bùi nói trên, ra sức thi hành cũng một sự ấy đối với các nữ tu tại nơi đó. Và để thành đạt chuyện này, ngài khuyến khích họ ăn thịt. Đôi khi, ngài còn gửi cả thịt thà cho họ mà nói họ có thể yên tâm ăn thịt.

Chính các nữ tu của nhà ấy đã báo cáo đến đức cha Auren (tức giám mục De Bourges). Đức cha đã nói với các chị em rằng họ phải giữ luật lệ mà đấng sáng lập, đức cha Bêritê, đã ra cho họ…».[1][9]

Lại vẫn là vấn đề chủ chăn !

3. Vai trò các giáo xứ

Chủ chăn, nghĩa là kẻ có đoàn chiên… để chăn.

Chúa Giêsu đã chẳng bao giờ muốn có những tín đồ rời rạc, lẻ loi, một muốn có một Giáo Hội, một tập thể, một đoàn chiên. Đoàn chiên của Chúa trong lãnh vực chúng ta đang suy nghĩ là những cộng đồng Kitô hữu có tính giáo xứ trên đất Việt Nam thế kỷ 17 này. Những giáo xứ đó đã giữ một vai trò rất quan trọng trong lịch sử dòng Mến Thánh Giá, giúp chị em sống đời tu trì của mình trong đức khiết tịnh.

Đức khiết tịnh nơi các nữ tu Mến Thánh Giá là điều mới mẻ trong truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trước tiên, phải công bình mà nhìn nhận rằng đạo công giáo với luân lý «nhất phu nhất phụ» đã đến như một điều «chướng tai gai mắt» cho vua chúa và quan lại xuất thân từ Nho giáo ra. Họ theo tập tục «đa thê đa thiếp», theo một thứ luân lý «trọng nam khinh nữ». Và trong luân lý Khổng Mạnh ấy, cái trinh tiết nơi phụ nữ không phải là không có giá trị, nhưng chỉ có giá trị đối với hôn nhân, nói trắng ra đối với đàn ông. Không còn gì cao cả hơn !

Và bên cạnh nền luân lý Khổng Mạnh nói trên, còn có truyền thống Phật giáo đề cao sự thoát tục, mà sự giữ trinh tiết là dấu kẻ xa lánh trần gian bể ải này, đi tìm một siêu thoát cho cá nhân mình. Ý nghĩa đức khiết tịnh nơi nhà Phật như vậy đã là một điều cao thượng hơn so với giáo thuyết Khổng Mạnh không mấy sâu xa về lãnh vực siêu hình.

Rồi nhóm trinh nữ Mến Thánh Giá xuất hiện, dưới con mắt dâm ô háo sắc của một vài quan lại đó đây. Các thừa sai đã từng biết e sợ những ông quan nặng tính xác thịt này. Nói về nhà dòng lập tại Hội An, thừa sai Vachet đã ghi lại rằng : «Các chị em này còn bị nguy cơ phải làm vợ lẽ cho những vị tai to mặt lớn trong xứ nữa».

Từ hiện trạng đó, điều phải làm đã được làm : những nhà dòng nữ của các chị em Mến Thánh Giá được dựng nên hoàn toàn trong các khu vực những kẻ theo đạo công giáo, thành từng nhóm nhỏ. Giáo xứ đã trở thành tường lũy bao bọc chở che các nhóm trinh nữ nhỏ mọn này. Kinh nghiệm tiêu cực mà chúng ta đã biết trong chuyện này là kinh nghiệm nhà dòng tại Hội An do thừa sai De Courtaulin lập nên… bằng bất cứ giá nào :

«… Chẳng còn lại cho tôi một chỗ nào khác hơn là có thể xây cất (nhà dòng) cạnh nhà thờ của tôi ở Hội An. Và ở đó nữa, tôi thấy trước những chế nhạo ác liệt của những Hoa kiều, các người láng giềng của tôi, là những kẻ diễu cợt mọi chuyện, cùng các chế nhạo của những dân Đàng Trong không có đạo mà nhà của tôi nằm ngay giữa họ. Tôi cho qua tất cả mọi chuyện và phải vâng lời đức cha thánh thiện của tôi hơn là tất cả thế gian này…».

