Lễ Chúa Chịu Phép Rửa Năm A

 

Sứ vụ mới

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới.

Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật và rao giảng công khai. Sau 30 năm sống âm thầm với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cũng là gạch nối giữa hai mùa: Giáng sinh và Thường niên. Giáo Hội đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng Sinh và Hiển Linh. Hôm nay Chúa nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Người qua các biến cố của đời rao giảng.

1. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Khởi đầu cuộc sống công khai, lúc đã 30 tuổi, tức là đã trưởng thành trọn vẹn như người Á Đông vẫn quan niệm “tam thập nhi lập”, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.

Tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Để “chu toàn thánh ý Thiên Chúa” (Mt 3,15), Chúa Giêsu tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, dành cho những người tội lỗi. Cử chỉ này cho thấy Chúa Giêsu đã đi vào mầu nhiệm “tự hạ” (Pl 2,7). Chúa Thánh Thần xưa kia đã bay là là trên mặt nước trong cuộc sáng tạo thứ nhất, nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của bản giao hưởng sáng tạo mới, và Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu là “Con Chí Ái” của Ngài (Mt 3,16-17).

Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã khơi nguồn Bí tích Rửa Tội cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giêrusalem như “một Phép Rửa” Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể là những Bí tích ban sự sống mới (x.1 Ga 5,6-8); từ giây phút ấy, chúng ta có thể “sinh ra nhờ nước và Thánh Thần” để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).

Bí tích Rửa Tội là cánh cửa phân chia tách bạch đời sống, một đàng là khép lại quá khứ của bóng tối, tội lỗi, chết chóc, và đàng khác là mở ra tương lai của ánh sáng, thánh ân, sự sống. Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu rỗi, nên Bí tích này cũng là khởi đầu cho một sự hiện diện mới: từ kẻ ngoại đạo trở thành người đã tòng giáo; từ một lương dân trở nên tín hữu; từ kẻ xa lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa. Quả là một hồng ân vô cùng lớn lao cho những ai đón nhận trong lòng tin.

2. Ân Sủng của Bí tích Rửa Tội
Khi ban Bí tích Rửa Tội, Thừa tác viên Giáo Hội đổ nước trên đầu thụ nhân và đọc công thức “Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đơn giản trong cung cách cử hành, nhưng hiệu quả ơn thánh lại phong phú bội phần. Bằng những hình ảnh do Thánh Kinh gợi ý, người ta trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Con người mới chính là con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống.

Bí tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi Bí tích khác. Nhờ Bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLHTCG 1213). Bí tích Rửa Tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLHTCG 263). Như vậy, có hai hiệu quả chính yếu của Bí tích Rửa Tội là thanh luyện tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Gl 3,5).

a. Được tha thứ tội lỗi

Nhờ Bí tích Rửa Tội, mọi tội lỗi đều được tha : nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (x. DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.

Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như : đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối… và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là vật dục hay nói bóng bẩy là “cái nôi của tội”. “Thiên Chúa để vật dục lại cho chúng ta chiến đấu. Vật dục không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô. Hơn nữa, “không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2,5) (x. CĐ Trentô: DS 1515).

b. “Trở nên thụ tạo mới”

Bí tích Rửa Tội không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1 Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1 Cr 6,19).

Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó :
– Có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần.
– Có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân.
– Ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.

Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí tích Rửa Tội.
Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô, “bởi thế, chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25). Bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Dân Thiên Chúa của Giao Ước Mới phát sinh từ giếng rửa tội. Dân này vượt trên mọi ranh giới tự nhiên hay nhân trần, quốc gia, văn hóa, chủng tộc và giới tính. “Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13).

Những người đã được rửa tội trở nên “những viên đá sống động… để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh” (1 Pr 2,5). Nhờ Bí tích Rửa Tội, họ tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người : “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền” (2 Pr 2,9).

Bí tích Rửa Tội cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa. Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ “không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (1 Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (x. Ep 5,21; 1 Cr 16,15-16) và phục vụ nhau (x. Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (x. Dt 13,17) với lòng kính trọng và quý mến (x. 1 Tx 5,12-13). Bí tích Rửa Tội đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh : được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng (x. LG 37).

