Ngày 26 tháng 12
Lễ kính thánh Stephano Tử đạo tiên khởi
Liền sau việc kính nhớ ngày Con Thiên Chúa giáng sinh vào trần thế, Giáo Hội mừng một người con ưu tú – vị tử đạo đầu tiên đi vào cõi trời vinh hiển – là thánh Stephano.
Thánh Stephano là một trong 7 vị phó tế đầu tiên của Giáo Hội do chính các Tông Đồ tuyển chọn và đặt tay ban Thánh Thần. Với cái chết oai hùng của thánh Stephano, đã làm ứng nghiệm, đã sống và chết theo Lời Thầy Chí Thánh đã tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu đã tiên báo về sự bách hại mà các tông đồ và những ai bước theo Chúa sẽ phải chịu, nhưng trong mọi thử thách bách hại luôn có Chúa đồng hành để ban Thánh Thần soi sáng và sức mạnh để làm cho các chứng nhân nên kiên vững và làm chứng cho Người.
- Chịu bách hại vì mang danh Chúa.
Chúa Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, loại bỏ, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô.
Ngày nay, sự bách hại vẫn diễn ra, nhưng mang tính tinh vi và trường kỳ. Vì danh Chúa, người môn đệ phải đối diện với những thử thách do nội tâm, do xác thịt, do cuộc sống và do xã hội gây nên.
Để được vinh thân phì gia và được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa.
- Ơn soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu khích lệ: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, và phải nói gì, vì ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho anh cho anh em biết những điều phải nói”.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn con người đi tìm chân lý, đi tìm sự thật. Qua mọi thời và mọi nơi, Chúa Thánh Thần an ủi và nâng đỡ Giáo Hội và các Kitô hữu can đảm tuyên xưng đức tin.
Thật vậy, trong hành trình sống đạo, chúng ta có Thiên Chúa luôn quan phòng đồng hành qua bảy ân sủng của Chúa Thánh Thần, nhất là sự khôn ngoan, hiểu biết và mạnh bạo để làm chứng cho Chúa. Tình thương Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người bao bọc và bảo vệ con người, nên hãy luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, giữa cuộc đời này, chúng con luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Xin cho chúng con, một khi đã tin vào Chúa, phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa, bước theo và làm chứng nhân cho Ngài. Amen.
Ngày 27 tháng 12
Lễ kính thánh Gioan Tông Đồ
Trong Tin Mừng thứ tư dưới tên gọi Gioan, chúng ta luôn gặp những từ ngữ biểu tượng. Có thể nói, Tin Mừng này được coi là khó giải thích nhất, lời lẽ cao siêu và kín ẩn nhất. Bản văn Tin Mừng vừa được coi là của thánh Gioan viết, nhưng cũng vừa là của nhóm Gioan, hay“trường phái Gioan” hoặc “văn chương Gioan”.
Cũng như trong sách Sáng Thế, khởi đầu của cuộc sáng tạo, tên của ông A-đam vừa là tên gọi, nhưng cũng có ý nghĩa là “người” nói lên cả nhân loại.
Trong Tin Mừng Gioan, sự kiện Phục Sinh được nhìn như một cuộc “Tân Sáng Tạo”, mà tất cả những ai thuộc về cuộc Tân Sáng Tạo, nghĩa là được cứu chuộc này, được gọi là ‘môn đệ được Chúa yêu”.
Khi Tin Mừng Gioan dùng chữ “người môn đệ được Chúa yêu”, có thể để chỉ chính thánh Gioan, mà cũng có thể để nói về những người con của Hội Thánh.
Chúng ta gặp từ “môn đệ được Chúa Giêsu yêu” ít nhất 4 lần trong những biến cố rất quan trọng:
- Đêm Tiệc Ly – “Tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu” (x.Ga 13,23-25).
