Ba Cô Trinh Nữ Xứ Đông 1640

BA CÔ TRINH NỮ XỨ ĐÔNG 1640

 Trong cuốn sách mới vừa được tái bản tại Việt Nam (5.1998), tựa đề «Tiểu sử – Bút tích Đức cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte» của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, có trích dẫn :

«Bấy giờ có ba người nữ ở xứ Đông (Hải Dương ngày nay) đã khấn giữ mình đồng trinh trọn đời. Thoạt khi nghe tin chúa đã ra chỉ cấm đạo thì đến Kẻ Chợ (Hà Nội) cho được xưng đạo ra trước mặt chúa. Khi đi dọc đường phải chịu nhiều khổ sở, nhưng đến Kẻ Chợ thì chúa đã tha đạo rồi. Lúc ấy ba người nữ này dốc lòng chẳng hề lìa nhau nữa, một ở chung với nhau cho được tập đi đàng nhân đức. Về sau có nhiều người nữ khác bắt chước họ. Có lời truyền khẩu rằng : Nhà Mụ Bái Vàng trong tỉnh Hà Nội là nhà mụ trước hết trong nước An Nam. Phỏng thì là nhà ba người nữ ấy đã lập ra mà ở, ấy là gốc tích nhà mụ» (H. Ravier Khánh, «Sử ký Hội Thánh», III, Ninh Phú Đường 1894, trang 159-160).

Tác giả Đinh Thực trong cuốn «Các nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam» (mới xuất bản tại Việt Nam, không ghi rõ năm) cũng trưng dẫn chuyện này (trang 15-16).

Báo Dân Chúa Âu Châu số 174, tháng 4-1997, trang 36, sau khi trích dẫn câu chuyện trên, còn xác định rõ hơn nữa rằng : «Vì vậy, ngày nay, nhà dòng Bái Vàng được coi là tu viện đầu tiên và là nguồn gốc của các nhà dòng Mến Thánh Giá».

Câu chuyện năm 1640 trên có sắc thái đạo đức, mà các suy diễn xem ra lại còn «đạo đức» hơn nữa. Do đó, chúng tôi viết mấy hàng về chuyện này, mong biết thực hư ra sao.

  1. Tường thuật của cha Alexandre de Rhodes.

Câu chuyện trên là do cha Alexandre de Rhodes (dòng Tên) kể lại đầu tiên trong cuốn sách của ngài, tựa đề : «Histoire du Royaume de Tunquin» (xuất bản tại Lyon, năm 1651).

Chúng tôi xin dịch lời viết của ngài (trang 306-308) như sau :

«Có ba cô gái trẻ thuộc tỉnh mà người ta gọi là xứ Đông đã khấn hứa với Thiên Chúa là giữ đời đồng trinh; lòng quả cảm của họ lúc vừa hay tin có cơn bách đạo thật là phi thường. Họ viết một bức thư (rất) đẹp cho các cha dòng chúng tôi; trong đó, họ biểu lộ lòng can đảm  mà Thiên Chúa đã ban cho họ khiến họ tự đến xưng mình là Kitô hữu trước mặt nhà vua và tuyên xưng sẵn sàng vui lòng đổ hết máu mình ra hầu gìn giữ danh hiệu (Kitô hữu) cùng phẩm  chất (đồng trinh) vinh hiển ấy mà họ muốn sống và chết (như vậy).

Những trinh nữ này tên là Monica, Nympha và Vitta.

Sau đó ít lâu, Thiên Chúa đã sửa soạn cho họ một thử thách lớn về lòng can đảm của họ và là một dịp tốt đẹp cho họ lập công. Bởi vì, Vitta bị một tên lính vô liêm sỉ bắt gặp nơi thanh vắng và hắn dụ dỗ nàng hại danh dự mình, đến độ hắn tuốt gươm trần ra để trên ngực nàng mà đe dọa sẽ giết nàng nếu nàng không muốn thuận theo những ý muốn của hắn. Người thiếu nữ cao cả đó, không cãi vả : «Vâng dạ (trong nguyên bản : «Ouy dea»), nàng bảo hắn, ông sẽ cất được mạng sống tôi hơn là danh dự của thân xác tôi mà tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa». Vừa nói, nàng vừa đưa cổ và ngực cho hắn. Nàng thêm : «Ông hãy đâm chỗ nào ông muốn, tôi sẽ vui lòng chết nghìn lần hơn là chiều theo đòi hỏi vô liêm sỉ của ông và tội lỗi phản nghịch cùng Thiên Chúa mà tôi phụng sự». Quyết định dứt khoát ấy đã làm ngạc nhiên tên lính và cứu được danh dự cho người trinh nữ.

Hai thiếu nữ kia cũng đã tỏ ra không kém phần can đảm trong một thử thách tương tự mà niềm tin của họ bị tấn công. Họ đi đến Kinh Thành cùng một bà già tốt lành tên là Phan-xi-ca để lãnh nhận các phép Bí Tích tại đấy và bồi dưỡng sức mạnh chống trả những tấn công của cuộc bách hại. Trên đường đi, họ bị những người lính ngoại đạo bắt gặp và bị hỏi về niềm tin mà họ vâng giữ. Họ đã xưng đức tin ra cách thẳng thắn và triệt để, chẳng hãi sợ những đe dọa của những người lính đó. Sau khi chịu những lời thô bỉ hỗn hào, họ bị quẳng xuống những hố, bị lấp đất đầy tới cổ. Họ nằm trong cảnh như vậy suốt cả đêm cho tới sáng, mà Thiên Chúa muốn cho họ được các bổn đạo gặp thấy. Các bổn đạo kéo họ ra khỏi đó và dẫn họ vào trong Thành phố.

Từ lúc đó, ba cô gái này đã được đem đi ẩn ở một nơi an toàn; và có năm hoặc sáu cô khác, cũng mang một quyết định như vậy và cùng giữ mình theo những lời khấn sống trinh khiết trọn đời, đã đến hợp với họ trong cùng một căn nhà, làm thành một đàn nhỏ các trinh nữ và sống một đời sống thiên thần».

Về câu chuyện vừa kể, chúng tôi có phản ứng như sau :

1, Cá nhân chúng tôi không nghĩ là ba cô gái nhà quê này có thể gặp vua Lê (lúc đó là Lê Thần Tông, tên sinh là Lê Duy Kỳ) hay chúa Trịnh (lúc đó là Trịnh Tráng) dễ dàng như lời tường thuật. Mặt khác, đây là câu chuyện xảy ra vào năm 1640, mà bản thân thừa sai Alexandre de Rhodes đã rời Đàng Ngoài từ tháng 5.1630 rồi.

2, Câu chuyện «Ba cô trinh nữ xứ Đông» trên chấm dứt hoàn toàn ở đấy. Không hề nghe ai trong các thừa sai thời đó nói đến nữa. Ai muốn truyền tụng thế nào thì truyền tụng; còn căn cứ trên sử liệu thì chúng ta phải khiêm tốn nhận là chúng ta không biết chi hơn nữa. Nếu một ngày nào đó, có ai tìm ra được tài liệu dẫn chứng rõ hơn thì lại là chuyện khác.

3, Câu cuối cùng : «Dans un même logis, où elles font un petit Choeur de Vierges, et mènent une vie d’Anges.» – Hồng Nhuệ đã dịch như sau : «Trong một nhà làm thành một tu viện trinh nữ sống đời sống các thiên thần». («Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài», Ủy ban Đoàn kết Tôn giáo Tp Hồ Chí Minh 1994, trang 198). Phần chúng tôi, chúng tôi không dám dịch chữ «Choeur», mà nghĩa đầu tiên là «Ban hát», thành «tu viện», chỉ dám tạm dịch là «đàn».