3. Đón nhận một sứ vụ mới 
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô,vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với cuộc sống công khai, chính thức rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng. Lời Người nói là Lời chân lý khai quang tâm hồn, dẫn người người về đường ngay nẻo chính Nước Trời, và việc Người làm là việc giải thoát đem lại ơn cứu rỗi, đưa toàn thể nhân loại vào trong tình nghĩa thiết ngàn đời với Thiên Chúa tình thương. Chúa Giêsu khai mở kỷ nguyên cứu rỗi.

Thánh Phaolô gọi Bí tích Rửa Tội là tắm trong Chúa Thánh Thần, để được tái sinh và đổi mới (x. Tt 3,5). Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh (x. LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x. LG 17; AG 7,23). Thánh Giúttinô gọi Bí tích Rửa Tội là ơn soi sáng, vì những người được đạo lý giáo huấn thì tâm trí được soi sáng. Người chịu phép rửa, vì đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “đã được soi sáng” (Dt 10,32), họ trở thành “con cái sự sáng” (1 Tx 5,5) và là “ánh sáng” (Ep 5,8).

“Bí tích Rửa Tội là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa… Chúng ta gọi là hồng ân, ân sủng, xức dầu, soi sáng, mặc lấy sự bất tử, tắm để tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Là hồng ân, vì được ban cho những người trắng tay. Là ân sủng, vì được ban cho cả những người có lỗi. Dìm xuống, vì tội lỗi bị nhận chìm trong nước. Xức dầu, vì có tính cách linh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu). Soi sáng, vì đó là ánh sáng chói lọi. Mặc, vì che đi nỗi tủi nhục của chúng ta. Tắm, vì làm cho chúng ta sạch. Ấn tín, vì gìn giữ chúng ta và là dấu chỉ về quyền tối cao của Thiên Chúa” (Thánh Ghêgôriô Nadien, Bài giảng 40,3-4).

Nhờ Bí tích Rửa Tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.

Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.

Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Chúa chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá
Phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau.

Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, Phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Cv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và tượng trưng cho toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám : ” Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta” (Mt 3, 17). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy trường hợp tương tự diễn ra tại biến cố Chúa Biến Hình.

Câu hỏi được đặt ra trước hết là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien cho biết : “Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo”. Nên dù Gioan đã can ngăn : “Chính tôi phải được Ngài rửa“, đó là đèn nói với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể nói với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà nói với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ nói với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai nói với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo (Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu  thì : “Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gioan đóng vai Đức Kitô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát“.

Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người (Mt 3,17). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra : “Đức Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra ” (Mt 3, 16).

Tại sao các tầng trời lại mở ra sau khi Chúa Giêsu bước lên khỏi nước?
Chúa Giê-su bước lên khỏi nước lúc ấy các tầng trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Ngài. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính Ađam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ… Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.

Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình một con chim bồ câu mà hiện xuống?
Lý do là vì chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình. Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự kiện chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước khi trái đất bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ôliu xuất hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng thủy, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa… Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn phải chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.

Lời ngôn sứ nói : “Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét” (Tv 28). Tiếng nào vậy ? “Đây là Con yêu dấu của Ta; Con đẹp lòng Ta” (Mt 3, 17). Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác.

Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: “Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần” (Tiền xướng của Kinh Benedictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Amen.

Sưu tầm

https://muoiman.net/index.php/vi/news/SUY-NIEM-LOI-CHUA/Loi-Chua-va-cac-bai-suy-niem-Chua-nhat-le-Chua-Gie-su-chiu-phep-rua-2066/

 

  

KHIÊM TÔN VÂNG PHỤC NHƯ CON THẢO CỦA THIÊN CHÚA

 HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mt 3,13-17.

(13) Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”. (15) Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. (16) Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (17) Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

  1. Ý CHÍNH:

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, và cũng là ngày khởi đầu Mùa Quanh Năm. Tin Mừng Mát-thêu cho thấy: Đức Giê-su khởi đầu cuộc sống công khai bằng việc từ Ga-li-lê xuống miền Giu-đê và đến sông Gio-đan để xin ông Gio-an làm phép rửa cho. Ngay từ ban đầu Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên không dám rửa cho Người. Nhưng sau khi biết là thánh ý Chúa Cha, thì Gio-an đã vâng lời làm phép rửa cho Người. Khi Đức Giê-su vừa từ dưới mặt nước trồi lên, thì một cuộc Thần hiện đã xảy ra: Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên Người, và có tiếng Chúa Cha xác nhận Người chính là Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 13-14: + Từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan: Từ miền Ga-li-lê cụ thể là Na-da-rét (x. Mt 2,23), Đức Giê-su đến sông Gio-đan ở vùng Bê-ta-ni-a cách thành Giê-ri-cô không bao xa, để xin Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho. Người tự nguyện đến chứ không phải do lương tâm thúc bách chịu để xin ơn tha tội như người Do thái, vì Người là Đấng thánh thiện và vô tội. + Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !: Nói câu này, có lẽ Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà ông rao giảng sắp đến (x Mt 3,11).

– C 15: + Bây giờ cứ thế đã: Bây giờ Gio-an hãy cứ làm phép rửa cho Người. + Vì chúng ta nên làm như vậy: Đức Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để được Thiên Chúa xác nhận sứ mệnh Thiên Sai (x. Lc 7,29-30). + Để giữ trọn đức công chính: Giữ trọn hay chu toàn bổn phận. Có thi hành ý muốn của Chúa Cha là chịu phép rửa, thì Đức Giê-su mới thiết lập được nền công chính mới (x. Mt 5,20) và kiện toàn Luật Mô-sê (x. Mt 5,17).

HỎI: Phép rửa của Gio-an là một nghi thức biểu lộ lòng sám hối của các hối nhân. Vậy Đức Giê-su là Đấng thánh thiện trong sạch vô cùng, thì sao phải chịu phép rửa ấy ?

ĐÁP:

Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta chỉ được trả lời một cách lờ mờ qua câu nói của Đức Giê-su với Gio-an: Đó là để “giữ trọn đức công chính”, nghĩa là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Sau đây là một số lý do khiến Đức Giê-su đến xin Gio-an làm phép rửa cho:

– Một là để đền tội thay cho dân: Tuy hoàn toàn vô tội, nhưng Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an là để tỏ lòng sám hối thay cho dân, giống như ông Mô-sê thời kỳ Xuất Hành đã tỏ lòng sám hối để xin Đức Chúa tha tội cho dân đã phạm tội tôn thờ bò vàng (x. Xh 32,31-32). Sau này Đức Giê-su sẽ còn chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho dân đúng như thượng tế Cai-pha đã nói tiên tri trong thượng hội đồng Do thái như sau: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).

– Hai là để hòa đồng với các tội nhân: Với tư cách là Đấng cứu thế, Đức Giê-su đã khiêm tốn hòa mình với các tội nhân đang chờ được chịu phép rửa của Gio-an, trái với thói kiêu căng của người Pha-ri-sêu luôn tách biệt ra khỏi đám đông dân chúng mà họ cho là tội lỗi, như trong dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: “Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình cầu nguyện” (Lc 18,11).

– Ba là để tiên báo về bí tích rửa tội Đức Giê-su sắp thiết lập, là hình bóng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh: Phép rửa của Gio-an tiên báo về bí tích rửa tội do Đức Giê-su ra lệnh cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Việc chịu phép rửa tội chính là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,5), và là hình ảnh của mầu nhiệm chết và sống lại : “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50).

– C 16-17: + Các tầng trời mở ra: Hiện tượng trời mở ra nhắc đến lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan” (Is 63,19). Sấm ngôn này hôm nay đã ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: đất trời được giao hòa với nhau (x. Cv 7,56) và Thiên Chúa tiếp tục mặc khải cho dân Người (x. Ed 1,1). + Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người: Câu này nhắc lại cuộc tạo thành ban đầu (x. St 1,2). Ở đây báo hiệu một cuộc tạo dựng mới đang được thực hiện. Tác giả sách Sáng Thế đã diễn tả Thần Khí Đức Chúa bay là là trên mặt nước để ban sự sống cho nước, giống như chim bồ câu mẹ bay chập chờn trên bầy chim con (x. St 1,2). Thần Khí ngự trên Đức Giê-su để xức dầu thiêng liêng cho Người (x. Cv 10,38) hầu tấn phong Người làm Đấng Mê-si-a (x. Is 11,2). + “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”: Sau khi Đức Giê-su đã vâng phục Chúa Cha để đến xin chịu phép rửa của ông Gio-an, thì Chúa Cha đã giới thiệu Người là Con yêu dấu trước mặt những người hiện diện. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nhiều lần đã gọi Đấng Thiên Sai và dân Ít-ra-en là Con yêu của Ngài: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con” (Tv 2,7). “Này là Tôi Tớ của Ta mà Ta nâng đỡ, tuyển nhân mà Ta sủng mộ, Ta ban Thần Khí Ta trên Người” (Is 42,1). “Từ Ai-cập, Ta đã gọi Con Ta về” (Hs 11,1). Qua câu này, Tin Mừng Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và là Con yêu luôn làm hài lòng Thiên Chúa, vì Người luôn khiêm tốn và vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

  1. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su là Đấng thánh thiện mà đến chịu phép rửa sám hối của Gio-an làm chi ? 2) Câu “Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” có nghĩa thế nào ? 3) Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường gọi những ai là “con yêu” của Ngài ?

 SỐNG LỜI CHÚA:

  1. LỜI CHÚA: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” (Mt 3,14).
  2. CÂU CHUYỆN: “TRÈO CAO TÉ ĐAU”

Trong kho tàng truyện thần thoại Hy-lạp, có một câu chuyện về hai cha con nhà kia. Người cha tên là I-đam và con là I-ka. I-đam là một kiến trúc sư kiêm nghề điêu khắc. Chính ông đã được nhà vua trao nhiệm vụ xây một bát quái đồ để giam giữ một con quái vật đầu người mình thú rất hung dữ, hầu bảo vệ dân lành khỏi bị nó giết hại. Nhưng về sau, do hiểu lầm hai cha con I-đam và I-ka có âm mưu làm loạn, nên vua Mi-nos đã hạ lệnh tống giam cả hai vào bát quái đồ đó. Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”: Trong lúc bị giam cầm, hai cha con này đã tìm ra cách trốn thoát bằng cánh chim bay lên cao. Họ đã dùng sáp ong nối nhiều lông chim lại thành hai bộ cánh chim và đã thoát ra khỏi nhà tù qua một lổ nhỏ trên mái. Quá phấn khởi trước thành công bất ngờ, anh con trai càng lúc càng bay lên cao, bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo khẩn thiết của cha mình. Khi bay cao gần đến mặt trời, thì sáp dính các lông chim trên đôi cánh bay bị nóng quá tan chảy ra và anh con trai đã rơi từ độ cao xuống đất chết tan xác.

Chính thói kiêu hãnh về sự thành công đã làm cho người con trai không vâng lời cha, nên cuối cùng đã bị rơi xuống đất chết thảm. Ngày nay, sự kiêu ngạo cũng làm cho người ta coi thường và bỏ ngoài tai những lời khuyên can khôn ngoan đầy kinh nghiệm của các bậc cha bác, thầy cô giáo và những bậc cao niên. Nếu mỗi người chúng ta chỉ lo chiều theo các đam mê ích kỷ của mình, thì chắc chắn sẽ phải chuốc lấy thất bại đau thương.

  1. SUY NIỆM:

1) Gương khiêm tốn của Gio-an Tẩy Giả: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”:

Vào năm 30 trước Công Nguyên, Gioan Tẩy giả đã xuất hiện tại sông Gio-đan, ăn mặc như ngôn sứ Ê-li-a (x. Mt 3,4), rao giảng cùng một sứ điệp về sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa như Ê-li-a, đồng thời Gio-an đã kêu gọi mọi người: «Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2). Ông còn làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối để chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Cv 19,4). Gio-an cũng khiêm tốn khi nói về vai trò và sứ mạng của Đấng Thiên Sai như sau: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa» (3,11). Còn chúng ta hôm nay: Chúng ta có biết nhận trách nhiêm những thất bại xảy ra để noi gương khiêm tốn của thánh Gio-an không ?

2) “Giữ trọn đức công chính” là vâng phục thánh ý Thiên Chúa:

Khi Đức Giê-su đến xếp hàng xin chịu phép rửa tại sông Gio-đan, ông Gio-an đã thưa với Người rằng: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”. Rồi khi nghe Đức Giê-su nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15), thì Gio-an đã làm phép rửa cho Người. Như vậy “Giữ trọn đức công chính” là vâng lời để làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Về sau, thánh Phao-lô cũng dạy về sự khiêm nhường vâng phục của Chúa Giê-su như sau: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Sự vâng lời ấy thể hiện qua việc Người xin chịu phép rửa dìm mình trong dòng sông Gio-đan, biểu tượng cuộc tử nạn và phục sinh của Người lúc cuối đời. Phao-lô viết tiếp: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-11). Qua đó, Phao-lô dạy các tín hữu phải noi gương Đức Giê-su “giữ trọn đức công chính” bằng việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Còn chúng ta hôm nay hãy năng cầu nguyện với Chúa Giê-su như tông đồ Phao-lô sau khi bị té ngựa ở cửa thành Đa-mát : “Lạy Chúa, con phải làm gì ?” (Cv 22,10).

3) Phải ứng xử thế nào để nên con thảo của Thiên Chúa? : Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong và từ dưới nước trồi lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Ngày nay muốn được Thiên Chúa thừa nhận là con yêu dấu như đã xác nhận Đức Giê-su, chúng ta cần có lối ứng xử khiêm tốn cụ thể như sau:

– Khiêm tốn nhận lỗi mỗi khi được người khác góp ý: Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đều sai lỗi, nhưng chúng ta thường giả hình che đậy để được người khác đánh giá tốt về mình. Khi bị người khác phê bình chỉ trích, chúng ta thường bực tức và thù ghét kẻ dám phê phán nói xấu ta. Khi bị thất bại hay có sự cố bất lợi, ít khi chúng ta nhận sai sót, mà thường hay đổ lỗi cho người dưới hay hoàn cảnh. Mỗi người nên ý thức rằng: thái độ khiêm tốn nhận lỗi và thành tâm sửa sai sẽ giúp chúng ta nên hoàn thiện hơn và gây được thiện cảm với người khác là điều kiện để mọi việc làm được thành công.

– Khiêm tốn bỏ qua những điều nhỏ mọn: Khi thấy người dưới sai lỗi không nghiêm trọng, chỉ nên nhẹ nhàng nhắc bảo với lòng bao dung nhân hậu. Tránh hay rầy la to tiếng làm mất sự bình an và tình đoàn kết nội bộ .

– Cần khiêm tốn sửa lỗi cho tha nhân theo lời Chúa dạy: Việc sửa lỗi phài do tình thương chứ không do ác cảm thù ghét. Muốn sửa lỗi cho tha nhân cách hiệu quả cần tiến hành cách khôn khéo từng bước theo lời Chúa dạy như sau: Một là phải âm thầm gặp riêng người có lỗi để tránh cho họ bị mất tiếng tốt. Hai là phải tế nhị rào trước đón sau để chuẩn bị tinh thần giúp kẻ có lỗi sẵn sàng lắng nghe. Ba là phài nhẫn nại chờ đợi và tránh thái độ nóng vội. Chỉ nên đưa ra cộng đoàn xử lý nghiêm nếu kẻ kia cố chấp không chịu sám hối và trong những trường hợp lỗi lầm của họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đoàn nếu không kịp thời chấn chỉnh (x. Mt 18,15-17).

  1. THẢO LUẬN:

1) Thế nào là nhân đức khiêm nhường ? Đối lập với đức khiêm nhường là thói xấu nào ? 2) Cuộc đời của Đức Giê-su là một chuỗi những hành động khiêm nhường thể hiện qua hành đông vâng phục ý Chúa Cha và phục vụ tha nhân. Vậy bạn sẽ làm gì để thực tập khiêm nhường trong quan hệ với tha nhân noi gương Đức Giê-su ?

  1. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con luôn biết điều chỉnh cách suy nghĩ nói năng và hành động, cho phù hợp với gương khiêm tốn và vâng phục ý Thiên Chúa noi gương Chúa xưa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để tránh ảo tưởng về mình, biết thành thật để khỏi tự dối lòng mình. Ước gì chúng con biết luôn sám hối và hoán cải, sám hối bằng hành động hơn bằng môi miệng. Xin cho chúng con biết chấp nhận để Lời Chúa tỉa sạch những thói hư, nhất là tránh tự đề cao mình và khinh thường tha nhân. Xin cho chúng con biết ứng xử khiêm tốn .

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube