Papua New Guinea là một quốc gia có đa số Kitô hữu, gồm nhiều hệ phái Tin lành và có một tương quan phức tạp với các truyền thống và văn hoá có nguồn gốc từ Melanesia. Từ năm 2015, với mục đích sửa đổi hiến pháp, một số mục sư Tin lành đã tìm cách đưa ấn bản Kinh Thánh King James vào đặt trong phòng họp quốc hội ở Port Moresby. Giờ đây, chính những mục sư này đang xúi giục các chính trị gia địa phương tiến hành những thay đổi đối với hiến pháp năm 1975, nhưng không có sự tham gia chính thức của các Giáo hội địa phương, như Giáo hội Công giáo, là Giáo hội đại diện cho 27% dân số.
Nhận thấy việc làm này gây chia rẽ và không phù hợp với tinh thần đoàn kết của quốc gia, trong một lá thư gửi đến Chủ tịch Uỷ ban cải cách hiến pháp của nghị viện về một vấn đề liên quan đến cách nhìn tôn giáo ở quốc gia Châu Đại Dương, Đức Hồng Y John Ribat, Tổng Giám Mục Port Moresby, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô của đất nước; Đức cha Otto Separy, Chủ tịch Hội đồng Giám mục; và luật sư Paul Harrickmen, Chủ tịch Liên hiệp các chuyên gia Công giáo, đã bày tỏ sự phản đối của Giáo hội Công giáo đối với các đề xuất sửa đổi một số điều của hiến pháp đã được chính thức công bố trong những tuần qua.
Trong thư, các Giám mục cho rằng các điều khoản mới sẽ dẫn đến sự thay đổi bản chất của nhà nước. Đặc biệt việc đưa vào cụm từ “các nguyên tắc Kitô giáo” là một thực tế nguy hiểm và đáng lo ngại, vì che khuất và thậm chí xoá bỏ căn tính Melanesia của đất nước, thay vì nhìn nhận, cử hành và hoàn thiện căn tính này qua Tin Mừng Chúa Kitô. Những thay đổi ngay từ phần mở đầu đã có vấn đề, vì coi Chúa Ba Ngôi là nguồn của quyền lực chính trị, muốn đổi tên đất nước thành “Nhà nước độc lập và Kitô của Papua New Guinea” và áp đặt giữa “bổn phận xã hội” sự “tôn trọng, tuân thủ và thúc đẩy các nguyên tắc Kitô”.
Theo các Giám mục, toàn bộ cuộc cải cách hiến pháp không có sự tham vấn rộng rãi và minh bạch giữa các Giáo hội Kitô, dựa trên một tầm nhìn thần học thiểu số đưa ra một lời hứa sai và một niềm hy vọng trống rỗng về phúc lành và sự thịnh vượng trong việc có ấn bản Kinh Thánh King James trong quốc hội. Đây không phải là cách giúp mọi người thoát nghèo đói và thất nghiệp.
Thư cũng nhắc lại rằng các vấn đề đức tin và luân lý không thể bị luật pháp áp đặt, nhưng được khẳng định chỉ qua cuộc sống của mọi người. Điều cần thiết là một tiến trình giáo dục và phân định cần nhiều công sức, trong sự hài hoà và đoàn kết quốc gia, về những gì tốt nhất của văn hoá tổ tiên, từ các giá trị Kitô được các nhà truyền giáo đưa vào và từ sự tích cực mà thế giới hiện đại có thể cung cấp để xây dựng một Papua New Guinea vững chắc.
Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va