Trong khi nhiều bạn trẻ mơ có một công việc tốt đẹp và một kỳ nghỉ hè thú vị, Dilan Adamat lại có một chọn lựa khác. Là con của một cặp vợ chồng người Iraq định cư ở Pháp từ năm 1990, người trẻ này nuôi giấc mơ trở về quê hương từ hơn 10 năm. Cách đây 5 năm, vào năm 2019 anh đã trở về Iraq, cụ thể tại Ankawa, một ngôi làng Kitô giáo nhỏ ở ngoại ô Erbil.
Anh nói: “Lúc đầu, mọi người nghĩ đây là ý định nhất thời. Cha mẹ tôi không hiểu, hai người rời Iraq với mong muốn trao cho con cái một cuộc sống tốt hơn, và không nghĩ rằng tôi sẽ chọn con đường khác”.
Anh cho biết, định cư tại Pháp từ năm 1991, có cuộc sống ổn định, thỉnh thoảng gia đình ảnh trở lại quê hương trong những kỳ nghỉ. Và chính thời gian này đã làm nảy sinh nơi người trẻ một tình cảm sâu sắc với quê hương. Dilan nói thích Pháp nhưng anh mong muốn trở nên hữu ích cho Iraq.
Ý định trở về Iraq của anh không phải là một dự án viển vông, việc trở về của anh cần nhiều năm chuẩn bị. Là Kitô hữu người Canđê, tiếng mẹ đẻ là Aramaic, nhưng anh không nói được tiếng Ả Rập, cùng với tiếng Kurd là một trong hai ngôn ngữ chính ở Iraq. Trong thời gian học luật ở Nantes anh đã tham gia khoá học tiếng Ả Rập. Sau đó vào năm 2015 anh chuyển đến Paris làm việc cho một công ty luật để chuẩn bị cho dự án của mình.
Năm 2019, anh cảm thấy đã sẵn sàng ra đi đến Ankawa quê hương của mình, nơi có gần 50.000 Kitô hữu sinh sống. Dilan cho biết có thể tìm được một cuộc sống thoải mái ở Pháp, nhưng chính nhờ sống ở quê hương mà anh cảm thấy mình được lớn lên mạnh mẽ. Niềm tin nơi Chúa đã giúp anh chọn phục vụ thay vì sở hữu.
Từ khi đến Iraq, Dilan làm việc cho một công ty tư vấn của Giáo hội Hoa Kỳ. Theo anh, điều quan trọng không phải là lợi nhuận hay sự nghiệp nhưng là làm ở đây anh có cơ hội phục vụ người khác. Không chỉ dừng lại định cư ở Iraq anh còn muốn phục vụ người dân ở đây.
Từ tham vọng này nảy sinh một dự án: tạo ra một tổ chức phi chính phủ để giúp người di cư Iraq, đặc biệt các Kitô hữu tái định cư trong nước. Nếu vào năm 2003, ở đất nước này có 1,4 triệu Kitô hữu, hiện nay chỉ có khoảng 150.000 đến 400.000 người. Theo Dilan, tình hình rất khẩn cấp. Đó sẽ là một thảm kịch cho đất nước, bởi vì theo cái nhìn lịch sử, các Kitô hữu ở đây là thành phần trở lại đầu tiên.
Với mong muốn cho đất nước, nhưng cũng cho Kitô giáo không biến mất khỏi cái nôi nguồn gốc, vào năm 2023, anh đã tạo ra tổ chức “The Return”, đồng hành và tư vấn cho những ai có ý định thực hiện một cuộc trở về Iraq. Hiệp hội được quản lý bởi người trẻ Dilan và một số tình nguyện viên ở Iraq và Pháp. Những người tham gia rất đa dạng. Có những gia đình đã rời Iraq từ 10 đến 15 năm, hoặc những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba. Tuỳ trường hợp và nhu cầu mà hội giúp đỡ. Một số cần khoá học tiếng Iraq, những người khác cần học việc để tìm việc làm, một số khác cần giúp thủ tục hành chính để nhập quốc tịch.
Hiện nay, hiệp hội đang giúp cho khoảng 50 người tiên phong trở lại Iraq. Ngay cả khi người Iraq tiếp tục rời đất nước, Dilan tin rằng phong trào trở về có thể thực hiện được. Anh nói: “Sự ra đi của những người khác là một bi kịch cho những người ở lại, mỗi người trẻ ở lại là một chiến thắng và chúng tôi muốn chỉ cho mọi người thấy ở đây có tương lai. Tình hình ở Iraq đã khá hơn, mặc dù vẫn còn những vấn đề. Nhiều người mong muốn thoát ra khỏi hậu quả chiến tranh và xây dựng tương lai. Đưa những người đã rời đất nước trở lại và làm cho những người khác ở lại là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng tôi tin có thể thực hiện. Nhiệm vụ của chúng tôi là mang lại hy vọng. Mặc dù khó khăn nhưng mọi người vẫn đặt ra vấn đề trở lại, và vai trò hàng ngày của tôi là nhắc nhở họ rằng chúng ta có thể là những tác nhân tương lai của chính chúng ta”.
Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va