Hình ảnh tựa đầu vào ngực là hành động tình yêu của một cô gái nép vào ngực của bạn trai, cả hai cảm nhận tình yêu dành cho nhau, lắng nghe được sự rung cảm của hai con tim con tim và hơi thở…
Cũng thể, dưới ngòi bút của “Văn chương Gioan”, Giáo Hội được ví như Hiền Thê đang nép mình vào lòng Chúa Giêsu là Đức Lang Quân.
Như thế, với ngôn ngữ biểu tượng, hình ảnh Gioan tự đầu vào ngực Chúa trong lúc tâm hồn Chúa thổn thức và xao xuyến về sự phản bội của Giuđa, như là Giáo Hội hôm nay đang nép mình bên lòng Chúa vừa để cảm nhận tình yêu của Chúa, vừa để đền tạ sự bội nghĩa vong ân của con người.
- Dưới chân thánh giá – “Đón nhận lời trăng trối” (x. Ga 19,26-2).
Hình ảnh “Người môn đệ được Chúa yêu” đón nhận lời trăng trối của Chúa Giêsu, là đón nhận Mẹ Maria về nhà. Đây là một hình ảnh mà hầu hết các nhà chú giải coi đây là việc Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội mẹ Maria.
Một số anh em Tin Lành bấy lâu nay vẫn cho rằng, sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ còn sinh thêm nhưng người con nữa, nên không còn đồng trinh. Họ đã dựa vào những bản văn nói về anh em của Chúa mà không chịu coi đó là anh em họ. Thì đây, xin hỏi người Tin Lành rằng, nếu Đức Mẹ còn những người con khác, thì với một chàng thanh niên với một phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi, liệu các đứa em của Chúa có chịu để cho Gioan đưa mẹ mình về nhà không?
Ở đây, chúng ta không nhằm để tranh cãi, nhưng điều quan trọng là chúng ta lại một lần nữa gặp thấy ngôn ngữ biểu tượng “người môn đệ được Chúa yêu” là hình ảnh của Giáo Hội, đón nhận Đức Maria làm mẹ và làm Đấng bảo trợ.
- Ngôi mộ trống – “ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8).
Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.
Nhiều người chú giải rằng, Gioan nhường Phêrô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phêrô. Giải thích như thế có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giêsu chưa trao quyền cho Phêrô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x. Ga 21,15-19).
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”. Sự kiện “Ngôi Mộ Trống” đều được cả 4 Tin Mừng kể lại, đặc biệt thánh Matthêu đã vạch mặt sự lừa đảo của “chính quyền Do Thái” đã cho lính canh tiền để họ nói dối rằng: “Đang đêm khi chúng tôi ngủ, môn đệ đã đến lấy trộm xác” (x.Mt 28,11-15). Câu hỏi được đặt ra là: “tại sao lính canh mà lại ngủ? ngủ thì làm sao biết được các môn đệ trộm xác để mà nói? Ăn trộm mà lại lo cuốn các băng vải và khăn xếp ngăn nắp…?” nhất là luật thời đó, lính canh mà ngủ thì bị xử tử hết (x.Cv 12,19).
Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo Hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là đức Tin muôn đời không lay chuyển của kitô hữu chúng ta.
- Lập “Giáo Hoàng” – (x Ga 21,15-21…).
Khác với các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng thứ tư kể chuyện thiết lập quyền bính cho Phêrô không phải bởi các lần tuyên xưng Đức Tin trước phục Sinh, mà là việc mời gọi thánh Phêrô tuyên xưng lòng mến sau Phục Sinh (trong cuộc Tân Sáng Tạo). Lúc này, dưới sự chứng kiến của “người môn đệ được Chúa yêu”. Ở đây một lần nữa chúng ta gặp lại hình ảnh của một Giáo Hội tin tưởng và phục tùng quyền bính chăn dắt của các Đấng kế vị thánh Phêrô.
Tóm lại:
Qua Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần ý thức mỗi một kitô hữu chúng ta là “người môn đệ được Chúa yêu”.
Để rồi hãy biết đến nép mình bên lòng Chúa để cảm nhận tình yêu và phạt tạ Người.
Đón nhận mẹ Maria làm mẹ để được mẹ che chở ủi an.
Nhìn thấy Chúa qua các bí tích và tin tưởng tuyệt đối vào Đấng Phục Sinh.
Chân nhận, tin tưởng và phục tùng các đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên chăn dắt chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con đang sống giữa thế sự phong trần, với bao vui buồn của cuộc sống, cũng biết đến với Chúa, như thánh Gio-an đã tựa đầu vào ngực Ngài, để chúng con cùng cảm nhận được nhịp đập của trái tim yêu thương của Chúa dành cho chúng con, hầu chúng xứng đáng là “những người được Chúa yêu”, và biết yêu như Chúa đã yêu. Amen
Ngày 28 tháng 12
Lễ các thánh Anh Hài.
Linh mục Ngô Phúc Hậu có bài thơ dí dỏm:
“Cái nồi và cái ghế
Cái ghế và cái nồi
Cả đạo lẫn đời
Đều có cái nồi và cái ghế”
Có thể nói, việc đam mê cái ghế quyền lực không chỉ là chuyện của thời nào, mà là có từ khi có thế giới loài người và sẽ tồn tại cho đến tận thế. Người ta tìm mọi cách và mọi thủ đoạn để đoạt được cái ghế quyền lực, và khi đã đoạt được thì người ta cũng tìm cách bảo vệ nó bằng bất cứ giá nào. Việc này vẫn đã và đang xảy ra trong xã hội chúng ta, từ cấp nhà nước đến làng xã, len lỏi cả vào trong Giáo Hội, thậm chỉ ảnh hưởng cả vào trong các tu viện khi không thiếu những người tìm mưu tính kế hạ bệ người khác để mình được thăng lên.
Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các thánh Anh Hài bị giết bởi bàn tay bạo quyền của Hêrôđê, âu cũng vì ông lo sợ cái ghế của ông bị lung lay.
Mang danh là Hêrôđê Cả và được Rôma cho cai trị một số vùng miền Bắc Palestin, với cái tính hèn nhát, vua nhìn đâu cũng thấy nguy cơ phản bội, đến nỗi ông không ngại giết chết 3 đứa con trai ruột vì sợ nó tiếm ngôi. Hôm nay, vua ra tay tàn sát các hài nhi ở Bêlem và vùng phụ cận, “giết lầm hơn bỏ sót” với hy vọng Hài Nhi Giêsu sẽ bị giết trong số các hài nhi.
Dưới ngòi bút của thánh ký Matthêu, chúng ta gặp thấy một lần nữa, thánh nhân tài tình lồng ghép một hình ảnh Cựu Ước để làm nổi bật vai trò của nhân vật trong tân ước mà Tin Mừng đang nói tới: Một hình ảnh Giuse trong cựu ước tiên trưng cho thánh Giuse – người công chính; Abraham và Giacaria đều nhận lời hứa sinh con trong lúc tuổi già… Thì hôm nay, phảng phất hình ảnh của Môsê hiện ra trong tường thuật về biến cố Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập.
Trong sách Xuất Hành, kể chuyện vua Pharaô sợ con cái Israel thêm đông số sẽ phản bội nên đã ra lệnh giết các bé trai sơ sinh, nhưng nhờ sự khôn khéo của người mẹ, Môsê đã được sống sót và trở thành vị cứu tinh của Israel khi đưa dân ra khỏi đất Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ và vào miền Đất Hứa (x.Xh 1,8-10)
Hôm nay, Hêrôđê chỉ vì sợ Hài Nhi Giêsu lớn lên sẽ chiếm mất ngôi nên đã ra tay sát hại các hài nhi ở Bêlem, nhưng Hài Nhi Giêsu đã thoát chết nhờ thánh Giuse và mẹ Maria đang đêm đã bồng chạy qua Ai Cập, để rồi sau này, chính Hài Nhi Giêsu đã trở nên Đấng Cứu Tinh, giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, tiến vào quê trời.
Đáng tiếc cho Hêrôđê là ông không biết Hài Nhi Giêsu đâu màng gì ngai báu trần gian, hơn nữa tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa:
Qua biến cố này, càng cho thấy Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm Nhập Thể cách trọn vẹn, tự huỷ mình ra không (kénosis), đến mức như một đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Đồng thời, Người đã phải sống kiếp lưu vong và nô lệ của dân Do Thái xưa nơi đất khách quê người Ai Cập, để cảm thông và giải phóng con người.
Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta:
– Tập sống khiêm tốn tự hạ, chứ đừng vì cái chức cái quyền hay quyền lợi mà bày mưu kế hãm hại tha nhân.
– Sống mầu nhiện nhập thể của Chúa Giêsu Kitô cách trọn vẹn, khi chấp nhận mang lấy kiếp sống của con người hôm nay, để qua chúng ta, ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người.
Lạy Chúa, ngày nay bao trẻ em vô tội vẫn đang tiếp tục bị giết bởi thiếu dinh dưỡng, bởi không được bảo vệ, và đặc biệt do chính những người cha người mẹ chỉ vì danh dự hoặc khó khăn mà tàn độc giết chính con mình ngay từ trong bào thai. Xin Chúa khơi dậy lên ý thức và lương tâm mọi người, để họ biết tôn trọng sự sống là ân huệ cao quý nhất mà Chúa ban cho con người. Amen.
Ngày 29 tháng 12
Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong sách Lê-vi Lv 12,8 và Xuất Hành 13,2. Trung tín với lề luật, Mẹ Maria và thánh Giuse đã đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Trong biến cố trọng đại này, làm nổi bật lên hai đặc điểm sau đây:
– Chu toàn lề luật.
– Cộng tác trong chương trình cứu độ.
- Chu toàn lề luật.
Biến cố Mẹ và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Mẹ sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Mẹ được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương diện lịch sử.
Có lẽ thánh ký Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế.
Cách kể chuyện của Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đến thánh như là một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi Matthêu cố minh chứng Đức Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra Luca thấm nhuần hình ảnh của Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1, 22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người” (Lc 2, 27). Điều này cho thấy Giuse và Maria tuân giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi bật.
- Cộng tác trong chương trình cứu độ.
Lời tiên báo của ông Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn tương đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Mẹ Maria, và từ đó cùng với Con mình, Mẹ Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người. Lời của ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Mẹ; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Mẹ phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót. Đặc biệt, dưới chân thánh giá, nhờ lòng tin, Mẹ chia sẻ vào mầu hiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ đó là sự tự hạ (kénosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ đức tin, Mẹ Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá, Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng” như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Mẹ cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà”.
Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách đau khổ không phải do tội của Người, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Mẹ thánh thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó. Sự đau khổ của Con Thiên Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Mẹ cũng thật lớn lao.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Xin cũng giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria mà cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân trần. Amen.
Ngày 30 tháng 12
LỄ THÁNH GIA – LỄ TRỌNG
“THÁNH GIA VÀ THÁNH GIÁ”
Thời trung cổ trở về trước, một số nhà tu đức từng quan niệm về sự cheo leo của bậc sống gia đình và thậm chí coi bậc hôn nhân như là một cấp thấp. Người ta từng giải thích rằng, đường trần gian đến quê trời ngăn cách như là một con sống lớn, trong đó các giáo sĩ (linh mục) thì an toàn đi trên cầu để qua, tu sĩ cũng khá an toàn khi ngồi trên những chiếc thuyền dù có phần bấp bênh, còn giáo dân thì phải bơi lội qua sống nên cheo leo lắm. Một vài vị giáo phụ lại cho là: người đi tu thì đi trên cầu (vì được bảo vệ an toàn trong các Đan viện), còn người sống ngoài “thế gian” thì phải lội sông nên ba phần thì mất hết hai.
Không đâu, sự thật thì “nếu không có đời sống hôn nhân thì lấy đâu ra người sống ơn gọi thánh hiến”. Việc thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II ngày 21 tháng 10 năm 2001 trong dịp mừng 20 năm tông huấn “Familiaris Consortium (1981-2001) về sứ mạng hôn nhân của Kitô hữu” đã phong chân phước cho cặp vợ chồng là ông Luigi Beltrame Quattrocchi và bà Maria Corsini. Đặc biệt trong lễ này có hai linh mục là con của ông bà này đồng tế với Đức thánh cha, ngoài ra còn có hai soeur nữa cũng là con của hai ông bà này.
Và rồi bảy năm sau, ngày 19-10-2008, cặp vợ chồng Louis Martin và Zélie Guérin là song thân của thánh nữ Tê-rê-xa HĐGS. Và hai ông bà đã được tôn phong hiển thánh trong tháng 10 (2015) vừa qua.
Như vậy, chẳng phải cha linh hướng của thánh Tê-rê-xa (giáo sĩ), hay soeur bề trên của thánh Tê-rê-xa (tu sĩ) được phong thánh, mà là ông bà cố thánh Tê-rê-xa được phong thánh.
Điều này, Giáo hội minh nhiên khẳng định, không có bậc sống nào là thấp kém, đồng thời đề cao vai trò của gia đình, bởi gia đình đóng vai trò quan trọng trong Giáo hội và xã hội.
Phải, không bậc sống nào chắc chắn nên thánh, nhưng ai chu toàn nghĩa vụ và trách nhiệm trong sự tín thác vào Thiên Chúa mới là thánh. Chẳng ai đi trên cầu hay lội dưới sông cả, mà tất cả cùng phải đi qua cùng một “cây cầu duy nhất là thánh giá” mới vào được Nước Trời. Cuộc đời THÁNH GIA gắn liền với THÁNH GIÁ là vậy. Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giuse đã cùng qua thập giá mới vào vinh quang. Thập giá của các ngài được diễn tả qua bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện Hài Nhi Giê-su đi lễ mà quên trở về nhà, “báo hại” thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a mất ba ngày trời chạy đôn chạy đáo để đi tìm, cuối cùng gặp thấy Bé Giê-su đang ngồi “tám” với mấy ông biệt phái và quý ngài tiến sĩ ở đền thờ. Đâu phải như ngày nay có các phương tiện truyền thông liên lạc, và cũng chẳng có các phương tiện giao thông di chuyển hiện đại như bây giờ, ông bà Giu-se về tới nhà rồi lại lo quay trở lại đi tìm con, thiết tưởng phải bộ hành cả ngày lẫn đêm. Một thử thách không hề nhẹ, và biết đâu cũng là một sự nhẫn – nhịn đức độ của thánh Giu-se khi Bé Giê-su ở lại mà “quên xin phép”. Điều này cho thấy, ngay mới những ngày đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, thánh Giu-se và mẹ Maria đã phải gặp trăm chiều thử thách về niềm tin, khi phải đối diện với muôn vàn gian khó để bảo vệ và chăm sóc cho Hài Nhi bé nhỏ.
Thánh gia đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình:
- Thánh Giu-se – mẫu mực cho các bậc gia trưởng.
Là dưỡng phụ của Đấng là Vị Cứu Tinh, là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Con Đấng Tối Cao, là “chồng” của Mẹ Thiên Chúa… ấy thế mà người con ấy và người mẹ ấy xem ra chẳng có gì nổi bật, thậm chí còn bị những kẻ là phàm nhân như Hê-rô-đê truy sát, phải lang thang nơi xứ người, bản thân phải đem vợ con trốn chui trốn lủi cả đêm và phả đi làm thuê làm mướn để nuôi gia đình… Liệu có khi nào thánh Giu-se khủng hoảng niềm tin với Đấng mà mình dưỡng dục hoặc nghi ngờ về người bạn đời là Mẹ Thiên Chúa không? Bởi tại sao Đấng là Con Thiên Chúa lại không ra tay can thiệp? Nếu là chúng ta, chúng ta thử đặt mình vào vị trí của thánh Giu-se, chúng ta có phàn nàn kêu trách Chúa và nghi ngờ về Người không?
Thánh Giu-se đã hoàn thành sứ mạng của một người chồng, người cha trong gia đình và đã đưa Chúa Giê-su và Đức Mẹ về nơi an toàn tại Na-za-rét để sống chung trong một gia đình thánh. Trong tư cách làm chồng, chúng ta được mời gọi sống theo gương thánh Giu-se yêu thương, giúp đỡ, bao bọc chở che cho vợ chứ không là người đánh đập hay đay nghiến vợ; luôn thương yêu và lo lắng cho gia đình luôn được êm ấm, và gặp khi thử thách cũng không kêu ca nản chí.
- Thánh Mẫu Maria – gương sáng cho các bà mẹ.
Mẹ Maria biểu lộ người vợ hiền luôn gắn bó và đồng hành với thánh Giu-se trên mọi nẻo đường. Khi cùng thánh Giu-se trở về quê quán làm sổ kiểm tra ở thành đô hay lúc phải trốn qua Ai Cập, lẫn khi trở về Na-za-rét, hoặc lúc lạc mất Chúa Giê-su ở đền thờ, Mẹ Maria cùng chung chia vui buồn sướng khổ với thánh Giu-se. Tình yêu biểu lộ qua sự tâm đầu ý hợp và sống nên một với nhau. Mẹ Maria cùng chung một niềm tin can trường trước những éo le của cuộc sống, Mẹ không oán thán hay nghi ngờ vì tại sao con mình là Chúa lại phải bách hại và gia đình phải lầm than cơ cực. Mẹ sống âm thầm xin vâng, lo lắng cho Chúa Giê-su được ngày càng lớn lên trong ân nghĩa.
Noi gương Mẹ Maria, những người vợ và là người mẹ công giáo, chúng ta cũng được Lời Chúa mời gọi biết phục tùng chồng trong yêu thương và tôn trọng nhau cho xứng với những người thuộc về Chúa. Đồng thời chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái nên người.
- Chúa Giê-su – gương sống cho những người con trong gia đình.
Trong gia đình Thánh Gia, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giê-su vẫn hoàn toàn chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa (x. Lc 2,49) và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình khi sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se (x. Lc 2,51). Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,40).
Như vậy, noi gương Chúa Giê-su, trong phận làm con, chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình. Sự hiếu kính đó không chỉ là điều hợp với lẽ phải, hợp với khao khát chính đáng của con người, nhưng còn là điều đẹp ý Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa muốn con cái thờ cha kính mẹ (x. Đnl 5,16). Bởi lòng hiếu thảo của con cái là quà tặng đẹp nhất dâng cho cha mẹ và được Chúa chúc lành.
Tóm lại, mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, mời gọi mọi người Công Giáo chúng ta sống thánh trong chức phận của mình cách cụ thể. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết vun đắp cho gia đình nên trong ấm ngoài êm, biết lo lắng, hy sinh, nhường nhịn và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,13).
Gia đình được ví như Hội Thánh tại gia, nơi ươm mầm tương lai cho Giáo Hội. Mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng cộng tác với nhau, xây dựng gia đình mình thành mái ấm tình thương, thành nơi chan chứa tình bác ái và yêu thương. Và sự yêu thương đó lan toả trên gia đình lối xóm và mọi nơi, để mọi người nhìn thấy Chúa đang hiện diện thực sự trong gia đình, mà ca ngợi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, gia đình được ví như Hội Thánh tại gia, nơi ươm mầm tương lai cho Giáo Hội. Xin cho mỗi thành viên trong các gia đình biết cùng cộng tác với nhau, xây dựng gia đình mình thành mái ấm tình thương, thành nơi chan chứa tình bác ái và yêu thương. Và sự yêu thương đó lan toả trên gia đình lối xóm và mọi nơi, để mọi người nhìn thấy Chúa đang hiện diện thực sự trong gia đình, mà ca ngợi Thiên Chúa. Amen.
Ngày 31 tháng 12
Bài hát “Nhật Ký Đời Tôi” của nhạc sĩ Thanh Sơn có đoạn nói về phút chạnh lòng nhìn lại cuộc đời: “Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không. Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi, trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi…”
Trong bối cảnh của ngày cuối năm Dương Lịch, chúng ta cũng có dịp nhìn lại suốt một năm qua với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình, giờ còn lại điều gì? Chúng ta đã thương ai và đã quên ai, chúng ta đã làm được gì cho Chúa và cho nhau… Hay tất cả chỉ còn là con số không?
Hôm nay cũng là ngày kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta cùng nhìn lại chúng ta đã sống với Chúa Hài Đồng như thế nào?
Để rồi, những gì chưa hay chưa phải thì chúng ta khắc phục, những gì tốt thì cố gắng phát huy. Nhưng làm sao để biện phân được đâu là điều dở và đâu là điều tốt? Chính Chúa Giêsu là Ngôi Lời và là Ánh Sáng thế gian sẽ hướng dẫn cho chúng ta. Đó là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay :
- Ngôi Lời là Ánh Sáng
Khác với triết học Hy Lạp đã đặt ra từ Ngôi Lời, và xem Ngôi Lời như một nhân vật ở giữa Thượng Đế và thế giới nhân loại. Chỉ duy nhất “Văn Chương Gioan” dùng từ Ngôi Lời để chỉ Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, là nguồn Sự Sống, đồng bản tính và quyền năng với Thiên Chúa, có từ nguyên thuỷ và sáng tạo muôn loài.
Tác giả Tin Mừng Gioan diễn tả Ngôi Lời là Ánh Sáng xuất phát từ Ánh Sáng là Thiên Chúa (mà trong Kinh Tin Kính Nice – Constantinophe chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ). Ngôi Lời giáng sinh làm cho bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Ánh sáng Ngôi Lời soi sáng kiếp người tăm tối và sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.
Ánh Sáng Ngôi Lời trước hết chiếu giãi trên “những người nghèo” và những người thiện chí như: đến với thánh Giuse, mẹ Maria, ba nhà đạo sĩ, các mục đồng.
Ánh Sáng Ngôi Lời đem đến niềm hy vọng cho những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng.
Ánh Sáng Ngôi Lời làm cho những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hy vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh khi họ “ra đi và kể lại…”
- Tin vào Ngôi Lời.
Thánh Gioan Tông đồ- người đã chiếm ngắm mầu nhiệm ấy đã diễn tả bằng một câu ngắn gọn: “Và Ngôi Lời đã thành xác phàm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người, Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.
Nhờ đó, Người muốn nói với con người rằng sự sống của con người là một giá trị thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm; mỗi người sinh ra trên thế gian này dù có xấu xa thấp hèn đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa. Bởi ai tin vào Người thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Chính do sự sung mãn của Người mà chúng ta nhận được ơn này tới ơn khác.
Như vậy, mỗi người chỉ có thể hiện hữu khi tháp nhập với Ngôi Lời là sự sống, chỉ nên tốt lành khi bước đi trong ánh sáng của Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, và chỉ trở thành con Thiên Chúa khi tin và tiếp nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người.
Lạy Chúa Giê-su Ngôi Lời nhập thể, xin tiếp tục nhập thể trong từng tâm tư, suy nghĩ hành động và cách cư xử của chúng con, để bằng lời nói cũng như bằng hành động chúng con cũng trở thành ánh sang dẫn đưa mọi người đang lầm bước trở về với Chúa. Amen.
Hiền Lâm