Khía Cạnh Tâm Lý Và Thực Tế
Trong Việc Nhận Định Ơn Gọi Độc Thân Thánh Hiến (Phần 3)
7. Yếu tố “ngoan hiền”
Nhiều nơi, khi chọn lọc ứng viên các vị có trách nhiệm hoặc phụ trách huấn luyện dường như có xu hướng thích chọn những người “ngoan hiền” và không thích những em có bản lĩnh hay “ngựa chứng”, khó kham, khó dạy. Họ tìm những em luôn dạ dạ, vâng vâng và không bao giờ dám góp ý dù cũng có ý kiến vì sợ sai, sợ mất lòng; những người mà bề trên hay ai đó “xướng” cũng được, tôi sẽ “tùy” ngay. Chúng ta cần tìm hiểu thêm một chút về các người ngoan hiền.
. Có những người hiền “tự chọn” nghĩa là hiền do tự chủ, do dùng ý chí nghị lực để thắng mình, do muốn từ bỏ những sân si vì Đức Kitô và vì anh em như Thánh Phaolô đã chủ trương: “Vì Đức Kitô tôi đành chịu thua thiệt… và coi mọi sự như rác rến… so với cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô…” (Pl 3, 7-9). Với cái Hiền tự nguyện, tôi có thể nhưng không làm, không nói… vì tôi tự nguyện bỏ qua. Cái hiền của nhường, của nhịn vì những giá trị cao hơn. Đây là cái hiền mà Đức Kitô đã dạy “hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 12, 29).
. Có người hiền theo bản tính tự nhiên, họ chủ trương “dĩ hòa vi quý”, thích sống êm ả, không muốn có sự bất hòa tranh chấp.
. Có người hiền vì thiếu bản lĩnh không có khả năng đương đầu với khó khăn hay người khác, những người này thường “không dám” đối diện trực tiếp, nhưng lại hay nói sau lưng, khó kiểm chứng, dễ tạo nên những sự hiểu lầm, hoặc vì sợ nên hay đổ lỗi cho người khác, hoặc chối không dám mang trách nhiệm hay thừa nhận một số sai sót, đi vòng vo, có khi nịnh bợ, tìm ô dù…
. Có người hiền vì chậm hiểu (hơi khờ) nên thường không có phản ứng ngay, không biết cách đương đầu khi gặp vấn đề. Đây là một điều có lợi vì họ ít có xung đột, tranh cãi hay tránh được bất hòa trong cộng đồng, nhưng đến khi hiểu ra, họ lại tự trách mình và ngầm trách người…, những người này có thể sống trong ấm ức, căng thẳng, bất mãn và ức chế…
Xin được kể một chuyện có thật – một hôm tôi nghe một người thân tính chuyện tương lai cho con họ rằng: “Thằng B… nó hiền, nên cho nó đi tu. Nó hiền tu được đó…” Tôi giật mình, buột miệng góp ý ngay: “Con ơi, tu phải có bản lĩnh mới đứng vững…”. Tôi cũng ngạc nhiên với chính mình sao lại phản ứng nhanh thế, vì tôi biết thằng bé hơi khờ và yếu thần kinh, và có lẽ sau hơn năm mươi năm trong đời tu và với kinh nghiệm trong nghề nghiệp cũng như trách vụ tôi đã có cái nhìn méo mó chăng?
Thực ra, “ngựa chứng là ngựa hay” nếu biết “thuần phục” chúng. Việc này mất nhiều công sức, nhất là với các vị phụ trách huấn luyện còn “non” về nhiều phương diện tuổi đời, tuổi tu, cũng như kiến thức và kinh nghiệm làm việc với giới trẻ (Ví dụ có chị giáo vừa mới khấn xong, trình độ cao đẳng mầm non, trong lúc các ứng sinh thì trình độ cử nhân, thạc sĩ và ngay cả cao hơn). Đó là chỉ dám nói “non” trên phương diện con người chứ chưa kể đến “non” về nhân đức, chiều sâu là những điều chỉ có Thiên Chúa mới biết được.
8. Những dấu hiệu lệch lạc
Phán đoán lệch lạc
Lệch lạc trong phán đoán là nhìn mọi sự không đúng như sự thật khách quan. Đây là yếu tố tối ư quan trọng vì hành vi và cảm xúc của chúng ta được điều khiển bởi tư duy. Có thể nói trí phán đoán như bánh lái. Con người có trí khôn để nhận định và phán đoán hầu có thể ứng xử đúng mực, suy tư đúng hướng. Nếu phần này lệch thì không biết cuộc đời sẽ xuôi về hướng nào. Người bảo thủ, tư duy kém thường có thể lệch lạc trong những phán đoán, họ nhìn vấn đề một cách chủ quan, phiến diện và thường cố chấp.
Ám ảnh và mặc cảm tội lỗi
Một số ứng sinh mang mặc cảm tội lỗi. Có lẽ vì do sự giáo dục quá khắt khe hay bị răn đe dọa nạt thường xuyên, và luôn tự cho mình đã làm một điều gì đó sai trái, đi ngược lại đạo lý, luật đời nên nhiều ứng sinh mang nặng trong mình mặc cảm mình là kẻ có tội, là kẻ xấu xa, đáng nguyền rủa.
Đây chính là tình trạng tâm lý báo động cần được chữa trị ngay và làm một cách nghiêm túc, nếu không, nó sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm, mất tự tin, suy sụp, luôn cho mình sai phạm nặng nề trong các hành động và rồi nhìn ngoại cảnh qua một lăng kính đen tối và tiêu cực. Người ta gọi tình trạng tâm lý này là mặc cảm tội lỗi bệnh hoạn.
Cảm giác tội lỗi bệnh hoạn thường nhấn sâu các bệnh nhân vào một ảo tưởng nguy hiểm đó là luôn cho mình đã sa phạm các trọng tội đáng phải án phạt trầm luân; mất niềm hy vọng tìm được sự thông cảm và tha thứ của Thiên Chúa cũng như của đồng loại mặc dầu trên thực tế những sai sót của họ chỉ là những điều lầm lỗi nhỏ nhặt mà đa số chúng ta khó ai tránh khỏi.
Những người “có vấn đề”
Mục này muốn nói đến một số ứng sinh đã có những dấu hiệu lệch lạc hay dấu vết tâm thần. Ở đây chưa có thể gọi là “bệnh” nhưng đã có dấu hiệu rối loạn. Có khi đương sự không biết nhưng cũng có những trường hợp bản thân và cha mẹ họ biết nhưng giấu. Trong thời gian đầu họ có thể cố gắng che đậy, hoặc vượt qua, nhưng đời đâu luôn bằng phẳng, những khi khó khăn, những sự bất thường sẽ làm bộc phát hoặc tái phát. Ở một số nước, thường có những bài trắc nghiệm tâm lý hỗ trợ cho việc phân định. Nước ta phần lớn chưa có thói quen này, nhưng thiết nghĩ, trong những trường hợp những ai có dấu hiệu “lạ” ta cũng cần sự hỗ trợ của phương tiện này. Đừng để khám phá quá trễ, không đem lại lợi ích gì cho cả đôi bên, ứng sinh và nhà dòng.
9. “Quý – thương – tiếc” ơn gọi
Dẫu biết rằng sự khoan dung có sức thuyết phục và giúp biến đổi hơn chứng lý, để phân định một điều liên quan đến một đời người, một hướng đi thì ta nên xem lại quan điểm “thương, tiếc, tội nghiệp…” này.
Đời tu là con đường hẹp, là một qua trình dài “trường kỳ kháng chiến”. Khó khăn là chuyện thường tình. Những người đi trước đã chẳng nói “Chúa gọi thì nhiều nhưng chọn thì ít” đó sao? Thế nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp thấy rõ ứng sinh có vấn đề hoặc những điểm cơ bản không thích hợp với đời tu nhưng lại cảm thấy tiếc khi chối từ vì lý do “quý ơn gọi”, “tiếc công đã đào tạo”, “tội nghiệp”, có “thiện chí”, “ứng sinh rất muốn tu”… Đừng quên rằng vấn đề hay khó khăn đầu đời sẽ tạm lắng vì ứng sinh còn trẻ, còn có sức để cố gắng và tạm vượt qua. Khi lớn tuổi hơn, nhiều việc hơn, nhiều thử thách hơn hay khi tinh thần trở nên yếu đuối, khi gặp khủng hoảng thì những vấn đề trước kia thường “hiện nguyên hình” và có khi còn trầm trọng hơn trước. Vì thế, hãy coi chừng việc xét ơn gọi, việc quý ơn gọi, “thương người”. Hệ quả là nhà dòng sẽ bị ảnh hưởng. Có khi một người bệnh tâm trí làm xáo trộn đời sống cộng đoàn gấp nhiều lần những người bệnh về thể lý. Còn đương sự thì khó có thể tìm thấy an bình và hạnh phúc trong đời tu.
Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng, CND, Khía cạnh tâm lý và thực tế trong việc nhận định ơn gọi độc thân thánh hiến, trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chuyên đề: Người trẻ và việc phân định ơn gọi, s. 103, tr. 47 – 62. (Còn tiếp)
Trích nguồn: https://dongducba.net