Tường thuật của cha Alexandre de Rhodes đạo đức, nhưng còn đơn sơ, chưa đủ cho chúng ta thấy đời sống có tính tu trì của các phụ nữ Công Giáo Việt Nam thời đó, thời của các thừa sai dòng Tên tại Việt Nam. Hơn nữa, ngài không cho biết thái độ nói chung của các cha dòng Tên về vấn đề các thiếu nữ hoặc phụ nữ Việt Nam muốn dâng mình cho Chúa, như là ngài đã nói rất rõ ràng và chi tiết về các thầy giảng.

Bài tường thuật của cha Filippo de Marini, cũng là thừa sai dòng Tên tại Việt Nam (lần đầu từ năm 1647 đến năm 1658), sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về điểm này.

  1. Tường thuật của cha Filippo de Marini.

 Theo lời kể của cha Marini, trong cuốn sách do ngài soạn bằng tiếng Ý và xuất bản năm 1663 tại Rôma, tựa đề «Delle missioni de’ padri della compagnia di Giesu nella provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tunkino», những thiếu nữ Kitô hữu muốn sống độc thân, hoặc vì chuộng đời sống khiết tịnh, hoặc vì chạy trốn hôn nhân với người ngoại đạo hay trốn làm vợ lẽ, không phải là không có. Các thiếu nữ này thường bỏ làng quê, tìm ẩn náu nơi nhà một bà đạo đức nào đó, đôi khi chỉ trong một thời gian ngắn.

Ngài viết (trang 223) : «Ngày nay, bởi vì tại Đàng Ngoài không có các Nội Cấm («Chiostri», tức tu viện), nhiều thiếu nữ trẻ độc thân trốn khỏi Thành phố mình, và nhờ công việc chân tay, họ nuôi sống mình, nhận hầu hạ trong những nhà các bà có đạo; các bà ấy coi họ như con gái riêng mình; cứ như thế, các cô sống gương mẫu, tựa như họ là những Nữ tu : không ham muốn sự gì nơi trần gian này («come se sossero Religiose : senza voler sapere di Mondo»)».

Thừa sai Marini (cũng như các thừa sai dòng Tên) không muốn tổ chức dòng tu cho các thiếu nữ đồng trinh này, kể cả cho các thiếu nữ có thiện chí nhất.

Ngài viết tiếp : «Thực sự, một cách chung chung chúng tôi không nhận sự ly thoát trần gian này, trừ ra những trường hợp khẩn cấp và chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi. Bởi vì những người ngoại, những kẻ giầu có thấy hành động của các cô và không coi đó như một Bí Tích («Sagramento» : thừa sai Marini hơi lầm chỗ này : khấn dòng không phải là một bí tích), có thể có thành kiến mà chế nhạo họ, hiểu xấu hành động của họ, chửi rủa cộng đoàn người có đạo; nhưng (chúng tôi không lập dòng tu) cũng còn là để tránh những phiêu lưu nguy hiểm cho những ai dấn thân vào công cuộc rất to lớn này».

Lời của thừa sai Marini có vẻ gần với sự thực hơn tường thuật của thừa sai Alexandre de Rhodes đã trích dẫn trên.

Nói tóm lại, các cha dòng Tên thừa sai tại Việt Nam đã không lập một cộng đoàn nữ tu nào. Cùng lắm, các ngài mới phải lo liệu nơi ăn chốn ở cho một vài trinh nữ có đạo gặp khó khăn mà thôi, và chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Phải chờ đến thời kỳ mà công việc rao giảng Phúc Âm tại Việt Nam được trao phó cho Hội Thừa Sai Paris, chúng ta mới thấy dòng nữ được thành lập tại Việt Nam.

  1. Tường thuật của cha François Deydier.

Những thừa sai người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris đến Việt Nam đầu tiên là các cha Chevreuil (năm 1664, tại Nam Việt), cha Hainques (năm 1665, tại Nam Việt) và cha François Deydier (năm 1666, tại Bắc Việt).

Tại Bắc Việt, cha François Deydier (tên Việt là Phan) quy tụ được hai nhóm nhỏ các chị em muốn sống chung với nhau. Ngài là thừa sai đầu tiên đã giúp các trinh nữ Công Giáo Việt Nam sống chung có tính cách đời tu.

Sự thực, những «người đồng trinh» thuộc hai nhóm đã được quy tụ lại không nhiều như người ta đã nghĩ hay muốn nghĩ như vậy. Chính cha Deydier đã viết trong lá thư tường thuật của ngài gửi đức cha Pallu (tài liệu viết tay : Kho Thư Văn của Hội thừa Sai Paris, tập 677, trang 53, hoặc : tập 677, trang 67) :

«Từ Kẻ Vòi, con sang Kẻ Vuống [Muông] là nơi cách đó một nửa ngày đàng (ngài đến Kẻ Vuống [Muông] khoảng ngày 3.4.1669). Nhà thờ (tại Kẻ Vuống [Muông]) này có hai gian. Một trong các thày giảng tên gọi là Ông già An-tôn, 82 tuổi, cư ngụ ở đấy. Trong giáo xứ này có 3 cô gái trẻ giữ đức khiết tịnh, sống chung với nhau theo một số luật lệ mà con đã ra cho họ, trong niềm hy vọng rằng Thiên Chúa ban cho chúng con phương tiện để có thể tạo nên một thứ tu viện trong đó những chị em này và nhiều chị em khác đủ mọi lứa tuổi có cùng lòng ao ước như vậy, sẽ sống chung với nhau».

Trước đó hai năm, cha Deydier cũng đã báo cáo cho giám mục của ngài là đức cha Pallu rằng :

«Ngày 1.11.1667

Con phải nghĩ đến làm lề luật phép tắc cho hai nhà các thiếu nữ và một vài bà góa muốn sống chung với nhau; nhưng con chẳng có quyển sách nào hầu giúp con trong chuyện ấy. Con nghĩ rằng con có thể quy tụ lại được gần ba chục chị em là những người chỉ ao ước sống như thế, nhưng làm cách nào mà có thể đủ cho tất cả mọi sự : giải tội mọi ngày mọi đêm cho một số đông người, bao nhiêu là thư từ phải trả lời ?

Con chỉ thiếu ba bốn ngày rảnh rỗi là hoàn tất được một thủ bản 14 bài suy gẫm, cho hai tuần lễ, và đã hơn ba tháng rồi mà thủ bản ấy vẫn còn nguyên tình trạng cũ mà con không thể nào hoàn tất được». (Tài liệu viết tay : Kho Thư Văn của Hội Thừa Sai Paris, tập 677, trang 27. Đăng trong : A.Launay, «Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques, tome I», Paris 1928, trang 75).

Sự thể là như thế. Sau này, có lẽ vì lòng «yêu Chúa kính Mẹ» quá đỗi, người ta đã viết ra rằng : «Tại Đàng Ngoài, ba năm trước ngày thành lập Dòng, 30 trinh nữ đã tụ họp lại với nhau» («Các nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam», sách đã dẫn, trang 45). Về chuyện này, cha Deydier chỉ có viết : «Je pense que je puis en assembler près d’une trentaine qui ne respirent qu’après cela : Con nghĩ rằng con có thể quy tụ lại được gần ba chục chị em là những người chỉ ao ước sống như thế».

Sự thật lịch sử duy nhất mà ngày nay chúng ta được biết là trước năm đức cha Lambert de la Motte lập dòng Mến Thánh Giá tại Bắc Việt (năm 1670), chẳng có dòng nữ nào trên đất Việt Nam cả. Trước thời điểm đó, tinh thần các chị em Công Giáo Việt Nam có vẻ đã sẵn sàng theo đời tu trì, nhưng chẳng có ai lập dòng cho họ cả.

Bác Ga, Toulouse 7.1998

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube