Đời Tu Và Hạnh Phúc

Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây…, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút.

Thánh Tôma Aquinô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc”[1]. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.

Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?

1.  Hạnh phúc là gì và ở đâu?  

  Thực sự câu trả lời rất khó để khẳng định đâu là hạnh phúc; ai là người được hạnh phúc, và dựa vào tiêu chuẩn nào để cho rằng mình hạnh phúc! Lại càng khó hơn khi mỗi người đều có một quan điểm hay một khái niệm để mặc định cho nó. Đôi khi dẫn đến tình trạng uốn nắn hạnh phúc theo chủ ý khách quan của mình.

Nhưng như đã nói, hạnh phúc được mỗi người hiểu một cách khác nhau, nên rất khó thống nhất. Các trường phái hay tôn giáo cũng có những quan niệm khác nhau khi bàn về hạnh phúc.

Trong từ điển tiếng Việt khi nói về hạnh phúc thì viết: “Có được nhiều sung sướng, toại nguyện”[2]. Còn theo ngôn ngữ triết học thì: “Tình trạng sung sướng của con người khi khuynh hướng được hoàn toàn thỏa mãn, về lượng, về phẩm, về lâu dài theo đúng bậc thang (hay là trật tự) giá trị”[3]. Hoặc theo Bách khoa Toàn thư thì: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí  [4].

Sự sung sướng, hay thỏa mãn có thể là cái gì đó nắm bắt được cách cụ thể như: tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực, thành công, thỏa mãn ước muốn…, bởi vì người ta phỏng chiếu sự hạnh phúc dưới nhiều lăng kính chủ quan và có phần hiện sinh, nên đôi khi “thấy vậy mà không phải vậy”. Tôi theo góc độ và vị thế của tôi; anh theo chủ quan của anh. Mỗi người sẽ tùy thuộc vào quan điểm, hiểu biết và bậc sống của mình dựa trên nhu cầu về thể lý hay tâm linh để hình thành nên một quan niệm về hạnh phúc.

Nhưng nếu chỉ có thế thì quan niệm của con người về hạnh phúc thật lệnh lạc vì nó không bám rễ sâu trong tâm hồn, nơi nội căn của con người. Hạnh phúc như thế, phải chăng không phải là hạnh phúc thật, bởi vì nó mang nặng tính chủ quan, phiến diện, nên con người cứ nhọc công tìm kiếm, và lòng tham vô đáy của con người biết đâu cho vừa, nên cứ phải đi tìm hoài, tìm mãi… Người đời thường có câu: “Con dao và cái nĩa không làm cho người ta ngon miệng” (De Sirvy). Còn trong nhà tu thì có ngạn ngữ: “Áo dòng không phải chân tu, hoa thơm nhân đức đời tu mới thành” hay: “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Từ cái nhìn đó, mỗi người chúng ta hiểu được ngay rằng: những thứ bên ngoài không đem lại cho người ta hạnh phúc thật, còn những cái ở bên trong mới đem lại cho con người hạnh phúc.

Như vậy, hạnh phúc là một cái gì đó cao quý, thiêng liêng, là vô hằng mà ai cũng mong muốn đạt được. Nó là một trạng thái nội tâm sâu xa được khởi đi từ nội căn chứ không phải thứ hạnh phúc bề ngoài do ngoại tại tác động. Còn khi nói đến hạnh phúc trong đời tu, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói khi gặp gỡ các linh mục và tu sĩ tại Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm mục vụ năm 2008: “Giáo Hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chỉ đề có nhiều, nhưng Giáo Hội cần có các linh mục, tu sĩ hạnh phúc vì được là linh mục tu sĩ”. Rồi trong năm Đức Tin vừa qua, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình: “Tái khám phá hành trình Đức Tin để làm sáng lên niềm vui, lòng phấn khởi được gặp gỡ Đức Kitô”. Tiếp theo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn năm 2014 là năm: “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình”, qua đó các ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa sống tinh thần “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình để thông truyền Đức Tin”.

Tất cả những lời giáo huấn của các đấng chủ chăn trong Giáo Hội luôn mời gọi mỗi người hãy cảm nghiệm được: “Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng”. Khi cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc vì có Chúa ở cùng và sống với, mỗi người chúng ta mới có thể loan báo và lưu truyền Đức Tin cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, thành phần quan trọng trong sứ vụ này không ai khác là chính những người sống đời thánh hiến. Nhưng trước khi giúp cho người khác khám phá và tái khám phá niềm vui, hạnh phúc khi đi theo và gắn bó với Đức Kitô, thì chính những người được thánh hiến phải trở nên dấu chỉ về niềm hy vọng, hạnh phúc và niềm vui của mình cho người khác.

2. Đời tu và hạnh phúc

 Có một câu chuyện kể rằng: “Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.

Ngày nọ, ông vua giàu có đã cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí… Thế là mỗi ngày Chúa nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông được nhiều người giúp đỡ ông và tỏ lòng thương mến. Tối về, ông tự nghĩ: ‘Bây giờ ta mới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào’.

Một thời gian sau đó, ông gom góp tặng hết những gì mình có cho người nghèo trong vùng rồi chảy đi nơi khác. Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh… Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: ‘Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này’”.

Đời tu cũng thế, hạnh phúc không phải là ở trong một nhà dòng to lớn có bề dày về truyền thống, hay có những cơ sở hạ tầng vĩ đại, hoặc một giáo xứ lớn, những nơi giáo dân luôn tôn trọng, nâng đỡ và tạo điều kiện thuận lợi là hạnh phúc. Không! Hạnh phúc đời tu không phải như thế! Hạnh phúc trong đời tu chính là gắn bó với Chúa liên lỉ trong đời sống hằng ngày.

Chỉ có sự gắn bó với Chúa, được biểu hiện qua đời sống cầu nguyện, chúng ta mới thấy được hạnh phúc nội tâm và niềm vui chia sẻ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói: “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô” (x. GLHTCG số 2564).

Như vậy, nhờ cầu nguyện, chúng ta được đi vào giao ước thánh của lòng ta với Thiên Chúa. Có cầu nguyện, ta mới khám phá ra hạnh phúc thật và hạnh phúc giả tạo: “Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21).

3. Sống thân tình với Thiên Chúa

Khi chọn đời sống tu trì để hiến dâng cho Thiên Chúa và con người, thì đời tu của mỗi chúng ta là một cuộc giao ước thánh. Thông qua giao ước này, ta chọn Chúa làm Chủ đời ta, ta thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về ta. Cuộc giao ước này là một cuộc giao ước tình yêu. Lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy theo Thầy” và ta đáp trả, ấy là một cuộc tình được thiết lập, mà Đức Giêsu là người chủ động đi bước trước.

Đây là một lời mời gọi mang đầy tình mến mà Đức Giêsu dành cho những ai Ngài chọn. Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi đó, là chính lúc ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Thánh Phaolô đã nói thật thâm sâu: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi…” (Pl 3, 8).

Tông Huấn về đời sống thánh hiến khẳng định:“Khởi điểm của chương trình này là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Đức Kitô” (ĐSTH số 93) và sống gắn bó với Ngài.

Sự gắn bó với Đức Kitô được hiểu như là sự sống còn. Chính Ngài cũng đã diễn tả tâm tình này khi đưa ra hai dụ ngôn người tá điền và anh lái buôn: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44 – 46).

Niềm vui và hạnh phúc của người môn đệ chính là xác tín thật chắc chắn về vị Thầy mà mình quyết định đi theo để được ở cùng và sống với Ngài. Vị Thầy đó chính là kho tàng, là viên ngọc quý. Nói cách khác, Ngài là lẽ sống, là lý tưởng, là thần tượng của chúng ta. Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 38). “Khi được Ngài, tôi đành mất hếtvà tôi coi tất cả như đồ bỏđể được Đức Kitô” (x. Pl 3,7-8). Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy có câu chuyện chàng thanh niên giàu có được Đức Giêsu đem lòng yêu mến, quý trọng và mời gọi anh ta bước đi theo Ngài để được hạnh phúc: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,21-22). Tuy nhiên, anh đã không đáp lại lời mời gọi ấy và đã buồn rầu bỏ đi chỉ vì anh ta có nhiều của cải. Chúa của anh là đồng tiền. Chính đồng tiền đã chiếm địa vị độc tôn nơi anh ta.

Trong thực tế, giới nhà tu của chúng ta cũng vậy. Có rất nhiều người muốn theo Chúa, hiến thân để sống đời phục vụ… Nhưng oái oăm thay, họ lại không chịu những điều kiện đi đôi với ước muốn đó. Họ muốn cả hai và luôn trong tình trạng sẵn sàng “bắt cá hai tay”; hay “tu sĩ hàng hai”. Họ ngại khó, ngại hy sinh, và khó từ bỏ. Hoặc thay vì đi theo và chọn Chúa, thì lại chỉ lo làm việc của Chúa! Đến khi không có việc của Chúa hay không ưng ý với công việc được trao thì sinh ra buồn phiền, chán nản và bỏ đi như chàng thanh niên giàu có kia.

Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy rất nhiều người tỏ vẻ bên ngoài thành công, mũ mão cân đai, họ nói cười oang oang, họ vỗ ngực xưng tên, họ được nhiều người trọng dụng… Nhưng thực chất, khi đối diện với lương tâm, họ là những người bi đát, thất vọng vì không có nguồn hạnh phúc thật là chính Chúa, mà chỉ có những thứ hạnh phúc rẻ tiền mà thôi.

Vậy muốn có một cuộc đời hạnh phúc thật, thì trước tiên, người sống đời thánh hiến phải yêu mến và siêng năng đời sống cầu nguyện.

4. Đời sống cầu nguyện nơi người thánh hiến

Nói đến nghề đi buôn, người ta nghĩ ngay đến chuyện buôn gì, có lời hay lỗ. Cũng vậy, khi nói đến đời tu, người ta nghĩ ngay đến đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện được ví như hơi thở: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Nếu không cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ bị cám dỗ và xa dần Thiên Chúa nữa.

Cầu nguyện đối với người sống đời thánh hiến được khởi đi từ lúc bình minh đến khi chiều tà. Từ khi mặt trời ló rạng đến khi khuất núi ban chiều. Mẹ Têrêsa Calcutta đã cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện trong mọi cảnh huống thường ngày. Tuy nhiên, mẹ không phải lúc nào cũng ở trong nhà thờ để cầu nguyện. Với mẹ, mọi nơi mọi lúc đều có thể cầu nguyện được. Chính vì thế, hễ những ai gặp được mẹ, từ người quyền cao chức trọng đến thường dân. Từ người giàu đến người sống trong khu ổ chuột… ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi gặp mẹ. Mẹ không có tiền bạc, không phải là một phụ nữ hấp dẫn, trẻ trung, không phải là người có địa vị trong xã hội… Nhưng mẹ hấp dẫn là vì mẹ có tình yêu. Tình yêu của mẹ là tình yêu hướng tha, được khởi đi từ sự cầu nguyện. Chính trong đời sống cầu nguyện mà mẹ cảm nghiệm thật hạnh phúc, đồng thời mẹ trao ban niềm vui và hạnh phúc đó cho mọi người.

Trong đời tu, nhiều khi chúng ta không cảm thấy hạnh phúc ngay trong những chiến thắng bề ngoài. Tại sao vậy? Thưa chỉ đơn giản là không có cầu nguyện. Hay lời cầu nguyện của chúng ta bị đóng khung ở bên trong nhà thờ; bị khóa chặt trong cuốn sách kinh mà không hề ăn nhập gì với cuộc sống cả. Những người như thế, họ như là “xác không hồn” và không sớm thì muộn, đời tu của họ sẽ sụp đổ tan tành ngay bởi sự nhàm chán trong công việc phụng vụ, phục vụ và nỗi cô đơn trong đời tu.

Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng có nói: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (ĐHV 119).

Khi không có đời sống cầu nguyện trong cuộc đời của người tận hiến, chúng ta làm mọi chuyện chỉ là việc cưỡng ép, mà nếu làm như vậy, thì có lẽ máy móc tân tiến ngày nay làm hơn chúng ta nhiều.

Nếu chúng ta không có đời sống cầu nguyện, thì chúng ta mất đi nguồn sự sống, nguồn bình an, và như thế, chính bản thân ta đâu có đủ tư cách nói rằng tôi làm việc này hay việc khác vì Chúa đâu! “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ĐHV 120). Những người không có đời sống cầu nguyện, thì dù họ có làm được phép lạ cũng đừng tin. Cuộc đời của họ sẽ sụp đổ nhanh chóng vì họ xây nhà trên cát (x. Lc 6, 49).

Có rất nhiều anh chị em chúng ta nói: Tôi cầu nguyện rất nhiều, tôi dành cho Chúa rất nhiều thời giờ, nhưng sống với anh chị em trong cộng đoàn thì chẳng ra gì cả. Người đời thường nói: “Khoảng cách xa nhất trong cuộc sống chính là từ miệng đến bàn tay”.

Như vậy, cầu nguyện phải là một trạng thái thanh thoát và bình an. Cầu nguyện không phải là chuyện làm cho xong để rồi giờ cầu nguyện được ví như giờ lên lớp hay trả bài. Không phải thế, cầu nguyện là lòng với lòng, ta với Chúa trong tình Cha – con. Vì thế, đừng lý luận cao siêu, đừng bóp trán nặn óc để thưa lên với Chúa những lời sáo rỗng từ chương, nhưng thực chất chẳng có gì.

Mặt khác, cầu nguyện còn giúp cho mỗi chúng ta trở về với lòng mình cách chân thực để biết mình và biết Chúa. Nhận ra con người yếu đuối của mình, và nhận ra Thiên Chúa là đáng tuyệt mỹ. Khi nhận ra mình như thế thì điều đầu tiên cần có là tâm hồn sám hối và sung sướng vì được Chúa thương yêu. Khi họ cầu nguyện, họ được ví như: “Người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25).

Những người sống đời cầu nguyện thâm sâu, thì họ sẽ suy nghĩ, nhìn, nói, hành động theo ý muốn và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khi kết hiệp với Chúa, họ không ngừng sám hối và cũng không ngớt được thúc đẩy mở rộng lòng bao dung, tình thương đến với người khác. Pierre Van Brieman đã nói: “Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa. Tôi còn bám víu vào nhiều thứ trong đời sống của tôi và quyết nắm chặt lấy chúng trong tay: của cải vật chất, tinh thần, công việc, địa vị của tôi, bạn bè, nguyên tắc của tôi… Nếu tôi mở tay ra, những ‘của cải’ trên vẫn còn đó, có lẽ không một vật nào rơi bớt đi, nhưng ít nhất đôi bàn tay tôi đã mở. Thái độ đó là thái độ của người cầu nguyện”.

Người sống đời tận hiến chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội, với Đấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả.

Nói cho cùng, chúng ta hạnh phúc vì đã mở ra: mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

Như một lời kết luận, xin mượn câu chuyện của mẹ Têrêsa Calcutta với một ký giả, khi ông này có buổi tiếp xúc với mẹ.

Câu chuyện được bắt đầu với lời hỏi của anh ta:

– Sáng nay mẹ làm gì?

– Cầu nguyện.

– Bắt đầu từ mấy giờ?

– 4 giờ rưỡi.

– Và sau khi cầu nguyện?

– Chúng tôi tôi tiếp tục cố gắng cầu nguyện qua công việc bằng cách làm những công việc đó với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu. Điều này giúp chúng tôi đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào công việc đang làm. Những người đang hấp hối, những người đang co quắp, những người bệnh tâm thần, những người bị bỏ rơi, những người không được yêu thương. Họ là Chúa Giêsu cải trang….

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy đời sống cầu nguyện của chúng ta rất quan trọng. Khi cầu nguyện, chúng ta tin nhận Thiên Chúa là chủ đời ta cũng như vận mệnh của đời ta. Chúng ta sẽ làm mọi chuyện vì quy Kitô. Lấy Chúa Kitô làm trung tâm của ơn gọi và sứ vụ. Lúc đó, chúng ta sẽ hạnh phúc vì có Chúa ở cùng chứ không bị lệ thuộc vào những công việc của Chúa hay những thứ bề ngoài.

Jos.Vinc. Ngọc Biển
Trích nguồn: http://conggiao.info

 

[1] Tôma A Quynô, Tổng Luận Thần Học, Sum. Theol. I, q 2 ad1.

[2] Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Từ Điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2010, tr. 246.

[3] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển & Danh Từ Triết Học, Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn năm 1966, tr. 93.

[4] Xc. Bách Khoa Toàn Thư, trên: http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1nh_ph%C3%BAc, truy cập ngày 08-02-2014.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube