Khía Cạnh Tâm Lý Và Thực Tế
Trong Việc Nhận Định Ơn Gọi Độc Thân Thánh Hiến (Phần 4)
Yếu tố bản thân ứng sinh
Nhân đây xin được góp đôi điều với các bạn trẻ đang băn khoăn trước chọn lựa dâng hiến của mình. Trước hết mong các bạn nhìn lại:
. Động lực: các bạn thành thật nhìn vào nội tâm, xem xét lý do nào hình thành hay thúc đẩy đến việc muốn dâng hiến đời mình. Vì muốn rời gia đình, muốn một cuộc sống an bình, ổn định, ít sóng gió, muốn được học thêm, muốn thuộc về Chúa hoặc muốn tu… chỉ đơn giản vậy thôi?
. Mức độ ước muốn và quyết tâm: Ước muốn là một sức mạnh, một lực đẩy giúp chúng ta vượt nhanh hay có thể vượt qua khó khăn. Nhiều bạn trẻ còn phân vân nên đi tu hay không. Các bạn nên xem lại lòng mình khoảng bao nhiêu phần trăm muốn tu và bao nhiêu phần trăm e ngại… Sự quyết tâm là yếu tố quan trọng trước khi lấy quyết định. Người Pháp có câu: “muốn là được” điều này không phải là vô căn cứ. Mặt khác có nhiều bạn trước khi vào tu mà cái “sợ” cứ đeo đuổi mình trong quá trình tìm hiểu. Những ai “chưa tu mà sợ ra”, “chưa thi mà sợ rớt” thì mầm thất bại có vẻ như đang chực sẵn. Không ai tự mình dám cho rằng mình có đủ sức nhưng nếu các bạn đầy lòng khao khát và có sự quyết tâm cao thì đây là hai yếu tố tích cực trong việc chọn lựa.
. Lòng tin và lòng cậy trông. Có thể nói niềm tin vững chắc và hy vọng cao độ là hai cột trụ giúp chúng ta an tâm chọn lựa.
“Con luôn trông cậy Chúa,
lòng con tin tưởng nơi Ngài…”
Dù yếu đuối và còn nhiều khiếm khuyết, nhưng với lòng xác tín vào lời Chúa đã hứa: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9) và “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) nhất là vững tin rằng: “Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mt 19, 26).
Điều này không loại trừ sự nổ lực của bản thân và kiên trì tập luyện.
. Mối tương quan với Chúa. Đây là yếu tố then chốt. Đi tu không phải là chọn một nếp sống, nhưng là chọn đáp trả lời mời gọi, đi theo và dâng mình cho một Đấng, một “Người”. Nếu không biết, không tin, không mến hay không có tương quan thân tình với Đấng ấy thì việc đi theo đó sẽ vô nghĩa và khi khó khăn đến, nguy cơ gãy đổ sẽ khó tránh. Chúng ta có thể ví tình trạng này như “hôn nhân không có tình yêu”. Vì thế đi đôi với ước muốn dâng hiến, các bạn trẻ cần cố gắng tập sống thân tình với Chúa. Thiết lập mối tương quan sâu đậm với Ngài. Độ bền và độ sâu của mối tương quan này là điều không thể thiếu khi chọn dấn thân vào sống đời dâng hiến.
Thiết lập mối tương quan thân tình với Chúa phải là điều ưu tiên của ứng sinh và các vị trách nhiệm trong việc giúp các em trong thời kỳ tìm hiểu và trong các giai đoạn huấn luyện khởi đầu.
Tóm lại
Việc phân định ơn gọi có phải là lời mời gọi của Chúa hay không là việc của các vị đồng hành thiêng liêng. Những gì vừa nêu trên chỉ là những yếu tố tâm lý và thực tế mong soi sáng thêm cho việc phân định, huấn luyện và đồng hành trong giai đoạn đầu của đời tu. Những góp ý chắc chắn còn khiếm khuyết và khó tránh khỏi chủ quan. Tác giả chỉ mong muốn giúp người trẻ tìm ra đúng con đường mà Chúa muốn cho họ, hoặc giúp điều chỉnh hay thay đổi một số “lấn cấn” mà người trẻ phải đối diện hay kinh nghiệm tiêu cực trong môi trường gia đình và xã hội mà họ lớn lên. Ngoài những yếu tố siêu nhiên, phần “con người” cũng cần được quan tâm để tu sĩ sống triển nở, hạnh phúc vì đó là điều đẹp ý Chúa: “Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào…” (Ga 10, 10).
Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng, CND, Khía cạnh tâm lý và thực tế trong việc nhận định ơn gọi độc thân thánh hiến, trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chuyên đề: Người trẻ và việc phân định ơn gọi, s. 103, tr. 47 – 62.
Trích nguồn: https://dongducba.net