NÉM ĐÁ GIẤU TAY
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Kính thưa quý OBACE, tục ngữ Việt nam có câu: Ném đá giấu tay để nói về hành động của những người, có một tâm hồn độc ác thâm hiểm, muốn hại người vì một lý do nào đó nhưng họ giấu mặt, gài bẫy, hoặc mượn tay người khác để hành động, còn chính họ, bên ngoài vẫn mang một bộ mặt đạo đức.
Lời Chúa hôm nay thuật lại một câu chuyện cũng tương tự như thế: Chúng ta biết rằng, đến thời điểm này, sư ghen tị và âm mưu của người Do Thái càng lộ rõ hơn, họ muốn tìm cách để loại trừ Đức Giêsu, vì qua những lần lên đền thờ, qua những bài giảng, Chúa Giêsu đã trực tiếp đụng chạm đến đời sống và quyền lợi của các thày thượng tế và luật sĩ tại Giêrusalem. Đức Giêsu đã thẳng thắn lên tiếng cảnh cáo lối sống giả hình, tham tiền và những việc làm của các nhà lãnh đạo, những người này một mặt thì muốn người ta trọng vọng mình, giành cho mình những quyền lợi và ưu tiên, mặt khác họ bày vẽ và đặt ra nhiều thứ tập tục để có được nhiều tiền, như cho người dân vào buôn bán, đổi tiền trong sân đền thờ… Chúa Giêsu đã lên án những cách sống như thế và mời gọi mọi người trở về với lề luật và giới răn của Thiên Chúa.
Những luật sĩ và biệt phái hôm nay đã có cơ hội giăng một cái bẫy, và họ tưởng rằng Đức Giêsu sẽ không thể thoát khỏi cái bẫy này: Họ đem đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt người phụ nữ này đứng trước mặt Chúa Giêsu và đám đông, vừa để làm nhục người phụ nữ và vửa để thử Chúa Giêsu: Thưa Thày, theo luật Mosê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá cho chết, còn Thày, Thạy dạy làm sao? Những người luật sĩ và biệt phái đặt ra cái thòng lọng ở cả hai đầu, nếu Chúa Giêsu đồng ý cho họ ném đá người phụ nữ này, thì chứng tỏ giáo lý về lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không có gì khác hơn Mosê, và nếu Chúa tha cho người phụ nữ này, thì họ sẽ có cớ để kết án Chúa vi phạm luật Mosê. Đàng khác qua việc tố cáo kết án người phụ nữ này, những luật sĩ và biệt phái muốn nói với mọi người rằng: họ là những người công chính, ngay thẳng, đạo đức thánh thiện và có quyền kết án người khác.
Chúa Giêsu đã biết thâm ý của họ, Ngài đã không trả lời trực tiếp, nhưng Ngài thinh lặng cúi xuống lấy tay viết trên đất. Chúa Giêsu đã tạo một khoảng thinh lặng để cho những con người đang hằm hằm sát khí, đang lăm le cằm hòn đá trên tay kia, có thời gian để nhìn lại chính mình, cho đến khi họ đòi Chúa phải nói một điều gì đó ủng hộ hay phản đối, Chúa mới nói với họ: Ai trong các ông là người sạch tội thì lấy đá mà ném trước đi. Một câu nói bất ngờ khiến cho họ giật mình tự vấn lương tâm, và rồi họ đã buông những hòn đá xuống đất, và từng người bỏ đi, từ người lớn đến người nhỏ, vì không ai trong họ thấy mình là là người sạch tội.
Cuối cùng chỉ còn mình Chúa Giêsu và người phụ nữ đứng đó, Chúa nói với họ: Ta không lên án chị đâu, chi về đi và từ nay đừng phạm tội nữa- Người phụ nữ này đã được đối diện với một Thiên Chúa là Cha nhân từ yêu thương tha thứ, qua lời tuyên bố này, cho thấy một trái tim chạnh thương và cảm thông nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không chấp nhận tội lỗi,và tình trạng tội lỗi, nhưng Ngài lại nhân thừ và thương xót tội nhân. Vì cũng mang thân phân làm người, Chúa Giêsu cũng đã mang trong mình yếu đuối tư bề, và cũng còn bị ma quỷ tấn công cám dỗ, chính vì thế Ngài hiểu thế nào là thân phận yếu đuối của con người, của người phụ nữ này, và Ngài đã nói với chị: Ta không kết án chị đâu.
Không kết án người phụ nữ, vì có thể chị cũng chỉ là nạn nhân, còn kẻ gây ra tội đã bỏ trốn, hoặc lại được coi là được phép, không kết án chị, vì chị đáng thương hơn là đáng trách. Tôi không kết án chị, không có nghĩa là đồng lõa bao che hay chấp nhận sự sai trái, không kết án, để chị có cơ hội làm lại cuộc đời. Tha cho người có tội, nhưng Chúa Giêsu cũng đòi họ một điều kiện: Từ nay đừng phạm tội nữa, Chúa muốn cho người phụ nữ này có một cơ hội, có một tương lai, Chúa muốn chị bỏ lại đàng sau quá khứ sai lầm, vì ai cũng có thể đã từng sai lầm, điều quan trọng không phải là trong quá khứ tôi đã làm gì cho bằng, trong tương lai tôi sẽ làm gì và sẽ như thế nào.
Sự yếu đuối của người phụ nữ hôm nay đã gặp được sư nhân từ của Thiên Chúa, Thiên Chúa không bao giờ trói buộc chúng ta với qua khứ, nhưng Người luôn mở ra cho mỗi người một tương lai, điều đó cũng đã được tiên tri Isaia nói đến trong bài đọc một, qua miệng tiên tri Thiên Chúa nói với israel rằng: Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thủa trước, này…Ta sẽ mở ra một con đường mới, cho dòng sông chảy trên vùng đất khô khan. Điều đó cho thấy rằng, chỉ có con người mới trói buộc nhau, kết án nhau về quá khứ và bóp nghẹt tương lai của nhau, còn Thiên Chúa thì luôn mở cho con người cánh cửa hy vọng vào tương lai.
Hơn ai hết Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về sự tha thứ của Thiên Chúa, chính vì thế Thánh Phaolô cũng đã quyết tâm bỏ lại đàng sau qúa khứ ngu muội để lao mình về phía trước, để đạt được Đức Giêsu, chính Đức Giêsu Kitô là phần thưởng là ân phúc mà Ngài đón nhận được, và vì đã từng được tha thứ, và hơn nữa như được ơn cứu mạng, nên Thánh nhân đã xác tin rằng không có gì trên đời này có thể sánh với mối lợi là nhận biết Đức Kitô và giáo huấn của Ngài. Chính Thánh Phaolô đã nhận thấy rằng Thiên Chúa đang cho ông một cuộc đời mới, một tương lai mới, một cơ hội nời, và ông đã nắm giữ lấy không để điều đó vuột khỏi tay mình.
Thưa quý OBACE Lời Chúa hôm nay gợi lên nhiều điều để chúng ta tự vấn lương tâm về lối sống của chúng ta, có thể rằng đã nhiều lần chúng ta cũng giống như các luật sĩ và biệt phái, đã nhiều lần chúng ta cũng lăm le hòn đá trên tay để sẵn sàng ném xuống trên anh em, để kết tội anh em, và để che đậy cho đời sống của mình. Có thể chúng ta đang nắm trng tay những hòn đá thâm độc mưu mô trục lợi, đã nhiều lần chúng ta ném trên anh chị em mình những cái nhìn khinh bỉ khiến anh em mình đau đớn, hoặc là những lời nói ác ý vu cáo làm tổn thương anh chị em chung quanh, có thể nhiều lần chúng ta cả giọng lên án người khác chỉ vì ghen tị, để bôi nhọ, hạ nhục họ, và để đề cao bản thân mình.
Trong đời sống công đoàn giáo xứ, nhiều người đã sống vô trách nhiệm, không chung tay góp sức với cộng đoàn, không làm việc gì cả, nhưng lại đang cầm trên tay những hòn đá chỉ trích, kết án, hòn đá chia rẽ, bè nhóm, để ném vào các chủ chăn của mình và ném vào những người đang hăng say nhiệt tình làm việc tông đồ, với mục tiêu làm giảm uy tín của họ và làm giảm sự nhiệt tình tông đồ của họ, những hòn đá ấy cần phải được bỏ xuống.
Nhiều người chồng, người vợ trong gia đình đang đang cầm trên tay những hòn đá là sự nóng giận, chỉ chực chờ ném xuống trên nhau và trên con cái của mình, họ đang ném trên vợ chồng, những lời lẽ thô tục chua chát khó nghe, những cái nhìn nghi ngờ ghen tuông, khiến cho bầu khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng cãi vả chửi bới.
Những người trẻ cũng đang giấu những hòn đá riêng trong vạt áo của mình, trên đôi tay của mình để hạ gục bạn bè; các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông hôm nay có khác gì những hòn đá mà nhiều người trẻ đã dùng để để ném vào uy tín của nhau qua sự dèm pha chỉ trích, và nhiều khi vô tình hay ác ý nhiều bạn trẻ đã ném hội đồng người khác bằng những lời lẽ thô tục năng nề, mà không hề biết người đó là ai và không hề biết nguyên nhân thế nào.
Mỗi người hãy dành ra khoảng lặng mỗi ngày để suy gẫm Lời Chúa hôm nay, hãy nhận ra rằng, Thiên Chúa đã đối xử nhân hậu và khoan dung với mỗi người chúng ta, thì chúng ta cũng phải đổi xử khoan dung nhân hậu với anh em mình. Xin cho chúng ta nhận ra tình trạng tội lỗi của mình để biết vứt bỏ những hòn đá lớn nhỏ đang cầm trên tay xuống, và bước đến đưa tay ra để nâng đỡ anh chị em chúng ta chỗi dậy, và cùng nhau làm lại một cuộc đời mới Amen
THÀNH TÂM XÉT MÌNH
Lm. Nguyễn Nguyên
Suốt đời vô tội, cứ lẽ thường, thì không thể. Kinh nghiệm bản thân mỗi người đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Đã là người thì ai cũng có những xu hướng xấu, chỉ có điều khác lọai, và khác mức độ mà thôi, chẳng hạn có người ham thú xác thịt, người khác tham lam của cải, hoặc ích kỷ nhỏ nhen, ghen tương đố kỵ, nói hành nói xấu… Với ý thức đó, lẽ ra nó phải dẫn con người tới sự khiêm nhường và thông cảm với những tật xấu nơi người khác, thế nhưng rất nhiều khi con người lại muốn mình trở nên quan tòa để luận tội, kết án anh em mình. Những kinh sư và người Phariseu trong tin mừng chúng ta vừa nghe là một bằng chứng điển hình cho ta thấy rõ điều đó.
Những kinh sư và biệt phái họ luôn tự cho mình là những tín đồ mộ đạo, họ tự đặt mình trên tòa cao, tự ban cho mình quyền kết án và loại trừ những người mà họ cho là tội lỗi. Hôm nay, họ xúm nhau kết án chị phụ nữ ngoại tình. Mỗi người một hòn đá. Mỗi người một khuôn mặt mang đầy sát khí hôi tanh. Họ sẵn sàng trị tội một người để làm gương cho nhiều người. Tất cả đang sẵn sàng một án tử hình cho người phụ nữ thấp cổ bé miệng, lại cô thân cô thế. Thế nhưng, số phận của chị ta thật may mắn bởi vì: Chị đã được chính Chúa Giêsu, vị quan án kiêm luật sư, một vị cực kỳ khôn ngoan và nhân ái bào chữa và cứu chị thoát khỏi cái án tử đang treo lơ lửng trên đầu: “Tôi không kết án chị đâu – Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Một câu nói mở ra con đường sống cho kẻ bị kết án. Các biệt phái và kinh sư muốn Chúa làm quan toà giết chết, nhưng Ngài lại là vị quan toà cứu sống. Chỉ vài phút trước đó, người ta hung hăng tố cáo, mời Chúa xét xử người phụ nữ, không ngờ Ngài lại xét xử họ. Người ta đợi chờ Chúa kết án người phụ nữ, không ngờ Ngài lại kết án họ. Người ta mang đá ném vào người phụ nữ đáng thương, không ngờ Chúa lại ném đá vào chính lương tâm của họ.
Nhìn lại và đối chiếu hai thái độ: một bên là Chúa Giêsu, bên kia là những kẻ lên án người khác, mỗi người chúng ta thấy gì? Chúng ta có nhận ra một mâu thuẫn lớn, lớn lắm, lớn vô cùng hay không, đó là: Chỉ có mỗi một mình Thiên Chúa là Đấng vô tội, và Chúa Giêsu chẳng biết phạm tội là gì, lại tha thứ một cách quá dễ dàng. Chỉ có mỗi một mình Thiên Chúa mới có quyền kết án tội nhân, thì Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa lại tha thứ một cách quá nhanh chóng, tha thứ vô điều kiện. Còn con người với nhau, đầy khiếm khuyết, vô vàn lỗi lầm, cũng chẳng bao giờ được quyền xét đoán ai, chẳng bao giờ được quyền kết án ai, lại cứ tìm cái xấu của người khác để mà kết án, trị tội nhau. Cuộc sống hôm nay vẫn có đó những viên đá ác nghiệt, những viên đá của vô tâm, hững hờ, của nghi ngờ ganh ghét, những viên đá ném vào người anh em từ những tâm hồn hẹp hòi, u ám, những con tim chai lì của ác độc tự kiêu. Vâng! Con người ngày hôm nay cũng đang có những cách sống và thái độ sống không khác gì các kinh sư và Pharisêu. Đó là thái độ dửng dưng trước tội. Làm sự tội mà không biết mình tội. Sống trong sự tội mà cho rằng mình không mắc tội. Đang ngoại tình mà cứ tưởng mình trong sạch cứ kết án người khác.
Thật vậy, tội ngoại tình đa dạng và nhiều kiểu lắm chứ không phải đơn thuần chỉ là chuyện ăn nằm với người khác mà thôi đâu. Khi người ta bỏ Chúa đi thờ ngẫu tượng và các thần xa lạ khác thì lúc đó người ta đang phạm tội ngoại tình đấy. Khi đi cầu cơ, đi coi bói, chơi bùa, chơi ngải, cúng vái các tượng thần để xin chữa bịnh, xin cho làm ăn phát tài …
Khi cúi gập mình xuống để tôn thờ thần sex, làm nô lệ cho thần khoái lạc, suốt ngày chỉ tôn thờ những thú vui trụy lạc, lao đầu vào những thú vui giải trí thiếu lành mạnh nhưng vẫn nghĩ rằng xã hội nhiều người làm như thế, nên tôi làm cũng chẳng sao. Rồi tự do yêu đương, tự do quan hệ, tự do luyến ái theo kiểu “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em cũng chẳng hề hối tiếc”.
Khi quỳ xuống bái lạy Thần Tài, và cắm đầu cắm cổ làm nô lệ cho nó, bỏ cả nhà thờ nhà thánh, bỏ lễ, bỏ đọc kinh và bỏ luôn không lãnh nhận các phép bí tích …
Khi đã chịu phép Rửa Tội đàng hoàng nhưng lại đi chùa, đi thắp hương, đi cúng vái ông này bà nọ…… Là khi ấy, con người đang phạm tội ngoại tình, đang ngấp nghé bỏ nhà để đi… kiếm bò lạc đấy.
Ước gì, qua lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta nhận ra rằng: Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng là tội nhân, nên hãy đứng trước tấm gương của lương tâm mình để nhìn thấy cái lọ lem của mình, để nhìn thấy tâm hồn đen đủi xấu xa của mình. Hãy cầm lấy viên đá không phải để ném người khác, mà là để vạch lên ngực, lên tim của mình cho chảy máu và ăn năn sám hối rồi hãy bỏ nó xuống đất. Và theo gương Chúa mà đối xử với nhau: đừng bao giờ kết án ai hay vào hùa với ai để kết án người khác; đừng đấm ngực ai, nhưng hãy đấm ngực mình, nhìn nhận mình cũng chẳng khá hơn ai, mình cũng đầy những tội lỗi và thiếu sót, cần ăn năn sám hối để được tha thứ. Đó cũng là lời kêu gọi tha thiết cho mỗi người trong tuần cuối cùng của Mùa Chay này. Amen.
TÌNH THƯƠNG THA THỨ VÀ BIẾN ĐỔI
Lm. Đan Vinh
- TIN MỪNG: Ga 8,1-11
(1) Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. (2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các Kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đi đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (11) Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
- Ý CHÍNH: Tin mừng hôm nay trình bày tình thương bao dung của Thiên Chúa, thể hiện qua thái độ của Đức Giê-su đối với tội nhân phạm tội ngọai tình. Câu chuyện được trình bày như một màn kịch gồm 3 hồi như sau:
– Hồi một (x Ga 8,1-5): Các Kinh sư và người Pha-ri-sêu giải một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến yêu cầu Đức Giê-su cho biết phải xử lý tội nhân thế nào.
– Hồi hai (x Ga 8,6-9): Hiểu được ý đồ muốn gài bẫy của họ, Đức Giê-su đã im lặng ngồi xuống và lấy ngón tay viết trên đất. Khi họ gặng hỏi thì Người mới nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Câu trả lời của Đức Giê-su đã làm cho những kẻ tố cáo phải lặng lẽ rút lui.
– Hồi ba (x Ga 8,10-11): Chỉ còn Đức Giê-su là người duy nhất trong sạch và có quyền kết án tội nhân. Nhưng Người lại tỏ lòng khoan dung khi tuyên bố: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
- CHÚ THÍCH:
– C 1-3: + Đến núi Ô-liu: Núi Ô-liu còn được gọi là vườn Ghết-sê-ma-ni, nằm về phía Đông gần thành Giê-ru-sa-lem, (x. Lc 22,39). Đây là một nơi yên tĩnh thuận tiện cho việc cầu nguyện. + Trở lại Đền thờ: Đền thờ nằm trong Thủ đô Giê-ru-sa-lem. Đền thờ đầu tiên do vua Sa-lo-mon xây dựng vào năm 970 trước Công nguyên. Sau đó nhiều lần được tái thiết. Đền thờ được đề cập trong Tin mừng hôm nay do vua Hê-rô-đê trùng tu và mở rộng thêm từ năm 20 trước CN, nhưng sau đó đã bị quân Rô-ma tàn phá bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. + Người ngồi xuống giảng dạy họ: Các Thầy “ráp-bi” Do thái khi dạy Thánh kinh, thường ngồi trên một chiếc ghế hay một tảng đá, còn các thính giả thì đứng ngồi xung quanh. + Một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình: Đây là một thiếu phụ đã có chồng, nhưng đã quan hệ bất chính với một người khác không phải chồng mình.
– C 4-6a: + Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền phải ném đá hạng đàn bà đó: Luật Mô-sê quy định về hình phạt dành cho tội ngoại tình như sau: “Người đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Luật cũng quy định xử tử cả hai kẻ phạm tội bằng hình phạt ném đá (x. Đnl 22,24). Nhưng thời Đức Giê-su, người Rô-ma đã cấm dân Do thái áp dụng luật này (x Ga 18,31). + Họ nhằm thử Người để có bằng cớ tố cáo Người: Các Kinh sư và người Pha-ri-sêu muốn đưa Đức Giê-su vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” để có cớ tố cáo Người. Theo họ nghĩ: Đức Giê-su trả lời đàng nào cũng không ổn: Nếu Người truyền kết án tử hình theo Luật Mô-sê thì họ sẽ tố Người chống lại nhà cầm quyền Rô-ma, vì người Do thái đã bị tước quyền xử tử tội nhân, và Người sẽ bị chính quyền Rô-ma coi là phản lọan. Còn nếu Người truyền tha bổng tội nhân, thì họ sẽ lại nói Người chống lại Luật pháp Mô-sê và không theo truyền thống của cha ông.
– C 6b-8: + Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay vẽ trên đất: Viết trên đất là để bày tỏ thái độ không quan tâm đến sự việc đang xảy ra. + “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”: Qua câu nói này, Đức Giê-su tuy theo Luật Mô-sê để cho phép ném đá tội nhân, nhưng Người cũng nhắc cho những kẻ tố cáo kia biết rằng: Chính họ cũng là kẻ tội lỗi đáng bị xử phạt! Họ cần tránh thái độ xét đoán ý trái và kết án kẻ khác cách bất công, để khỏi bị Thiên Chúa xét đóan và kết án sau này. Vì dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì mọi người đều là tội nhân và đều cần được xét xử khoan dung (x. Lc 6,36-38).
– C 9-11: + Họ bỏ đi hết: Tất cả những kẻ tố cáo đều rút lui. + Bắt đầu từ người lớn tuổi: Người lớn tuổi bỏ đi trước, phần vì càng sống lâu thì càng nhiều sai phạm! Phần khác cũng có thể do các người lớn tuổi khôn ngoan hơn, nên khi thấy không làm gì được Đức Giê-su thì áp dụng nguyên tắc “Tam thập lục kế: đào vi thượng sách!” để tránh khỏi bị liệt vào hạng “đạo đức giả” (x. Lc 11,37-54). + “Tôi không lên án chị đâu!”: Đức Giê-su không xét đoán ai vì Ngừơi đầy lòng từ ái khoan dung (x Ga 8,15). Sứ vụ của Người là đến để cứu độ thế gian (x Lc 9,10). + “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”: Tuy tha thứ cho tội nhân, nhưng để tránh lạm dụng, Đức Giê-su cũng đòi hối nhân phải thành tâm sám hối, bằng việc quyết tâm không tái phạm nữa. Trong thực tế, để tránh khỏi tái phạm tội thì hối nhân cần ăn năn dốc lòng chừa. Lòng ăn năn sám hối thực sự được biểu lộ qua việc khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp, thành thật xưng thú tội lỗi, quyết tâm xa lánh dịp tội và làm việc đền tội cân xứng (x. Kinh Ăn năn tội).
- CÂU HỎI: 1) Hãy cho biết Đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do ai xây dựng và xây từ khi nào? Số phận cuối cùng của Đền thờ này ra sao? 2) Luật Mô-sê qui định hình phạt dành cho các kẻ phạm tội ngọai tình là gì? 3) Các đầu mục Do thái có ý đồ gì khi bắt người đàn bà phạm tội ngọai tình đến yêu cầu Đức Giê-su xử lý? 4) Đức Giê-su thể hiện lòng khoan dung đối với tội nhân qua câu nói nào? 5) Lòng ăn năn thực sự phải được biểu lộ bằng những việc gì? 6) Phải chăng khi tha thứ cho tội nhân là Đức Giê-su đã gián tiếp khuyến khích họ cứ tiếp tục phạm tội?
SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
- CÂU CHUYỆN: VỀ CUỘC HÓAN CẢI CỦA MỘT TỘI NHÂN:
TA-XI-A-NA là một văn sĩ người Mỹ gốc Liên Xô. Vào năm 1980, cô đã cho ra đời tác phẩm đầu tay tựa đề là “VỀ MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI KỲ DIỆU”. Trong quyển sách đó, cô đã kể lại chi tiết cuộc đời đầy đam mê sóng gió của cô, mà cuối cùng đời cô đã được ơn biến đổi trở nên tốt hơn gấp bội! Câu chuyện của cô Ta-xi-a-na được tóm gọn như sau:
Ngay từ khi còn bé, Ta-xi-a-na đã được chịu phép Rửa tội. Nhưng khi lớn lên, cô ít đến nhà thờ dự lễ Chúa nhật vì cha mẹ của cô không mấy ngoan đạo. Do thường hay gây gỗ và cứng đầu nên cha mẹ và thầy dạy đều xếp cô vào loại trẻ em khó dạy. Ngay từ nhỏ, Ta-xi-a-na đã tỏ ra căm thù tất cả những gì gò bó, ép cô vào khuôn khổ kỷ luật, vì nó làm cho cô cảm thấy bị mất tự do và không thể làm theo ý mình. Lớn lên, nhờ có trí thông minh siêu hạng, Ta-xi-a-na đã được cấp học bổng lên đại học. Nhưng tại môi trường trí thức này, thay vì kết thân với các sinh viên cùng khóa, thì cô lại thường xuyên giao du với đám ma-cô, đầu trộm đuôi cướp, bợm nhậu, đĩ điếm và xã hội đen…! Trong khi sống buông thả như vậy, cô cũng thích nghiên cứu các môn thần bí phương Đông, đặc biệt là môn Yô-ga. Khi tập luyện Yô-ga, mỗi động tác đều đòi người ta phải đọc một câu trong một bài văn vần của môn phái. Có người biết cô là tín hữu nên đã đề nghị cô đọc Kinh Lạy Cha để thay cho bài văn vần kia. Ta-xi-a-na đã làm theo lời khuyên này. Các câu trong kinh Lạy Cha đã dần dần thấm nhập vào tâm hồn cô. Rồi một ngày kia, một tư tưởng chợt lóe lên trong đầu Ta-xi-a-na: “Tại sao ta lại không đọc thêm các bản kinh khác nữa, nhất là đọc Lời Chúa trong Thánh kinh?” Càng đọc Lời Chúa, cô càng cảm thấy thích thú về những tư tưởng cao siêu và thánh thiện của Đức Giê-su. Cuối cùng cô quyết định đến với một linh mục đạo đức để tìm hiểu thêm về giáo lý Thánh kinh. Sau đó cô đã cử hành lễ nghi tuyên tín. Cô dọn mình chịu bí tích giải tội và đã được đổi mới hoàn toàn. Từ đây cô tình nguyện hiến thân phục vụ các công việc bác ái xã hội. Về sau cô đã thuật lại phép lạ đổi mới đã xảy ra với cô trong lúc cô đang xưng tội như sau: “Bấy giờ tôi lần lượt kể lại cho vị linh mục nghe các lỗi lầm tôi đã phạm, về những cơn say thâu đêm suốt sáng, các đam mê tình dục quá độ, về những cuộc hôn nhân bất hạnh mà cô đã từng trải, những lần phải đi phá thai vì bị vỡ kế hoạch dẫn đến hậu quả tai hại là tôi mất khả năng sinh con. Cuộc sống đầy đam mê đã biến tôi trở thành một con người dửng dưng với mọi sự: Tôi chẳng còn có thể yêu ai được nữa! Sau khi thú tội xong, tôi lắng nghe vị linh mục khuyên bảo. Lời của ngài tuy đơn sơ nhưng mỗi lời đều đánh động tâm can tôi. Sau cùng tôi thật xúc động khi nhận phép giải tội. Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy lòng thanh thản như vừa trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân”.
Sau lần xưng tội ấy, Ta-xi-a-na đã cảm nghiệm thấy cô đã gặp được chính Chúa Giê-su và được Người tha thứ mọi tội lỗi quá khứ. Ta-xi-a-na không những đã được ơn tha tội, mà còn được Chúa chạm đến phần tâm linh sâu thẳm nhất để biến cô trở nên một tạo vật hòan tòan mới của Người.
- SUY NIỆM:
1) Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giê-su đã bênh vực và tha thứ tội cho một phụ nữ ngoại tình. Người còn biến đổi chị nên một con người mới. Mùa Chay nhằm giúp các tín hữu chúng ta nhận biết sự yếu hèn của mình để hồi tâm sám hối nhờ gặp Chúa Giê-su trong bí tích giải tội. Chắc chắn chúng ta sẽ được Người tha thứ và còn được ơn biến đổi nên một con người mới.
2) Bí tích giải tội là bí tích do Chúa Giê-su thiết lập, để tha các tội riêng ta đã phạm từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội về sau, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội thánh. Bí tích giải tội còn được gọi là bí tích giao hòa, hòa giải hay bí tích sám hối. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này vào chiều ngày phục sinh, khi Người hiện đến với các tông đồ trong nhà tiệc ly và phán rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Bí tích giải tội ban cho ta các ơn này: Một là tha tội để giao hòa ta với Thiên Chúa và Hội Thánh. Hai là tha hình phạt muôn đời do các tội trọng đã gây ra cho ta và tha một phần hình phạt tạm. Ba là ban sự bình an cho tâm hồn và gia tăng sức mạnh giúp ta chiến đấu chống lại các cơn cám dỗ của ma quỷ. Bí tích giải tội rất cần cho người tín hữu, vì giúp họ nhận được ơn tha thứ tội lỗi đã phạm đến Thiên Chúa, làm tổn thương phẩm giá con người và phá vỡ sự an bình thiêng liêng của Hội Thánh. Chỉ các giám mục và những linh mục có quyền giải tội mới được ban phép giải tội cho các hối nhân nhân danh Chúa Ba Ngôi. Những ai đã phạm tội trọng thì cần phải nhận lãnh bí tích giải tội; còn ai chỉ mắc tội nhẹ thì không buộc xưng tội, nhưng nếu họ có lòng ăn năn mà xưng thú tội lỗi thì sẽ nhận được nhiều ơn ích thiêng liêng. Muốn lãnh nhận bí tích giải tội ta cần làm bốn việc: Một là xét mình; Hai là ăn năn dốc lòng chừa; Ba là xưng tội; Bốn là đền tội. Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh còn dạy các tín hữu sám hối bằng các việc khác là: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái để chia sẻ cơm áo và khiêm nhường phục vụ những người đau khổ bất hạnh và bị bỏ rơi.
3) Ngày nay một số khá đông các tín hữu không muốn lãnh nhận bí tích giải tội dựa vào một số lý do như sau:
* Do gương xấu của một số chủ chăn: Những tín hữu này không muốn xưng tội với lý do các vị chủ chăn cũng chỉ là những con người tầm thường với nhiều tội lỗi và bất tòan.
Tuy nhiên, chính Đức Giê-su đã không nghĩ như vậy khi trao quyền tha tội cho các tông đồ vào chiều ngày phục sinh, dù các ông chỉ là những con người còn nhiều sai lỗi. Vì các ngài hành quyền “cầm buộc và tháo cởi” không với tư cách cá nhân nhưng đại diện cho Chúa Giê-su. Đàng khác, các hối nhân được ơn hóan cải hay không là do quyền năng Thánh Thần đã được chính Chúa Giê-su thổi hơi ban cho các tông đồ, như Tin mừng Gio-an đã ghi lại như sau: “Nói xong, Chúa Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
* Do hiểu sai về hiệu quả của bí tích giải tội: Có người nói: “Tôi thường đi xưng tội vào mỗi đầu tháng và lần nào tôi cũng chỉ xưng thú một số tội đã xưng nhiều lần trước đó, mà không sao chừa được. Do đó xưng tội là một việc làm vô ích, thiếu hiệu quả và mất nhiều thời giờ.
Để nhìn rõ vấn đề, chúng ta hãy so sánh sức khỏe tâm linh với sức khỏe thể xác: Do di truyền, có lẽ ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang một số bệnh khó lòng chữa khỏi như: bệnh cao huyết áp đòi người bệnh phải uống thuốc hằng ngày, bệnh dị ứng nổi mề đay, bệnh “gút” gây đau nhức luôn phải uống thuốc giảm đau… Mỗi khi căn bệnh tái phát nặng hơn, chúng ta phải đến bác sĩ chuyên khoa điều trị và phải dùng một số loại thuốc giống nhau… Nhưng đâu có ai từ chối uống thuốc với lý do sẽ tái bị lại?. Nếu ta không đi khám và không uống các thứ thuốc trị bệnh quen thuộc nói trên mới là điều sai lầm. Cũng như mỗi ngày chúng ta đều phải tắm rửa cho sạch, dù biết rằng đến mai cơ thể của mình sẽ lại bị dơ cần phải được tắm lại… Về phạm vi tâm linh cũng vậy: Ai trong chúng ta cũng có một số thói hư rất khó chừa như: Dễ nổi nóng, hay nói xấu kẻ mình không ưa, ích kỷ tự ái cao, lười biếng làm việc đạo đức, uống rượu say sỉn, thủ dâm để tìm hưởng lạc bất chính… Dù biết sau một thời gian có thể sẽ tai phạm, nhưng ta vẫn cần đi xưng tội để đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
* Do xét mình cẩu thả: Có người chữa mình rằng: “Tôi xét mình mãi mà chẳng thấy có tội gì cần phải xưng. Nhiều khi phải cố tìm một “tội trọng cũ” để có tội mà xưng.
Việc không tìm ra tội nào không chứng minh chúng ta là người thánh thiện, nhưng có thể do chúng ta đã chai lỳ về tâm linh khi cho các việc làm sai là không có tội. Thực ra mọi người chúng ta đều yếu hèn như thánh Phao-lô đã thú nhận: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Những ai tưởng mình không có tội, thực ra là do đã xét mình cẩu thả mà thôi, như thánh Gio-an đã viết: “Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta đã tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8).
* Do xét mình thiếu sót: Kinh cáo mình có câu: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm và những điều thiếu sót”. Tội chúng ta phạm có thể là tội cố tình vi phạm một điều luật cấm như dối trá, trộm cắp, ngọai tình, phá thai… hay tội bỏ không làm việc lẽ ra phải làm như: Bất hiếu với cha mẹ, làm ngơ trước người đau khổ cần trợ giúp…
Trong Tin mừng, Đức Giê-su đã đề cập đến tội thiếu sót này như dụ ngôn ông nhà giàu đã làm ngơ không giúp đỡ anh La-da-rô, một người nghèo khổ nằm trước cửa nhà ông ta (x Lc 16,19-31). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su cũng sẽ phán với những kẻ bỏ qua không chịu làm việc lành như sau: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi chẳng đón tiếp; Ta mình trần các ngươi không cho đồ mặc; Ta ở tù các người đã không viếng thăm …” (Mt 25,41-45).
Những tội thiếu sót này tưởng chỉ là tội nhẹ mà thực ra cũng có thể thành tội nặng nếu nó cho thấy trong ta không có tình thương và đồng nghĩa với tội giết người như thánh Gio-an đã viết: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân . Và anh em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,14b-15).