“Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô.” (Đức Cha Lambert, Ts 31)
Người nữ tu Mến Thánh Giá đi theo linh đạo của Đức Cha Lambert de la Motte, thể hiện tinh thần tông đồ là trở nên cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô. Điều đó đỏi hỏi nơi người nữ tu Mến Thánh Giá tự đồng hoá mình với Đức Kitô và gắn bó với Giáo hội địa phương.
Theo quan niệm của Đức Cha Lambert, người tông đồ là người tự đồng hoá mình với Đức Kitô để tiếp nối sứ mạng và hoàn tất sứ mạng cứu rỗi của Người (HC 69,5-6). Đó là tinh thần sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa và luôn mang trong mình thao thức cứu rỗi các linh hồn. Lời Chúa Giêsu tâm sự, “Thày đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49), Chị nữ tu MTG trước tiên phải làm cho lửa mến Chúa bừng cháy lên trong chính cõi lòng mình. Chúa Giêsu là tình yêu từ trời xuống và được trao ban cho nhân loại. Tình yêu ấy có được lớn lên và phát triển hơn hay không là do tâm lòng của người đón nhận và nuôi dưỡng nó. Mang trong mình ơn gọi và tên gọi Mến Thánh Giá, chị nữ tu MTG thấm nhuần thế nào là trở nên cánh tay hữu hình của Đức Kitô để chính Ngài vẫn còn tiếp tục trao ban tình yêu của Ngài cho thế giới. Chị phải không ngừng ấp ủ và nuôi dưỡng tình yêu ấy cho mình, vì tình yêu không thể tồn tại nếu nó không được nuôi dưỡng. Chị tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô ở trần gian là trao ban tình yêu. Chị trao ban và chia sẻ tình yêu Thiên Chúa cho người khác thế nào được nếu chính Chị chưa một lần cảm nghiệm tình yêu nhưng không từ Thiên Chúa dành cho Chị, vì “không ai cho cái mình không có”. Khi ngọn lửa tình yêu Chúa bừng cháy trong tâm hồn Chi, Chị sẽ trở nên cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Cứu Thế nơi Chị đang sống và phục vụ là Giáo hội địa phương.
Chị nữ tu Mến Thánh Giá trở nên người tông đồ giữa lòng Giáo hội địa phương qua các công việc mục vụ của Chị tại các giáo xứ. Mỗi giáo xứ đều là hình ảnh thu nhỏ của Giáo hội và mang những sắc thái riêng. Theo Cha Scott Traymor, trong cuốn sách “Giáo xứ như là trường học của sự cầu nguyện”[i], thì mỗi cha xứ đều được giáo dân mong chờ là chuyên gia của đời sống thiêng liêng, để có thể hướng dẫn giáo dân của mình. Cũng vậy, Chị nữ tu MTG cộng tác với giáo hội địa phương cũng phải trở nên những chuyên gia của đời sống cầu nguyện, qua đó công việc đồng hành của Chị trong các việc mục vụ tại giáo xứ ắt hẳn sẽ sinh hoa trái. Những công việc Chị làm tại giáo xứ, ai đó cũng có thể làm được, nhưng cái người khác không thể thay thế được, đó chính là chứng tá đời sống thánh hiến với 3 lời khuyên Phúc Âm. Chính các lời khuyên Phúc Âm ấy là ngọn đèn hướng dẫn Chị trong các công việc mục vụ, giúp Chị đến với anh chị em mình với thái độ kính trọng, hiền hoà, khiêm nhu và rao giảng Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh không chỉ bằng lời nói nhưng bằng công việc thiết thực (HC 69,9). Khi ấy, “lửa” Đức Giêsu đã ném vào thế gian, sẽ “bùng lên” lửa tình yêu qua tinh thần yêu mến, hy sinh và phục vụ.
Các công việc mục vụ tại Giáo xứ như việc dạy giáo lý, hướng dẫn anh chị em tân tòng, chuẩn bị bí hôn phối cho các bạn trẻ, đồng hành với anh chị em ca đoàn chuẩn bị cho Phụng vụ Thánh Lễ, thăm viếng bệnh nhân hay tiếp cận cộng đồng, v.v… tất cả đều cần nơi người tông đồ một tình yêu mạnh mẽ với Đức Kitô, cần được nuôi dưỡng hằng ngày để có thể kiên trì trong thử thách. Và khi trở về với căn nhà nội tâm của mình sau một ngày phục vụ, người tông đồ sẽ chỉ có một câu nói mà thôi, “Con chỉ là đầy tớ vô dụng; con đã làm điều bổn phận con phải làm” (x. Lc 17, 10).
Maria Dinh
[i] Father Scott Traynor, The Parish as a School of Prayer, February 1, 2013