Tu viện Nhà Mẹ
HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP
Thư chung số 07
Mùa Chay năm 2023
Kính thưa
Chị Phó Tổng Phụ trách,
Chị Nguyên Tổng,
Quý chị Tổng Cố vấn,
Chị Tổng Quản lý, Quý chị Phụ trách,
Chị Giám sư Tập viện, Quý chị Đặc trách, Quý chị Giáo và toàn thể Quý chị em,
Vào ngày 09.10.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, trên tinh thần: “Mỗi người lắng nghe mọi người, và mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh: “Ðừng xem Thượng Hội đồng Giám mục như một sự kiện đặc biệt nhưng chỉ có bề ngoài, tương tự như những ai chỉ nhìn ngắm một nhà thờ đẹp đẽ mà không bao giờ đặt chân vào bên trong”. Với việc triệu tập này, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội suy tư về một chủ đề mang tính quyết định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Diễn từ mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục).
Đời thánh hiến của chúng ta có nhiều phương cách hiệp hành, nhưng riêng trong năm mục vụ 2023 là năm “Củng cố sự hiệp thông”, và trong Mùa Chay này, cùng nhau chị em suy tư một điểm, đó là hoán cải. Không hoán cải, chúng ta không thể đi xa và đi cùng.
1. Hoán cải trong cách nghĩ: Suy nghĩ tích cực
“Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy”. Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó”.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, mức độ trầm cảm, lo âu và căng thẳng tăng ở mức báo động trên toàn thế giới. Các nhà tâm lý học cho rằng, đã đến lúc bắt đầu hướng đến sức khỏe tâm thần. Một trong những phương pháp trị liệu là tập suy nghĩ tích cực.
Suy nghĩ tích cực là tập trung vào những ưu điểm, những điều tốt đẹp của con người và sự vật, sự việc xảy ra quanh ta. Điều này không có nghĩa là sống ảo hay bỏ qua thực tại, nhưng chúng ta đang cố gắng để tìm ra những điểm son trong cuộc sống vốn đã có quá nhiều bất ổn, nhằm góp phần cải thiện tâm trạng để giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Suy nghĩ tích cực để chuyển tải năng lượng tích cực cho những người chúng ta tiếp cận.
Đời thánh hiến không thiếu áp lực và căng thẳng, suy nghĩ tích cực đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng tâm lý, làm cho cuộc sống chung trở nên dễ dàng và dễ chấp nhận hơn. Chẳng hạn trong cộng đoàn chúng ta có ai đó hay khắc khẩu, khó tính trái nết, lúc đó, chúng ta đừng bị dằn vặt: “Người này làm khổ tôi”, nhưng hãy nghĩ: “Chị đang tạo cho tôi cơ hội tập nhân đức: sự kiên nhẫn, sức chịu đựng, lòng bao dung…”.
Suy nghĩ tích cực không làm cho mọi vấn đề nhức nhối trong cuộc đời này biến mất, nhưng sẽ giúp chúng ta đón nhận những khó khăn một cách nhẹ nhàng, và vượt qua nỗi đau một cách can đảm.
2. Hoán cải trong cách nói: Chỉ nói lời hay ý đẹp
“Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con” (Tv 141, 3).
Trong Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 27.02.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về lời nói của mình. Chúa giải thích rằng: “Lòng đầy miệng mới nói ra” (Lc 6, 45). Đúng vậy, những lời nói chúng ta sử dụng nói lên chúng ta là ai. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ít chú ý đến lời nói của mình và sử dụng chúng một cách hời hợt. Nhưng lời nói có sức nặng: chúng cho phép chúng ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, nói lên nỗi sợ hãi mà chúng ta có và những dự án chúng ta dự định thực hiện, để chúc tụng Thiên Chúa và chúc phúc cho những người khác. Tuy nhiên, thật không may, bằng lời nói, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những định kiến, nâng cao những rào cản, làm hại và thậm chí tiêu diệt các anh chị em của chúng ta: những lời đàm tiếu gây tổn thương và vu khống có thể sắc bén hơn một con dao! Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình dùng những lời nói nào: những lời thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, hiểu biết, gần gũi, cảm thông hay những lời chủ yếu nhằm mục đích làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp trước mặt người khác? Và rồi, chúng ta nói nhẹ nhàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, khiến cho sự gây hấn lan rộng?”.
Sảy chân, gượng lại còn vừa,
Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ (Ca dao).
Thánh Giacôbê dạy: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2b). Đời sống cộng đoàn cũng cho chúng ta bài học: Chuyện của mình, đừng gặp ai cũng nói. Chuyện của người, hãy uốn lưỡi bảy lần. Chuyện mới vừa nghe, khoan hãy kể. Chuyện chưa chắc chắn, đừng nên thêu dệt.
Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm (Ca dao).
Bởi lẽ, một lời nói có thể tạo nên niềm vui, sự kính trọng, nhưng cũng có những ngôn từ khiến đổ vỡ, hiểu lầm: Ăn đằng sóng, nói đằng gió. Vậy nên Thánh Phêrô khuyên: “Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa” (1Pr 3,10), vì có những lời nói tưởng như vô hại, nhưng lại gây sát thương: “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự, Mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”.
Thế nên đừng bao giờ thốt ra những lời xúc phạm khi mình đang nóng giận, vì cơn giận rồi sẽ qua đi, người nói chóng quên nhưng người nghe nhớ mãi.
Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời (Ca dao).
“Bạn hãy hết sức lánh xa những đám đông người. Vì dù con không có ý xấu, nhưng bàn soạn việc đời bao giờ cũng tai hại lắm.
Nó làm cho linh hồn ta chóng dơ nhớp và nô lệ tính phô trương.
Đã biết rằng chả mấy khi từ đám chuyện gẫu ra về mà lương tâm không cắn rứt, thế sao còn cứ ngứa ngáy muốn nói, muốn bàn ?
Nếu được phép nói hay, nói có lợi, bạn cũng chỉ nên nói những cái có thể giúp bạn tiến đức hơn. Tập quán xấu, tính ươn hèn trong đường tiến đức ngăn trở ta rất nhiều trong việc giữ miệng lưỡi.
Nói ít với tạo vật để nói nhiều với Chúa. Tránh những lời vô ích, chỉ dùng miệng lưỡi để nói những điều tốt, điều cần: đó là phương pháp tối hảo để nên người trọn lành, để giữ tâm hồn trong sạch và nên thân tình với Chúa” (Sách Gương Chúa Giêsu, Quyển I, chương 10).
Chúng ta cố gắng nói thế nào, để người nghe không phải vừa sàng vừa lọc, vì nghi ngờ tính chính xác và độ tin cậy của điều chúng ta nói.
3. Hoán cải trong cách phục vụ: Tất cả cho vinh danh Chúa
“Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Col 3,23).
Một lần kia, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Tôma Aquinô, vị Tiến sĩ lừng danh của Giáo hội, và hỏi: “Tôma, con đã viết rất hay về Ta. Vậy con muốn nhận được phần thưởng gì?” Thánh nhân trả lời không chút do dự: “Lạy Chúa, con không cần gì cả, vì chính Ngài là đủ cho con”.
Trong truyện “Con lừa chở thánh tích” có kể: Con lừa chở hài cốt thánh ngỡ là người ta kính mình, tưởng vậy nên mới bước đi xênh xang, hưởng mùi trầm, nghe đọc kinh, như thể nhờ nó vậy. Có kẻ thấy nó lầm, mới nói cùng nó rằng: “Ý ơ cụ lừa, bỏ sự kiêu ngạo dại dột ấy đi. Chẳng phải kính thờ cụ đâu, họ thờ thánh thờ thần đó”.
Rất có thể khi chị em thành công trong công tác mục vụ, được đánh giá cao khi dạy học, đạt điểm tốt qua các kỳ thi…, chúng ta tưởng đó là tài khéo tự có, nghĩ bản thân tài giỏi hơn người rồi coi thường chị em. Sự thật là, chỉ có người kém hiểu biết mới đánh giá quá cao bản thân, bởi: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Chẳng lẽ chúng ta lại quên rằng: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10). Vì vậy, những lúc được người ta khen ngợi, tung hô, hãy coi chừng, đừng để mình mắc triệu chứng của “con lừa chở thánh tích”.
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Trong cộng đoàn, đôi khi có những chị em thích hơn người, kiểu: “Tôi mà thứ Hai thì đừng ai là Chúa Nhật!”, cố dìm người khác xuống để nâng cao bản thân mà không biết rằng, dìm chị em mình xuống không khiến cho mình hạnh phúc hơn, trái lại càng chứng tỏ sự thấp kém của mình. Bài chia sẻ của Đức cha Bùi Tuần đáng để chúng ta suy nghĩ: “Tôi thấy trên bàn thờ dâng lễ có một cây nến cháy đứng bên một chậu ba bông hồng đẹp. Đầu lễ ba bông hồng còn rất tươi. Cuối lễ, những bông hồng này rũ xuống thê thảm. Lý do là vì chúng bị cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng: Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ cả, thế tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn huỷ hoại như thế chắc Chúa chẳng vui gì”.
Cộng đoàn của những người được thánh hiến, phải là nơi mà mỗi người đi từ cái Tôi đến cái Chúng Ta: “Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 3,3-4).
Thưa Quý chị em,
Không nói ra nhưng ai cũng thấy: đời thánh hiến đang xuống dốc cả số lượng lẫn chất lượng. Sẽ thật đáng tiếc nếu một ngày nào đó ta chợt thảng thốt:
Con ngẫm lại đời con thất bát, Hứa trăm điều, một chẳng làm nên.
Đời qua lớp lớp tàn hư huyễn,
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên (Thơ Tô Thùy Yên).
“Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Mùa Chay là mùa ân sủng để hoán cải, là thời gian thuận tiện để chúng ta từ bỏ nếp sống cũ, bước vào cuộc sống mới, cuộc sống trong Đấng Phục Sinh. Xin Chúa chúc lành cho thiện ý, cho khát vọng nên thánh mỗi ngày của chị em chúng ta.
Thương mến chị em trong Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.
Nhà Mẹ, ngày 21 tháng 02 năm 2023
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thủy
Tổng Phụ Trách