Bài 3: LẮNG NGHE NHỮNG TIẾNG RÊN XIẾT CỦA THIÊN NHIÊN
Những điều đang xảy ra trong Ngôi Nhà Chung của chúng ta
Môi trường là tài sản chung của mọi người, nó thuộc về tất cả chúng ta và cho chúng ta. Toàn thể nhân loại chung sống trong một ngôi nhà chung, chia sẻ với nhau những lợi ích từ ngôi nhà này, môi trường sinh sống. Các nghiên cứu khoa học cho thấy “phần lớn địa cầu đang nóng lên trong những thập niên gần đây đều do sự tập trung lớn các khí thải (thán khí, mê-tan, ô-xít nitrogen và nhiều loại khí khác) chủ yếu do hoạt động của con người gây ra.” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 23).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết sự biến đổi khí hậu là “một trong những thành đố nghiêm trọng đối diện với nhân loại ngày nay.” Năm lần Đức Thánh Cha sử dụng cụm từ “văn hóa vứt bỏ” là một trong những nguyên nhân lớn gây ra khủng hoảng sinh thái. Chúng ta phải chịu đựng ô nhiễm và chất thải, khan hiếm nước, giảm sút sự đa dạng sinh học, giảm thiểu chất lượng đời sống và suy sụp xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ cực đoan và sự bất bình đẳng toàn cầu, cũng như sự phản ứng yếu kém của quốc tế.
“Món nợ môi sinh” (số 51) đang thật sự phơi bày ra, đặc biệt ở bắc và nam bán cầu, liên quan tới “việc sử dụng bất cân đối các nguồn tài nguyên thiên nhiên.” Cần có sự quan tâm rất đặc biệt tới các “nhu cầu đặc biệt của người nghèo, người yếu đuối và những người bị tổn thương.” (số 52).
Tương tự vị tiền nhiệm của ngài, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta thực hiện “cuộc hoán cải môi sinh toàn cầu” thật sư: “chúng ta chỉ cần nhìn thực tại cách chân thật để thấy ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hủy hoại. Hy vọng mời gọi chúng ta nhận ra, vẫn còn lối thoát, vẫn luôn có khả năng xác nhận hướng đi mới mẽ, vẫn có khả năng làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề của chúng ta.” (số 61).
Chúng ta hãy suy nghĩ xem:
– Những hình ảnh hoặc thứ loại đồ dùng nào xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi đọc thấy hoặc nghe nói tới “văn hóa vứt bỏ”?
– Tôi đã từng tham gia vào dạng thức “văn hóa vứt bỏ” như thế nào?
– Những thách đố môi sinh liệu tôi có nhìn thấy trong cộng đồng mình hay không?
– Những hành động của tôi cũng như của những người trong cộng đồng tôi đang sinh sống tác động mạnh hơn vào thế giới như thế nào?
“Ngày nay chúng ta phải nhìn nhận rằng sự tiếp cận môi sinh đích thực luôn luôn trở thành sự tiếp cận xã hội; nó phải hợp thành một thể thống nhất về lẽ công bình trong các bàn thảo về môi trường, để lắng nghe tiếng than của trái đất, cũng như của người nghèo.” (số 49).
Chúng ta có thể đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể:
Các tín hữu Kitô giáo nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung đều được kêu gọi chữa lành, giao hòa, tái thiết lập và sáng tạo sự hiểu biết lẫn nhau qua các cuộc đối thoại mà chúng được diễn tả qua sự liên đới của chúng ta với những người nghèo, những người bị bỏ rơi và với trái đất đang bị khai thác. Chúng ta được mời gọi, như lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thật lòng “hoán cải môi sinh”. Sự đáp trả của chúng ta với những tiếng kêu gào thảm thiết của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu phải là ngôn sứ, đó là tin vui cho những người nghèo và hành tinh.
Sự biến đổi khí hậu phải là ưu tư hàng đầu đối với Giáo hội Công giáo nếu Giáo hội thực sự tin rằng sứ vụ của Giáo hội là để nuôi dưỡng đời sống của thế giới. Hãy lắng nghe những tiếng rên xiết của thiên nhiên, cũng chính là những tiếng kêu gào thảm thiết của người nghèo.
Đã đến lúc chúng ta phải trả “món nợ môi sinh”, để chúng ta có thể trả món nợ cho những người nghèo, sức khỏe và sinh kế của họ.
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org