Môi trường xã hội chung quanh là một yếu tố quan trọng trong việc thiết lập, tổ chức sinh hoạt và phát triển cho một nhà dòng nữ.

Xã hội Việt Nam vào thế kỷ 17 còn là một xã hội nông dân và là một tổng hợp những làng những xóm. Mỗi làng có tổ chức, có tập tục, có việc thờ cúng… khá độc lập. Mỗi người dân trong đó phải theo lối sống truyền thống của làng mình. Nhưng trong truyền thống của làng, có nhiều thứ mà các thừa sai công giáo coi như mê tín dị đoan, cấm các tân tòng tham dự. Do đó, thật khó mà tưởng tượng nổi một nhà dòng nữ có thể hiện diện và sinh hoạt một cách yên lành nơi một làng xóm cổ truyền của Việt Nam mà nơi đó còn có rất ít người theo đạo công giáo.

Những nhà dòng Mến Thánh Giá ở thế kỷ 17 đều được đặt trong các chỗ có nhiều người theo đạo, trừ ra một trường hợp duy nhất và hình như ngắn hạn, là nhà dòng tại Hội An mà thôi.

Vì người công giáo thời đó không được hưởng tự do tín ngưỡng và vì đời sống tu trì cho giới nữ kiểu Mến Thánh Giá còn mới lạ trong xã hội Việt Nam, sự việc trên là cần thiết tuy không tạo thuận tiện cho ơn gọi rao giảng ngoài xã hội của các chị em.

Hiện diện trong các giáo xứ, các nữ tu ngoài công việc riêng trong nhà dòng, còn tích cực đến giúp đỡ đời sống của các bổn đạo : «Nhất là các chị em chịu khó đi cầu nguyện trong những nhà có người ốm đau và giúp đỡ họ những sự cần thiết về mặt tinh thần và vật chất»[1][10]. «Những chị em đã lớn tuổi đi thăm viếng kẻ bệnh hoạn tại nơi chị em ở, an ủi họ, giúp đỡ họ sinh thì và đọc kinh cầu nguyện với các tín hữu để xin Thiên Chúa ơn chết lành hay ơn khỏi bệnh tật mà các chị em rất thường đạt được»[1][11].

Trái lại tín hữu trong giáo xứ yêu mến các nữ tu, bảo vệ họ trong những cơn hoạn nạn bắt bớ và trợ giúp họ về vật chất nữa, vì đời sống các nữ tu xem ra rất nghèo nàn. Tuy nhiên, giữa những tín hữu không thể nào hoàn toàn tinh tuyền hết được, đã có những tín hữu xấu bụng đi tố cáo nhà dòng các chị em với quan lại, khiến nhà dòng phải chịu cảnh cơ cực, tan nát, điển hình là nhà An Chỉ tại Đàng Trong năm 1678.

Việc nhà dòng Mến Thánh Giá hồi thế kỷ 17 nằm trong khu vực các người có đạo là do hoàn cảnh xã hội đương thời bắt buộc. Bằng không, vị trí của nhà dòng có lẽ phải xét sao cho thuận tiện những công tác riêng mà nữ tu Mến Thánh Giá phải thực hiện, theo ý định của đấng sáng lập.

4. Mến Thánh Giá trong xã hội Việt Nam

Nền tảng của xã hội Việt Nam là gia đình. Trong gia đình, vai trò của phụ nữ không thể thay thế được, đối với chồng cũng như đối với con cái. Việc giáo dục trẻ nữ nơi cha mẹ Việt Nam thường nhắm vào mục đích là tạo nên những phụ nữ mà mai sau sẽ là «dâu hiền, vợ thảo». Nghĩa là, người phụ nữ trong xã hội Việt Nam cổ truyền chỉ được xã hội đón nhận trong khung cảnh gia đình, như là vợ và như là mẹ. Chỗ đứng của phụ nữ, nói được, là hoàn toàn lệ thuộc vào đàn ông. Mực thước khắc nghiệt và hạn hẹp đó đã do Nho giáo quy định từ lâu rồi : «Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử».

Trong những lời dạy bảo của Gia Huấn Ca thời đó, (tương truyền là do Nguyễn Trãi (1380-1442) soạn ra), cũng chỉ là : «Vá may giữ nếp đàn bà», hay, «Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên».

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, theo chứng tá của văn chương truyền khẩu, cho ta thấy luôn luôn là hình ảnh :

– người vợ :

«Nửa đêm ân ái cùng chồng,

Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi».

– và người mẹ :

«Miệng ru mắt nhỏ hai hàng,

Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm».

Văn hoá Khổng Mạnh đã tạo nên những phụ nữ Việt Nam «vợ» và «mẹ» một cách tuyệt vời, nhưng không đề nghị ra một khuôn mẫu phụ nữ lý tưởng nào khác.

Qua đó, chúng ta nhớ lại là khuôn mẫu phụ nữ đã được thành hình như thế trong xã hội Việt Nam. Bởi vậy, hình ảnh người phụ nữ công giáo Mến Thánh Giá thật còn quá mới mẻ và xa lạ : «đàn bà» mà không làm vợ, không làm mẹ, lại phải ra khỏi cửa khỏi nhà hầu đi phục vụ trẻ em và phụ nữ bên ngoài nữa.

Cái mới mẻ có tính chất cách mạng văn hóa nơi chị em Mến Thánh Giá là sự giải thoát khỏi lệ «xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử». Nhờ đó, cuộc đời họ tìm được một chiều kích rộng rãi hơn, tích cực hơn và phong phú hơn cho xã hội. Đương nhiên, «cái tòng» và «cái gia đình» không mất đi nơi chị em nữ tu, nhưng sẽ mang một ý nghĩa mới, bao la hơn và siêu nhiên hơn so với văn hoá Nho giáo. Mến Thánh Giá đề ra một kiểu phụ nữ mới, không «thành phụ nữ» trong khuôn khổ gia đình nhưng trong khuôn khổ xã hội. Phải chăng đó là một điều tốt đẹp được thêm vào trong xã hội Việt Nam và cho phụ nữ Việt Nam ?

Đương nhiên, chúng ta không quên truyền thống Phật giáo tại Việt Nam. Phật giáo đã đưa ra khuôn mẫu «người phụ nữ xuất gia», đi tu hành trong chùa chiền, chuyên kinh kệ. Việc từ thiện trực tiếp ngoài xã hội có lẽ chỉ là thứ yếu nơi những phụ nữ ở chùa này. (Cũng tạm so sánh được như các nữ tu công giáo sống trong tu viện vậy). Cái mới mẻ nơi nữ tu Mến Thánh Giá không những là trong quan niệm «ơn cứu rỗi» liên quan tới tha nhân theo giáo thuyết Phúc Âm (không có tính cách cá nhân như Phật giáo), mà nhất là công việc từ thiện ngay trong lòng xã hội.

Lý thuyết Khổng Mạnh về vấn đề từ thiện xã hội tương đối còn tiêu cực : «Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân». Gia Huấn Ca khuyên «thương người như thể thương thân», nhưng còn giới hạn vào đôi ba việc «bố thí» : «Người ta phải bước khó khăn đến nhà». Cái từ thiện theo truyền thống xa xưa ở Việt Nam là «tiếp đón người hoạn nạn» hơn là «đi đến với người hoạn nạn», theo như kiểu Chúa Giêsu đến với nhân loại.

Tuy nhiên, vào giai đoạn khởi đầu ở thế kỷ 17 này, cái mới mẻ hay tốt đẹp đó (của Kitô giáo mà nữ tu Mến Thánh Giá là sứ giả) chỉ như một hạt giống vừa gieo, chưa thực sự đâm rễ sâu cũng chưa thực sự thành cây thành cành. Phải còn chờ thời gian dài sau này, cây mới lớn, đời mới rợp bóng mát.

Riêng về vai trò của nữ tu Mến Thánh Giá trong việc xã hội, nhất là cho trẻ em và phụ nữ không phân biệt tôn giáo, chúng ta chưa thấy được thể hiện trong giai đoạn thế kỷ 17 này. Vào thời kỳ đầu tiên ấy, dòng mới thành lập và còn lo tổ chức, vấn đề củng cố nội bộ đương nhiên là chiếm chỗ quan trọng hàng đầu. Sau nữa, vì mới lạ trong xã hội, các nhà Mến Thánh Giá không thể không cẩn thận, nếu không dám nói là trốn tránh những con mắt xoi mói, phá hoại. Hoàn cảnh chưa cho phép các nữ tu dấn thân vào xã hội một cách công khai, đặc biệt trong việc từ thiện phổ quát. Hơn nữa, lúc mà xã hội Việt Nam còn nặng quan niệm «một giọt máu đào hơn ao nước lã» hoặc «một kẻ làm quan, cả họ được nhờ», ngoài gia đình mình ra không còn ai đáng kể nữa, thì những việc từ thiện giúp đỡ tha nhân đại chúng lại chỉ sinh nên những thách thức nguy hiểm cho các nữ tu mà thôi.

Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 về hành chánh là một xã hội «vua chúa cai trị, quan lại điều hành». Vua hay chúa thì ở xa, quan lại thì có người tốt người xấu. Dân thứ thì chỉ có những ai được lộc vua hay những ai có tiền cho vay ăn lời như giới địa chủ thì giầu có, sung túc; còn tuyệt đại đa số thì chân lấm tay bùn, nghèo nàn đến độ đôi khi phải bán con bán cái. Giới thiểu số những kẻ theo đạo công giáo thì tùy cơ mà ứng biến, theo thời thế và theo thái độ vua quan.

Riêng về các nhà dòng Mến Thánh Giá, chỗ nào được ông quan nhân từ thì yên ổn; chỗ nào gặp ông quan tham của ham tiền hay tính tình ác độc thì phải chịu cảnh bắt bớ, cướp bóc, khổ sở… một cách hợp pháp. Lịch sử 30 năm đầu tiên của dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một lần nữa, lại cho thấy Việt Nam là một nước mà «phép vua, thua lệ làng».

Cái tuyệt vời và là cái sẽ xây dựng tương lai dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam vẫn là cái gì đó đã phù hợp trong lòng sâu con người phụ nữ Việt Nam :

«Một bầy các bà góa và thiếu nữ đã khởi sự tuân giữ những quy luật mà đức cha Bêritê đã dựng nên cho họ để bắt đầu một Tu Hội dưới ba lời khấn đơn mà họ sẽ tuyên thệ. Và vì sợ bị kẻ ngoại khám phá ra, các chị em đã chia nhau ra làm hai nhà…»

«Có một số khá đông các quả phụ và thiếu nữ; những người này (dù) chẳng hề biết làm nữ tu là thể nào, đã từ chối chuyện hôn nhân và từ nhiều nơi khác nhau đã tụ họp lại sống chung cùng nhau để bảo tồn ân sủng Kitô giáo và chuyên chú vào việc cầu nguyện cùng các công việc từ thiện…» (Jacques de Bourges).[1][12]

Từ ngày chính thức được thành lập cho đến hết thế kỷ 17, dòng Mến Thánh Giá được 30 năm. Dòng vẫn còn nhỏ mọn, mất hút trong những xóm làng Việt Nam. Nhưng tựa như một hạt cải, «khi gieo xuống đất, nó nhỏ tí, thua mọi thứ hạt giống trên đất; nhưng đã gieo xuống rồi, thì nó mọc mà thành to lớn hơn mọi thứ rau cỏ, trổ những cành lớn, đến đỗi chim trời có thể nương náu dưới bóng nó» (Marcô 4, 31-32).

LM. Giuse Đào Quang Toản

Những tác giả thế kỷ 17 có bài viết được trích dịch trong quyển sách này

 Tài liệu :

Launay (Adrien) : Mémorial de la Société des Missions Étrangères, 2è partie, Paris 1916.

Marillier (André) : Nos pères dans la foi, tome 2, Églises d’Asie – Paris 1995.

Montezon et Estève : Mission de la Cochinchine et du Tonkin, C.Douniol – Paris 1858.

BOURGES (Jacques de) : có sáu anh em và một chị. Tiến sĩ  thần học. Theo đức cha Lambert de la Motte đến Xiêm La năm 1662. Nhân dịp được đức cha sai về lại Âu Châu (1663), ngài cho xuất bản cuốn “Relation du voyage de Monseigneur de Béryte…” tại Paris (Denis Bechet 1666). (Sách này của ngài được tái bản lần thứ nhất năm 1668, rồi lần thứ hai năm 1683 (Paris-Angot); dịch ra tiếng Hoà Lan lần đầu năm 1669 (Amsterdam), lần thứ hai năm 1683; ra tiếng Đức năm 1671 (Leipzig); bản dịch Việt ngữ xuất bản tại tp Hồ Chí Minh năm 1996). – Đến Đàng Ngoài cùng đức cha Lambert de la Motte năm 1669. Tên Việt Nam thường gọi của ngài là : Gia. Trở thành giám mục Auren năm 1679. Bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1713, ngài sang Xiêm La và qua đời tại Nhà Trường ở Juthia ngày 9.8.1714, thọ  81 tuổi.

 COURTAULIN (Jean de Maguelonne de) : đến Đàng Trong năm 1674. Tính tình của ngài cực đoan, rất ít hoặc chẳng chịu nghe lời bàn của ai. Ngài đã cho xây một nhà thờ lớn và quy tụ mọi bổn đạo lại, điều đó đã suýt gây ra việc bắt đạo trong hoàn cảnh lúc đó. Năm 1685, ngài rời bỏ công việc rao giảng và Hội Thừa Sai Paris. – Về các chị em Mến Thánh Giá cũng như về các linh mục Việt Nam thời đó, ngài đã có những hành động và nhận xét khá hồ đồ, thiếu sự phán đoán quân bình. Việc ngài cho làm nhà dòng tại Hội An như chính ngài tường thuật lại cũng đủ cho thấy sự thiếu dè dặt khôn khéo nơi ngài.

 DEYDIER (François) : ăn mặc như thuỷ thủ, ngài tới Đàng Ngoài năm 1666. Ngài là người đầu tiên quy tụ các phụ nữ Việt Nam nên cộng đoàn có tính cách dòng tu, bước chuẩn bị cho việc thành lập dòng Mến Thánh Giá năm 1670 sau công đồng Phố Hiến. Tên Việt Nam của ngài : Phan. – Ngày 21.12.1682, lãnh chức giám mục tại Hưng Yên, hiệu toà Ascalon. Ngài là người có công rất nhiều trong việc đào tạo các linh mục và nữ tu Việt Nam. Qua đời tại Phố Hiến ngày 1.7.1693, 59 tuổi.

 GAYME (Claude) : đến Xiêm La vào năm 1674 và chết mất tích vì tầu bị đắm gần mũi Hảo Vọng (Phi Châu) vào năm 1681.

GUIART (Claude) : được sai sang Đàng Trong năm 1671, tham dự công đồng Hội An (1672), qua đời tại Bầu Nghè (Bầu Goc, Quảng Ngãi) ngày 24.5.1673.

INNÔCENTÊ XI (Giáo hoàng) : Benoît Odescalchi, sinh năm 1611, được bầu lên làm giáo hoàng năm 1676, qua đời năm 1689.

LAMBERT DE LA MOTTE (Pierre) : cùng với đức cha Pallu, người lập thành Hội Thừa Sai Paris. Ngài lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670, tại Đàng Trong đầu năm 1672, tại Xiêm La giữa năm 1672. Qua đời tại Juthia ngày 15.6.1679. Tính tình ngài khắc khổ, nhưng khả năng lãnh đạo rất cao.

LANEAU (Louis) : sinh năm 1637 tại Pháp. Cùng với đức cha Pallu đến Xiêm La năm 1664. Giám đốc đầu tiên của Nhà Trường Thánh Giuse tại Juthia. Giỏi tiếng Xiêm La cũng như tiếng phạn nhà Phật. (Bản sao hai lá thư chữ quốc ngữ của ngài còn lưu giữ được tại AMEP., 879, 861 và 855). – Năm 1673, ngài trở thành giám mục Métellopolis. Năm 1682, ngài sang thăm Đàng Trong (từ Nha-Trang đến Hội An), tấn phong giám mục cho thừa sai Mahot và hội công đồng tại Hội An. Trong thời gian bị cầm tù (1688), ngài viết cuốn “De  Deificatione justorum” (xuất bản lần đầu năm 1887, bản dịch Pháp ngữ xuất bản năm 1987). Qua đời tại Juthia ngày 16.3.1696. Tính tình ngài hiền lành, khiêm nhượng và rất thông thái. Một tác phẩm do ngài viết bằng tiếng Xiêm La đã được dịch ra Pháp ngữ và được xuất bản : “Rencontre avec un sage bouddhiste” (Solem – Cerf 1998).

LANGLOIS (Pierre) : giám đốc Nhà Trường tại Juthia, năm 1672. Ngài rất thông thạo tiếng Việt và chữ quốc ngữ ngay từ thời gian còn lo việc dạy các chủng sinh người Việt tại Xiêm La (xem AMEP., 860, 14. Đăng trong A.Launay : “Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, tome I”, (Téqui-Paris 1920), trang 27-28). – Sang Đàng Trong năm 1680, là cha chính địa phận. Chết trong tù tại Huế ngày 30.7.1700.

MAHOT (Guillaume) : đến Đàng Trong cùng với đức cha Lambert de la Motte và thừa sai Vachet năm 1671. Được Toà Thánh chọn làm giám quản tông toà địa phận Đàng Trong, hiệu toà Bide, kế vị đức cha Lambert de la Motte (qua đời năm 1679). Lễ tấn phong được cử hành tại Hội An, ngày 4.10.1682, dưới sự chủ tọa của đức cha Laneau từ Xiêm La qua. Sau đó, cùng với đức cha Laneau, ngài hội công đồng Hội An (lần thứ hai);  rồi đi thăm viếng mục vụ địa phận, tụ họp lại vào cộng đoàn các chị em Mến Thánh Giá đã bị phân tán vì cuộc bách đạo. Ngài qua đời tại Hội An (Quảng Nam) đầu tháng 6.1684. Trên 2.000 giáo hữu đã tham dự đám táng của ngài.

MARINI (Jean Philippe de) : tu sĩ dòng Tên, người Ý, ở Đàng Ngoài từ 1647 đến 1658. Trở về Âu Châu ngài cho xuất bản quyển sách mà chúng tôi trích dịch : “Delle missioni de’ padri della compagnia di Giesu nella provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tunkino”, (Rome 1663). Ngài đến Đàng Ngoài lần thứ hai ngày 13.2.1671 và ra đi ngày 30.8.1673.

MARTINEAU (Bernard) : đến Xiêm La, ngài ban đầu dạy các chủng sinh tại Nhà Trường, sau ra làm việc tông đồ bên ngoài. Ngài viết nhiều lá thư đặc sắc cho biết về tình trạng xứ Xiêm La thời nổi loạn năm 1688. Trong chuyến đi công tác sang Trung Hoa, ngài chết ở vùng biển Hải Nam, ngày 25.8.1695. Roma, vì chưa hay tin, đã phong ngài làm giám mục, hiệu toà Sabule, ngày 15.1.1697, với quyền kế vị đức cha Laneau.

PALLU (François) : nhân vật số một của Hội Thừa Sai Paris. Tính tình hoà giải, lịch thiệp, khả năng ngoại giao rất rộng. Qua đời ngày 29.10.1684 tại Phú Kiến (Trung Hoa). Hài cốt ngài hiện an nghỉ tại Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris, số 128  đường Rue du Bac.

RHODES (Alexandre de) : (1593-1660) tu sĩ dòng Tên, người Pháp miền Avignon, tác giả đầu tiên cho xuất bản sách viết bằng chữ quốc ngữ : “Phép giảng tám ngày” và “Tự điển Việt – La – Bồ” (năm 1651 tại Roma). Qua đời tại Ispaham, Ba Tư.

TISSANIER (Joseph) : tu sĩ dòng Tên, người Pháp, ở Đàng Ngoài năm 1658-1663, xuất bản cuốn “Relation du P. Joseph Tissanier, de la Compagnie de Iesus, depuis la France jusqu’au Royaume de Tunquin…”, (Edme Martin – Paris 1663).

VACHET (Bénigne) : tháp tùng đức cha Lambert de la Motte nhân chuyến đi Đàng Trong lần đầu (1671-1672). Năm 1673, được đức cha sai trở lại Đàng Trong để đem quà biếu chúa Hiền, ngài đã ở lại đây. Làm thông dịch viên cho đức cha suốt kỳ thăm viếng Đàng Trong lần thứ hai của đức cha (1675-1676). – Sau khi tham dự công đồng Hội An lần thứ hai vào năm 1682, ngài trở lại Xiêm La, được vua Phranarai cử vào những phái đoàn người Xiêm đi Pháp : 1684 và 1686. – Từ năm 1689 đến 1691, ngài đi Ba Tư. Sau đó, ngài về sống tại chủng viện Hội Thừa Sai tại Paris cho đến khi qua đời, ngày 19.1.1720. – Suốt thời gian dài sống tại Paris, ngài đã viết rất nhiều hồi ký về các việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thừa Sai Paris. Lời văn của ngài hoa mỹ, trau chuốt và một hai lúc có hơi cường điệu. Đọc bài của ngài, đôi khi phải cẩn thận về một vài chi tiết có tính lịch sử.

 Nguồn tài liệu viết tay

liên quan tới dòng Mến Thánh Giá thế kỷ thứ 17

trong Thư Khố Hội Thừa Sai Paris (Archives des Missions Étrangères de Paris, viết tắt : A.M.E.P.).

 

AMEP., tập số 006 = (1676, Cochinchine)
AMEP., tập số 102 = (1680, Siam)
AMEP., tập số 107 = (1671, Siam)
AMEP., tập số 109 = (1664, Siam)
AMEP., tập số 110 = (1681, Cochinchine)
AMEP., tập số 111 = (1675, Cochinchine)
AMEP., tập số 121 = (1663-1664, Siam)
AMEP., tập số 201 = (1664, Siam)
AMEP., tập số 204 = (1678, Siam)
AMEP., tập số 250 = (1685, Tonkin)
AMEP., tập số 269 = (1679, Siam)
AMEP., tập số 276 = (1670-1678, Siam)
AMEP., tập số 651 = (1677, Tonkin)
AMEP., tập số 657 = (1682-1684, Tonkin)
AMEP., tập số 663 = (1664-1670, Tonkin)
AMEP., tập số 665 = (1691, Tonkin)
AMEP., tập số 677 = (1667-1673, Tonkin)
AMEP., tập số 679 = (1680-1681, Tonkin)
AMEP., tập số 680 = (1684-1687, Tonkin)
AMEP., tập số 681 = (1689, Tonkin)
AMEP., tập số 729 = (1672, Cochinchine)
AMEP., tập số 733 = (1672-1674, Cochinchine)
AMEP., tập số 734 = (1675-1682, Cochinchine)
AMEP., tập số 735 = (1674-1678, Cochinchine)
AMEP., tập số 850 = (1676, Siam)
AMEP., tập số 854 = (1688-1690, Siam)
AMEP., tập số 858 = (1670-1671, Siam)
AMEP., tập số 860 = (1679, Siam)
AMEP., tập số 875 = (1667, Siam)
AMEP., tập số 876 = (1670, Siam)

Thư mục

Bổn…, «Bổn luật các nhà Phước địa phận Bình Định», (Làng Sông 1905).

Bourges (Jacques de), «Relation du voyage de Monseigneur l’évêque de Bérythe, Vicaire apostolique du Royaume de  la Cochinchine», (D.Béchet – Paris 1666).

Carolus Cao, «Sách phép nhà dòng chị em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu», do «Carolus Cao ký», (sách chép tay, không ghi ngày tháng, 26 trang, khổ 19x13cm), (in lại trong Mémoire de D.E.A. 1996 của A. Leveau).

Chappoulie (Henri), «Aux origines d’une Eglise, Rome et les missions d’Indochine au XVIIè siècle», (2 tomes), (Bloud et Gay – Paris 1943).

Costet (Robert), «Notes d’histoire chrétienne de la Thaĩlande», (1ère partie), 1983. (Tài liệu khảo cứu nội bộ).

Dinh (Thực), «Les Soeurs Amantes de la Croix au Vietnam», thèse de doctorat, 254 trang, Université Pontificale Grégorienne, Roma 1961.

Dòng Mến Thánh Giá, «Linh Đạo Lâm Bích», (Toà Tổng Giám mục – Tp Hồ Chí Minh, 1995 ?)

Dòng Mến Thánh Giá, «Đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá», (Toà Tổng Giám mục – Tp Hồ Chí Minh, 1995 ?).

Forest (Alain), «Les missionnaires français au Tonkin et au Siam (17è – 18è siècles). Analyse comparée d’un  relatif succès et d’un total échec», thèse de doctorat, 3 tomes, 1199 pages,  Université Paris VII, 1997.

Gendreau (Pierre), «Sách thuật lại các thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài»,(Kẻ Sở 1908)

Guennou (Jean), «Les Missions Etrangères de Paris», (Fayard – Paris 1986).

Instructions…, «Instructions aux Vicaires apostoliques des Royaumes du Tonkin et de Cochinchine de 1659», (bản dịch của Jacqueline (Bernard) trong «Documents Omnis Terra / LXXXI-5, 5.1971).

Launay (Adrien), «La Société des Missions Etrangères», 2è édition, (Téqui – Paris 1919).

Launay (Adrien), «Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques, tome I», (Maisonneuve – Paris 1928).

Launay (Adrien), «Histoire générale de la Société des Missions Etrangères de Paris, tome I», (Téqui  – Paris 1894).

Launay (Adrien), «Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques, tome I», (Paris 1920).

Launay (Adrien), «Lettres de Mgr Pallu», (2 tomes), (Paris 1904).

Leveau (Arnaud), «Les Amantes de la Croix et l’évangélisation du Vietnam : des origines de la Congrégation à 1975», (Mémoire de D.E.A., 2 volumes, 307 trang, Université Paris X, 1996).

Marini (Philippe de), «Delle missioni de’ padri della compagnia di Giesu nella provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tunkino», (Rome 1663),

Monita…, «Monita ad missionarios», («Instructions aux Missionnaires de la Sacrée Congrégation de la Propagande», Aucam – Louvain 1928).

Oury (Dom Guy), «Mgr Pallu ou les missions étrangères en Asie au 17è siècle», (France-Empire 1985).

Phép…, «Phép nhà dòng Mến Câu Rút địa phận Thanh», (Nazareth – Hongkong 1924).

Phép…, «Phép nhà chị em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu», (Kẻ Sở 1907).

Relation…, «Relation des missions et des voyages des evesques, vicaires apostoliques et de leurs ecclesiastiques des années 1672, 1673, 1674 et 1675», (Angot – Paris 1680).

Relation…, «Relation des missions et des voyages des evesques, vicaires apostoliques et de leurs ecclesiastiques des années 1676 et 1677», (Angot – Paris 1680).

Rhodes (Alexandre de), «Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes…» (Paris 1653).

Rhodes (Alexandre de), «Histoire du Royaume de Tunquin» (Lyon 1651).

Sách…, «Sách lề luật nhà Phước chị em Mến Thánh Giá», (Tân Định – Sài Gòn 1925).

Tessanier (Joseph), «Relation du P. Joseph Tissanier, de la Compagnie de Iesus, depuis la France jusqu’au Royaume de Tunquin…», (Edme Martin – Paris 1663).

Vachet (Bénigne), «Mémoire de Bénigne Vachet, missionnaire apostolique», trong «Annales de la Congrégation des  Missions Etrangères», (Paris 1865).

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube