LOAN BÁO TIN MỪNG GIÁNG SINH
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Chúa nhật thứ bốn Mùa Vọng thường được gọi là Chúa nhật của Đức Trinh nữ Maria, bởi vì các bài Tin Mừng trong cả chu kỳ ba năm đều nhắc tới Trinh nữ khiêm hạ thành Nagiarét. Người thôn nữ bình dị ấy đã sẵn sàng nhận lời khi được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ trần gian. Gần đến ngày lễ Giáng sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng những nét đẹp đến từ nhân đức của Đức Mẹ, đồng thời hãy đón Chúa với tâm tình của Đức Trinh nữ. Vẫn biết rằng Thiên Chúa có thể dùng nhiều phương thế khác để cứu độ con người, nhưng phương thế mà Ngài đã dùng trong lịch sử là sai Con một của Ngài xuống trần gian, mặc lấy thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Đó là cách biểu hiện tuyệt vời tình thương của Thiên Chúa đối nhân loại. Trong mầu nhiệm Nhập thể và trong công trình Cứu chuộc, có sự cộng tác của một thiếu nữ đơn sơ khiêm nhường. Ngày hôm nay, mỗi chúng ta cũng đang được mời gọi loan báo Tin Mừng Giáng sinh.
Chúng ta hãy cùng với Đức Maria đón Chúa và loan báo Tin Mừng bằng những tâm tình sau:
Trước hết là tâm tình khiêm nhường: Chính Thiên Chúa làm gương cho chúng ta về sự khiêm nhường, qua mầu nhiệm Nhập thể. Thiên Chúa cao sang đã hạ mình làm người trần thế, chấp nhận mọi khó khăn, thậm chí cả những chống đối phản loạn từ phía con người. Mầu nhiệm Giáng sinh dạy chúng ta về sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa. Tác giả thư Do Thái quảng diễn tấm gương hạ mình của Đức Giê-su (Bài đọc II). Người đã thưa với Chúa Cha: “Này con đến để thực thi ý Ngài”. Trọn vẹn cuộc đời dương thế, từ khi sinh hạ cho đến khi chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện sự vâng lời ấy. Cùng một tâm tình như Đức Giê-su, Đức Maria đã thưa với Sứ thần trong ngày truyền tin: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền”. Hai lời thưa này cùng diễn tả sự khiêm tốn, vâng phục và phó thác. Quỳ cầu nguyện nơi hang đá máng cỏ, chúng ta hãy xin cho được sự khiêm nhường như Ngôi Hai Thiên Chúa và như Đức Maria, hiền mẫu của Người. Khi lòng chúng ta đầy những đam mê và kiêu ngạo ích kỷ, chúng ta không còn chỗ để đón Chúa. Chỉ khi nào can đảm dốc hết những hận thù toan tính, lòng chúng ta mới có khả năng đón Chúa đến và ở lại với chúng ta.
Tiếp đến là sự kiên nhẫn trung thành trong khi chờ đợi Chúa: Ngôn sứ Mika đã gửi đến cho dân Do Thái một thông điệp hy vọng. Ông sống và thi hành sứ vụ ngôn sứ vào thế kỷ thứ tám trước Công nguyên. Vào lúc dân chán chường thất vọng, ông đã quả quyết: Hãy hy vọng, vì Thiên Chúa sẽ can thiệp sau thời dân tộc bị bỏ rơi. Belem tuy là một thành nhỏ bé, nhưng đừng vì thế mà mặc cảm tự ti. Hãy tin vào Chúa, vì vị thống lãnh Israen sẽ xuất hiện từ thành trì nhỏ bé này. Cuộc sống của chúng ta có bao nhiêu gian truân thử thách. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh, những ai trung thành với Chúa sẽ được Ngài trợ giúp. Thánh Têrêsa Avila đã viết: “Không có gì làm cho bạn xao xuyến cả. Cũng chẳng có gì làm cho bạn hãi sợ. Mọi sự đều phải qua đi, còn Thiên Chúa thì không bao giờ thay đổi. Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả. Ai có Thiên Chúa, thì không còn thiếu thốn gì. Một mình Thiên Chúa là đủ rồi”. Kiên nhẫn trung thành sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để đạt tới hoàn thiện.
Một khi được đón Chúa đến trong đời, mỗi người tín hữu được mời gọi nhiệt thành loan báo Tin Mừng Giáng Sinh: Khi được chia sẻ, niềm vui sẽ nhân rộng và lớn mãi. Sau cuộc gặp gỡ với Sứ thần Gabrien, Thánh sử Luca nói, Đức Maria đã “vội vã lên đường”. Hình ảnh một thôn nữ đang mang thai tất bật vội vã vượt qua chặng đường dài xa xôi miền sơn cước hiểm trở cho thấy Đức Maria đang thao thức loan báo cho mọi người những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa sắp làm cho nhân loại. Đến thăm gia đình bà Elisabet, Đức Maria đã đem đến cho họ niềm vui. Bằng chứng cụ thể là hài nhi Gioan trong lòng mẹ đã nhảy mừng cách kỳ diệu. Đức Maria không dành những ơn phúc đã đón nhận từ Thiên Chúa cho cá nhân mình, nhưng Mẹ đã chia sẻ cho người khác. Ngôi Lời giáng sinh là niềm vui lớn lao cho cả thế giới (x. Lc 2,10). Ngày hôm nay, xung quanh chúng ta, có biết bao người chưa bao giờ được nghe nói về Chúa Giêsu, hoặc giả có nghe nói, nhưng đó là những khái niệm và hình ảnh sai lạc về Đấng Cứu thế. Người tín hữu khi mừng lễ Giáng Sinh được mời gọi lên đường để đem niềm vui Giáng Sinh vào cuộc sống. Con Thiên Chúa đã đến trong trần thế, chính người sẽ đem lại hòa bình cho nhân loại. Loan báo Chúa không chỉ bằng lời, mà còn bằng chính đời sống cụ thể của chúng ta, nhờ đó chứng từ của chúng ta mới mang tính khả tín, có sức thuyết phục mọi người.
Trong những ngày này, chúng ta hãy noi gương Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mở rộng tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế. Cùng với Mẹ, chúng lên đường để nói với mọi người đang sống trong thời đại chúng ta rằng: NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở CÙNG CHÚNG TA.
CHỜ ĐỢI TRONG IM LẶNG
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Dòng chảy cuộc đời luôn đòi chúng ta phải chờ đợi. Chờ đợi trong mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Chờ đợi là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Mỗi ngày ta vẫn thấy:
Hàng ngàn người chờ đèn xanh để bước tới. Hàng ngàn người chờ xe buýt để bước lên. Chờ đợi là sẵn sàng kẻo chậm chân là lỡ nhịp.
Có những cha mẹ chờ đợi trong thời gian dài để cầu mong cho đứa con ngỗ nghịch biết nhìn lại và yêu mến cha mẹ nhiều hơn. Đây là sự chờ đợi đầy hy vọng của tình yêu luôn mong điều kỳ diệu đến cho người mình yêu.
Có những bà vợ chờ đợi chồng quay trở về với gia đình khi chồng đi dưới những ánh đèn màu, những tiếng nhạc xập xình. Dù là phải chờ đợi trong từng phút giây xót xa, giận hờn, ghen tuông. . . Đâylà sự Chờ đợi tin cậy, dù đau xót!
Cócâu chuyện kể rằng: Cô bé 18 tuổi, giống như các thanh niên ngày nay – thích nổi loạn, thích sống ra ngoài sự kiểm soát của cha mẹ.
Thế là cô quyết tâm bỏ nhà đi. nhưng dòng đời đã đẩy đưa cô từ thất bại này đến thất bại khác.Cô bị ruồng bỏ vì nghèo đói. Cô đã phải làm gái đứng đường, đem thân xác, hình hài mình ra làm thứ để mua bán, đổi chác.
Năm tháng cứ thế trôi qua, cô già đi và bị dòng đời đẩy đưa vào tận cùng khốn khó, Có những ngày đói khổ phải tìm tới quán cơm xã hội để kiếm chút lót dạ.
Và một lần đi đến xin cơm xã hội cô nhìn thấy tấm bảng nhỏ ghi ở cửa:“Mẹ vẫn yêu con… Hãy về nhà đi con!”.Cô nhìn tấm hình mẹ đang bế cô ngày nào. Đúng là mẹ đang tìm cô. Đứng trước tấm hình, cô bật khóc.
Cô quyết định đivề nhà dầu phải đi bộ hàng chục cây số. Về đến nhà trời tảng sáng, cô sợ hãi khép nép không biết sẽ phải nói ra sao. Khẽ gõ cửa, cô thấy cửa không khoá. Cô nghĩ chắc có trộm vào nhà.
Lo lắng cho sự an toàn của mẹ mình, cô chạy vội lên buồng ngủ của bà và thấy bà vẫn đang ngủ yên. Cô đánh thức mẹ dậy:
– Mẹ ơi, con đây! Con đây! Con đã về nhà rồi!
Không tin vào đôi mắt mình, bà mẹ lau nước mắt rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Cô nói với mẹ:
– Mẹ à, con lo quá. Thấy cửa không khoá, con cứ nghĩ nhà có trộm!
Bà mẹ nhìn con âu yếm:
– Không phải đâu con à! Từ khi con đi, cửa nhà mình chưa bao giờ khoá. Mẹ sợ lúc nào đó con trở về mà mẹ không có ở đây để mở cửa cho con!
Và cô gái lại gục đầu vào lòng mẹ, bật khóc!
Nhìn vào xã hội hiện nay, biết bao gia đình đang rơi vào cảnh đổ vỡ hoang tàn. Phải chăng thiếu vắng những người vợ, những bà mẹ biết kiên nhẫn chờ đợi trong sự im lặng của tình thương và hy vọng.
Phụng vụ hôm nay cho chúng ta nhìn ngắm Mẹ Maria như mẫu gương chờ đợi. Chờ đợi của Mẹ là chờ đợi của hy vọng, của tin tưởng vào tình thương quyền năng của Chúa. Thế nên, Mẹ luôn có thái độ chờ đợi trong im lặng để suy niệm và cầu nguyện tìm ra ý Chúa. Bắt đầu từ sự im lặng nơi máng cỏ Belem , rồi trải qua ba mươi năm âm thầm tại Nazarét, rồi ba năm lặng lẽ theo dõi bước chân truyền giáo của con, và cuối cùng im lặng đau khổ dưới chân thập giá.
Trong năm mục vụ đồng hành với gia đình khó khăn, chúng ta hãy xin Mẹ Maria mang Chúa hài nhi đến trên những ngôi nhà đang sống trong sự im lặng của thất vọng, của khổ đau đầy nước mắt trong bệnh tật, nghèo đói và tha hương. . . Xin cho họ biết suy niệm và cầu nguyện trong niềm tin tuởng vào Chúa như Mẹ để dầu cuộc đời có đẩy đưa biết bao sóng gió vẫn bình an và tin tưởng vào quyền năng Chúa như Mẹ. Và ước gì niềm vui giáng sinh “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ mang lại cho cuộc đời chúng ta trọn vẹn niềm vui khi mang Chúa đến cho tha nhân qua đời sống yêu thương và phục vụ nhưMẹ đã mang Chúa đến cho Giacaria năm xưa. Amen
LOAN BÁO TIN MỪNG
Lm. Jos. DĐH.
Hạnh phúc có phải là khi ta đầy đủ vật chất tinh thần, hạnh phúc là khi gia đình sống no thoả đức độ yêu thương, hạnh phúc là khi sống mà không còn phải lo nghĩ đến khổ đau, không sợ phải mất mát chia ly ? Những khái niệm hạnh phúc được gợi lên như thế, ít nhiều vẫn đang quy hướng mọi hoạt động của con người trở về với công bằng bác ái và khao khát sống có tình có nghĩa hơn. Tâm điểm của bác ái là phục vụ, là ý thức lời mời gọi mang tình Chúa đến với anh chị em mình, là chia sẻ tình người thiết thực với nhau. Vượt ra ngoài sự riêng tư gia đình, tìm khám phá sự kỳ bí của chữ tình, thực hiện mơ ước: đi một ngày đàng, học một sàng khôn, hoặc làm cuộc thăm viếng người thân, chúng ta đã trải nghiệm, nhưng học hỏi, làm ô-sin, chia sẻ với người chị em 3 tháng, thật là chuyện hiếm.
Rất nhiều người hôm nay vẫn hiểu loan báo tin-mừng là mang Chúa đến cho anh chị em mình, là chia sẻ vật chất, tình thương yêu, xoá đi những rào cản thù hận ích kỷ, làm mới lại tình thân hữu từng bị lãng quên. Từ cuộc viếng thăm người chị họ, Trinh nữ Maria đã mở ra cho hậu thế nhiều suy tư về công cuộc loan báo tin-mừng hôm nay: ơn gọi làm chứng nhân tin-mừng, tính hiệu quả, nhiệt huyết tông đồ, luôn tuỳ thuộc tình yêu giữa người lãnh nhận và người cho đi. Hành trình vội vã ra đi đến miền núi thăm người chị họ của Đức Maria, vẫn còn mãi tính thời sự do lần chia sẻ yêu thương đầm ấm, hoà cùng tác động của thần linh. Người chị họ phát hiện ra niềm vui tin-mừng: “hài nhi nhảy mừng trong lòng ; Đức Maria cảm nhận được Sứ-thần Chúa tác động trên người chị họ: bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”….?
Gặp gỡ người thân, loan báo tin mừng, chia sẻ niềm vui, sẽ mãi còn thích hợp, khi tình người được diễn tả thực tế nhất về hành động bác ái với nhau. Loan báo tin mừng, san sẻ yêu thương, có phải là lúc người ta đang được nâng hồn lên trong vui say, đang sống trong một thế giới đầy tràn hạnh phúc của tương lai không ? Tự tin và mạnh mẽ để làm một cuộc lên đường theo gương Đức Maria, chính là câu trả lời cho anh chị em mình rõ hơn về tác động của tình yêu thương. Lịch sử giáo hội thời nào cũng sống động bởi gương truyền giáo, đem Chúa đến, đem tình thương Chúa đến với anh chị em mình, không phân biệt sang hèn, tội phúc. Nhiệt huyết tông đồ, dù đơn giản hay phức tạp, tất cả đều phản ánh từ tình yêu thương mà các đấng bậc chân thành, sẻ chia.
Để tiếp tục rao giảng và loan báo về niềm vui, hạnh phúc, tiền nhân chúng ta có nói tới quan niệm: được tiền được của, không được, được tình được nghĩa, được tất cả. Dù sao thì loan báo tình yêu thương, chia sẻ những vất vả khổ đau về tinh thần, thể xác, vẫn là căn bản của đạo làm người, đạo làm con Chúa. Để gieo rắc niềm hy vọng, làm giảm bớt những áp lực căng thẳng nơi cuộc sống, tiền nhân chúng ta thường nhắc tới sự xuất hiện của “bụt-thần”, vừa có ý xoa dịu khổ đau, vừa có ý hướng lòng con cháu về sự thiện, điều lành. Vào những ngày này, hình ảnh “ông già Noel” áo đỏ viền trắng, râu dài, đang chuyển tải rất nhiều thông điệp “Giáng Sinh” tới các em thiếu nhi. Công cuộc loan báo tin-mừng giữa hai phụ nữ năm xưa, sẽ còn được tiếp nối thông điệp an vui vì tình người, tình Chúa, được hoà nhập và sẻ chia nơi tự do của chúng ta.
Năm xưa, khi loan báo tin-mừng cho người chị họ, tình Chúa, tình người không dừng lại ở phạm vi riêng tư cá nhân, niềm vui, hạnh phúc được lan toả cho muôn dân, tình yêu được cụ thể, ơn bình an cho người thiện tâm được ứng nghiệm. Sứ mạng loan báo tin-mừng tiếp tục âm vang rộng lớn, tác động đến “hai con trẻ”, niềm vui vỡ oà và hạnh phúc trào dâng, qua tác động của tin yêu hoà với lời chào chúc của Sứ-thần. Nhắc nhớ việc loan báo tin-mừng nơi chúa nhật 4 hôm nay, đang được minh chứng bởi tình yêu, để rồi niềm vui vượt qua giới hạn ở ngôi thánh đường này, đụng chạm đến từng tâm hồn, mọi người sẽ cảm nhận rõ ràng hơn về nét đẹp được toả lan: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế.
Thời xưa, thời nay, đều có chung một quy luật: tất cả những ai muốn vào nhà đều phải qua cửa ; tất cả mọi người muốn đến với nhau đều phải có đường đi. Gia đình Dacaria là gia đình đầu tiên được thấm nhuần tin-mừng cứu độ, nay gia đình nhân loại, gia đình giáo xứ, đang đi qua tiến trình làm sống động hơn nữa về sứ mạng loan báo tin-mừng. Sống bác ái phục vụ, sẻ chia vật chất, tinh thần cho anh chị em mình, tất cả đều phát xuất từ tình yêu thương, từ sứ mạng loan báo tin-mừng của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta ở đây có thể chưa đủ tâm, chưa đủ tài, nhưng tình yêu Chúa vẫn nhiệm mầu chúc lành cho chúng ta: khi đi học gặp được thầy nhiệt tình, khi đi làm gặp được chủ tốt, khi sống sứ vụ loan báo tin-mừng gặp được bạn đồng tâm đồng lòng. Amen.
MẸ MARIA VÀ BÀ ÊLISABÉT
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi
Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng bao giờ cũng dành chỗ đặc biệt để nói về Đức Mẹ. Mà chẳng đề cao vai trò của Đức Mẹ sao được khi mẹ Maria đã được Thiên Chúa chọn lựa để làm mẹ Con Thiên Chúa, làm mẹ chính Thiên Chúa và mẹ nhân loại, mẹ Giáo Hội…Mẹ Maria nắm vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Mẹ Maria là người được chúc phúc hơn mọi người nữ như lời bà Êlisabét ca tụng mẹ.
Vâng, Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay cho ta gặp gỡ hai người phụ nữ : Đức Maria và và Êlisabét, cả hai phụ nữ nay đều đang mang thai. Cả hai thai của hai người phụ nữ đều là những phép lạ. Đức Trinh nữ Maria, mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần và bà Êlisabét thụ thai cũng bởi quyền năng của Thiên Chúa vì hai ông bà Giacaria, Êlisabét đã già,và mang tiếng là son sẻ. Mẹ Maria khi nói lời xin vâng làm theo ý Chúa, đã vội vã lên đường đi thăm bà chị họ là Êlisabét.Cuộc gặp gỡ này, tạo điều kiện, cơ hội để Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Êlisabét và Hài Nhi Giêsu nơi cung lòng thanh khiết của Đức Mẹ được gặp nhau trong sự vui mừng, hân hoan và tràn đầy Chúa Thánh Thần. Bà Isave đã nhận ra điều mà mắt thường, sự suy nghĩ thường không bao giờ có thể nhận ra được.Nhưng với ơn Chúa Thánh Thần bà Isave đã nhận ra con trong cung lòng của Mẹ Maria là Đấng Cứu Thế.,
Mẹ Maria đem niềm vui, chia sẻ hạnh phúc với người chị họ Isave, nhưng cũng đem đến cho người chị họ sự phục vụ. Mẹ Maria càng xác tín hơn điều mà Mẹ đã lãnh nhận, bởi vì chính điều kín ẩn nơi cung lòng của Mẹ đã được người chị họ nhận ra. Mẹ đã tin và chị họ của mình cũng đã tin. Do đó, Mẹ cất tiếng ngơi khen Thiên Chúa và ca ngợi Lòng Thương xót của Chúa đối với Mẹ…Mẹ biết mình là người có phúc hơn mọi người nữ vì Thiên Chúa chọn mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tin vào Lời của Chúa cũng như người chị họ đã tin vào Lời của Chúa.
Mẹ đã cưu mang Đấng Mêsia bởi phép Chúa Thánh Thần.Mãi mãi Thiên Chúa gìn giữ Mẹ. Mãi mãi cung lòng của Mẹ là nơi Thiên Chúa ngự trị. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm Ngôi Lời được cưu mang. Thiên Chúa đã chọn một gia đình để sinh ra có Cha, có Mẹ. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm đức tin. Mẹ đã tin.Nhân loại cũng phải tin như Mẹ.
Bà Êlisabét đã tin vào Lời của Chúa.Mẹ Maria cũng đã tin vào Chúa. Tất cả đều thành sự như lời Thiên Chúa truyền…
Mừng mầu nhiệm Giáng Sinh Nhập Thể, mọi Kitô hữu trên thế giới phải yêu mến gia đình, tôn trọng phụ nữ và tôn trọng thai nhi.Biết bao phụ nữ lầm lỗi đã phá đi biết bao mạng trẻ vô tội.Chúng ta cầu nguyện cho mọi phụ nữ trên thế giới, đặc biệt trong giáo xứ chúng ta biết bảo vệ phẩm giá làm người của mình, đừng biến thân xác mình làm trò chơi cho thiên hạ.Tin mừng Giáng Sinh và Sứ điệp Giáng Sinh là kính trọng thân xác phụ nữ, tôn trọng thai nhi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn một gia đình có Cha có Mẹ để sinh ra.Xin giúp chúng con biết yêu mến và bảo vệ sự hạnh phúc của gia đình.Amen.
HIỆN DIỆN BÊN NHAU
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Hiện diện bên nhau
Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được.
Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn.
Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!
Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn;
Việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân thì tốt hơn mọi hình thức trao ban, giúp đỡ khác.Thiên Chúa sống-với con người
Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Ngài muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại luôn mãi. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta (Isaia 7, 14. Mat-thêu 1, 23).
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giê-su đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ vui, buồn, sướng, khổ của phận người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên dù đã sống lại và lên trời vinh hiển, Chúa Giê-su vẫn không rời xa các môn đệ. Ngài nói với họ:
“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
“Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó” (Mt 14,3).
Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giê-su khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Mt 17,24).
Thế rồi Chúa Giê-su lập nên Bí tích Thánh thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.
Mẹ Maria sống-với con người
Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống – với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt ba tháng trời (Lc 1, 39. 43. 56).
Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giê-su về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài.
Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội thánh, Giáo hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu như Mẹ đã thực hiện tại La-vang, Fatima, Lộ-đức và nhiều nơi khác.
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn.
Việc từ thiện là cần thiết, hiện-diện-bên-cạnh, cần thiết hơn.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn noi gương Chúa là Emmanuen, là Đấng luôn ở với loài người để cùng chia sẻ ngọt bùi với bao người chung quanh; xin cho chúng con bắt chước Mẹ Maria là Đấng luôn hiện diện bên con cái mình để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó; xin giúp chúng con trở nên những Emmanuen khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.
MỞ RỘNG TÂM HỒN ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Sau khi đã ngưng nghỉ nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, nay lễ Giáng sinh đã gần kề, tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, thôi thúc chúng ta phải làm hết sức những gì có thể để hưởng trọn vẹn niềm vui ngày Con Chúa ra đời.
Lời của ngôn sứ Mikha lôi kéo chúng ta hướng nhìn về Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđê, chứng tá của một biến cố vĩ đại : “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời” (Mk 5,1). Một ngàn năm trước Chúa Kitô giáng sinh, Bêlem đã là sinh quán của Ðavít đại vương, mà Kinh Thánh trình bày như là tổ tiên của đấng Mêsia. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bêlem bởi vì ông Giuse, chồng của bà Maria, “thuộc dòng dõi Ðavít” phải trở về nơi ấy để kiểm tra dân số, và chính vào lúc đó Maria đã hạ sinh Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,1-7).
Hôm nay thánh Luca tiếp tục giới thiệu cho chúng ta hai nhân vật là Đức Maria và người chị họ là Isave như hai mẫu gương tiêu biểu cho người thủ đắc niềm vui vì có Chúa, đồng thời mời gọi chúng ta cần phải có thái độ nội tâm xứng đáng giống hai bà với đức tin năng động, để chiêm ngắm sự kiện nhập thể và giáng sinh của Con Một Chúa.
Isave, với sự khiêm tốn chân thành, “được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?” (Lc 1,41-43). Nhờ tin mà Isave được Chúa Thánh Thần mách bảo cho biết, Maria người em họ mình là mẹ Thiên Chúa của bà. Bà cũng không ngần ngại tuyên xưng niềm vui của đức tin với Đức Maria : “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45).
Đây là một thái độ đức tin mà chúng ta phải sống trong những ngày này. Noi gương Đức Maria và bà Isave, với một đức tin năng động. Chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn và niềm vui có đức tin của chúng ta. Giống như Đức Maria, chúng ta phải thể hiện bằng việc chúng ta làm. “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave” (Lc 1,39-40), để chúc mừng và giúp đỡ người chị họ (Lc 1,56).
Thật là hữu ích cho những ngày này, chúng ta suy tư về trình thuật cuộc găp gỡ lịch sử giữa hai bà mẹ đang mang thai là Đức Maria và bà chị họ là Isave. Hai bà mẹ tràn ngập niềm vui. Niềm vui của Đức Maria là niềm vui có Thiên Chúa ở cùng. Niềm vui ấy lan tỏa sang bà Isave. Bà Isave vui với niềm không ai có được là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Chính lời chào của Mẹ Maria, kẻ đã tin, làm cho Isave ngập tràn vui sướng, đến hài nhi cũng nhảy mừng trong lòng bà (x. Lc 1, 39-45).
Quả là một mầu nhiệm tuyệt vời! Gioan chưa sinh ra, ông đã cất lời tiên báo; thậm trí ông còn chưa thể cất tiếng khóc chào đời, ông đã bắt đầu nghe bằng hành động; sống đời rao giảng về Thiên Chúa; chưa thấy ánh áng, ông đã chỉ cho người ta thấy mặt trời; ông còn chưa lọt lòng mẹ đã nhanh nhẹn thi hành sứ mạng tiền hô, đi trước Chúa và loan báo cho mọi người biết: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội của trần gian (Ga 1, 29).
Có người hỏi : Thưa ông Gioan, hãy nói cho chúng tôi biết, lúc ông còn trong dạ mẹ, làm thế nào để ông thấy được và nghe được? Làm thế nào để ông nhìn thấy mọi sự của Thiên Chúa? Làm thế nào ông có thể nhảy mừng trong dạ mẹ vì vui sướng? Gioan trả lời : đây là mầu nhiệm vĩ đại được hoàn thành, là hành động vượt quá sự hiểu biết của con người. Luật tốt hảo tôi phải đổi mới trong trật tự thiên nhiên vì người phải đổi mới trong trật tự siêu nhiêu. Tôi đã thấy, ngay cả khi tôi chưa sinh ra, vì tôi cám thấy chứa đựng Mặt Trời công chính (Ml 3, 20). Tôi cảm nhận được bằng thính giác, bởi vì đi vào thế giới. Tôi là tiếng kêu trước của Ngôi Lời. Tôi kêu lên, vì tôi thấy Đấng tạo dựng vũ trụ nhận thấy thân phận con người. Tôi nhảy mừng,vì tôi nghĩ rằng Đấng Cứu Chuộc thế gian đã mặc lấy xác phàm. Tôi là Tiền Hô đi trước Người và làm chứng cho Người.
Đức Maria với niềm vui diễm phúc ngập tràn, vì Mẹ đã tin, đức tin của Mẹ hệ tại việc lắng nghe Lời Chúa để phó thác cho Lời của Chúa trong thái độ hoàn toàn sẵn sàng trong tâm trí. Qua lời thưa “Xin vâng” tràn đầy niềm tin, Mẹ ý thức rằng, chính Thiên Chúa yêu cầu và Mẹ hoàn toàn tín thác nơi Chúa và phó thác cho tình yêu Chúa.
Biết bao lần Chúa đi qua cuộc đời chúng ta và bao nhiêu lần Chúa gửi một thiên thần đến với chúng ta : bao nhiêu lần chúng ta không ý thức điều đó, vì chúng ta quá bận rộn và chìm đắm trong những công việc của mình.
Ngày hôm nay, cũng như vào thời Chúa Giêsu, lễ Giáng sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho nhân loại đang cầu mong hòa bình. Ngôn sứ nói về đấng Mesia như là “Người sẽ đem lại hòa bình cho chúng ta”. Phần chúng ta, chúng ta hãy mở rộng cửa để đón tiếp Người. Chúng ta hãy học hỏi Ðức Maria và thánh Giuse cũng như bà Isave : nhờ đức tin, chúng ta hãy phục vụ kế hoạch Thiên Chúa. Mặc dù không hiểu biết tường tận kế hoạch ấy, nhưng chúng ta hãy ký thác cho Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan và tốt lành. Tiên vàn chúng ta hãy tìm Nước Chúa, và Chúa Quan phòng sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúng ta hãy sửa soạn tâm hồn để có một chỗ xứng đáng, nơi Chúa Giêsu Hài Ðồng cảm thấy mình được đón tiếp với đức tin và tình thương!
MỞ CỬA MỜI CHÚA BƯỚC VÀO TÂM HỒN
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
Vào ngày 9/10/2018, ông Kim Jong Un chủ tịch Bắc Hàn đã nhờ tổng thống Nam Hàn gửi lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm viếng Bắc Hàn. Ông nói rằng: “Đức Giáo hoàng sẽ được chúng tôi đón tiếp hết sức nồng nhiệt khi đến thăm Bình Nhưỡng”.Tòa Thánh đã đón nhận động thái tích cực này và cho biết: Đức Thánh Cha rất quan tâm đến lời mời của ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, hai bên còn phải có nhiều thời gian để chuẩn bị và phía Bắc Hàn phải thể hiện sự chân thành bằng thư mời chính thức gửi cho Tòa Thánh. Thế giới có phần nghi ngờ việc làm này của chủ tịch Kim, không biết là do thật lòng muốn thay đổi đất nước hay chỉ là chiêu trò có tính chính trị, vì ông ta cũng đã nhiều lần thất thường như thế. Dưới thời dòng họ Kim làm chủ tịch, đạo Công Giáo hầu như bị xóa sổ tại Bắc Hàn, các nhà thờ bị phá hủy, các linh mục bị bắt, sách Kinh Thánh bị coi là quốc cấm.
Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta đã bước vào tuần áp lễ Chúa Giáng Sinh, Lời Chúa mời gọi chúng ta phải thật lòng mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón mời Chúa bước vào. Chúa vẫn đứng chờ và sẵn sàng để đến thăm tâm hồn chúng ta, chỉ có điều chúng ta có thật lòng muốn mời Ngài vào, hay chỉ là những hình thức chuẩn bị qua loa lấy lệ bên ngoài mà không thực lòng. Vì một khi để cho Chúa bước vào, đòi chúng ta phải thay đổi từ trong suy nghĩ đến đời sống và còn phải có những việc làm thể hiện thiện chí của chúng ta. Lời Chúa hôm nay chỉ ra những mẫu gương và những thái độ phải có để đón tiếp Chúa.
Trước hết là thái độ của Đức Maria: Maria, một cô gái làng Nazaret đơn sơ thánh thiện đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm nơi cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Chúa đã sai sứ thần đến hỏi ý kiến của Mẹ. Mặc dù không thể hiểu hết được lời chào và lời giải thích của sứ thần về việc: Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao, vậy mà Đức Maria đã sẵn sàng thưa tiếngxin vâng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.Với lời thưa xin vâng này, Đức Maria đã thể hiện một thái độ khiêm nhường thẳm sâu, biến mình nên một dụng cụ trong bàn tay của Thiên Chúa. Mẹ đã sẵn sàng để cho Thiên Chúa sử dụng cung lòng của mình cho Con Thiên Chúa cư ngụ, trước mắt người đời, điều này là vô cùng xấu hổ và có thể bị ném đá đến chết. Mẹ Maria đã hoàn toàn đặt trọn tương lai và cuộc đời cho Thiên Chúa dẫn dắt mà không đòi một điều kiện nào. Mẹ để mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và còn quảng đại dâng tặng máu thịt của mình để làm nên máu thịt Con Thiên Chúa trong lòng Mẹ.
Kế đến là thái độ của bà Isave: Cuộc viếng thăm của Đức Maria đến nhà bà Isave khiến bà hết sức bất ngờ. Bà Isave đã đón tiếp người em của mình trong vui mừng và hân hoan hạnh phúc, vì bà nhận ra người con trong dạ cô em mình là chính Thiên Chúa. Vì thế khi vừa gặp Maria, Isave đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa của tôi đến viếng thăm tôi”.Isave đã nhận ra việc Thiên Chúa viếng thăm gia đình bà qua con người của cô em Maria. Nhờ cuộc viếng thăm này, Thiên Chúa đã đổ tràn Thánh Thần xuống trên cả hai bà mẹ để cả hai người cùng cất lên những lời ca đẹp nhất tôn vinh Thiên Chúa. Bà Isave đã hết lời ca tụng Thiên Chúa vì những việc kỳ diệu Chúa đã làm cho người em của mình và cho chính bà. Bà cảm nhận được Gioan, đứa con trong dạ bà cũng nhảy lên vì sung sướng khi được Đấng Cứu Thế viếng thăm. Cuộc viếng thăm này còn là cuộc viếng thăm của hai đứa trẻ, của Đấng Cứu Thế gặp gỡ vị tiền hô của mình. Cuộc gặp này tuy không nói lên lời, nhưng lại là cuộc gặp đem lại ơn cứu độ cho Gioan, ông được tẩy sạch vết nhơ nguyên tội từ khi chưa sinh ra.
Thư Do Thái cho thấy Đấng Cứu Thế đến không phải để kết án, nhưng tha thứ, không phải để hủy diệt nhưng để cứu sống nhân loại. Chúa không đến trong vẻ ngoài của một vị hoàng đế hay hoàng tử, nhưng Ngài đến trong phẩm vị là một thượng tế. Ngài đến trong sự khiêm hạ vâng phục hoàn tòan thánh ý Thiên Chúa. Trong phẩm vị là tư tế, Đấng Cứu Thế đến trong một thân xác người phàm. Ngài thi hành chức vụ tư tế bằng việc hiến dâng cả cuộc đời của mình trong sự vâng phục, làm của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha để cầu xin ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng nhiều cách, nhưng Thiên Chúa lại chọn cách cho Con của Ngài làm người và chịu hiến tế chính mình làm của lễ toàn thiêu và là lễ xá tội cho nhân loại. Mang thân phận con người, Đấng Cứu Thế đã chấp nhận được sinh ra làm con một người phụ nữ, chịu sự giới hạn của thân phận con người. Ađam ngày xưa đã nghe theo ma quỷ, đã kiêu ngạo, muốn mình trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, ông đã thất bại và phải chết. Chúa Giêsu ngày nay đã không chọn ý riêng của mình nhưng phó dâng cả con người của mình để phục vụ thánh ý Chúa Cha, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Chính cái chết vâng lời trong yêu mến này đã làm nên hy lễ đền tội cho tất cả nhân loại và vũ trụ. Đức Giêu đã khiêm nhường đón nhận thánh ý Chúa Cha, Thiên Chúa đã trả lại cho Ngài vinh quang danh dự và địa vị là vua trời đất, Chúa tể muôn loài. Đức Maria khiêm nhường đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình, Chúa đã trả lại cho Mẹ vinh dự lớn lao, trở nên cao trọng hơn tất cả mọi người phụ nữ trên trần gian này. Bà Isave đón tiếp Chúa vào nhà, Chúa đã chúc phúc và ban ơn cứu độ cho gia đình bà. Ngay cả vùng đất Bêlem nhỏ bé hẻo lánh của Giuđa, nhờ đón nhận Đấng Cứu Thế, nó trở nên một vùng đất được chúc phúc và được mọi người biết đến, vì từ nơi đây, Đấng Cứu Thế đã sinh ra, thủ lãnh muôn dân đã xuất hiện và đó là điều Tiên tri Mikha đã nói về đất Bêlem. Như thế Lời Chúa cũng cho thấy rằng, những ai quảng đại mở cửa lòng đón nhận Thiên Chúa, Chúa sẽ không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của người ấy. Thiên Chúa sẽ trả lại cho người ấy và gia đình dư tràn ân phúc và đặc biệt Ngài sẽ ban lại ơn cứu độ cho người ấy và gia đình họ.
Thưa quý OBAEC, đến hôm nay hầu hết các nhà thờ, các hang đá, đèn sao đã được trang hoàng xong. Tuy nhiên, sự chuẩn bị đó cho dù có rực rỡ lung linh đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là sự chuẩn bị, trang hoàng bên ngoài. Chúa vẫn chờ đợi để được bước vào, thăm viếng mỗi tâm hồn và mỗi gia đình. Để cuộc thăm viếng này có thể diễn ra tốt đẹp, đòi mỗi người cũng phải bày tỏ thái độ thiện chí, tích cực. Chúa không thể bước vào một tâm hồn khi lòng người đó còn ngổn ngang quá nhiều thứ như tội lỗi, gian dối, bất công hoặc những thói quen xấu. Chúa cũng không thể bước vào gia đình để thăm viếng khi gia đình quá bận rội với công việc đến độ không còn giờ chuyện trò với Chúa qua các giờ kinh, hoặc bận rộn với việc kèn cựa cãi vã, đến độ không nhận ra Chúa vẫn đứng đó chờ chúng ta mời ngài ngồi để tâm sự.
Có thể có nhiều người, nhiều bạn trẻ đã có những kế hoạch để “chơi giáng sinh” bằng những cuộc ăn nhậu thâu đêm, bằng tăng hai, tăng ba buông thả hết ga, nhưng vẫn chưa có một động thái gì để điều chỉnh bản thân, chưa có một hành động nào tích cực để đón Chúa vào tâm hồn. Vì thế sau những đêm vui chơi như thế, chỉ còn đọng lại những nỗi sầu và sự trống rỗng trong tâm hồn. Chỉ khi có Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa bước vào cuộc đời, Chúa sẽ lấp đầy những trống vắng và thiếu thốn, sẽ xóa đi nỗi buồn chán và đem lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ, như Chúa đã làm cho Đức Maria, Bà Isave và Gioan Tiền Hô.
Mùa Giáng Sinh đã về, chúng ta chỉ thực sự đón nhận niềm vui của mùa Giáng Sinh khi mỗi người chủ động mở cửa lòng để Chúa bước vào. Chúa vừa là thượng khách và cũng có thể nói Chúa là “người quét dọn, thiết kế”, Chúa sẽ dọn dẹp những lo lắng còn ngổn ngang trong tâm hồn, Chúa sẽ chiếu sáng những góc khuất, sẽ làm sạch những chỗ bụi bặm hôi hám bởi tội lỗi, dục vọng và lười biếng. Ngài sẽ giải gỡ những bất hòa, bất an và làm cho căn nhà tâm hồn chúng ta nên tươi mới và xinh đẹp hơn. Cầu chúc cho mỗi người biết dành những giây phút thinh lặng bình an bên hang đá Chúa để cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa và sự đơn sơ thánh thiện từ hang đá Bêlem lan tỏa và biến đổi chúng ta. Amen.
MONG ĐỢI TRONG VUI MỪNG
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Thánh Luca kể chuyện hai người phụ nữ diễm phúc đang mang thai gặp gỡ nhau. Bà Êlidabet mang thai, đó là ân huệ Chúa thương ban để bà cất đi nỗi nhục cả đời mình “Chúa đã làm cho tôi như thế đó khi thuận tiện Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25). Thời gian dài đợi chờ rất dài, nay đã thành hiện thực và bà lại bắt đầu một thời gian trông đợi khác. Bà ẩn dật, cầu nguyện, nghỉ ngơi và chuẩn bị. Đức Maria cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đức Maria xin vâng với lòng tin và đợi chờ trong niềm vui.
Sau khi được sứ thần truyền tin, Đức Maria có thai và đã lên đường đi thăm người chị họ. Khi gặp nhau, hai người mẹ thông tin cho nhau biết về ý nghĩa của những phép lạ xảy ra trong cuộc đời mình. Đó là thời gian hai người mẹ mang thai chia sẻ sự mong đợi trong vui mừng. Cả hai đều là nữ tỳ khiêm tốn được Thiên Chúa mời gọi tham gia vào sứ mạng cứu độ của Người. Cả hai cùng hân hoan vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ và cả hai cùng cảm nhận niềm hạnh phúc dâng trào vì đã tin.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Êlidabet vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Hài nhi Gioan vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung làm cho cuộc gặp gỡ trở thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Suối nguồn của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc.
Cuộc viếng thăm lịch sử.
Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang cũng là giữa hai giao ước cũ và mới.
– Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ. Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con. Êlidabet được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.
– Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng Êlidabet nhảy mừng vui sướng.
– Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Thời đại mới mở ra giao ước mới. Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.
Cuộc viếng thăm tình yêu.
Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động thì không phải là một tình yêu đích thực. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui buồn. Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.
Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời. Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo khổ, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà… Họ rất cần đựơc thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.
Niềm vui thăm viếng
Khi đến thăm bà Êlidabet, Mẹ đem Chúa đến cho người thân của mình. Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Êlidabet vui mừng mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan. Nhảy mừng diễn tả niềm vui. Đây là niềm vui ơn cứu độ. Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Êlidabet được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ. Gia đình Bà Êlidabet là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.
Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần.
Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Êlidabet đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi. Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ. Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.
Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con Yêu Dấu là Đức Giêsu. Người đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn hai ngàn năm. Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình. Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân. Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo. Ngưòi cải hóa nhiều tội nhân. Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.
Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân. Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ. Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ. Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ. Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ. Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu.
Những tuần lễ Mùa Vọng, mỗi người trong xứ đạo tiết kiệm chi tiêu để làm việc bác ái. Những phần quà ân tình chia sẻ cho các gia đình nghèo trong Đêm Giáng Sinh thật ý nghĩa, diễn tả tình yêu và sự quan tâm đến người khác.
Đức Maria viếng thăm phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlidabet. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của người tín hữu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em. Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.